Bình luận văn nghệ  Điểm sách

Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt

Thứ Năm, 19/12/2019 16:16

Nghề tạo tác tượng Phật ở Việt Nam là một trong những nghề có truyền thống lâu đời. Cho đến nay, chưa ai xác định chắc chắn thời điểm ra đời của nghề này. Những pho tượng Phật sớm nhất được biết đến ở Việt Nam hiện nay có niên đại khoảng thế kỉ XI, trong khi đó thư tịch ghi chép về Phật giáo ở Việt Nam lại khá sớm.

Một trong những pho tượng Phật nhiều tuổi nhất ở Việt Nam còn lại đến ngày nay là pho tượng Adiđà chùa Phật Tích. Pho tượng này có thể xem là chuẩn mực nhất so với ba pho tượng có niên đại thời Lý còn sót lại, giúp chúng ta hình dung về các nguyên tắc tạo tác tượng Phật giai đoạn này. Thời Trần gần như không còn dấu tích nào về tượng Phật. Nghệ thuật Phật giáo thời Lê sơ thì hoàn toàn vắng bóng. Chỉ đến thời Mạc, với sự phục hưng của Phật giáo, nghệ thuật tạo tác tượng Phật đã cho ra đời những tác phẩm được xem là di sản của người Việt còn lại đến ngày nay. Lúc này, nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng đã khác xa với các nguyên tắc tạo hình mà chúng ta đã biết đến trong thời Lý với ảnh hưởng đậm nét từ nghệ thuật Ấn Độ thông qua Champa. Các tác phẩm rất nổi tiếng như Quan Âm chùa Hội Hạ, Di Đà Tam Tôn chùa Thầy, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp, Mười tám vị Tổ chùa Tây Phương... cùng rất nhiều pho tượng khác đã làm nên một điện Phật đông đảo của thế kỉ XVII - XVIII. Những tác phẩm điêu khắc phong phú và vô cùng sinh động này đã cho thấy nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo thời Minh - Thanh Trung Quốc. Dẫu vậy, điều thú vị là dù không ngừng tiếp nhận các nguồn ảnh hưởng trải hàng bao thế kỉ, nghệ thuật Việt qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đã đồng hóa chúng để làm nên các giá trị mang bản sắc Việt độc đáo.

Nếu theo những ghi chép về các vị tổ nghề ở Việt Nam, thì tổ nghề tạc tượng ở làng Sơn Đồng có thần tích từ trước thời Đinh Lê; tổ nghề làng Bảo Hà, hay Hồng Lục, Liễu Chàng truyền nghề khoảng thế kỉ XVII. Các sách về tạo tác tượng Phật đang được bảo tồn trong kho di sản Hán Nôm hiện nay lại đưa ra niên đại muộn hơn nữa.

Vậy việc tạo tác các pho tượng Phật trong các ngôi chùa Việt từ xa xưa cho đến nay đã được hình thành như thế nào? Các tư liệu, thư tịch về tạo tác tượng Phật có phản ánh chân xác các giá trị, các chuẩn tắc được nhìn thấy trong các tác phẩm điêu khắc Phật giáo Việt?

Chuyên khảo Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt là một nỗ lực góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở Việt Nam; từ đó đưa ra cái nhìn về sự biến động, giao thoa, ảnh hưởng các yếu tố ngoại lai trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt.

Cuốn sách của PGS.TS Trang Thanh Hiền dày 340 trang, in màu trên giấy coucher do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành quý 4 năm 2019

Chuyên khảo này chủ yếu tập trung vào nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc Việt Nam trước thế kỉ XIX. Còn các ngôi chùa Việt ở miền Trung và miền Nam Việt Nam cũng được đề cập đến nhưng chỉ mang tính khái quát và làm phương diện để đối chiếu so sánh. Ngoài ra, để có thể nhận diện được bản sắc nghệ thuật Việt, cuốn sách này còn điểm ra hàng loạt các phong cách nghệ thuật điêu khắc Phật giáo châu Á, những phong cách lớn và những phong cách đặc thù. Đặt nghệ thuật Việt trong dòng chảy đa dạng phong phú và rực rỡ là cách để ta có thể thấy rõ hơn vị thế của mình trong việc góp vào nguồn chung một dòng riêng.

Được khởi tạo vào năm 2014, chuyên khảo Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt hi vọng mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, một phần di sản rực rỡ mà cha ông để lại, từ đó dự phần kế thừa và phát huy di sản này trong nghệ thuật Phật giáo hiện nay.

PGS.TS Trang Thanh Hiền

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)