Vậy sử dụng MXH thế nào cho đúng, cho hiệu quả, đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về MXH ở Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang: Có thể dễ dàng nhận thấy không gian mạng của Việt Nam nhiều nơi, nhiều thời điểm, MXH độc hại và đầy rẫy những lời lăng mạ, đe dọa, phao tin đồn nhảm, vu khống... Điều này làm mất đi tính tích cực vốn có của internet và MXH. Đáng lẽ đó là một không gian để giao lưu, học hỏi, kết bạn, vui vẻ, giải trí thì lại thành một không gian mà người ta luôn lo ngại và e sợ rằng mình sẽ vướng phải những trận "ném đá", những trận cuồng phong căm ghét. Bất cứ ai, từ những người nổi tiếng đến người bình thường đều có thể trở thành nạn nhân. Đây là điều đáng tiếc và đáng buồn.

Nâng cao ý thức văn hóa của người tham gia mạng xã hội
Ông Đặng Hoàng Giang.

PV: Nói như vậy MXH có phải là tấm gương phản chiếu thực tế ở Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang: Không phải vậy. Nhưng tại sao một bộ phận người Việt sử dụng MXH lại có những ứng xử kém văn hóa như vậy? Theo tôi, có hai lời giải thích: Một là kỹ thuật và hai là tâm lý. Về tâm lý, tôi cho rằng không ít người Việt Nam chưa thực sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến người khác, nhất là những ý kiến khác biệt với mình. Về kỹ thuật, trên không gian mạng, hầu như chúng ta không biết người trao đổi với mình là ai. Thứ duy nhất ta biết về người kia là thông qua một tấm ảnh đại diện bé nhỏ, chúng ta không ngồi đối diện, nhìn vào mắt họ để chuyện trò nên thường không coi họ là một con người bằng xương bằng thịt, chúng ta thoải mái “đâm chém” họ bằng lời nói mà không biết rằng họ đau đớn đến thế nào. Mọi thứ trở nên trừu tượng nên chúng ta dễ dàng tấn công, nổi nóng vì một ai đó. Vì dễ dàng hơn ngoài đời nên họ càng thô lỗ, hung hăng hơn, nhất là khi không ai like (thích) ý kiến cân bằng mà thường like những ý kiến trái ngược.

Nâng cao ý thức văn hóa của người tham gia mạng xã hội
Trang Hà Nội đẹp-chưa đẹp.

PV: Vậy, theo ông, chúng ta có cách nào nhận diện được tin đồn thất thiệt và xử lý những người tung tin, gây hại đến người khác không? Nếu chẳng may là nạn nhân của tin đồn thất thiệt, mỗi chúng ta nên làm gì?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang: Thực ra quản lý MXH là việc không đơn giản. Đặc biệt, chúng ta lại cần phân biệt phao tin đồn nhảm với vấn đề tự do ngôn luận. Một người có ý kiến đả phá, thậm chí nói xấu người khác gây ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng, xã hội thì cần có biện pháp xử lý thích hợp. Theo tôi, nếu là nạn nhân thì có rất ít lựa chọn. Tôi hy vọng cơ quan chức năng cần xử lý những trường hợp gây hại cho cộng đồng, bảo vệ sự trong lành của MXH.

PV: Để MXH Việt Nam trở thành nơi giao lưu, học hỏi... đúng nghĩa, với tư cách là một chuyên gia, ông có khuyến nghị gì?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang: Những người dùng MXH phải biết khước từ những hành vi độc hại trên không gian mạng; cần có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để phản đối. Trước bất cứ thông tin gì cũng phải kiểm chứng xem có đáng tin cậy không? Chúng ta cần rèn luyện, thể hiện phong cách trao đổi ý kiến với người khác một cách văn minh, vừa đưa được ý kiến của mình nhưng cũng lắng nghe được người khác, bất đồng ý kiến nhưng vẫn vui vẻ, lịch sự với nhau. Có thể điều này xuất phát từ giáo dục cả trong nhà trường, gia đình và xã hội. Trẻ em cần được giáo dục cách để trao đổi, thảo luận, bảo vệ ý kiến của mình, nhưng không lăng nhục người khác.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: QĐND (Vương Hà)