NSND Đặng Nhật Minh

Làm điện ảnh phải xuất phát từ gốc văn hóa của con người mình

Thứ Sáu, 01/03/2024 11:12

Tên tuổi của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh gắn liền với nhiều bộ phim nổi tiếng, như: Bao giờ cho đến tháng mười; Thị xã trong tầm tay; Thương nhớ đồng quê; Cô gái trên sông; Hà Nội mùa đông 1946; Mùa ổi; Đừng đốt; Hoa nhài… Ở phim của ông luôn có sự xuyên suốt, nhất quán trong cách làm: tự viết kịch bản, và tự đạo diễn cho kịch bản do chính ông viết ra. Ở con người ông luôn thấm đượm một tinh thần văn hóa và đời sống của con người Việt Nam.

- Năm 1950, giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Nhật về nước làm việc đã trở thành câu chuyện nức tiếng trong giới trí thức khoa học thời ấy. Trong cuộc đời mình, giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng đã để lại những thành tựu lớn, đóng góp cho nền y học nước nhà. Vậy ông ấn tượng nhất với người cha của mình ở điểm nào, thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh?

+ Bố tôi sang Nhật nghiên cứu y học từ năm 1943, lúc ấy ba anh em chúng tôi còn rất nhỏ và sống với mẹ trong gia đình bên nội ở Huế. Mãi đến năm 1950 khi nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, bố tôi đã trở về Việt Nam, làm việc ở An toàn khu Chiêm Hóa,Việt Bắc. Thời điểm này, gia đình chúng tôi gồm mẹ và hai em gái tôi mới từ Huế ra Việt Bắc để sum họp với bố. Thời gian tôi sống với bố không nhiều. Nhưng tôi thấy, ngoài tình yêu thương gia đình ra thì ông còn là một người rất say mê nghiên cứu khoa học, thương người nghèo khổ và hết lòng với cách mạng.

Những ngày ở Việt Bắc, bố tôi làm việc không kể ngày, đêm. Kháng chiến đang cần ông nghiên cứu, chế tạo ra nước lọc penicilline để chữa trị những vết thương cho bộ đội ngoài mặt trận. Để có được nước lọc này, ông đã mang một loại nấm có thể tiết ra chất penicilline từ bên Nhật về. Trong quá trình chế tạo, ông phải tiến hành làm thử nghiệm nhiều lần. Lần thứ nhất thất bại, vì trong quá trình đi đường, nấm bị hỏng, phần nữa là do điều kiện môi sinh khác nhau mà nấm không phát triển được. Trước tình hình ấy, bố tôi đã toan viết thư xin cáo lỗi với Bác Hồ. Nấm không phát triển được thì không thể sản xuất ra nước lọc penicilline. Điều đó làm cho ông dằn vặt đêm ngày. Trong căn phòng thí nghiệm bằng tre nứa ở Việt Bắc, bố tôi thử tiến hành tăng thêm nhiệt độ cho nấm và sự tác động đó đã làm cho nấm hồi sinh, phát triển không kém gì bên Nhật. Từ đây nước lọc penicilline được ra đời.

Thời ấy ta chưa có thuốc kháng sinh, bộ đội bị thương ở chiến trường khi đắp nước lọc penicillin lên vết thương, vết mổ, hiệu quả lập tức trông thấy. Theo như lời giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng thì việc sản xuất ra nước lọc penicilline đã có đóng góp không nhỏ, làm giảm thiệt hại về người cho bộ đội ta trong kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.

Trong những tháng ngày làm việc ở Việt Bắc, mẹ tôi gặp trọng bệnh và không qua khỏi. Lúc mẹ bị bệnh, bố tôi đang đi chỉnh huấn. Sau này tôi nghe kể lại: “Mẹ hôn mê ba ngày ba đêm liền, chờ bố tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay, bất lực vì đã quá muộn. Bố nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau, bố cùng đoàn thể an táng cho mẹ ngay trên nền nhà ở Việt Bắc trước khi rời khỏi đây để về tiếp quản Thủ đô. Đó là sự mất mát rất lớn của gia đình tôi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, bố tôi tiếp tục tập trung vào công việc nghiên cứu tiêu diệt bệnh sốt rét. Năm 1957, Viện Sốt rét được thành lập, bố tôi trở thành Viện trưởng đầu tiên và là chủ nhiệm chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc. Thời gian này, ông đã nhiều lần trở lại chiến khu Việt Bắc và khu vực Tây Bắc để nghiên cứu, chữa trị bệnh sốt rét cho bộ đội và nhân dân. Khi bệnh sốt rét căn bản được đẩy lùi ở miền Bắc thì ông lại tiếp tục lên đường phục vụ cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam.

