Một Cụ Tướng từ rất nhiều vị tướng

Thứ Bảy, 22/06/2019 09:34

.ĐỖ TIẾN THỤY

Họ nhà tôi có một vị tướng. Thời đó người được phong tướng không nhiều nên ông không chỉ là niềm tự hào của dòng họ mà còn của cả một vùng quê. Từ ngày ông còn ở chiến trường, người dân quê tôi đã râm ran những câu chuyện về ông được thêu dệt li kì như huyền thoại. Một năm, khi ông vừa về tới đám giỗ họ thì có chú bé, vì nghe mãi câu chuyện giặc treo thưởng một trăm lạng vàng cho ai lấy được đầu trung úy M (cấp bậc khi ông là đại đội trưởng đặc công thời đánh Mĩ) nên không nén nổi tò mò đã sán đến hỏi: “Ông ơi chuyện ấy có thật không?” Ông nheo mắt trả lời bằng một câu hỏi lại “Theo cháu thì có thật không?” khiến cậu bé lúng túng bặm môi suy nghĩ một hồi lâu rồi bất ngờ đề nghị: “Cho cháu sờ đầu ông một cái!” Ông cười tóa lên rồi cúi thấp cái đầu hói tận đỉnh xuống. Khi toại nguyện được “sờ đầu tướng”, chú bé buông một câu rất hồn nhiên “Cũng... như đầu bố cháu thôi!” làm cả đám giỗ họ cười ầm.

Ở trong họ, xét theo vai vế thì chi nhà ông tướng là hàng em. Tuy nhiên vì ông là “người sang của nước” nên khi vào cỗ luôn được đặc cách ngồi mâm trên. Quê tôi, dịp giỗ họ đơn thuần chỉ là sự kiện tưởng nhớ tri ân tổ tiên, xác lập mối quan hệ trong dòng tộc cho con cháu. Nhưng dòng họ nhà tôi vì có tướng nên những ngày này luôn có thêm nội dung... sinh hoạt chính trị. Người quê quanh năm đầu tắt mặt tối trên những thửa ruộng con con, thông tin thời sự chỉ nghe lõm bõm trên đài nên ông tướng luôn là tâm điểm để mọi người chất vấn. Rằng Liên Xô phóng tàu vũ trụ ra làm sao, đã viện trợ cho mình vũ khí hạt nhân chưa, tại sao mình không đưa quân chiếm lại Hoàng Sa... Cũng có khi, vì cuộc sống khó khăn, có bác đã dựa rượu sấn sổ đến bên ông nói những câu bức xúc về thời cuộc. Trước những câu hỏi phần lớn là cắc cớ, ông tướng luôn điềm đạm cố gắng giải đáp thỏa đáng. Còn khi gặp những thái độ vô phép, ấu trĩ, ông tướng không kìm chế được đã lấy tư cách một cán bộ cấp cao quán triệt đường lối chủ trương, chấn chỉnh những nhận thức lệch lạc. Và lập tức mâu thuẫn xảy ra. Những nông dân ít học đương nhiên không đủ lí luận để cãi lại ông tướng, thì họ giở... vai vế ra làm đối trọng: “Này này, ông tướng soái ở đâu tôi không biết, nhưng về đến họ này thì ông vẫn chỉ là thằng em tôi thôi, nhá!” Không thể đối thoại, ông tướng đành rời mâm, thắp thêm nén hương lên bàn thờ tổ rồi đi.

Ngày còn làm lính lái xe tôi thường chở cán bộ sư đoàn đi tháp tùng các đoàn của Bộ vào thị sát đơn vị nên nhiều lần thấy tướng. Và tôi vô cùng ấn tượng về một người, thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Ông nguyên là Chính ủy Mặt trận B3 nên rất thấu hiểu và quan tâm đến vùng đất Tây Nguyên. Bên bờ sông Đăk Bla năm ấy, vị tướng có mái tóc bạc phơ như hoa lau đã trầm ngâm rất lâu. Với ông, trở lại Tây Nguyên là trở lại chiến trường xưa, nơi ông đã gắn bó suốt mấy chục năm ròng. Đất nước đã thống nhất hơn chục năm nhưng Tây Nguyên vẫn là một vùng đất hoang tàn, bom mìn ngổn ngang, rừng cây trơ trụi bởi chất độc khai quang, dân tình còn bỡ ngỡ, hoài nghi với cuộc sống mới. Quân đoàn 3 của tôi được lệnh từ biên giới phía Bắc trở lại Tây Nguyên theo chủ trương bố trí lại thế chiến lược. Để thực hiện mệnh lệnh này, đơn vị phải giải quyết rất nhiều vấn đề.

