Nghệ sĩ của rừng

Thứ Hai, 02/01/2023 00:07

. NGUYÊN PHƯƠNG

Trong tập bút kí Các bạn tôi ở trên ấy (Nxb Trẻ, 2013, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cùng năm), hơn một lần Nguyên Ngọc viết một cách đầy trân trọng về Georges Condominas, nhà dân tộc học người Pháp, người đã sống cuộc sống như một công dân M’Nông Gar đích thực ở cái làng nhỏ Sar Luk dưới chân dãy núi Chư Yang Sin, bên bờ con sông Krông Nô hùng vĩ, hoang vắng. Theo đó, Georges Condominas “vừa vẫn là nhà dân tộc học đương nhiên để mà làm công việc khoa học của mình, vừa cố gắng cao nhất tự đánh mất tư cách đó đi, tự đánh chìm mình sâu nhất trong môi trường thật của cuộc sống mà mình muốn nghiên cứu, sống thật với nó cho đến cùng” (tr.209), là người đã phát hiện sự “kì lạ mỗi ngày” (cũng là tên một trong số các cuốn sách nổi tiếng của Georges Condominas về Tây Nguyên) trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên.

Cũng như Georges Condominas, đến lượt mình, Nguyên Ngọc đã cố gắng phát hiện và lí giải tính chất “kì lạ” của Tây Nguyên bằng sự say đắm của người yêu Tây Nguyên như máu thịt và góc nhìn tỉnh táo của người thấu đáo về dân tộc học qua 24 bài bút kí trong tập sách Các bạn tôi ở trên ấy. Ông đã nhìn qua được “hình tướng” của Tây Nguyên (nhà rông, rượu cần, cồng chiêng, thổ cẩm...) để thấy được cái bên trong của một sắc dân - hồn cốt làm nên sự kì lạ mỗi ngày kia, những người mà suy nghĩ về sáng tạo và hưởng thụ của họ đi quá xa đám đông mang danh hiện đại (đa phần là thực dụng và nô lệ cho đủ thứ) như là hiện thân của một kiểu nghệ sĩ tài tử, giang hồ.

Điều chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của con người “ở trên ấy” chính là quan niệm sống. Nó ngược hẳn với những điều mà chúng ta thường phải nằm lòng như “Lao động là vinh quang” hoặc “Giá trị cao nhất của con người là lao động”. Nói như nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes từng đến Tây Nguyên trong tư cách nhà truyền đạo và bị Tây Nguyên “bỏ bùa” mà “quy y” Tây Nguyên thì “Đối với người Gia Rai lao động không phải là một giá trị”. Họ chỉ làm vừa đủ ăn, thiếu chút cũng được, để dành thời gian mà đi chơi, mà lang thang, ngao du và yêu đương. Chơi là tiêu chí hàng đầu. Chơi và vui sống mới là mục đích cao nhất trong cái khúc đoạn trần thế này. Người ta xa lạ với loay hoay, tính toán thiệt hơn, yêu thích sự tình cờ, phó mình cho sự tình cờ vì đinh ninh “Cái tình cờ bao giờ cũng hay hơn cái sắp đặt” (tr.28). Họ chơi quanh năm, phiêu bạt như ngọn gió, vui thì đến, thích thì ở, chán thì đi. Nếu tạt vào một làng nào đó tìm người bạn là dân bản địa, bạn sẽ nghe được câu nói với sắc thái vô cùng bình thản “Nó đi chơi rồi” từ người phụ nữ trong nhà. May thay, khi máu giang hồ trong người đàn ông trỗi dậy, đẩy họ rời nhà lang thang trong rừng hay la cà với bè bạn hàng tháng, những người đàn bà của họ trong huyết quản vốn đặc quánh ý thức mẫu hệ, đầy bao dung đã không bao giờ băn khoăn: Đi chơi thôi, sao còn hỏi đi đâu? Bao giờ muốn thì về, sao phải gọi, phải lo? Vậy mới có những A Bốc ở cheo leo Mường Hon, ngày cuối năm đi mua rượu ăn tết mà cả tháng rưỡi mới về. Lần khác, cũng mua rượu ở huyện lị Đăk Glei mất tận ba tháng. Ông Núp dẫn nhà văn đi Stơr hoàn toàn không theo lịch trình. Đi thấy hay thì dừng, có rượu ngon và có người nói chuyện thì ở thêm, núi lở vì mưa lớn thì quành đường khác mà đi. Một vài ngày mà thành vài ba tuần. Lí do cũng cực kì ngẫu hứng: gặp bạn cũ, kết được thêm bạn mới vì ngoài thần linh ra bạn là cao quý, thiêng liêng nhất trên đời. Mà đôi khi chẳng vì bạn bè nào cả, cũng đột ngột mất tích hàng mấy tháng trời, đơn giản là được lang thang một mình trong rừng, không phải với con người mà với cỏ cây, muông thú... như một nhu cầu sâu thẳm trong xương tủy thỉnh thoảng đột ngột thức dậy. “Đòi hỏi sinh học sâu thẳm ấy, sao lại ngăn, mà làm sao ngăn” (tr.131). Ai rành tính cách người Tây Nguyên tuyệt không thắc mắc. Họ chơi cả trong đời sống và khi làm nghệ thuật.

