Cuộc vuông tròn - bài toán nhân sinh

Thứ Hai, 12/06/2017 00:20
(Đọc Cuộc vuông tròn - tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, Nxb Hội Nhà văn, 2017)                    
. NGUYỄN TIẾN HÓA

Cuộc vuông tròn là tiểu thuyết thứ sáu trong ba bộ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, tính từ bộ đầu tiên Luật đời & cha con (2005) và Lửa đắng (2008), rồi Gã tép riu (2012) được viết xong phần 2 năm 2013, sắp in trọn bộ hai tập, đến năm 2016 là bộ tiểu thuyết Vỡ vụnCuộc vuông tròn. “Mắn” quá - sòn sòn hơn một năm cho ra đời một đứa con tinh thần, chứng tỏ độ sung mãn về bút lực của một nhà tiểu thuyết với giọng điệu riêng khó lẫn với ai được.

Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của ông, mỏng nhất cũng 350 trang, thường là trên 400 trang. Bộ đầu tới hơn 500 và hơn 600 trang, đọc liền mạch không dứt ra được. Nghệ thuật dẫn dụ, cách thắt - mở nút bất ngờ cùng khối lượng thông tin vừa “khủng” vừa đa chiều như một từ điển sống khiến người đọc rơi vào mê trận, thôi thúc sự khám phá đến cùng. Cái đặc biệt của Nguyễn Bắc Sơn là các tác phẩm đều đi vào những vấn đề đương đại, nóng hổi mang tính thời cuộc. Những vấn đề nổi cộm của cuộc sống mà soi vào, chúng ta ai cũng thấy có một phần trong đó, với những va đập dữ dội của các số phận, các thành phần xã hội, từ quan chức cao cấp nhất đến các vị trí đinh ốc nhỏ trong hệ điều hành của bộ máy cơ chế, được tác giả mô tả với tiết tấu dồn nén, hối hả hết công suất.

Tác giả đưa ra những nhận định chủ quan một cách khách quan, những thông điệp vừa lạ vừa quen. Lạ vì nhiều người biết mà không dám nói, quen vì nó vốn là những bức xúc của mọi người. Khác chăng là tác giả đã nói với một tâm thức tích cực: phê mà không đập, xây mà không phá. Trong cuộc sống đa dạng, phức tạp hôm nay, để hiểu được các giá trị chân - thiện - mĩ là chuyện không hề đơn giản. Nhà văn đã đặt ra những vấn đề đồng thời mở ra những quan niệm về chính - tà, chân - giả, tốt - xấu đang bị biến dạng thậm chí bị xoay ngược. Những gì từng được coi là bất biến một thời nay trở thành giáo điều, không tưởng. Mâu thuẫn giữa quan điểm duy ý chí với thực tiễn khắc nghiệt ngày càng gay gắt. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân thần thánh. Chính những con người có trí tuệ đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, gần dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân mới phát hiện ra quy luật đích thực của cuộc sống bị vùi lấp bởi những cái mà ta vẫn tưởng là quy luật. Đã có một thời chúng ta đánh giá con người không theo hiệu quả việc làm cho xã hội mà chỉ dựa trên lí lịch, thành phần, trên quan điểm giai cấp, lí tưởng, chỉ xem con người ấy có “tốt” không, theo kiểu trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ. Quan điểm ấy đã kìm hãm sự phát triển của xã hội hàng chục năm.

 
screen shot 2017 01 03 at 8 33 25 pm 1483450425725

Trong Cuộc vuông tròn Nguyễn Bắc Sơn đã sử dụng những thông tin về lịch sử, địa lí, kinh tế, chính trị với dung lượng tối đa và tính thời sự, cập nhật ít cuốn tiểu thuyết nào có được. Đây là một tiểu thuyết luận đề về tình yêu và gia đình, nhưng tác giả không chỉ gửi đến người đọc những kiến giải về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc mà cao hơn, nó là thông điệp tư tưởng - nhân sinh với các vấn đề về đất nước, dân tộc và sự tồn vong của xã hội.

Tác giả đã cấu trúc tác phẩm bằng hai tuyến nhân vật, có chính, có phụ, có lớp lang dài ngắn hợp lí. Về chủ đề hôn nhân gia đình, có hai tuyến Thảo - Chính  và Thu - Chính mà cuối cùng một bên chỉ còn Thu sống trong mòn mỏi cô đơn; Thảo định sống độc thân, cuối cùng cũng vuông tròn với Chính. Về chủ đề chính sự, một bên là Chính, cha con ông già Sơn La và các nhân vật khác (kể cả phó chủ tịch tỉnh Lưu Minh Vương), một bên là hai người chọc ngoáy, ngứa miệng: người mỏng toàn diện và bia cổ rụt - ông Quy Trình. Mỗi nhân vật đều có cá tính đặc trưng, hồn cốt rõ rệt. Nhân vật Chính: hoạt ngôn, thông minh, ứng biến khôn lường. Ông Quy Trình - bia cổ rụt: hợm hĩnh, lố bịch. Người mỏng toàn diện: giáo điều, tiểu nhân. Ông già Sơn La: điềm đạm, sâu sắc. Bí thư Thành: cầu thị, thông minh, sắc sảo (khi đấu trí với ông Quy Trình, dồn ông ta vào chân tường, buộc phải thừa nhận không chỉ sai về phương pháp làm việc mà còn sai về động cơ vụ lợi, và để giữ được sinh mạng chính trị ông ta phải chọn cách trả lại những của đút, ăn được của người ta. Nếu chúng ta cũng theo giải pháp của người bí thư kiêm chủ tịch, theo quan niệm nhất thể hóa của tác giả thì làm gì không thu hồi được của cải tham nhũng).

