Văn học Việt nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu

Thứ Ba, 11/06/2019 09:47

TS. Phan Tuấn Anh, sinh năm 1985, là nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học và hiện là giảng viên Đại học Khoa học Huế. Anh từng đạt Giải Nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2007, Giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012, Giải B văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ V (2008 - 2013), Giải Tác phẩm xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015, Giải Tác phẩm xuất sắc của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Nhân cuốn sách Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu của anh vừa xuất bản, phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

TS. Nhà phê bình Phan Tuấn Anh

PV: Chúc mừng Phan Tuấn Anh vì sự ra đời của công trình Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu (Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2019). Cuốn sách của anh là kết quả làm việc cần mẫn trong thời gian khá dài. Anh có thể nói đôi điều về sự ra đời của cuốn sách? Điều gì đã thôi thúc anh trình làng sản phẩm khoa học của mình?

Phan Tuấn Anh: Xin cám ơn anh! Cuốn sách của tôi được thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài, trên dưới mười năm, dẫu bị ngắt quãng bởi những mối quan tâm khoa học khác. Việc thực hiện công trình này là rất tự nhiên và tất yếu, do tôi là một công dân Việt Nam, một bạn đọc văn học Việt Nam, lại có nghề nghiệp là nghiên cứu văn học. Mỗi ngày, dẫu không phải sở trường, tôi vẫn buộc phải đọc và chịu sự ảnh hưởng của văn học Việt Nam Đổi mới. Sự ra đời của quyển sách này cũng khá gian nan, kéo dài trong hơn ba năm, và Nxb Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị thứ tư tôi gửi bản thảo. Rất may là quyển sách cuối cùng cũng đến được với công chúng, tôi rất biết ơn Nxb Văn hóa - Văn nghệ.

PV: Phan Tuấn Anh này, trong lời dẫn nhập của cuốn sách, anh cho rằng, văn học Việt Nam sau đổi mới mang tinh thần phục hưng - cuộc phục hưng thứ hai (giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVII nửa đầu thế kỉ XIX là cuộc phục hưng thứ nhất). Nội hàm của khái niệm phục hưng này nên được hiểu thế nào (vì như ta biết, ở phương Đông không có giai đoạn phục hưng như phương Tây thế kỉ XV - XVI)?

Phan Tuấn Anh: Trong quan điểm của tôi, phương Đông chúng ta không có giai đoạn Phục hưng đúng nghĩa, bởi chúng ta không có một giai đoạn hoàng kim như cổ đại Hi Lạp để khôi phục. Chúng ta cũng không có sự phát triển của tư tưởng dân chủ nhân văn, mang tinh thần của giai cấp tư sản như phương Tây vào khoảng từ thế kỉ XV và XVI. Chúng ta đều biết, ở Việt Nam mãi đến giữa thế kỉ XX, giai cấp phong kiến vẫn còn tồn tại. Tôi xin nhấn mạnh giai đoạn Đổi mới có tinh thần Phục hưng, tinh thần tức là mang tính ý hướng, tư tưởng, tâm thức mà thôi. Trong giai đoạn này, con người với ý nghĩa bản thể, thân phận cá nhân mới được quan tâm đúng mức, với biết bao bi kịch, thân phận đời tư. Cũng chỉ từ 1986 đến nay, vấn đề tự do, dân chủ, tính dục, vẻ đẹp thân xác, những góc khuất chiến tranh… mới được đặt ra hoặc tái diễn giải theo một tinh thần mới, tinh thần vì con người.

PV: Như vậy, có thể thấy, dù không gọi thành tên (trước khi ta bắt gặp cách định danh ấy trong dẫn nhập của cuốn sách này), nhưng về căn bản, tinh thần phục hưng, ở phương Tây hay phương Đông đều hướng đến con người, các giá trị nhân bản. Tuy nhiên, tôi hơi cấn cá một chút, khi anh nói đến hai giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam là đầu thế kỉ XX và sau Đổi mới. Anh nhấn mạnh, văn học sau đổi mới đã phục hưng giá trị thuộc về cá nhân thời 1930 - 1945. Vậy, hình như là chúng ta đã có tới ba cuộc phục hưng phải không? Hay là tôi chưa hiểu ý anh diễn giải trong phần này?

Phan Tuấn Anh: Cám ơn anh - một bạn đọc có chuyên môn sâu và đọc rất kĩ công trình của tôi. Tôi nghĩ giai đoạn đầu thế kỉ XX (với thành tựu Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực phê phán) có ý nghĩa hình thành cái tôi cá nhân trong văn học Việt Nam hiện đại. Trên một góc độ nào đó, giai đoạn này có ý nghĩa như thời Cổ đại Hy Lạp, dẫu mọi so sánh đều là khập khiễng. Giai đoạn sau Đổi mới có ý nghĩa Phục hưng, vì nó khôi phục lại tinh thần của giai đoạn đầu thế kỷ. Hoàng kim và phục hưng trong quan niệm của tôi có sự liên quan, nhưng rõ ràng không đồng nhất. Cứ không phải là giai đoạn hoàng kim thì đều có ý nghĩa phục hưng

Bìa cuốn sách

PV: Có thể nói, bảy tiểu luận trong cuốn sách thực sự là bảy công trình dày dặn mà anh đã dành nhiều tâm trí để nghiên cứu. Phương pháp hệ hình khoanh vùng (tương đối) được đối tượng và định tính, định danh được nó. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, anh có thể diễn giải ngắn gọn tại đây?

