"THỦ ĐÔ GIÓ NGÀN' một thời văn nghệ cứu quốc

Thứ Hai, 02/03/2020 11:32

.VIỆT NỮ

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), những gây hấn trắng trợn của thực dân Pháp đã buộc dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kì 1946 - 1954. Từ đêm 19/12/1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch như lời hiệu triệu cả dân tộc ra trận để giữ vững nền độc lập của nhà nước dân chủ non trẻ. Để phù hợp với tình hình cách mạng mới, Trung ương Đảng và Bác Hồ rời Hà Nội, quay lại Việt Bắc. Việt Bắc trở thành chiến khu cách mạng, thành “thủ đô gió ngàn” (Tố Hữu) trải rộng qua nhiều tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Nơi đó, cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, quân đội, văn nghệ sĩ và nhân dân đã có những năm tháng không thể nào quên. Những năm 1949 - 1950, Hội Văn nghệ Việt Nam và Báo Văn nghệ đứng chân tại Xóm Chòi, xã Mỹ Trạng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lần giở lại kí ức của văn nghệ sĩ thời đó, chúng ta có những hình dung căn bản về một địa danh gắn với lịch sử cách mạng, kháng chiến của dân tộc, lịch sử báo chí, văn chương nghệ thuật Việt Nam.

Tìm lại những dấu vết Xóm Chòi, xã Mỹ Trạng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên trong kí ức văn nghệ sĩ, sau gần 60 năm quả thực là câu chuyện không hề dễ dàng. Thời gian Hội Văn nghệ và Báo Văn nghệ ở Xóm Chòi không nhiều (khoảng 1 năm: 1949 - 1950). Mặt khác, trong bối cảnh phong trào đầu quân (nhập ngũ) của văn nghệ sĩ diễn ra mạnh mẽ; kẻ thù thường xuyên tấn công, vây ráp; tính chất bí mật của công tác, điều kiện phải tản cư liên tục, văn nghệ sĩ đi cơ sở, tham gia chiến dịch cùng các đơn vị bộ đội, tham gia tiêu thổ kháng chiến, đi thực tế cùng nhân dân,… thành ra, để tâm ghi chép về địa danh này lúc bấy giờ không thường trực trong công việc nhà văn. Sau này nhiều năm, chúng ta có thể tìm thấy trong một vài hồi kí nhưng cũng không thực sự dồi dào.

Xóm Chòi, xã Mỹ Trạng nằm ở phía tây huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (nay là xã Mỹ Yên), là nơi giáp ranh của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trên bản đồ vệ tinh có thể nhìn thấy khá rõ vị trí xã Mỹ Yên nằm ở khoảng giữa của huyện Đại Từ, kéo về phía tây tựa vào bắc Tam Đảo (cao 1590m). Mô tả địa hình của vùng đất này, có một kỉ niệm khá thú vị về Kim Lân và Nguyên Hồng được Nguyễn Tuân nhớ lại: hai nhà văn vốn là người trung du, khi lên tới chân Tam Đảo, trước ngọn núi cao ngất và heo hút, hai ông “quỳ mọp xuống vái lạy đỉnh núi”(1). Năm 1949 - 1950, đây là nơi sơ tán của Hội Văn nghệ Việt Nam và Báo Văn nghệ. Nguyễn Tuân nhớ lại: “Hồi kháng chiến ở Việt Bắc, Hội Văn nghệ đóng ở hai nơi. Hồi đầu đóng ở xóm Chòi, gần Đại Từ. Khu ATK đóng ở châu Tự Do cũng trong địa phận Thái Nguyên. Khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đề phòng địch phá vùng Đại Từ, cơ quan chuyển về Ghềnh Quýt - Tuyên Quang”(2). Thực hiện tinh thần “cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”, các văn nghệ sĩ phần lớn đã đi thâm nhập thực tế, đến các đơn vị bộ đội, về cơ sở. Những người thường xuyên ở Xóm Chòi là Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Song Kim, Xuân Sanh và Nguyễn Tuân, cùng vài người khác. Người ở Xóm Chòi thường xuyên nhất, theo Nguyễn Tuân là Nguyễn Văn Mãi, phụ trách hành chính, quản trị, chăm lo đời sống sinh hoạt cho anh em trong Hội(3).

