Những bài thơ kêu gọi tuyên truyền của Bác thời kì đầu những năm 1940

Thứ Ba, 06/06/2017 09:31
. NGUYÊN THANH                                                               

     Chúng tôi rất chú ý tới ẩn dụ trong những bài thơ kêu gọi tuyên truyền của Bác thời kỳ đầu những năm 40 ở thế k trước.

     Trước hết cần xác định đối tượng kêu gọi tuyên truyền của những bài thơ này là đại đa số quần chúng nhân dân, ở thời đó hầu hết chưa biết chữ. Mà mục đích của tuyên truyền là để người ta hiểu, tin, nghe theo, làm theo. Do vậy những ẩn dụ  phải thể hiện hình ảnh cụ thể, chân thực, gần gũi. Đó là câu chuyện về sợi chỉ, về hòn đá, chuyện về con cáo và tổ ong, về nhóm lửa, …Nhưng đặc sắc của ẩn dụ Hồ Chí Minh không phải là ở đó mà ở sự phát hiện, liên tưởng đảm bảo tốt yêu cầu của một ẩn dụ nghệ thuật mới mẻ, không mòn sáo, không nhạt, trái lại luôn được tăng cường bổ sung chất biểu cảm hấp dẫn, mời gọi. Ai cũng biết sợi bông thì “yếu ớt vô cùng”, đến khi xe thành sợi chỉ thì “càng dài lại càng mỏng manh” rồi dệt thành tấm vải thì dĩ nhiên “đố ai bứt xé cho ra”. Đó là quy luật tự nhiên chưa phải là sáng tạo, nhưng đến khi một liên tưởng bất ngờ: Đó là lực lượng, đó là vẻ vang. Không phải ai cũng có phát hiện này, phải là một tầm lãnh tụ kiệt xuất của số đông luôn quan tâm tới sự tập hợp lực lượng mới có thể nhìn thấy cái lớn đoàn kết  cách mạng từ trong cái nhỏ là sợi chỉ. Nếu xét theo tiêu chí ngắn gọn, hàm súc, nói được nhiều nhất trong một lượng ngôn từ ít nhất của thể loại thơ thì bài Ca sợi chỉ sẽ dừng lại ở câu Đó là lực lượng, đó là vẻ vang, nhưng vì đối tượng là nhiều người ít học nên bài thơ phải có bốn câu cuối nói rõ ra, thật thà, hồn hậu. Tương tự chuyện một người không nhắc được nhưng nhiều người sẽ nhắc được hòn đá to là chuyện đương nhiên, nhưng đến khổ thơ: Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong thì phải là lời của người có tầm hiểu biết xa rộng, từng trải. Các chữ đồng sức, đồng lòng rất đắt, có nghĩa chung sức chung lòng, cùng sức cùng lòng, cùng quyết tâm, cùng biết dùng sức đúng lúc đúng chỗ. Bài thơ nếu dừng lại ở đây thì quả là khó hiểu với số đông nên có thêm hai khổ cuối nói về việc toàn dân đồng sức đồng lòng đánh giặc Nhật Pháp. Bài thơ Con cáo và tổ ong là một câu chuyện ngụ ngôn có nhân vật, có cốt truyện là tình huống tương phản giữa con cáo già ăn trộm mật và đàn ong quyết bảo vệ tổ. Câu chuyện dí dỏm hài hước ở lối miêu tả cảnh con cáo già khôn ngoan lọc lõi bị đàn ong “kéo nhau xúm lại vây tròn” mà “châm đầu, châm mắt” đau quá phải bỏ chạy…

      Những phát hiện liên tưởng độc đáo của tác giả là từ những sự vật, những chuyện rất bình thường, rất đỗi thân quen, gần gũi tưởng chừng không thể là thi liệu để tạo thành chất thơ nhưng qua cái nhìn hóm hỉnh, ngộ nghĩnh của một nhà thơ trào phúng kết hợp với nhãn quan chiến lược chính trị sắc sảo của nhà cách mạng vĩ đại, thì những sự vật, những câu chuyện bình thường kia lại trở thành những bài học quan trọng nhất, cơ bản nhất, cần thiết nhất, quyết định nhất của một cuộc cách mạng. Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong là bài học về đoàn kết, Chơi giăng là bài học về tổ chức, Nhóm lửa là bài học về bước khởi đầu… Không ngẫu nhiên những bài thơ này ra đời gần nhau trong năm mang tính bản lề của cách mạng Việt Nam, năm 1942.