Hành quân vào Tây Nguyên, hàng ngàn cán bộ của quân đoàn phải để gia đình lại miền Bắc, hoàn cảnh rất gieo neo trong bối cảnh đất nước đang ở những tháng năm đại khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, tình hình thế giới đang chao đảo với việc Liên Xô tan rã, thành trì xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ nên không tránh khỏi những hoang mang dao động trong không ít người. Làm sao để anh em hợp lí hóa gia đình, yên tâm công tác gắn bó với địa bàn đóng quân là một vấn đề cấp bách được đặt ra.

Tôi không biết các vị lãnh đạo ngoài Bộ Quốc phòng đã bàn thảo những gì, chỉ biết sau một tuần lặn lội khắp các tỉnh Tây Nguyên, tướng Đặng Vũ Hiệp đã đứng trước một đồi tràm thuộc làng Đăk Bla tỉnh Kon Tum giơ tay khoát một vòng và nói: “Cần thành lập các làng quân nhân để đưa vợ con sĩ quan vào đây. Động viên sĩ quan trẻ, quân nhân chuyên nghiệp xây dựng gia đình, nhất là lập gia đình với các cô gái tại các tỉnh Tây Nguyên”. Mấy câu nói này nếu đọc bằng chữ sẽ chỉ cảm thấy đơn thuần là một ý tưởng trong chính sách hậu phương quân đội, nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ. Nhưng tôi được nghe bằng tai. Những câu nói được cất lên bằng cái giọng trầm ấm, trĩu nặng trách nhiệm và tình cảm của một vị tướng đã khiến những người đứng xung quanh xúc động. Những câu nói này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của rất nhiều cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 3, và trở thành định mệnh với riêng tôi. Từ một người đang có ý định xuất ngũ, nhờ có chủ trương thành lập làng quân nhân mà tôi đã quyết định ở lại phục vụ quân đội lâu dài, gắn bó với Tây Nguyên hết cả thời trai trẻ.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy (thứ 3 từ trái qua) chia sẻ về tác phẩm trong một buổi giao lưu văn học - Ảnh: TL

Khi về công tác tại Văn nghệ Quân đội, tôi được tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh hơn. Đó là các vị tư lệnh, chính ủy quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường... Đây là việc bình thường của một người làm báo. Nhưng có lẽ tôi có số “cận tướng quân” nên không chỉ được gặp nhiều tướng, mà còn được sống cạnh tướng hàng chục năm trời. Phòng làm việc của tôi cạnh phòng Nguyễn Chí Trung. Ông là người đặc biệt, theo cách mạng từ mười bốn tuổi, trực tiếp chiến đấu trên nhiều mặt trận, trở thành nhà văn và được phong hàm tướng khi làm trợ lí cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông không có vợ con nên lấy cơ quan làm nhà. Ở gần ông rất vui nhưng cũng rất hãi. Vui vì thi thoảng ông tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ mời “các nhà văn độc thân tại trại” đến dự, tâm sự chia sẻ về cuộc sống và cung cấp những thông tin “cung đình” thuộc hàng cực kì quý giá. Hãi là bởi ông rất hay “soi”. Mỗi lần thấy ông mặc quân phục sang đập cửa là tôi rúm người lại. Ông nhắc nhở từ việc chấp hành lễ tiết tác phong trong sinh hoạt cho đến quan điểm, ý chí lập trường trong văn chương. Cũng nhiều lần ông hặc tôi về một truyện ngắn, một bài thơ của cộng tác viên mà chúng tôi mới cho in trên tạp chí. Có khi không đồng tình về một phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở một sự kiện nào đó hoặc bất bình trước một hiện tượng tiêu cực vừa đọc được trên báo ông cũng sang đập cửa phòng bắt tôi ngồi nghe ông nói. Rồi ông khóc. Khóc ngon lành như trẻ thơ. Khóc xong lại gạt nước mắt ngồi vào bàn làm việc. Ông thuộc tuýp người “thân hưu trí bất hưu”, duy trì chế độ ngày tuần đúng điều lệnh quân đội. Ngày bị ngã vỡ xương chậu, bó bột xong là ông nằng nặc đòi về Nhà số 4 điều trị ngoại trú. Tôi mua quà sang thăm. Dù còn rất đau nhưng ông vẫn cố gượng ngồi dậy sục tay xuống đáy túi hoa quả lôi ra cái phong bì trả lại tôi, mắt hấp háy cười: “Tao thiếu đếch gì tiền!” Xương vừa lành, ông mở chiến dịch tập đi ở tuổi tám mươi. Thấy ông run run lần từng bậc cầu thang, tôi lo ông ngã nên chạy tới đỡ thì bị ông hẩy tay: “Kệ tao!” Khỏe lại, ông tiếp tục viết. Sách ra đều. Ông mang sang tặng tôi nói rất khiêm tốn: “Nhờ nhà văn đọc và góp ý giùm” Tất nhiên là tôi đọc, nhưng chưa bao giờ góp ý. Một ngày ông sang gõ cửa phòng tôi nói: “Thụy ở lại, mình đi miền Nam. Khi nào cơ quan sửa xong nhà thì mình về” Nhưng khi cơ quan sửa xong, tôi vẫn ở cạnh căn phòng của ông mà ông không về được nữa rồi. Ông mất tại một bệnh viện quân đội phía Nam.