Nguyễn Văn Mãi là người thường xuyên ở Xóm Chòi, Đại Từ. Ông kể lại: “Anh em văn nghệ sĩ vốn thích tự do, ít khi chịu ở lì một chỗ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh lúc đó. Dựa vào hoàn cảnh này nên anh em thường được bố trí ở rìa, chứ không vào hẳn An toàn khu. Chẳng hạn như ở Xuân Áng (Phú Thọ), Đại Từ (Thái Nguyên). Cơ quan văn nghệ lúc đó cũng phải thường xuyên di chuyển, khi thì Tuyên Quang, khi sang Đại Từ, lúc lại đến Bắc Cạn, lại về Đại Từ, chuyển sang Bắc Giang,… Việc di chuyển này là hoàn toàn theo yêu cầu của cấp trên”(4). Nhà xuất bản Sự thật cũng hoạt động ở Đại Từ. Nguyễn Văn Mãi nhớ lại, những năm 1950, “Nhà xuất bản ở cùng với Hội và dựa vào Hội… Khi ở Đại Từ in sách báo ở nhà in Chợ Chu”(5). Trong một trò chuyện khác, Nguyễn Văn Mãi cho biết: “Năm 1950, Hội chuyển đến xóm Chòi, làng Mỹ Trạng, Đại Từ, Thái Nguyên. Đây là thời kì công tác Hội rất phát triển và mở rộng nhất từ đầu kháng chiến đến 1950. Hội đã xây dựng khu nhà làm việc riêng, không ở chung với dân, có từng phòng nhỏ trên quả đồi dưới chân núi Tam Đảo để anh em làm việc, và sáng tác. Hội đã xây dựng Trường Văn nghệ nhân dân ở Yên Dã do anh Nguyên Hồng làm Giám đốc”(6). Trường Văn nghệ nhân dân của Hội Văn nghệ Việt Nam mở ngày 19/4/1950, khai giảng khoá đầu tiên với 270 học viên.

Khí hậu vùng Mỹ Trạng, Đại Từ có lẽ cũng khá khắc nghiệt. Trong kí ức của Nguyên Hồng, “Ngày nắng lửa. Tối khí núi dày đặc, lạnh toát”(7), lương thực thực phẩm đắt đỏ, ốm đau và bệnh tật, nhưng mọi người đã nỗ lực hết sức để thực hiện nhiệm vụ chính trị, văn nghệ của mình. Vũ Cao cũng nhớ cái nắng mùa hè ở nơi đây: “Cuối tháng 4-1949, tôi một mình ra nằm ở Đại Từ chờ liên lạc đến dẫn đưa đi. Lúc này sắp mùa hè. Trời bắt đầu chuyển nắng, nóng lên”(8).

Các nhà văn từ trái qua phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.                    Ảnh: Trần Văn Lưu

Đứng chân trên địa bàn Xóm Chòi không chỉ có Hội Văn nghệ mà còn có nhiều cơ quan văn hoá, báo chí khác. Trong hồi ức về Trường Văn nghệ nhân dân, Nguyễn Kiên cho biết, trường đóng trong một khu rừng ở Yên Dã, Đại Từ. “Trường có một hội trường lớn toàn bằng tre nứa và có nhiều nhà nhỏ để học viên ở”. Thời gian này, trường cũng gặp nhiều khó khăn, hình ảnh Nguyên Hồng lên hội trường báo cáo “Hết gạo” và khóc hu hu,… vẫn như còn nguyên trong kí ức của những người tham gia lớp học này(9). Ông cũng chia sẻ thêm những kỉ niệm về Trường Văn nghệ nhân dân: “Mười chín ngôi nhà to nhỏ của trường Văn nghệ nhân dân được dựng cách trụ sở Hội Văn nghệ khoảng ba cây số băng qua nhiều suối, nhiều gò, nhiều dốc”(10). Trong trí nhớ của Thanh Tịnh, những năm “độc tấu và hành trình đi theo kháng chiến”, đầu năm 1949, Đoàn sân khấu Việt Nam đầu quân, đổi tên thành Đoàn kịch Chiến thắng, đóng ở Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên. Thanh Tịnh nhớ lại những năm tháng sôi nổi của mình trong đoàn kịch Chiến thắng, đi phục vụ bộ đội và các sự kiện của quân đội, nhân dân địa phương khắp vùng Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang.