Những năm kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt ở chiến trường Trung, Nam Bộ thì đồng thời bệnh sốt rét ở đó cũng rất phổ biến và gây thiệt hại lớn về người cho bộ đội ta. Sau khi cùng học trò và đồng sự đi vào Vĩnh Linh, bố tôi đã tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng chống sốt rét và tìm hiểu khả năng sản xuất vaccine để chống lại căn bệnh quái ác này bằng phương pháp lấy thoa trùng của muỗi sốt rét tại chỗ. Đầu 1967, bố tôi đã tiêm thử nghiệm vaccine cho mình, cùng 14 cộng sự với kết quả rất khả quan. Những người tiêm vaccine một tháng sau không ai bị sốt rét. Tháng 3 năm 1967 bố tôi cùng đoàn cán bộ chống sốt rét vào chiến trường Trị Thiên để ứng dụng tiêm vaccine cho bộ đội ngay tại thực địa nhưng không may ông đã hi sinh sau loạt bom B52 rải thảm của Mĩ xuống chiến trường phía tây tỉnh Thừa Thiên.

- Vâng! Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu con người hi sinh xương máu vì nền hoà bình, độc lập, tự do cho dân tộc, trong đó có giáo sư, bác sĩ, Anh hùng Lao động Đặng Văn Ngữ. Là con một trí thức, một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho kháng chiến, chắc hẳn con đường học hành của ông cũng sẽ gặp thuận lợi hơn?

+ Bước đường học tập của tôi cũng không có thuận lợi gì hơn so với con em các cán bộ khác trong kháng chiến chống Pháp. Sau này đi học hay đi làm thì tôi vẫn bị tổ chức xếp vào thành phần gia đình trí thức tiểu tư sản.

Ở Việt Bắc, sau một thời gian gia đình sum họp, tôi phải tạm xa bố mẹ để xuống Tân Trào học, vì trên Chiêm Hóa không có trường cấp hai, rồi lại tiếp tục cùng con em cán bộ kháng chiến sang bên Quế Lâm, Nam Ninh, Trung Quốc để học.

Tôi học xong trung học bên Trung Quốc thì được lệnh cùng một trăm học sinh sang Liên Xô học cấp tốc tiếng Nga để về làm phiên dịch. Thời kì đó, khi hoà bình ở miền Bắc vừa được lập lại thì lĩnh vực nào cũng có chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ ta nên rất cần người phiên dịch. Một trăm con người ấy, từ Liên Xô về nước cũng phải xét lí lịch và nằm dưới sự phân công, sắp xếp của tổ chức. Tôi thuộc thành phần gia đình trí thức tiểu tư sản, lại chưa có thành tích gì, đoàn viên thanh niên cộng sản cũng chưa nên khi phân công công tác tôi được phân về một cơ quan không mấy quan trọng của Bộ Văn hóa là Phát hành phim Trung ương chuyên làm công việc dịch lời thoại của phim Liên Xô.

Thế hệ chúng tôi là thế, anh muốn làm gì, anh muốn học gì đều phải xét lí lịch và phải do tổ chức phân công, chứ không thể tự định đoạt công việc của mình.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng diễn viên Minh Hương (vai bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm) trong LHP Fukuoka tại Nhật vào tháng 10/2010

- Thế khi chuyển sang làm phim là do ông tự định đoạt hay vẫn do… tổ chức phân công?

+ Ngày đó tôi mới 20 tuổi, hàng ngày phải ngồi “cạo giấy”, không tiếp xúc với ai ngoài bản dịch lời thoại trong các phim của Liên Xô để làm thuyết minh khi trình chiếu. Một thời gian, thấy công việc nhàm chán nên tôi xin cơ quan cho đi học điện ảnh. Lúc đó, tổ chức cơ quan bảo: “Cậu chưa có cống hiến gì mà đã đòi đi học. Muốn được đi học thì phải có cống hiến”. Thế là tôi phải ngồi “cạo giấy” suốt 12 năm liền. Khi tôi đang ngồi “cạo giấy” thì Trường Trung cấp Điện ảnh thành lập và có một chuyên gia Liên Xô về điện ảnh sang để giảng dạy và tổ chức phân công hai anh phiên dịch ở Bộ Văn hoá theo làm công việc ấy. Trường khai giảng cỡ hơn năm thì một anh phiên dịch được tổ chức Bộ cho sang Liên Xô học biên kịch nên thiếu người và lúc này họ mới điều tôi sang.