Khi bắt tay vào viết tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z, với tham vọng khái quát một giai đoạn lịch sử, trong hệ thống nhân vật tôi nghĩ phải có một đại diện cho hàng ngũ tướng lĩnh tham gia cách mạng từ những ngày đầu tiên, trở thành những bậc “khai quốc công thần”, có ảnh hưởng lớn tới cấu trúc thượng tầng xã hội Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua. Và kí ức mấy chục năm của tôi được huy động. Bắt đầu từ cậu bé dám “sờ đầu tướng” là tôi với những câu chuyện về vị tướng của dòng họ, rồi những vị tướng chàng lính lái xe gặp thời trai trẻ cho đến những vị tướng gã nhà văn đi làm báo đã từng tiếp xúc và vị tướng ở cạnh... lần lượt được nhớ lại. Nhưng trong bản thảo đầu tiên nhân vật tướng của tôi sao mà lòa nhòa.

Tôi đã ngốn thêm hàng chục tập hồi kí của các tướng lĩnh. Tuy nhiên, những cuốn sách dạng này đa phần người kể đã có sự tiết chế và người chấp bút chỉ thể hiện chừng mực nên các vị tướng hiện ra như những gì mà báo chí đã khai thác rất thành công. Để có một nhân vật tướng văn học đòi hỏi nhiều hơn thế. Tôi đã đóng bản thảo sau ba năm loay hoay vật vã.

Năm 2016, trong lúc chưa tìm được lối khai thông bế tắc, tôi xin đi theo một đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 320 thăm lại chiến trường xưa. Đây là những người trước khi nhập ngũ đều là sinh viên đang học ở các trường đại học, vào chiến trường họ được coi là “trí thức tòng quân”, được bố trí công tác đặc biệt gần các chỉ huy sở. Xe chúng tôi đi theo đường Trường Sơn, cung đường mà họ đã hành quân thời trai trẻ. Đến mỗi địa danh là hồi ức lính trận lại tuôn ra ào ạt, nóng hổi và tươi ròng.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến người Hải Phòng đã rưng rưng nhớ lại những câu chuyện từng được chứng kiến khi làm chiến sĩ liên lạc ở một sở chỉ huy. Một vị chỉ huy, sau khi số lính mới gần ba trăm người được miền Bắc bổ sung cho chiến trường bị trực thăng địch thảm sát gần hết đã dí súng vào mặt kẻ được giao nhiệm vụ đi đón quân (nhưng vì ngu dốt chủ quan nên dẫn tới tổn thất) hét lên một câu đau đớn: “Mày giết quân thế thì l. mẹ nào đẻ cho kịp!” Một vị chỉ huy khác, khi một người lính bị kết án chiêu hồi với đầy đủ bằng chứng, nhưng bằng linh cảm ông thấy có điều bất thường nên đã đóng giả là đồng hương vào hầm ngủ cùng tử tội trước ngày ra pháp trường để điều tra thêm. Và ông đã có bằng chứng chính xác để kết luận người lính ấy bị oan, rồi ra lệnh hủy án tử hình. Nhưng cũng chính vị chỉ huy ấy lại phải gạt nước mắt kí lệnh tử hình người cần vụ của mình khi hắn vi phạm kỉ luật dân vận ở vùng đất vừa giải phóng...