Hãy bắt đầu bằng một đêm kể sử thi của làng, một kiểu diễn xướng luôn đẫm tính truyền nối và sáng tạo. Cả làng tụ lại trong nhà rông bên ché rượu cần, quanh bếp lửa. Đang rì rầm trò chuyện và lơ mơ say, chỉ cần một tín hiệu quy ước người ta đã “tỉnh” ngay lập tức và dần nhập mình vào thế giới không gian, thời gian vô tận trong sử thi lúc nào không biết. Nhân vật sử thi, không gian sử thi thường hiện diện qua giọng nói, hình hài, động tác uyển chuyển, sống động của già làng râu tóc, thần thái, trang phục đẹp như một dũng sĩ Tây Nguyên xưa. “Giọng ông già ngân nga, trầm bổng, một điệu nhạc đều đều, đôi khi hơi cất lên một thoảng, lại chùng xuống đều đều, đến buồn tẻ, nhưng rồi bỗng đột ngột vút lên, cao vọi, đến ngút hơi, và cũng đột ngột như vậy lại trầm xuống đến thì thầm” (tr.18). Cùng với giọng kể không còn là kể ấy là sự hỗ trợ bằng chuyển động phong phú liên tục từ gương mặt đến hình thể. Người kể không chỉ kể một đêm mà nhiều đêm, phải hát kể đến tận cùng và người nghe cũng phải nghe theo đến tận cùng. Bởi nhân vật sử thi như chính con người trong cuộc đời này bao giờ cũng phải đi hết số phận mình, khắc nghiệt đến mấy cũng phải đi đến tận cùng. Và người kể bên đống lửa nhà rông, giữa bốn bề lặng phắc người nghe, với đôi mắt nhắm nghiền, tâm trí đã lênh đênh đâu đó ở tận thảo nguyên xa xôi, cánh rừng hoang vu vang lên tiếng mang tác. Lúc ấy người kể không còn là họ nữa mà được thần linh chọn mặt, tách hẳn hiện tại mà nhả lời, mà diễn xướng như “ma nhập”... Người nghe, tự nhiên như không, luôn là những tri âm xuất sắc. Có những khoảng lặng như sự trắc trở, thử thách mà nhân vật phải trải qua, người nghe vẫn lặng chờ, không sốt ruột, không tưởng lầm rằng mọi sự đã kết thúc, hệt ứng xử của những người rành thưởng thức nhạc giao hưởng đang trân trọng chờ hồi mới. “Lối hòa nhịp như được truyền nối từ hồi Đăm Noi xa lắc đến cậu bé đang gà gật trên lưng mẹ đêm nay trong góc tối nhà rông thăm thẳm cổ xưa và tươi rói hôm nay” (tr.23). Con người cùng một lúc có khả năng sống trong cả hai không gian, thời gian thực và ảo, không phải song song mà nhập làm một. Người kể không kể sử thi mà sống sử thi. Người nghe nghe cả hàng trăm hàng nghìn lần mà lần nào cũng mới, cũng lạ, cũng như lần đầu. Cũng như thế người ta chơi k’lông pút nguyên gốc theo kiểu độc nhất vô nhị (hoàn toàn không phải kiểu trình diễn trên sân khấu mà ta đã quá quen). Nhạc cụ không phải là dãy ống tre được sắp hàng song song, nhẵn nhụi và đều tăm tắp mà không hề có trật tự cố định nào. Mỗi lần chơi là một lần sắp xếp các ống tre khác nhau với vô số hình dạng, không bao giờ lặp lại, không bao giờ giống nhau. Tiếng vỗ tay vào miệng ống cũng hết sức tùy hứng mà hòa điệu lạ lùng, không ai biết trước cả, tất cả cùng ứng tác nên mỗi lần mỗi khác, mỗi lần đều mới mẻ, bất ngờ. Không bao giờ có một bản nhạc hoàn chỉnh, bất biến. Giai điệu chợt đến và tan biến đi luôn...