Trong thời gian làm phiên dịch, tôi nhận ra là ông chuyên gia người A-giéc-bai-giăng (một nước trong Liên bang Xô-viết) này không quan tâm gì tới lí luận điện ảnh, mà chỉ kể chuyện ông đã từng làm phim như thế nào. Trước khi sang Việt Nam ông mới chỉ làm được 2 phim truyện. Cả một khóa học ông chỉ cho sinh viên dựng vài vở kịch, rồi đem đi diễn. Mỗi lần dựng được một vở như thế phải mất tới ba, bốn tháng trời. Vèo cái, dựng xong vài vở kịch là hết hai năm học. Cũng may tôi là người biết tiếng Nga nên đọc sách lí luận về điện ảnh của Nga nhiều. Sau này tôi còn học cả tiếng Pháp và được đi thực tập ở bên Pháp nên có điều kiện trang bị kiến thức cho mình để trở thành đạo diễn. Nhưng cái công lớn nhất để tôi trở thành đạo diễn chính là nhờ vào nền văn học Việt Nam: những ca dao, tục ngữ, những truyện ngắn, truyện vừa… mà tôi được đọc, được học đã thấm vào con người tôi và giúp tôi sống được với điện ảnh. Làm điện ảnh phải xuất phát từ gốc văn hóa của đất nước mình, phải là từ kiến thức ở trong mình mà ra, chứ không thể vay mượn từ đâu khác. Tôi thật sự biết ơn nền văn học Việt Nam về điều đó.

- Những bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Đừng đốt, Mùa ổi, Hà Nội mùa đông 1946,… tôi đã xem đi xem lại nhiều lần và lần nào cũng xúc động như mới xem lần đầu. Ở những bộ phim này, tôi thấy ông hướng nhiều đến thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những người phụ nữ trong và sau chiến tranh.

+ Cảm ơn anh. Nhiều người nói là cảm động khi xem những bộ phim của tôi nhưng rất ít người lí giải được tại sao những bộ phim ấy lại làm người xem cảm động. Tôi tự lí giải như thế này: Quá trình làm phim của tôi là đi từ cảm xúc. Không có cảm xúc không thành phim của tôi. Có cảm xúc, rồi nung nấu trong người, cộng với những trải nghiệm, quan sát của bản thân để hình thành nên câu chuyện. Như phim Bao giờ cho đến tháng mười đấy, mới đầu tôi có cảm xúc nhưng chưa thành chuyện, trải qua những ngày đi lang thang về Hà Bắc đã hình thành nên cho tôi một cái tứ, và một câu chuyện để nói.

Đối với tôi, phim nào cũng phải có chuyện. Mà đã là chuyện thì phải cảm động, hình thức thể hiện phải đơn giản, hết sức đơn giản, không cầu kì lắt léo để đi thẳng vào trái tim người xem. Đặc biệt, tôi rất quan tâm tới chi tiết trong phim. Ngoài những câu chuyện chính thì chi tiết sắm vai hỗ trợ cho câu chuyện. Một đại văn hào, kiêm nhà viết kịch nổi tiếng của Nga từng nói: Nghệ thuật là cái “một chút” cộng với cái “một chút”. Cái “một chút” đó là những chi tiết của đời sống. Thực ra tôi không học ở trường điện ảnh ngày nào nên làm phim cũng không theo bài bản nào cả, chỉ theo thực tế, thực tiễn của mình và bao giờ cũng lấy cảm xúc là chính. Nói ngắn gọn, phim do tôi làm là phim của cảm xúc. Sự xúc động mà anh nói chính là vì chúng đi từ trái tim của tôi đến trái tim khán giả. Tôi yêu nhân vật, yêu những con người trong phim, yêu cả những khán giả xem phim của mình. Khi người ta thật sự yêu, thì mới biết trân trọng tình yêu được.

- Còn thân phận những người phụ nữ trong phim của ông?

