Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - xu hướng phi hư cấu trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh

Thứ Bảy, 10/06/2017 00:47
. THU HUYỀN
1. Lịch sử hiện tồn dưới khung hình văn chương
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, trọn vẹn bốn tháng kể từ chiến thắng Phước Long tháng 1/1975 của quân giải phóng tới những giờ phút cuối cùng ngày 30/4 tại Dinh Độc lập. Tác giả không mượn yếu tố lịch sử làm cớ để gửi gắm thông điệp mà mục đích quan trọng nhất là phục dựng trung thực lịch sử, tuy vậy, phẩm tính văn chương của cuốn tiểu thuyết vẫn bộc lộ ở nhiều góc độ.

 Khi phân tích những văn bản hư cấu cổ điển, Todorov đã khẳng định vai trò chuyển đổi thực tiễn trong những sáng tác: “Tiểu thuyết không bắt chước thực tế, mà sáng tạo thực tế”(1). Cố gắng trung thành với sự kiện một cách tối đa là yêu cầu quan trọng của mỗi tác phẩm phi hư cấu. Tuy nhiên, hài hòa được tính hấp dẫn mời gọi với sự thật được phơi bày là cả một nghệ thuật, phụ thuộc chủ yếu vào ngòi bút và năng lực làm chủ sự thật của nhà văn. Kể ra như thế nào, kể đến đâu, trình tự và gia giảm giữa sự dụng công và sự thật… đòi hỏi một tay nghề không đơn giản. Điều lợi thế của Trần Mai Hạnh chính bởi ông là một nhân chứng của sự kiện lịch sử, can dự trực tiếp vào hoàn cảnh ngặt nghèo ấy. Những sự thực lịch sử của bốn tháng cuối cùng cuộc chiến đã được nhà văn trải nghiệm và chưng cất. Tất cả những cứ liệu đã sưu tầm được chỉ chờ sự bày biện của một “đầu bếp” tài hoa. Những sự kiện, những biên bản được “tung” ra đúng thời điểm như Nước cờ định mệnh (chương 3), Người Mĩ muốn gì đây (chương 6), Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ (chương 9), Thiệu như ngọn đèn trước gió (chương 14)… đã giúp nhà văn sắp đặt và kết chuỗi các tình tiết lại với nhau, đưa ra một sự lí giải và cắt nghĩa sự thực phong phú hơn chính nó diễn ra. Sự sâu sắc và tinh tường của Trần Mai Hạnh thể hiện rõ ở cách lựa chọn bố cục, triển khai lối viết linh hoạt với trục chính là nhân vật Thiệu và sự kiện diễn tiến theo thời gian, bao quát trên một không gian rộng lớn.

Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 không phải đến từ sự cầu kì đẽo câu gọt chữ, nó đến từ những miêu tả rất chân xác mà nhiều lúc độc giả gần như không còn muốn phân định yếu tố hư cấu hay phi hư cấu. Bút pháp đa dạng và linh hoạt của Trần Mai Hạnh thể hiện xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, đây đó có những rẽ ngang không hẳn để làm chậm lại nhịp cuộc chiến được khắc họa mà như một cách mạn đàm, có lúc như một lối thể hiện kín đáo quan điểm chủ quan của tác giả, có lúc nhằm trò chuyện với độc giả. Những trường đoạn tuy không lớn về dung lượng, được đan cài trong mạch chính đã làm giảm cái khô khan, cái nặng nề của sự kiện. Tác giả đối lập sự căng thẳng của cuộc chiến với thiên nhiên: “Chiến tranh không ở đâu xa, ngay trong bóng tối đang bao phủ đêm cuối cùng của Đà Nẵng này. Cơn mưa đầu mùa chợt đến thảng thốt, làm không khí có phần dịu mát. Thế nhưng Trưởng vẫn thấy hết sức ngột ngạt, khó thở”(2) (tr.156); có lúc là đối lập gay gắt giữa cái hỗn loạn và căng thẳng của cuộc chiến với sự chùng lòng, sự vẩn vơ của suy nghĩ, của tâm trạng nhân vật: “Trưởng bỗng giật mình. Nắng đã lụi tắt từ lúc nào. Hoàng hôn tím sẫm. Bầu trời hôm nay sao xuống thấp đến thế. Nhác trông, Trưởng thấy nó chẳng khác gì chiếc mai cua khổng lồ với những vẩy mây đỏ tối đang úp chụp lên thành phố. Và kia nữa, chân trời phía tây, những đám mây màu chì hình thù kì dị xếp lố nhố bên nhau. Càng nhìn, Trưởng càng thấy nó giống nghĩa địa khổng lồ màu xám… Sự giả dối của con người Trưởng và sự giả dối của cả cuộc chiến này đã hòa nhập làm một trong những giây phút này” (tr.99). Không bị cuốn ào đi theo những bước tiến thần tốc và nhanh gọn của cuộc chiến tranh đang diễn ra, những đoạn văn miêu tả nội tâm đan xen ngoại cảnh ấy có tác dụng kéo giãn mạch truyện đồng thời cũng cho thấy được tính hai mặt của cuộc chiến, nó thật hơn khi không chỉ hướng đến những bề mặt ồn ào và xoáy vào giờ phút tuyệt vọng của tình thế.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 không phải một cuốn biên niên sử ghi chép trung thành sự kiện, nó là một tác phẩm với lớp lang chi tiết, với ngôn ngữ và giọng điệu linh hoạt. Sinh khí của những sự kiện được phục dựng như phơi bày trước mắt độc giả một thước phim nhiều chuyển động mạnh: “Phút ngợp thở của Huế dường như bắt đầu từ hoàng hôn. Ngay từ trưa, sau cuộc họp vội vã của thị trưởng Huế với đám tay chân thuộc cấp, Cố đô đã xôn xao tin truyền miệng của cán bộ, công chức: “Bỏ Huế rồi. Lại sắp tắm máu như ở Tây Nguyên rồi. Ông Tỉnh cho phép di tản để tránh tổn thất khi có giao tranh”. Thế là sợi dây rệu rã cuối cùng níu buộc cái gọi là chính quyền ở thành phố này đứt tung” (tr.116). Tuy dung lượng của cuốn tiểu thuyết khá đồ sộ nhưng những chi tiết rườm rà hay phần ngoại đề, được hạn chế tối đa, nhằm cung cấp cho độc giả những lượng thông tin lớn, phong phú và khách quan. Đặc biệt như chương 8 dồn nén nhiều thông tin với những đối thoại, những miêu tả kĩ lưỡng và tình tiết được tiếp nối một cách nhanh chóng nhiều bất ngờ.
 
2. Sự công phu và minh định
Với quan điểm của Benedetto Croce, “tất cả lịch sử là lịch sử đương đại”, cái nhìn từ thì hiện tại với những sự kiện đã xảy ra vẫn cho phép tái hiện sống động và khai phá ở nhiều chiều kích mới, soi rọi được nhiều góc khuất của lịch sử. Sự dụng công như một nghiên cứu khách quan và công phu, khoa học từ những văn bản được cung cấp đến lượng thông tin nhiều, mới, và phụ lục tra cứu tên riêng… bao chứa trong cuốn tiểu thuyết đã khiến nó có một đời sống riêng độc đáo trong nền văn học viết về chiến tranh hiện tại.