Ở Tây Nguyên không có nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghĩa là người ta không sống bằng nghề mang đặc thù sáng tạo đặc biệt này. Sáng tạo là một nhu cầu, không phải mục đích. Không mảy may ý thức về sự nổi tiếng, các nghệ sĩ của rừng chỉ cần làm điều mình thích, được sai khiến, thôi thúc bởi một sự dẫn dắt bí ẩn nào đó. Nếu tạm gọi là có mục đích thì cũng chỉ là giải phóng cái năng lượng như ẩn chứa từ đâu đó trong người đột ngột thăng hoa. Việc quy hoạch làng, đẽo tượng có lẽ là một minh chứng hoàn hảo nhất về điều này. Ở đây con người và tự nhiên chưa hề bị tách đôi. “Những ngôi nhà sàn to nhỏ, dài ngắn khác nhau, lộn xộn một cách nhịp nhàng... như những nốt trầm bổng đậm nhạt trên những dòng nhạc của một thứ kí âm pháp gắn bó mà tự do. Nhạc của người mà cũng là nhạc của rừng. Cả làng là một tiếng ngân dài nhẹ nhàng và sâu lắng của chính dòng sông kia và những cánh đồng kia” (tr.14). Cũng là mái nhà rông bay bổng mà đằm chắc, mảnh mai mà vững chãi nhưng mỗi làng đều có diện mạo, điệu hồn riêng như con người. Kiến trúc ấy cũng chính là đời sống cộng đồng Tây Nguyên. Cá nhân không tách khỏi, không đối lập với cộng đồng nhưng cũng không hoàn toàn bị cộng đồng nuốt mất tăm... Vào lúc cất nhà rông và làm nhà mồ thì người Tây Nguyên đẽo tượng. Người làm, kì lạ là không ai biết trước, không hề sắp đặt. Cái người được linh ứng ấy trước nay chưa biết, chưa bao giờ làm tượng. Đột nhiên như bị “ám”, anh ta choàng dậy, cầm rìu đi vào rừng tìm đúng cây gỗ, như tài năng bất thần của anh ta chỉ được dành riêng cho dịp thiêng liêng này. Và với những nhát rìu thành thạo, dứt khoát, anh “lột” pho tượng ra khỏi thân gỗ, như rước một sinh linh vừa nhập thế và thả vẻ đẹp giản dị mà gây nhiều thắc mắc với các nhà chuyên môn vào đời sống. Làm hoàn toàn để chơi thôi hoặc cho người đã khuất vui. Làm một lần rồi mãi mãi không bao giờ còn sáng tác được nữa, không bao giờ trở thành dân sáng tác chuyên nghiệp. Bởi vậy mà tượng nhà mồ đẹp thế, người ta làm xong là bỏ mặc cho nắng mưa tàn phá. Bởi vậy mà họ không bán mua những thứ họ làm ra như sự hối thúc, ban tặng của thần linh, như giải tỏa nỗi khát khao vốn ủ kín bỗng bừng thức, như khoảnh khắc vụt hiện của cảm xúc, như đời sống có những điều đã một đi là không bao giờ trở lại... Phản ứng đầy tức giận của anh chàng đẽo bức tượng người ngồi bó gối lúc tác giả hỏi mua rằng “Tầm bậy! Mày nói tầm bậy! Hỏi tầm bậy” (tr.37) hay sự dửng dưng của ông già có quả bầu khô đẹp như một họa phẩm trừu tượng của Picasso lúc tuyên bố “Không bán... chỉ cho thôi. Thích, xin, thì cho” (tr.37) đã làm khách đi từ ngạc nhiên đến choáng váng. Sự tình cờ khiến khách “phạm thượng” là do khoảng cách không dễ kéo gần trong quan niệm của họ về nghệ thuật với người Tây Nguyên. Người Tây Nguyên cho rằng ý nghĩa của nghệ thuật không nằm trong sản phẩm đã hoàn thành mà ở ngay trong quá trình sáng tạo, trong hạnh phúc và nhu cầu được bộc lộ niềm say mê sâu xa nơi mỗi con người. Làm để mà làm, vì thích hay vì ngưỡng mộ thần linh. Nghệ thuật không phải để ngắm càng không phải để bán. Giống như hành động sống và chơi của họ vậy.