+ Với nhân vật nữ, tôi không ý thức làm như người ta nói. Nhưng rõ ràng người phụ nữ xuất hiện nhiều trong các phim của tôi, ám ảnh nhiều nhất trong tôi chính là mẹ tôi. Mẹ tôi vốn xuất thân trong gia đình phong kiến, con quan thượng thư nên từ nhỏ cho đến lúc lấy chồng vốn không chịu vất vả nào. Ấy vậy mà khi lấy bố tôi - một trí thức tiểu tư sản ở làng An Cựu, Huế, đặc biệt là khi bố tôi biền biệt suốt bảy năm bên Nhật thì bà đã phải làm rất nhiều việc, phải đi bán vải ở chợ Đông Ba để lấy tiền nuôi con. Rồi khi biết tin bố tôi về nước, suốt ba tháng trời mẹ đã bế bồng, cõng dắt anh em chúng tôi từ Huế ra Việt Bắc với biết bao cực nhọc. Thế nên hình ảnh của mẹ đã ăn sâu trong tâm trí, trong tiềm thức của tôi. Sự thể là vậy. Chứ tôi đâu có tài giỏi gì mà làm những phim để đi sâu vào thân phận người phụ nữ, để khái quát nên sự to lớn ở họ. Tôi thể hiện điều này như một lẽ tự nhiên của đời sống người phụ nữ Việt Nam. Đó là sự tần tảo, chịu thương chịu khó, gánh trên vai mình đức hi sinh vì gia đình, vì chồng con, vì đất nước. Và lẽ tự nhiên đó đến từ hình ảnh người mẹ của tôi.

Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng mười

- Dõi theo điện ảnh Việt Nam, tôi thấy có khá nhiều bộ phim hay nhưng rất ít người có khả năng vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn như ông. Việc ông chỉ làm phim từ những kịch bản do chính mình viết ra, chắc hẳn cũng có lí do?

+ Điện ảnh Việt Nam có nhiều phim rất hay, rất mẫu mực như Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang… nhưng đúng là những bộ phim ấy, đạo diễn một người, kịch bản do một người khác viết. Tôi cho rằng sự kết hợp đó cũng có cái hay vì đạo diễn khi làm kịch bản của người khác đồng nghĩa với việc anh ta sẽ có thêm những sáng tạo vào kịch bản. Sau mấy phim đầu tiên tôi làm trên kịch bản của người khác thì thấy mình thất bại. Sự thất bại khiến tôi phải ngừng lại không làm phim nữa, thậm chí định bỏ nghề. Thời bao cấp, những đạo diễn như chúng tôi phải ngồi chờ, bao giờ giám đốc hãng phim duyệt được kịch bản nào thì mới gọi lên và giao cho làm. Người viết kịch bản mình chả biết là ai. Thời gian đầu, được giám đốc gọi lên giao cho làm phim thì thích lắm. Nhưng làm xong vài bộ phim bỗng thấy chán. Kịch bản mình không thích, không tâm huyết vẫn phải làm cho xong. Mà đã “phải làm cho xong” thì hay làm sao được, nên thất bại. Giữa lúc đang chán, định bỏ nghề, bỗng có một người quen lớn tuổi khuyên: “Không thích cái người ta viết thì hãy viết cái mình thích mà làm. Vậy cậu thử viết cái mà mình thích xem sao”. Tôi thấy đúng quá, nên thử tự viết kịch bản, chuyển thể truyện ngắn Thị xã trong tầm tay (truyện từng được trao giải Ba của báo Văn nghệ năm 1980) và gửi lên cho giám đốc duyệt. Ông giám đốc gửi kịch bản lên Cục duyệt và Cục đồng ý cho tôi làm đạo diễn. Bộ phim Thị xã trong tầm tay ra mắt thành công và đoạt giải Bông sen vàng. Đó là một bước ngoặt rất quan trọng, giúp tôi tiếp tục ở lại với nghề điện ảnh.

- Ngoài những bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn của ông như Thị xã trong tầm tay, hay mới đây nhất là phim Hoa nhài được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2023 thì ông có chuyển thể truyện ngắn của các nhà văn khác không? Ông còn thường xuyên viết truyện ngắn?

+ Tôi viết nhiều truyện ngắn và từng in tập Ngôi nhà xưa ở Nhà xuất bản Trẻ, tập truyện Hoa nhài ở Nhà xuất bản Dân trí. Ngay từ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỉ XX tôi đã viết nhiều truyện ngắn. Khi đọc truyện ngắn của tôi, nhiều người nghĩ là tôi sẽ đi theo con đường viết văn. Mà nói thật, nếu tôi chuyên tâm vào viết văn, có khi cũng đã thành cộng tác viên đắc lực của Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi. Nhưng tôi nghĩ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, mình đã làm điện ảnh thì hãy làm thật tốt công việc ấy.