Các nhân vật xuất hiện và kết thúc logic, đúng thời điểm, không khiên cưỡng gò ép. Trong suốt cả chiều dài của bộ tiểu thuyết 750 trang, tác giả luôn tỉnh táo làm chủ tốc độ tư duy, như một tay lái xe địa hình dày dạn, vững vàng trong mọi tình huống, không bị rơi vào ngẫu hứng, sa đà làm mạch truyện bị nghẽn, chệnh hướng như một số cây bút thường vấp phải. Một điều cần nói: tác giả đã thành công trong nghệ thuật viết ngắn mà không thiếu, viết dài mà không thừa. Cuộc kháng chiến lần thứ hai, chỉ cần qua mấy chục dòng chấm phá, tác giả đã lột tả sinh động, bao quát, cô đọng không gian - thời gian với những dấu mốc quan trọng nhất, với nhiều tình tiết đan xen, dồn nén. Ngược lại, chỉ một buổi đối thoại, tranh biện nảy lửa giữa Chính và các vị thường vụ tỉnh ủy đã được tác giả diễn giải phân tích tới gần trăm trang mà người đọc vẫn còn muốn theo dõi tiếp.

 Nguyễn Bắc Sơn là cây bút rất khéo thắt nút, đẩy sự việc đi đến cao trào rồi mở nút bất ngờ gây hứng thú cho người đọc. Hoàn cảnh đặc biệt éo le chất chồng mâu thuẫn giữa vợ và người tình, giữa hôn nhân hợp pháp và hôn nhân thực tế, giữa một bên là bà vợ hãnh tiến, quyền cao chức trọng, thu nhập cao nhưng hiểu biết vô cùng hạn hẹp và đã li thân do ngưỡng mộ một thần tượng chính trị khác chồng với một bên là người vợ trẻ đẹp, thông minh, hiểu biết, đồng điệu với chồng cả tâm hồn lẫn thể xác và đã có một con trai, vậy mà vẫn chung chiêng day dứt đạo làm chồng, đạo làm thầy. Trong bối cảnh mâu thuẫn rằng rịt, tưởng như không có đường ra, thì sự kiện nhân vật Chuyên - con gái của Chính và Thu trở về đã là chiếc chìa khóa vàng êm ả mở nút tạo nên sự bất ngờ lí thú, đầy chất nhân văn và hiện đại.

 Ngoài những ưu điểm trong kết cấu và xây dựng nhân vật, Nguyễn Bắc Sơn còn thành công trong việc sử dụng khẩu ngữ, ngôn từ hóm hỉnh, thông tục, tiếu lâm đời thường, biến các vấn đề gai góc khô cứng thành nhẹ nhàng, hấp dẫn. Những tình tiết gay cấn: Thảo cự tuyệt Chính; Chuyên gặp người tình của bố, gặp em trai, nghe mẹ kể về mối nghi ngờ bố có bồ; Chính bộc bạch mình không phải đảng viên; giây phút lâm chung của ông già Sơn La... dưới ngòi bút của nhà văn trở nên sinh động cuốn hút đưa người đọc vào mê lộ tư duy để nghiền ngẫm sự đời. Thành công  ấy chứng tỏ tác giả là cây bút tiểu thuyết chính sự có nghề, có vị trí xứng đáng trong số các nhà tiểu thuyết xông xáo, năng động hiện nay.

Nguyễn Bắc Sơn chuyên viết về những đề tài đương đại, lấy cuộc sống hôm nay làm điểm xuất phát, làm hệ quy chiếu soi rọi quá khứ và tương lai. Đây là “gu”, là “tạng”, là sở trường, thế mạnh của ông. Viết về lịch sử khó theo một kiểu, viết về đương đại lại khó theo kiểu khác, trước hết là bởi những vấn đề nhạy cảm mà nhiều người viết e ngại, thường tránh né khi mọi chuyện chưa rõ ràng sòng phẳng. Trong một cuộc trà dư tửu hậu, tôi đã hỏi Nguyễn Bắc Sơn: “Viết về các nhân vật và vấn đề đương đại, anh không ngại à?”. Ông bộc bạch: “Đổi mới rồi,  không còn lối thông tin một chiều nữa. Điều quan trọng nhất là mình nghĩ, nói, viết theo chiều xây dựng. Dù gió có xoay theo chiều nào đi nữa thì mình vẫn cứ một chiều ấy, vẫn cứ yêu cuộc đời này, đất nước này”.
N.T.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)