Bao nhiêu cái kì lạ của đời sống tinh thần ở miền đất này dồn vào những nhân vật “đặc sệt” Tây Nguyên, những người bạn của nhà văn. Đó là Y Yơn, Giang Nga, Su Man, Nay Nô, Hơ Ben... Mỗi người một chức phận, từ họa sĩ, nhà văn, nghệ sĩ múa hay một người hát rong bất tử. Dù được đưa về xuôi, ra nước ngoài, được đào tạo một cách bài bản thì sản phẩm của họ - kiểu múa, lối vẽ, viết, hát… - cũng chẳng lai ai cả, vẫn đặc Tây Nguyên. Và sống ở không gian nào, tiện nghi đến mấy cũng quay quắt nhớ rừng, lúc nào cũng sẵn sàng bỏ lại mũ mão, danh hiệu đời thường để tan biến vào rừng, hệt lối mà họ la cà cùng bạn bè: “Nó đi đâu”, “Nó đi rừng rồi”, “Đến bao giờ về”, “Trời biết” (tr.69). Chính xác phải là: Có rừng mới biết. Phải sống với rừng thì sinh khí nghệ thuật thực sự của họ mới được khơi dậy. Phải có những tháng Ninh Nông (Ninh Nông nghĩa là không làm rẫy; tháng Ninh Nông là tháng không làm rẫy) bỏ buôn làng vào rừng sâu, sống lại đời sống nguyên thủy, trở về với tổ tiên và tự nhiên, tắm gội toàn bộ con người trong suối sông cội nguồn đó thì năng lượng dồi dào kia mới được bổ sung, làm mới. Những con người giả sử bị quẳng vào, dìm đi giữa một biển sắc tộc khác họ vẫn cứ trồi lên, nghênh ngang, phô phô, lệch tông với xung quanh một cách kì lạ và duyên dáng như thế...

Những bài viết mới nhất của nhà văn Nguyên Ngọc trong tập bút kí Các bạn tôi ở trên ấy cũng đã cách xa hiện tại cả hàng chục năm. Đấy là thời Tây Nguyên bản thể, thuần khiết và huyền ảo. Giờ lên Tây Nguyên, từ trên cao nhìn xuống, rừng như giữa một trận càn, cứ co cụm lui tít, sát cả những chân núi thiêng, trơ ra từng vùng đồi loang lổ sẫm một màu bazan, thỉnh thoảng lạc lõng một nghĩa địa lô nhô thánh giá… bỗng thấy những mất mát đã không chỉ còn là dự cảm mơ hồ. Một ngày nào đó tất cả hoang dã, bí ẩn sẽ phơi ra, khô cạn, những vẻ đẹp này sẽ chỉ còn là giấc mơ ngủ sâu trong kí ức như sự huyền hoặc của sử thi chỉ vang lên trong những đêm lửa nhà dài…

N.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)