Và còn nhiều, nhiều câu chuyện nữa. Những câu chuyện được các cựu chiến binh kể ra tự nhiên không màu mè tô vẽ có sức ám ảnh khủng khiếp. Tôi nhiều lần gai người, cảm thấy xấu hổ vì mới hiểu về nhân vật tướng một cách hời hợt. Tôi chợt ngộ ra một điều, sở dĩ nhân vật tướng trong tác phẩm đang viết còn thiếu hồn cốt bởi mình mới thể hiện được phần ngọn, khi nhân vật đã đeo hàm tướng. Tôi còn thiếu phần gốc, là các vị trí công tác trước khi nhân vật trở thành tướng. Để trở thành một vị tướng trận đâu chỉ có hào quang chiến thắng. Đằng sau mỗi khúc khải hoàn còn là trùng trùng những câu chuyện đớn đau cùng vô số phận người.

Từ nhận thức ấy tôi quyết định phải dựng lại nhân vật. Tôi sẽ sử dụng nguyên lí hư cấu để tạo nên một vị tướng. Tôi sẽ không đặt tên riêng cho nhân vật bởi muốn cá nhân hóa danh từ chung chỉ phẩm hàm thành danh từ riêng - Cụ Tướng. Cụ Tướng sẽ là nhân vật đại diện cho hàng ngũ tướng lĩnh có văn hóa, có chiến tích, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến. Cụ Tướng là người thấu hiểu cái giá của hòa bình, độc lập, thống nhất hơn ai hết nên luôn có những phản ứng quyết liệt, nhiều lúc cực đoan trước những biểu hiện tha hóa, biến chất. Cụ Tướng phẫn nộ khi thấy cái lí tưởng mình phụng sự bị xúc phạm, cái sự nghiệp được dựng nên bằng bao nhiêu máu xương bị đục khoét. Và cụ tiên phong xông vào mặt trận mới...

Xác định được hướng triển khai như thế, nhưng tôi chưa nghĩ ra cách bắt đầu từ đâu. Thế rồi trong lúc xe dừng nghỉ trên một con đèo hiểm trở, khi mọi người ngồi lặng ngắm những nhành hoa lan buông rủ từ những tàng cây thì đại tá Thân Như Ngôn, nguyên thư kí của tướng Nguyễn Chơn không hiểu nhớ tới cái gì mà bất chợt kể một câu chuyện. Một vị chỉ huy khi về hưu vẫn ngày ngày viết sách tổng hợp kinh nghiệm chiến đấu với mong muốn “để sau này lỡ có chiến tranh thì con cháu đỡ hao xương tốn máu”. Do di chứng của những tháng năm dép lốp lội rừng ông bị chứng tê thấp, ngồi một lát là chân lạnh buốt. Để có thể ngồi làm việc được lâu, ông đã nuôi một con lợn nhỏ, huấn luyện để nó nằm cho ông đặt chân. Câu chuyện này đã lóe lên trong óc tôi một gợi ý.

“Một giàn phong lan buông hoa tha thướt. Một cụ già tóc trắng hoa lau ngồi viết trên bộ bàn ghế làm từ gốc rễ cây rừng gân guốc. Những làn mây mỏng bay vấn vít quanh hoa quanh tóc cụ. Dưới chân cụ là một thằng lợn khoang nằm ngoan ngoãn. Nom cụ hệt một tiên ông giữa động hoa rừng”. Đây là hình ảnh Cụ Tướng được con chim joong lần đầu nhìn thấy trong tiểu thuyết của tôi, bắt đầu câu chuyện nhân tình thế sự đầy mâu thuẫn diễn ra trong ngôi nhà có ba thế hệ mà trường đoạn nào cũng có từ trường của Cụ Tướng tỏa ra.

Sau khi Con chim joong bay từ A đến Z được xuất bản, nhiều độc giả đã hỏi có phải Cụ Tướng là tôi lấy nguyên mẫu từ tướng V.N.G, tướng H.M.T, tướng H.Đ, tướng N.C.T... hay không. Bài viết này thay cho câu trả lời của tôi.

Đ.T.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)