Những năm tháng khó khăn gian khổ ấy, trong câu chuyện của Bàn Tài Đoàn, Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên nơi Hội Văn nghệ trú chân là nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm, đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó thân tình của văn nghệ sĩ và các đồng chí lãnh đạo cách mạng, các nhà văn nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài,…(11). Tình cảm quân dân cá nước, sự gắn bó thân tình của anh em văn nghệ sĩ trong những năm kháng chiến cũng in đậm trong kí ức của Hồ Phương, như “một mái nhà thứ hai trong cuộc đời bộ đội”(12). Đại Từ - Thái Nguyên cũng lưu dấu trong trí nhớ với công việc làm báo, sáng tác văn nghệ phục vụ kháng chiến. Trong hồi ức của Từ Bích Hoàng, các tờ báo thường cử người ra thường trú tại Đại Từ để mời viết bài. Từ Bích Hoàng nhớ lại lúc ấy, “Đại Từ hồi này như là thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc”(13). Khoảng 1949 - 1950, “Toà soạn báo Vệ quốc quân chuyển chỗ từ Định Hoá về Đại Từ. Đại Từ hồi kháng chiến chống Pháp là một nơi đông đúc, nhộn nhịp, như là một trung tâm sinh hoạt có nhiều hàng quán”(14). Trong hồi ức của mình, năm 1950, Nguyễn Văn Bổng cùng với Phạm Hổ và Lưu Trùng Dương từ Liên khu Năm được cử ra Việt Bắc để dự Hội nghị văn nghệ. Thời điểm này, Hội đóng ở Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên. Nguyễn Văn Bổng nhớ lại, khi đó đa phần văn nghệ sĩ trong Hội đã đi tham gia chiến dịch Biên giới, ở Đại Từ chỉ còn Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, nên Hội nghị bị hoãn lại(15). Điều này cũng được nhắc đến trong hồi ức của Phạm Hổ và Lưu Trùng Dương. Đặc biệt, Lưu Trùng Dương nhấn mạnh sự ngưỡng mộ đối với đời sống ở Việt Bắc (và khi đó là Hội Văn nghệ - Đại Từ), dù cuộc sống thiếu thốn, nhưng vẫn vui vẻ, sôi nổi(16).

Gắn bó nhiều với văn nghệ sĩ kháng chiến những năm ở chiến khu Việt Bắc có lẽ là Tố Hữu. Trong hồi kí Nhớ lại một thời, ông cũng cho biết, thời điểm 1950, “Trên các ngả đường từ Lạng Sơn về Bắc Cạn, Định Hoá, núi rừng Việt Bắc chứng kiến một quang cảnh tấp nập chưa từng có của những đoàn ngựa, la thồ lúc lắc gạo mì, lương khô, cả cá, muối, đường và những đoàn xe vận tải chở đầy vũ khí”(17). Cũng trong hồi kí này của Tố Hữu có nhắc lại những ngày bị sốt rét nằm điều trị tại Đại Từ, gần Đại đoàn 308 của Vương Thừa Vũ. Khi Tố Hữu nằm viện điều trị, vợ Tố Hữu là bà Thanh, khi đó là huyện uỷ viên huyện Phù Ninh của Phú Thọ, được lệnh của Trung ương sang chăm sóc Tố Hữu. Ở đây, Tố Hữu liên lạc với huyện uỷ Đại Từ để xây dựng căn cứ văn nghệ kháng chiến. Ông kể, khi đó “tìm được một xóm rất kín đáo gần bìa rừng Tam Đảo, có dòng suối trong mát với mấy nếp nhà tựa vào lưng đồi vững chắc, có thể đào hầm tránh bom đạn. Tôi nhờ dựng thêm mấy căn nhà cơ quan và cả một hội trường khá rộng, trù liệu để họp anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội”(18). Tố Hữu đánh giá đây là một vị trí thuận lợi, gần Trung ương, gần quân đội, rất phù hợp cho việc làm tin tức kháng chiến. Ông nhấn mạnh: “Nơi ấy là xóm Chòi. Về sau trở thành đại bản doanh của văn nghệ kháng chiến” (19).

