Quan niệm về con người là “những bông hoa rất đẹp” của Bác Hồ

Thứ Năm, 05/03/2020 00:58

. Nguyên Thanh

Hồ Chí Minh rất hay dùng biểu trưng “hoa” của người Việt. Sống ở xứ nhiệt đới nên cảm quan cỏ cây hoa lá của người Việt đã tìm đến “hoa” làm biểu trưng cho những cái gì đẹp, quý giá, thánh thiện: Đẹp như hoa; Tươi như hoa… Để chỉ người con gái đẹp, thành ngữ có câu: Hoa cười ngọc thốt; Hoa dung ngọc mạo…; nói về người con gái còn trong trắng thì: Hoa xuân đương nhuỵ,… Lời nói câu văn hay thì: Hoa thêu dệt gấm… Những gì quý giá bao giờ cũng được coi trọng: Hoa thơm ai chẳng nâng niu… Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi… Theo sự khảo sát của chúng tôi, trong bộ Toàn tập (15 tập) có khoảng 250 lần Người dùng “hoa” theo nghĩa biểu trưng. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong thơ Hồ Chí Minh hình tượng “hoa” là một tín hiệu thẩm mỹ truyền thống mà hiện đại, luôn toả sáng những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc, thâm trầm. Không chỉ có trong thơ mà trong văn xuôi, hình tượng này cũng mang những ý nghĩa đặc biệt, tinh tế, nhân văn.Nét đặc biệt của hoa là biểu tượng cho cái đẹp, vẻ đẹp, nét đẹp của con người.

Đồng chí Vũ Kỳ có kể một dịp Tết Bác Hồ đến làm việc, thấy trong phòng của anh em có chậu hoa trà mi mới nở một bông rất đẹp, Bác nhớ đến câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, ứng khẩu đọc:

Đẹp thay một đóa trà mi,

Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về.

Trong Truyện Kiều, câu này Nguyễn Du nói về Thuý Kiều, một cô gái tài sắc, trong trắng là thế mà sống trong một xã hội đen bạc nên cuối cùng trinh tiết của nàng bị huỷ hoại bởi một tên vô lương, hèn hạ. Nguyễn Du than thở:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Bác Hồ dùng lại (tập cổ) hai câu ấy để ca ngợi vẻ đẹp của hoa trà mi, nên không có gì phải “tiếc”. Bác thốt lên: “Đẹp thay một đóa trà mi!”. Hoa trà mi đã đẹp rồi, nhưng Bác nói nó còn đẹp hơn nữa vì “Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về”[1]. Hai đại văn hào, hai khoảng không thời gian, hai quan niệm khác nhau nhưng đều có những ý thơ để đời. Cùng một đối tượng thẩm mỹ, Nguyễn Du xót xa, chua chát, bất lực. Hồ Chí Minh ý nhị, vui vẻ, lạc quan.

“Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc"[2]. “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”[3].

Trong Điện gửi Đại hội Anh hùng chiếnsĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai Bác coi những tấm gương đó là "tinh hoa của dân tộc": "Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiếnsĩthi đua và dũngsĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân,…"[4]. Bác đã dùng hình ảnh "những bông hoa rất đẹp", dùng tính từ "tinh hoa" để chỉ những con người được tôn vinh là anh hùng, chiếnsĩthi đua, điển hình tiên tiến… Đó là sự đánh giá rất cao, một sự ghi công của vị Chủ tịch nước đối với những con người xuất chúng. Hình ảnh những bông hoa rất đẹp không chỉ vì bản thân nó đẹp mà còn ở một ý nghĩa khác, ý nghĩa tuyên truyền giáo dục vì "hoa" luôn gợi đến ở người xem sự tác động đến thị giác (màu sắc), khứu giác (hương thơm). Quan niệm của Bác trong việc giáo dục nhân rộng những tấm gương điển hình là: "Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp"[5].

Rất nhiều người thừa nhận ở Hồ Chí Minh có sức mạnh cảm hoá, có lẽ sức mạnh ấy bắt nguồn từ tinh thần nhân ái: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”[6].

Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông thôn được nhiều mà mất cũng không ít, trong những cái mất ấy là xuất hiện sự nhìn nhận, đánh giá dẫn đến loại bỏ cán bộ tốt, người tốt chỉ qua vấn đề lý lịch. Bác Hồ đã nhận ngay ra sai lầm ấy, trong một bài viết Người lấy ví dụ Ăngghen và hình tượng hoa sen để nói về quan điểm: phải nhìn nhận con người trong công việc thực tế: “Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. Ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”[7]. Vấn đề này được Người cụ thể hoá, sâu sắc hơn trong bài Hoa sen. Ngày 30-3-1956 trên báo Nhân dân, số 757 có đăng bài báo Hoa sen, có đoạn:

“Trước kia, Các Mác là con một nhà quý phái, Ăngghen là con một nhà tư bản. Nhưng hai ông đã hoàn toàn dâng mình cho cách mạng và thành những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản. Gần ta đây, ở tỉnh Quảng Đông, người đầu tiên tổ chức và lãnh đạo nông dân kịch liệt chống lại giai cấp địa chủ là đồng chí Bành Bái, con một nhà đại địa chủ, đại phong kiến. Ở nước ta cũng từng có những địa chủ và con cháu địa chủ, sau khi tham gia cách mạng, đã thật thà cải tạo, dứt khoát với giai cấp cũ và quan hệ cũ, đã trở nên những đảng viên tốt, những cán bộ tốt.

Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng,

Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng”[8].

Ý của Bác Hồ rất rõ: động viên những cán bộ chẳng may có gia đình bị xếp vào thành phần bóc lột nhưng họ là “những người thật thà cách mạng” thì họ vẫn như hoa sen vậy. Đồng thời nhắc nhở chung mọi người đừng đánh giá con người chỉ qua lý lịch, tầng lớp xuất thân, như cây sen kia gốc rễ ở dưới bùn đất nhưng hoa sen thì vươn cao vẫn “tươi đẹp thơm tho”. Bác dẫn ra những sự thực là câu chuyện lý lịch của Các Mác, Ăngghen, những vị tiền bối của cách mạng vô sản, của đồng chí Bành Bái cũng xuất thân từ gia đình đại tư bản, đại địa chủ làm căn cứ khẳng định không thể nhìn vào lý lịch để đánh giá cán bộ. Đồng thời mượn bài ca dao dân gian quen thuộc, chỉ thay hai chữ “bông trắng” trong ca dao bằng hai chữ “hoa đỏ” để nhấn mạnh phẩm chất của hoa cũng là phẩm chất của người tốt. Càng rõ hơn một tầm nhìn xa và tấm lòng nhân hậu biết chừng nào!

Nhà thơ Tố Hữu kể về ấn tượng gặp Bác tháng 8 năm 1945, việc Bác quan tâm trước nhất là “dân sống như thế nào”. Khi nhà thơ báo cáo chính quyền cách mạng “phát động trồng rau màu khắp nơi” để chống đói thì Người hỏi ngay: “Khắp nơi là thế nào? Huế có nhiều vườn hoa cũng phá à?”[9]. Câu hỏi đột ngột ấy cho thấy trong hoàn cảnh vận nước cực kỳ gian nan mà Người vẫn quan tâm tới cái đẹp, rất mong muốn cái đẹp không bị chà đạp bởi một lý do nào.

NT


[1]. Nguyễn Lộc-Nguyễn Mạnh Bính kể- Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 139.

[2] .Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr.547, 548.

[3] .Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr 438.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 12, tr.293

       [5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr.551.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 12, tr 558.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 7, tr 54

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 8, tr 140.

[9].Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr14.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)