“Con mắt soi sáng” hôm qua, hôm nay và mai sau!

Thứ Ba, 24/03/2020 11:26

. NGUYỄN THANH HÀ

Những nhà tư tưởng lớn thường là những nhà ngụ ngôn lớn, họ thường mượn các hình ảnh là sự vật hiện tượng gần gũi quen thuộc để chuyển tải tư tưởng. Ví dụ Đức Phật lấy hình ảnh “bánh xe” để chỉ quy luật luân hồi của kiếp nhân sinh. Không Tử hay lấy chuyện cơm ăn nước uống hay vật dụng hàng ngày để dạy học trò. Lênin vĩ đại dùng hình ảnh “đinh ốc nhỏ” trong bộ máy xã hội...Hồ Chí Minh cũng thường như vậy. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một hình ảnh Người hay dùng là “con mắt”.

Hồ Chí Minh dạy cán bộ phải dựa vào dân, vì “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”[1]. Người dạy ngành công an: “Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”[2]. Người nhắc nhở bộ đội: “Quân đội ta biết rằng: cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc”[3]. Chúng ta đều thấy trong lời dạy của Người có những hình tượng dễ hiểu và thấm thía. Khi nói “Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng” người ta nghĩ ngay đến thế trận lòng dân sẽ giúp công an tìm ra kẻ địch. Khi dùng các thành ngữ “mồ hôi nước mắt” “thức khuya dậy sớm”, “ăn gió nằm sương” “trèo đèo lội suối”, “khó nhọc gian lao” bạn đọc liên tưởng đến những vất vả của dân trong việc phục vụ bộ đội. Qua đó toát lên bài học: ăn quả nhớ người trồng cây.

Người kết tội kẻ xâm lược qua những hình tượng cụ thể:

“Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt

Làm dân ta như điếc, như mù,

Làm ta dở dại dở ngu,

Biết gì việc nước biết đâu việc đời”.Cho nên:

“Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai...

Ai không chịu ngu si mù tối,

Ắt phải xem báo ấy mới nên”[4].

Đây là bài thơ nhằm mục đích tuyên truyền nên kết cấu đơn giản. Khổ trên cấu trúc theo lối nhân quả, nguyên nhân Pháp “ác nghiệt” dẫn tới “dân ta như điếc, như mù...dở dại dở ngu”. Khổ dưới có nguyên nhân là “báo Độc lập” mà “làm cho ta mở mắt mở tai...”. Hai khổ có biểu tượng tương phản: như điếc, như mùmở mắt mở tai làm bật ra cái quan trọng của báo Độc lập.

Giải thích vì sao cán bộ chúng ta sau ngày cách mạng thành công còn yếu về năng lực cả về lý luận lẫn thực tế, Bác Hồ dùng ngụ ngôn: “Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới thoát khỏi vòng tối tăm bước lên đường sáng sủa. Nhưng, từ chỗ tối bước sang chỗ sáng không khỏi có người hoa mắt, choáng váng. Từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhân không khỏi có người chưa quen gánh vác, chưa hiểu mình là người chủ gánh vác trách nhiệm, thiếu lòng tự tin. Vả lại cho đến nay sự giáo dục của Đảng và Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Vì những lẽ đó mà cán bộ còn mắc nhiều khuyết điểm”[5]. Một cách diễn đạt mà không một cách nói nào ấn tượng hơn: “chỗ tối” chỉ cuộc sống cũ bần cùng lạc hậu; “chỗ sáng” là cuộc sống tự do; “hoa mắt, choáng váng” thì đúng với cả nghĩa sinh học và nghĩa tâm lý.

Dạy cán bộ không lý luận suông mà phải kết hợp với thực hành, ví dụ này ngắn gọn mà thật dễ hiểu: “Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”[6]. Trong sách Sửa đổi lối làm việc (viết xong tháng 10-1947), Người cũng dùng biểu tượng “mắt”: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[7]. Như vậy Người quan niệm thực hành và lý luận như hai con mắt của người cán bộ mà bổn phận của họ là phải luôn giữ cho cả hai con mắt ấy sáng.

Quan niệm biện chứng của Hồ Chí Minh về quan hệ của hai vấn đề này là:

“Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.

Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”[8]. Như thế thì lý luận phải được thực hành trong thực tiễn thì mới có giá trị, còn xa đời sống thì vô ích. Vậy học lý luận ở đâu, ở sách báo, mà đặc biệt là báo Đảng: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”[9]. Đêm đã tối, lại còn nhắm mắt mà đi thì tất sẽ ngã hoặc lạc đường, tức là hành động vô lý, không mục đích. Qua biểu tượng này người đọc có thể hiểu ngược lại: báo Đảng như ánh sáng soi đường nên muốn hành động đúng tất phải đọc báo Đảng.

Trong thời kỳ kháng chiến công an là một lực lượng vũ trang quan trọng trong việc bảo vệ thành quả cách mạng. Bác Hồ - người Cha đẻ của ngành công an, khai sinh và hết sức dìu dắt để công an trở thành một đội quân cách mạng quan trọng, thiết cốt của Đảng. Người dạy công an phải biết dựa vào dân: “Bác lấy một thí dụ: Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại....”[10].

Bác Hồ lên án bệnh hoang phí, coi đó là “một tội ác”: “một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác…”[11].

Không thể chỉ vận động cán bộ liêm chính mà phải vận động “phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[12].

Người Việt có câu “Giàu hai con mắt”, tức đôi mắt là quý nhất, giàu có đều nhờ đôi mắt. Bác Hồ rất quan tâm tới vấn đề đoàn kết. Người lấy biểu tượng “mắt” để giáo dục cán bộ: “Chúng ta phải làm đúng lời dạy của Lênin vĩ đại: giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt…”[13]. Trước lúc đi về thế giới người Hiền, trong Di chúc, Người nhắc lại: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[14].

NTH


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 406.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập7, tr 363

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 426.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 3, tr 199.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập7, tr 84

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 275, 276.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 234

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 235

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập7, tr 298

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 366.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 208, 209.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập10, tr 576.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 311

       [14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 12, tr 510.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)