    Trong tổng số 235 bài thơ Bác Hồ dùng phép so sánh trào phúng trong 26 bài với ba nhóm: dùng để mỉa mai, đả kích, châm biếm phê phán; để tạo ra tiếng cười vui; kêu gọi mọi người đoàn kết. Ngoài những so sánh mang tính khuôn mẫu quen thuộc, như qua việc tả cái cùm để tố cáo chế độ nhà tù hà khắc: “Miệng đói dữ tợn như một hung thần” (Cái cùm), chế giễu kẻ có gan chơi bạc ngoài đời nhưng nhu nhược ở trong tù: “Gan đánh bạc to như trời mà mật thì nhỏ như cái kim” (Bạn tù họ Mạc) vạch trần nỗi đói khổ của tù nhân trong ngục: “Củi đắt như quế, gạo như châu” (Điền Đông)…còn là những so sánh tạo dựng tiếng cười đặc sắc. 

      Các so sánh mỉa mai đả kích châm biếm đều có xu hướng cụ thể hóa. Ở trong ngục người tù phải làm bạn với muỗi với rệp: “Rệp bò ngang dọc như xe cóc/ Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay” (Đêm thu). Tù nhân bị cấm cố trong lao, chân bị cùm, nên: “Nghỉ lâu, chân tựa bông mềm nhũn/ Đi thử, hôm nay muốn ngã quay” (Được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam). Và bị giải đi giải lại trong thân phận tù nhân. Một cảnh ngộ oái oăm: Cảnh binh khiêng lợn cùng đi.

                   “Khiêng lợn, lính cùng đi một lối,
                    Ta thì người dắt, lợn người khiêng;
                    Con người coi rẻ hơn con lợn,
                    Chỉ tại người không có chủ quyề
n!”

     So sánh dựa trên một sự thật: cảnh binh sợ người tù bỏ trốn nên bắt tù nhân cổ phải mang cùm, chân thì bị xích, và dĩ nhiên là người tù bị dắt, còn con lợn phải khiêng vì nếu dắt đường xa sẽ rất khó đi, lợn lại gầy. Đúng là Con người coi rẻ hơn con lợn. Một sự thật phi nhân tính!

     Tù nhân bị giải đi bằng thuyền, không bị dắt đi nhưng chân lại bị treo lên giàn thuyền như tội hình treo cổ. Còn trên bộ thì người tù bị giải đi cả ngày, cả tối, đi trong giá rét với gông cùm, xiềng xích:  “Gió sắc tựa gươm mài đá núi,/ Rét như dùi nhọn chích cành cây” (Hoàng hôn). Nếu ai chưa cảm nhận được cái gió cái lạnh xứ trời Hoa thì qua phép so sánh trên sẽ hình dung được phần nào. Gió và rét như vậy nhưng tâm hồn người tù vẫn ấm áp tình người, tình đời, không hề buồn nản mà trái lại vẫn tin vui với cuộc sống: “Chùa xa chuông giục người nhanh bước/ Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”. Đúng là một bản lĩnh phi thường!

      Ở những bài thơ thể hiện nụ cười vui, dí dỏm, hóm hỉnh của Bác những hình tượng so sánh lại có xu hướng thân mật hóa, ấm áp hóa, sang trọng hóa một hoàn cảnh tù đầy cô đơn lạnh lẽo, một hiện thực thê thảm tối tăm: “Nhà lao mà giống tiểu gia đình,/ Gạo, củi, muối, dầu tự sắm sanh;/ Trước mỗi phòng giam bày một bếp,/ Suốt ngày lụi hụi với cơm, canh” (Nhà lao Quả Đức). So sánh này lại làm biến mất những không gian tù đày với gông cùm xiềng xích để chỉ còn một không khí gia đình bận rộn mà vui, thân mật.  