Phan Tuấn Anh: Tôi đã trình bày cụ thể trong công trình, chỉ xin nói ngắn gọn rằng, tư duy hệ hình văn học tiền hiện đại lấy tác giả làm trung tâm, tư duy hệ hình văn học hiện đại lấy văn bản làm trung tâm, còn tư duy hệ hình văn học hậu hiện đại lấy người đọc làm trung tâm của đời sống văn học.

PV: Các nhà phê bình luôn có xu hướng muốn bao quát và nắm bắt đối tượng trong các khuôn khổ, các định danh, định tính, quy lập cấu trúc… dù điều đó cũng chỉ mang tính tương đối, tính lịch sử, tính cá nhân. Tôi khá thú vị với cấu trúc thiên - địa - nhân khi anh xác lập để mô tả hành trạng, hình thái của lí luận phê bình văn học Việt Nam thời đổi mới. Tam tài gợi lên những biến dịch, chuyển hóa, vậy anh hình dung cấu trúc này biến dịch, chuyển hóa như thế nào từ thời điểm bắt đầu đổi mới đến nay cũng như khả năng của nó ở tương lai?

Phan Tuấn Anh: Sự biến dịch âm dương ngũ hành này theo tôi có một chiều kích cơ bản, đó là hướng hạ, mà kì thực là trọng nhân, tức là ngày càng hướng đến cuộc sống trần thế của con người. Con người cá nhân, đời tư, bình thường đã trở nên là đối tượng quan tâm chính của văn học. Con người trong tính nhân văn của nó là đích đến phổ biến sau cùng của văn học ở mọi thời, mọi nơi.

PV: Tôi hiểu rằng, cấu trúc tam tài được hình thành trên cơ sở hạt nhân của mỗi thời đoạn trong lịch sử văn học, nó không bao quát tuyệt đối, thậm chí còn chồng lấn, đan xen hay xô lệch do những mã nghịch biến gây nên. Mặt khác, có lẽ chúng ta cũng cần hiểu rằng, trong thiên vẫn có địa - nhân, trong nhân có thiên - địa, trong địa đã hàm cả thiên và nhân. Đó chính là tính mềm dẻo, bất quy tắc của các hiện tượng văn học mà cái nhìn cấu trúc lắm khi đã tỏ ra cứng nhắc. Quan điểm của anh thế nào?

Phan Tuấn Anh: Âm dương gia rất đúng khi cho rằng, trong âm có dương và trong dương có âm, thái âm sinh thiếu dương và thái dương sinh thiếu âm. Văn học Việt Nam (hậu) hiện đại nói như Đỗ Lai Thúy, là tròng trành mà tiến tới, các hệ hình không nối tiếpgối tiếp lên nhau để xuất hiện, như những cơn sóng xô bờ nối chân. Tính nguyên hợp giữa các hệ hình văn học này theo tôi, là một đặc thù của lịch sử văn học dân tộc, nó là giới hạn mà cũng là lợi thế trong bối cảnh văn học toàn cầu hóa.

PV: Tôi rất thích cách anh gọi tên các “soái ca” của lí luận phê bình trẻ ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng thấy đúng là như vậy, một phần là tôi biết họ, nhưng quan trọng hơn, tôi đọc và khâm phục họ. Theo tôi hình dung, dường như cả ba “soái ca” này đều có xu hướng hàn lâm, lặng lẽ đầy nội lực, đồng thời, trong ý hướng của công việc, họ xem văn học như là dữ liệu cho nghiên cứu, phê bình văn hóa, nhân học, xã hội học… Nhưng, tôi đồ rằng, tước vị “soái ca” kia có lẽ chỉ lưu hành nội bộ giới phê bình thôi! Anh nghĩ thế nào, Phan Tuấn Anh?

Phan Tuấn Anh: Ba soái ca tôi chọn thực ra chỉ là bước khởi đầu, do sức lực và thời gian chưa cho phép tiếp tục viết. Trong “dự án” của tôi, lần lượt nhiều nhà phê bình trẻ đương đại khác sẽ còn được lần lượt khảo đến trong danh sách “soái ca” như: Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Thụy Anh (soái tỷ !), Nguyễn Văn Thuấn, Cao Việt Dũng, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Văn Hùng, Mai Anh Tuấn, Hoàng Đăng Khoa… Còn việc các nhà văn và nhà phê bình không ưa lẫn nhau quả là chuyện “mẹ chồng nàng dâu” chúng ta chả lạ gì. Tôi may mắn vừa sáng tác lại vừa nghiên cứu. Khi đi với nhà văn tôi xưng mình là nhà thơ, khi đi với nhà nghiên cứu tôi xưng ngay là nhà phê bình. Đôi khi cũng phải “đi với bụt mặc áo cà sa…” anh ạ (cười).

