Chuyện thơ của thi sĩ “Đất thần kinh xứ Huế” xin hẹn dịp khác; trước mắt chúng tôi muốn chúc mừng Phan Tuấn Anh với cuốn sách mới ra đời “Văn học Việt Nam đổi mới-Từ những điểm nhìn tham chiếu” (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2019).

Khuynh hướng của 7 tiểu luận trong tập sách mang tính tổng kết đa chiều về lý luận phê bình văn học, văn học trẻ, tiểu thuyết chiến tranh, thơ ca Cố đô Huế… Phan Tuấn Anh có lợi thế là người đi sau nên có độ lùi thời gian, cái nhìn sẽ khái quát hơn, đa chiều hơn; nhất là có thể kết nối các giai đoạn “nhỏ” nằm trong tổng thể hành trình đổi mới hơn 30 năm qua của văn học Việt Nam… Nhưng, tổng kết giai đoạn văn học sôi động kể trên đã có nhiều công trình tên tuổi của những “cây đa, cây đề”, nguy cơ “cớm ngợp” là hiển nhiên, đòi hỏi Phan Tuấn Anh “chậm chân” sẽ phải đổi mới lối viết, cách nhìn để tạo ra giá trị cho toàn bộ công trình.

Nhất quán trong cuốn sách là Phan Tuấn Anh đi theo lý thuyết hệ hình (paradigm) để có cái nhìn biện chứng về sự thay đổi văn học Việt Nam theo từng giai đoạn. Trong tiểu luận “Lý luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới-Cấu trúc tam tài”, Phan Tuấn Anh tạm chia lý luận phê bình văn học thành 3 giai đoạn tương ứng với cấu trúc tam tài: Thiên-Địa-Nhân. Sau quá trình phát triển tư duy tiền hiện đại chú trọng tác giả, đến tư duy hiện đại lấy văn bản làm trung tâm, nay lý luận phê bình hậu hiện đại chuyển trung tâm là người đọc. Chuyển đổi mô hình mang tính gối tiếp không phải Phan Tuấn Anh là người đầu tiên phát triển ra, nhưng áp dụng với mô hình tam tài, lý luận sắc bén vẫn mang lại sự thỏa mãn cho người đọc.

Phan Tuấn Anh có cái nhìn tương đối khách quan trong đánh giá các thế hệ nghiên cứu phê bình văn học. Anh đề cao các thế hệ đi trước được đào tạo bài bản, góp phần đổi mới lý luận phê bình văn học Việt Nam, kịp cập nhật, dần bắt kịp với khoa học văn chương tiên tiến. Nhưng ai cũng có thời đại của mình, thời đại hiện nay thuộc về các nhà lý luận phê bình trẻ, trong đó có chính Phan Tuấn Anh. Đó là những cây bút thông minh, sắc sảo, nhanh nhạy với thời cuộc nhưng hạn chế cũng được Phan Tuấn Anh chỉ rõ: “Xét về mặt chủ quan, có thể có người còn nóng vội, sớm hớt ngọn kiến thức, việc vận dụng lý thuyết còn sống sượng, hoặc chưa tính đến sự tương thích giữa đối tượng và lý thuyết”. Theo chúng tôi, nhận định trên là dũng cảm bởi lẽ đa phần giới nghiên cứu văn học hiện nay về mặt kiến thức và trình độ chưa bằng các thế hệ trước. Các công trình chưa có mấy sức thuyết phục về ứng dụng lý thuyết để giải mã các vấn đề văn học Việt Nam, ngoại trừ những “soái ca” tên tuổi như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) với cuốn sách “Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H'Mông” (2015) như công trình đỉnh cao đột khởi nổi trội và ấn tượng những năm qua.

Ở các tiểu luận về tiểu thuyết chiến tranh, thơ ca Cố đô Huế, Phan Tuấn Anh cũng đã chỉ ra được những đổi mới của các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Đành rằng, văn học Việt Nam chưa xuất hiện tác phẩm lớn vượt ra ngoài biên giới nhưng sự đổi mới, khác biệt về chất lượng tác phẩm cho người đọc niềm tin hy vọng. Văn chương nghệ thuật không phải là hơn kém mà là sự khác biệt, có khác biệt nghĩa là văn chương không “giậm chân tại chỗ”, chỉ chờ các yếu tố hội tụ vào một tài năng cá nhân nào đó, tác phẩm đỉnh cao sẽ xuất hiện.

Điều chúng tôi mong mỏi cho riêng Phan Tuấn Anh là một công trình ở tương lai có tính chất hệ thống, ứng dụng nhiều lý thuyết khác nhau để đi sâu nghiên cứu vào văn bản tác phẩm, tìm ra những nghĩa mới, cách đọc mới. Công trình “Văn học Việt Nam đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu” dường như được viết với chủ đích na ná như một giáo trình dành cho các sinh viên ngữ văn. Điều đó khiến cuốn sách khá nặng nề, khô cứng và chịu rủi ro chỉ được một nhóm nhỏ độc giả có chuyên môn để ý tới. Ở đây cần phải nói rõ, chủ đích lý luận phê bình đương nhiên phải nghiêm túc, khoa học nhưng lối viết phải cuốn hút, hấp dẫn. Sự hy vọng của chúng tôi là có cơ sở vì bản thân Phan Tuấn Anh là một nhà thơ, một người sáng tạo. Thường tình thì người vừa làm thơ vừa nghiên cứu sẽ có cái nhìn đồng cảm, mềm mại, tinh tế trong phê bình tác phẩm. Với tài năng và thời gian phía trước, Phan Tuấn Anh còn có thể tiến xa trong lĩnh vực văn chương mà anh đã dành trọn đam mê.

Nguồn: QĐND (Việt Phong)