      “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, trong tù của chế độ phản động lại càng cay đắng bội phần, thảng hoặc Bác gặp được người tốt, trong thơ Người lại ấm áp tình hữu ái: “Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng/ Thấy ta cùng cực động lòng thương/ Ân cần thăm hỏi và cứu giúp/ Như nắng bừng lên giữa giá sương” (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng). Được đọc sách quý nhờ có người tặng, người tù cảm thấy như không còn trong tù mà được sống ở một chân trời khác, chân trời của niềm tin, trí tuệ, lý tưởng: “Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang/ Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang/ Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ/ Chân trời một tiếng sấm rền vang” (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách). Không chấp nhận tư cách tù nhân nô lệ, người tù luôn có xu hướng vươn lên tư cách khanh tướng công hầu đầy quyền uy: “Hôm nay xiềng sắt thay dây trói,/ Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung;/ Tuy bị tình nghi là gián điệp,/ Mà như khanh tướng vẻ ung dung” (Đi Nam Ninh)

     Không chấp nhận một hình hài ghẻ lở phi nhân loại sinh hoạt, người tù luôn có xu hướng sang trọng hóa bản thân mình, sang trọng hóa môi trường tù ngục để vươn lên hàng quý khách, tiên khách: “Đầy mình đỏ tím như hoa gấm,/ Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn;/ Mặc gấm, bạn tù đều khách quý,/ Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm” (Ghẻ lở). Sau này khi tuổi đã cao lại ở cương vị Chủ tịch Nước, thơ Bác Hồ lại được trẻ trung hóa: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên!”

     Có hai so sánh, tác giả so sánh chính mình khi sáu mươi tuổi với ông Bành Tổ trong truyền thuyết dân gian sống tám trăm năm để khẳng định mình vẫn đang còn đầy sức sống (thiếu niên); so sánh cõi trần với cõi tiên để triết lý cõi trần này cũng chính là cõi tiên nếu con người ta sống hết mình, làm việc hết mình: “Trần mà như thế kém gì tiên!” .

      Ở mảng thơ kêu gọi, động viên toàn dân đoàn kết đấu tranh giành độc lập tự do, nghệ thuật so sánh trong thơ Bác tuân theo nguyên tắc cụ thể hóa để hướng mọi người về phía tương lai, niềm tin, ánh sáng và hạnh phúc. Bác kể chuyện Con cáo và tổ ong rồi kết luận: “Bây giờ ta thử so bì,/ Ong còn đoàn kết, huống chi là người!/ Nhật, Tây áp bức giống nòi,/ Ta nên đoàn kết để đòi tự do”. Bác kể chuyện “nhóm lửa” lúc đầu khó khăn rồi so sánh: “Việc cách mạng cũng là như thế/ Bước ban đầu là bước gian nan”, nhưng khi lửa cách mạng đã cháy thì: “Sẽ ồ ạt lan tràn khắp xứ/ Sẽ vùn vụt như tòa núi lửa,/ Sẽ rầm rầm như ngọn thủy trào,/ Sẽ kéo theo tất cả đồng bào…” (Nhóm lửa). Các hình tượng được so sánh tòa núi lửa, ngọn thủy trào diễn tả thật chính xác về cường độ, cao độ sức mạnh, sức nóng, sức lan tỏa của cách mạng.

    Nếu nhận xét về nụ cười lạc quan trong thơ Bác thì căn cứ vào nghệ thuật so sánh là có sức chinh phục hơn cả:

           Tin mừng thắng trận nở như hoa! (Mừng xuân 1967)

            Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
            Thắng trận tin vui khắp nước nhà
(Mừng xuân 1968).

            Mặt trời mới mọc đỏ như lửa
            Muôn ánh hồng soi khắp thế gian
(Vọng thiên san – Trông thiên san)

            Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần (Vô đề - Không đề).

            Má như táo chín, miệng như hoa (Kỳ nhị - Bài thứ hai)

            Quế Lâm phong cảnh tuyệt vời
      ( Như) thơ đan trong họa, họa cài trong thơ
(Quế Lâm phong cảnh – Phong cảnh Quế Lâm)…

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)