Ngược trở lại quá khứ, Ông cố vấn của Hữu Mai có lẽ là bộ tiểu thuyết phi hư cấu đáng chú ý đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại. Gần đây có những cuốn tiểu thuyết gây được hứng thú với độc giả như Huyền thoại tàu không số (Đình Kính, 2011). Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử là thể loại đòi hỏi tư liệu, sự chiếm lĩnh hiện thực và những trải nghiệm khổng lồ, bởi quá khó khăn nên ít tác giả dám đương đầu. Có những phân đoạn, dù tâm niệm và ý thức riết róng về việc tái hiện trung thành sự thực thì Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đôi lúc vẫn vượt khỏi sự kiểm soát của nhà văn, với việc bình giải hay mô tả một sự kiện, ít nhiều vẫn phải có tính hư cấu trong đó, tức là tác giả gián tiếp đẩy câu chuyện thật đó đi theo ngôn ngữ của mình, can thiệp bằng sự chủ quan của nhà văn. Nó khác với việc nghĩ ra những điều không tồn tại, dù nhằm nói về thực tại đang diễn ra. Ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Trần Mai Hạnh đưa người đọc vào một thế giới của văn chương kiểm chứng và minh định. Nhưng những sự kiện ấy được tái tạo trên một hình hài mới, một tiểu thuyết lịch sử mà ở đó lớp lang, nhân vật, cốt truyện, những yếu tố nghệ thuật đã được dùng như một đòn bẩy để nâng đỡ giá trị của tính chân thực. Trần Mai Hạnh không sa đà vào sự bênh vực hay mạt sát, không tỏ thái độ địch - ta trong cách tái hiện. Cái quan trọng hiếm khi bị xô lệch trong suốt 400 trang tiểu thuyết chính là sự vững chãi về cách nhìn, mà điểm tựa cốt tử nhất chính là sự mạch lạc và phân định khách quan. Không khi nào ông cho mình lơi là việc tái hiện sự thật, dù ở tâm thế quan sát hay tái tạo. Chắc tay trong việc bổ khuyết những tài liệu mật, dù không thiếu những trường đoạn miêu tả khá chi tiết về hành động và cử chỉ nhân vật nhằm làm nổi rõ tính cách, Trần Mai Hạnh vẫn giữ cho cuốn tiểu thuyết sức hấp dẫn riêng - cái hấp lực được tạo ra bởi sự thật.

 
bien ban chien tranh nhan giai thuong van hoc asean 2

“Xưa nay những trải nghiệm của cá nhân nhà văn luôn góp phần không nhỏ vào kho tư liệu sáng tác và bằng những con đường khác nhau - chủ tâm hoặc vô thức - để lại dấu ấn nhiều ít trong tác phẩm”(3). Hơn nữa, Trần Mai Hạnh là người trực tiếp tham dự vào cuộc chiến, cái nhìn vừa sắc sảo vừa chân xác của một phóng viên chiến trường đã giúp ông tái hiện diễn biến những tháng ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sự công phu đến từ việc khai thác những tư liệu tưởng chừng khó có thể thu thập nổi, trong một khoảng thời gian dài và không gian rộng lớn. Trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, tính chất đa thanh, đối thoại được thể hiện rõ trong suốt 400 trang viết. Đối thoại với lịch sử hiện tồn, đối thoại với thị hiếu thẩm mĩ của công chúng và với cả thái độ nhìn nhận về lịch sử, một cách đối thoại điềm tĩnh, khách quan mà vẫy gọi nhiều tương tác.

Đặc quyền của người dẫn chuyện là có thể can dự vào hầu hết mọi ngóc ngách, với vai trò là “kẻ biết tuốt”. Nhưng ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, có lúc tác giả ẩn mình đi, để hóa thân vào sự thật, chiếm lĩnh nó một cách tuyệt đối và truyền tải đến người đọc bằng một thứ văn chương mạch lạc, thông điệp rõ ràng mà không rơi vào giáo điều, khô cứng. Bên cạnh sự công phu của những kết cấu bài bản, những phần bổ sung cho sự hoàn chỉnh cuốn sách cũng cho thấy sự tỉ mỉ, cẩn trọng của tác giả. Tiểu thuyết có đến 21 tài liệu tham khảo được xếp theo trình tự thời gian như: Điện của Tổng thống Mĩ Richác Níchxơn gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 5-1-1973; Điện của Tổng thống Mĩ Gơran R. Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 10-8-1974; Công hàm ngày 26-2-1975 của Tổng thống Mĩ Gơran R.Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu; Công điện thượng khẩn ngày 24-3-1975 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; Tài liệu nguyên bản đánh giá tình hình đến ngày 19-4-1975 của đại sứ Máctin gửi Nguyễn Văn Thiệu; Nguyễn Văn Thiệu phát biểu trước khi từ chức…