Vùng đất Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên với khí thế cách mạng những năm kháng chiến chống Pháp thể hiện khá sinh động, giàu cảm xúc trong ghi chép của Nguyễn Đình Thi: “Qua Thái Nguyên hôm nay, những căn nhà lá chen chúc, tiếng nhị một người hát xẩm - đồng bào ta, mối thù chung - Tiếng chuông một ông cụ gọi người xem ống nhòm ảnh. Tiếng ồn ào lâu ngày mới lại nghe của những đám đông. Bước chân đi những anh Vệ quốc lặng lẽ. Ánh đèn hai dãy phố như sao. Bao nhiêu nét mặt cặm cụi bên ánh đèn dầu, tôi yêu dân tộc tôi quá, hiền lành, chịu thương, chịu khó, đau đớn, đùa giễu, anh dũng, yêu thương. Những tiếng nổ liên thanh của bộ đội tập trận giả như pháo giao thừa. Bao nhiêu năm rồi, chúng ta đã xa những buổi đoàn tụ nhỏ trong một nhà để chóng đến buổi đoàn tụ lớn của dân tộc. Ngày ấy gần rồi, ngày ấy đến nơi rồi. Tiếng pháo giao thừa đêm nay bảo thế, những nét mặt vui vẻ, tíu tít của đồng bào ngoài phố kia bảo thế. Một ngày nắng thật to, trong tiếng đại bác gầm reo chiến thắng, vạn vạn lá cờ, triệu triệu con người kéo nhau trên những con đường như đường Thái Nguyên đây, chúng ta về họp tất cả với nhau, nhìn nhau mà cười mà khóc tiếng Hồ Chủ tịch gọi: Chúng ta đã hoàn toàn độc lập rồi”(20). Ở một lưu ý khác, về công tác tiêu thổ kháng chiến ở Thái Nguyên, nhạc sĩ Văn Chung còn ghi lại: “Thái Nguyên hoang tàn vắng ngắt nhưng ngầm chứa một mãnh lực của những trai đất Thái đang luyện tập để giết giặc”(21).

Những kí ức về Xóm Chòi và căn cứ văn nghệ kháng chiến những năm 1949 - 1950 ở Đại Từ có lẽ hiện lên sinh động nhất trong hồi kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài. Câu chuyện được kể với độ lùi thời gian khá lớn, về những kỉ niệm, những cuộc đời, những trải nghiệm riêng - chung với văn nghệ sĩ kháng chiến. Theo đó, Xóm Chòi, Yên Dã, Đại Từ gắn với một vùng khí hậu có khi khắc nghiệt nhưng cũng thật thơ mộng. Trong hồi kí này, ông nhớ lại: “Những năm đầu, các cơ quan từ thành phố lên Việt Bắc, chúng tôi ở xóm Chòi, làng Yên Dã, huyện Đại Từ chân núi Tam Đảo ngoảnh về đằng Thái Nguyên. Ngày quang trời thấp thoáng thấy Khuôn Chu - một làng người Dao trên lưng núi có lối tắt đỉnh núi sang vùng Tam Đảo nghỉ mát bên kia. Vào mùa mưa, những con lũ tràn ra giữa sườn núi xanh im, xa trông như những dải lụa trăng toả xuống. Nam Cao và tôi ở báo Cứu quốc trên Tuyên Quang cùng đổi công tác về Hội Văn nghệ. Nhưng Nam Cao còn lên Chợ Chu học ba tháng trường Nguyễn Ái Quốc - lớp tập trung ba tháng hồi ấy đã là dài và quy mô nhất. Tôi về thẳng xóm Chòi”(22). Có lẽ, xóm Chòi mà Tô Hoài nhắc đến này cũng chính là địa danh “u tì quốc” mà Xuân Diệu đã viết trong thơ. Tô Hoài còn kể: “Bài thơ đăng tạp chí Văn nghệ có câu Sớm nay ra khỏi u tì quốc Xuân Diệu đã sáng tác ở Yên Dã u tì quốc, đây mới là những nếp nhà tranh lưng đồi trung du, đâu bằng mấy năm sau, đi sâu vào cuộc sống gian khổ, chúng tôi ở Động Móc áp núi Là, ở rừng sâu Thượng Yên bờ sông Lô. Trước mặt, thấy con trăn gió nằm trong bụi nứa và những con kì đà mốc thếch bò ra nghển đầu rình bắt gà. Đêm nghe hổ về bên suối, tiếng gầm khô rợn”(23). Không chỉ là vùng rừng núi heo hút, nơi đây còn gắn với những kí ức khó quên trong đời Tô Hoài, Xuân Diệu và biết đâu, còn nhiều người khác nữa. Nhưng, điều đó hãy đọc trong Cát bụi chân ai. Ở đây, xóm Chòi được nhớ lại như là tiền cảnh cho những kinh nghiệm thân thể, phức cảm đi suốt đời Tô Hoài: “Đương cữ mưa rào. Trong thung lũng, có khi cơn nước trắng xoá mù mịt cả ngày. Ở Yên Dã, đi chợ Lục Ba, Ký Phú nhỡ gặp con lũ lên, phải ngủ nhờ qua đêm bên này suối. Hết mưa rào xối xả, đến mưa dầm tả tơi, còn buồn hơn. Triền núi Tam Đảo cao ngang đầu đổ bóng tối sẫm. Nước mưa giọt ngắn giọt dài, đêm ngày mái nứa rả rích không lúc nào dứt hạt. Dường như trong trời đất chỉ còn cái xóm núi này sót lại chưa bị nạn hồng thuỷ. Có uống cả vò rượu nếp nhà kiến trúc sư Võ Đức Diên cũng không vơi được cái hiu hắt và nỗi nhớ phố phường. Mới xế chiều đã như chập tối, chẳng còn ai thò chân ra đường xóm đá tảng lầy lội. Cơm xong, nhà ăn đóng cửa, mái rạ lẫn vào sườn đồi chơ vơ. Mấy cậu văn phòng ở một mình, xong bữa lại quẳng bát đũa đấy, vào chơi ngủ luôn tại các nhà trong xóm. Có cậu việc gấp, đánh máy đêm một lúc rồi cũng chuồn mất. Dãy buồng ở tập thể không đèn đóm, tối thui. Không nghe tiếng người trở mình, giát giường không ken két, im như đất hoang. Nhà tôi ở ngoài ven gò giữa đồng. Rượu khuya, đường mưa lội tôi ngủ lại”(24).