PV: Tiểu luận Văn học trẻ Việt Nam giai đoạn đổi mới của anh khá thú vị. Tôi cũng nhận ra những biểu hiện của các hệ hình hay khuynh hướng văn học mà anh chỉ ra. Tuy nhiên, trên cứ liệu thơ đương đại, anh có thể nói rõ hơn điều gì đã tạo nên cơ chế chơi (play), phì đại (hyper) hay cực hạn (minimalism) trong thơ? Anh có bình luận gì về giá trị nghệ thuật và tương lai của những khuynh hướng này? Và, thêm một ý nữa, có khi nào cách tân thơ đã/ đang giết chết thơ không?

Phan Tuấn Anh: Cả ba cơ chế thơ hậu hiện đại là chơi (play), phì đại (hyper) hay cực hạn (minimalism) đều là những ảnh xạ khác nhau của tâm thức văn học hậu hiện đại. Ba cơ chế này dựa trên những đổi mới sâu xa trong tư duy văn nghệ Việt Nam sau Đổi mới, dưới tinh thần hậu hiện đại. Nếu cơ chế “chơi” là sự phục hưng tiếng cười dân chủ, dưới ảnh hưởng của lí thuyết trò chơi, thì cơ chế “phì đại” hình thành dưới ảnh hưởng của triết học giải cấu trúc nói riêng và triết học ngôn ngữ nói chung. Cơ chế cực hạn lại phát xuất từ diễn ngôn chấn thương, sự cạn kiệt của văn học trước những phi lí, quan liêu, tàn bạo của thời đại. Những khuynh hướng này thật khó để dự báo tương lai, ngay cả thời tiết đã rất khó đoán, vì tương lai là một biến số không dễ lường định. Tuy nhiên, điều rõ ràng làm được trên thực tiễn đó là cả ba khuynh hướng thơ ấy đã góp phần cách tân tư duy thơ Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới. Cách tân thơ không giết chết thơ, nó góp phần định nghĩa lại như thế nào là thơ trong thời điểm đương đại. Tôi thích một nhận định của Cynthia Freeland rằng, lịch sử của nghệ thuật chẳng qua là lịch sử của các quan niệm về nghệ thuật.

PV: Tiểu luận Văn học dành cho độc giả trẻ Việt Nam… của anh được viết công phu trên hai trường hợp: Chú bé đeo ba lô màu đỏ (Nguyễn Đình Tú), Không biết đâu mà lần (Văn Thành Lê). Từ đặc điểm tư duy hậu hiện đại, anh đánh giá thế nào về tinh thần trẻ (NTT nhấn mạnh) trong văn học dành cho giới trẻ giai đoạn này?

Phan Tuấn Anh: Tôi nghĩ trẻ tuổi không phải là một giới hạn, mà là một giá trị, một điều kiện tiên quyết hứa hẹn sức sống, tương lai và sự đổi mới văn học. Những người trẻ tuổi hiện nay đang làm chủ văn đàn, họ đứng trên vai những người khổng lồ nhưng là kẻ chấp nhận tiên phong, thể nghiệm. Tinh thần trẻ chính là dương khí, là nguyên khí của nền văn học quốc gia.

PV: Trong tiểu luận của mình, anh giới thiệu một số nghiên cứu theo hướng khoa học xã hội (Triết học, Xã hội học, Tâm lí học, Ngôn ngữ học), khoa học tự nhiên (Vật lí học, Y học, Sinh học, Khoa học môi trường)… Vậy anh có thể giới thiệu đôi nét về mục đích trong các nghiên cứu ấy được không? Và, văn chương, nghệ thuật, tư tưởng thẩm mĩ sẽ ở đâu trong các thực hành liên ngành ấy?

Phan Tuấn Anh: Văn học muốn tồn tại, thích nghi và phát triển trong trạng huống hậu hiện đại ngày nay, buộc phải liên ngành tới những lãnh vực khác. Văn học phải chấp nhận không còn là trung tâm của thế giới tri thức và nghệ thuật, mà chỉ là ga đi đến mọi nẻo đường. Văn học buộc phải liên đới đến mọi lãnh vực của đời sống, mang tính dụng hành, khoa học hơn, kể cả trên phương diện sáng tạo lẫn nghiên cứu. Mục đích nghiên cứu của tôi là nhấn mạnh đến ý nghĩa ấy. Chúng ta (giới văn chương) ngoài việc phải thức thời, còn cần bỏ đi tâm lí quá tự tin hoặc quá tự ti trong bối cảnh đương đại. Không được/ còn Sô vanh (Chauvin) về vị thế trung tâm của văn học, nhưng chúng ta cũng tự tin rằng, nếu cái đẹp là sự cứu rỗi thế giới tương lai (nói theo kiểu của F.Dostoievsky), thì văn học là một ngả đường khả dĩ nhất trong sự cứu rỗi đó.

PV: Xin cảm ơn Phan Tuấn Anh về cuộc trò chuyện cởi mở, thú vị này!

NGUYỄN THANH TÂM thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)