Phần cuối là bảng tra cứu tên riêng một cách đầy đủ, khoa học. Tất cả những điều đó vừa như xa lạ với một tiểu thuyết, vừa là những yếu tố khiến Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 nhận được sự đánh giá rất cao không chỉ từ cái nhìn lịch sử mà còn từ cái nhìn văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cuốn sách là “thứ kim cương của văn học tư liệu”(4), độc giả đón nhận và ngưỡng mộ trước khả năng chiếm lĩnh tư liệu và tái hiện chúng trong một khung hình văn chương đầy nghệ thuật bởi Trần Mai Hạnh không chỉ viết nó như một món nợ với lịch sử, mà khắc khoải cùng nó “cả trong những giờ phút đắng cay của số phận”(5).

Có thể thấy, nếu siêu hư cấu không đơn thuần khiến độc giả tiếp nhận một thế giới giống thật, mà “yêu cầu độc giả tham gia vào quá trình sáng tạo nên thế giới ấy và ý nghĩa của nó thông qua ngôn ngữ, một cách có ý thức”(6) thì phi hư cấu lại khiến cho độc giả hứng thú và bị cuốn đi bởi vô vàn những tình tiết mà người ta mặc định nó đã xảy ra và được phục dựng lại. Bởi vậy, sự tỉnh táo và bản lĩnh của Trần Mai Hạnh ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là biết điểm dừng để không can thiệp sâu vào minh họa và phô diễn tâm tư riêng. Ở mỗi cảnh huống, bản thân những tình tiết đã đủ sức nói lên những diễn biến có thật và bối cảnh xảy ra, nhà văn không làm những việc tùy tiện như bình phẩm, phỏng đoán… Chính điều này khiến cho niềm tin vào câu chuyện được kể cao hơn, đồng thời còn dành nhiều khoảng trống cho mỗi người tiếp nhận câu chuyện đồng sáng tạo.

Sự khác biệt của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 trong dòng văn học tư liệu có nhiều yếu tố nhưng có thể kể đến ba điểm chính: cách xâu chuỗi và làm chủ một lượng tư liệu nguyên bản khổng lồ, lựa chọn điểm nhìn đa dạng từ trong lòng cuộc chiến với sự dịch chuyển linh hoạt, xây dựng hệ thống nhân vật thuộc hoàn toàn về “phe địch” nhưng lại giữ được thái độ khách quan và điềm tĩnh. Tất cả những điều đó giúp cho tiểu thuyết vừa mang tính lịch sử chân xác, vừa mang tính văn chương độc đáo. “Cách đi” của nhà văn Trần Mai Hạnh trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phải chăng chính là tương lai của nền tiểu thuyết tư liệu Việt Nam về đề tài chiến tranh?
T.H
-------
1. Todorov Tzvetan (2004), Thi pháp văn xuôi, Nxb Đại học sư phạm, H, tr.232.
2. Tất cả các dẫn chứng trong bài viết đều trích dẫn từ tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tái bản lần thứ hai) của Trần Mai Hạnh, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2016.
3. Phùng Văn Tửu (2009), Người kể chuyện xưng “tôi” trong văn chương hiện đại, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2009, tr.35.
4. Trần Mai Hạnh (2016), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, sđd, tr.527.
5. Trần Mai Hạnh (2016), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, sđd, tr.530.
6. Phạm Ngọc Lan (2013), Lí thuyết siêu hư cấu, www.hcmup.edu.vn, truy cập ngày 30/1/2017.
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)