Xóm Chòi, Mỹ Trạng (Mỹ Yên), Đại Từ, Thái Nguyên là kí ức khó quên trong đời các văn nghệ sĩ đã từng ở đây những năm kháng chiến chống Pháp. Đó là giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam nhưng cũng là thời gian tươi đẹp bởi tình quân dân cá nước, tình đồng chí, đồng bào, miền xuôi, miền núi, giữa các dân tộc anh em. Với văn nghệ sĩ, sau Cách mạng tháng Tám, chuyển mình đi theo cách mạng, họ đã thực sự hoà vào đời sống cộng đoàn rộng lớn, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và kháng chiến. Họ đã làm nên thời đại của mình và luôn được nhắc lại trong kí ức, lịch sử. Xóm Chòi, Mỹ Trạng, Đại Từ, Thái Nguyên, có thể xem là cái nôi của cách mạng, trong ý nghĩa đó, cũng là nơi khởi sinh những truyền thống và di sản văn chương đồ sộ, hào hùng thời chiến

V.N

 

--------

 

Tài liệu tham khảo

1.2.3. Nguyễn Tuân, “Trò chuyện”, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945 - 1954, Nxb Hội Nhà văn, 2002. tr. 63.

4.5. Nguyễn Văn Mãi, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945 - 1954, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr. 270.

6. Nguyễn Văn Mãi, “Người làm hậu cần cho văn nghệ”, http://laodong.com.vn.

7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16. Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945 - 1954, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr. 173, 389, 221, 229, 288, 381, 338, 351, 608, 690.

17. Tố Hữu, Nhớ lại một thời, Nxb Hội Nhà văn, 2000, tr. 263.

18. Tố Hữu, tlđd, tr. 234.

19. Dẫn theo Tất Quang, “Thị xã Thái Nguyên những năm đầu kháng chiến qua một tư liệu lịch sử độc đáo”, Nguồn:http://www.vusta.vn.

20. Tất Quang, tlđd.

21.22.23.24. Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Bản điện tử tại địa chỉ: http://isach.info.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)