Viết truyện ngắn mà trong lúc có cảm xúc thì nhanh lắm, chỉ non tháng là có ngay một truyện. Còn viết kịch bản thì người ta “hành lên hành xuống” mình ghê lắm, có khi tới mấy năm chưa được duyệt. Không chỉ chuyển thể truyện ngắn của mình, tôi còn chuyển thể truyện ngắn của một số nhà văn khác để dựng thành phim như truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chuyển thể từ truyện ngắn sang phim cũng là cả một quá trình, vì đặc trưng của văn chương là ở ngôn ngữ, mạnh ở ngôn ngữ, còn với phim thì là hình ảnh, nặng về hình ảnh. Tôi quyết định tự viết kịch bản rồi tự đạo diễn vì nghĩ: “Mình làm phim là để chia sẻ với người xem những tâm sự, những suy nghĩ, những buồn vui,… của chính mình nên không thể nào mà nhờ người khác viết hộ những lời tâm sự đó được”. Trong đời sống, chỉ có mình mới hiểu được mình đang nghĩ gì, muốn gì, quan tâm điều gì, chứ làm gì có ai đó chịu chui vào trong đầu mình mà hiểu.

Không chỉ viết văn, viết kịch bản mà tôi còn làm thơ nữa đấy anh. Nhiều người hỏi tôi bài thơ Bao giờ cho đến tháng mười của anh giáo Khang - nhân vật trong bộ phim cùng tên là của ai. Tôi bảo, là của tôi thì họ bất ngờ lắm: Bao giờ cho đến tháng mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hi sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu xanh mãi trên đầu. Nói chung thì anh đạo diễn cần phải biết cả thơ, văn, nhạc, hoạ,… Anh không biết, không giỏi văn học thì làm sao những lời thoại vừa bay bổng, vừa súc tích vừa tự nhiên cho được.

- Có dòng văn học cách mạng và cũng có dòng điện ảnh cách mạng. Hai dòng này đi song song với nhau, bổ trợ cho nhau, cùng nhau góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho bộ đội, cho nhân dân ta. Dòng văn học cách mạng đã đạt được những thành tựu lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Ông có đánh giá thế nào về điện ảnh cách mạng Việt Nam?

+ Tôi thấy điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu lớn nhưng chưa phản ánh đầy đủ đời sống cách mạng, công cuộc cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ngay cả với dòng văn học cách mạng cũng thế. Nếu anh và tôi ngồi kể ra những bộ phim hay của điện ảnh cách mạng Việt Nam thì chưa hết mười đầu ngón tay. Và đó cũng là món nợ tinh thần của những người làm điện ảnh với đất nước, với công chúng.

Nếu nói về sự bổ trợ giữa văn học và điện ảnh thì tôi nghĩ rằng: Văn học là điểm tựa, nền tảng của điện ảnh. Nền điện ảnh nào mà không có chất văn học thì không thành. Tôi viết văn dù chưa thể gọi là nhà văn nhưng tôi làm phim được như các bạn thấy là bởi vì tôi biết dựa vào văn học. Khi anh tư duy bằng văn học, có nghĩa là anh đang tạo ra cái không khí cái hồn cốt cho điện ảnh. Văn học không có tư tưởng thì không thành văn học. Điện ảnh không có tư tưởng cũng không thành điện ảnh. Phim của tôi chịu ảnh hưởng văn học rất nhiều, nhất là ca dao, tục ngữ. Có người nói: “Anh đã vào điện ảnh rồi thì hãy quên văn học đi”. Tôi trả lời: “Quên là quên thế nào được. Văn học là nền tảng đã chắp cánh cho tôi trong điện ảnh”. Tôi rất coi trọng văn học, đánh giá cao văn học.

- Những bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi, Đừng đốt,… đã làm nên tên tuổi của ông, đồng thời những bộ phim ấy cũng góp phần làm nên thành tựu của điện ảnh Việt Nam. Ông có nghĩ về thành tựu ấy không?

+ Trong bình diện điện ảnh của Việt Nam thì tôi nghĩ mình cũng đã có một số đóng góp nhất định. Nhưng so với các bậc lão thành về điện ảnh như các anh Hồng Sến, Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ,… thì tôi thấy mình chưa là gì cả. So với thế giới lại càng chưa là gì. Tôi chỉ thấy vui về điều này: Mỗi lần chiếu phim của tôi ở một nước nào đó thì khán giả nước ngoài rất cảm tình với con người Việt Nam. Tôi cho đấy là một phần thưởng quan trọng hơn cả những phần thưởng ở các liên hoan phim. Trong phim của tôi, người ta nhận ra đấy là con người Việt Nam đích thực, văn hóa Việt Nam đích thực, tâm hồn Việt Nam đích thực, không lai căng, không bắt chước. Chất Việt Nam trong phim của tôi rất đậm. Tại vì tôi làm phim xuất phát từ trái tim, từ rung cảm của tôi. Con người tôi là con người Việt Nam thì phim của tôi tự nhiên nó khắc mang tính dân tộc Việt Nam. Bao giờ cho đến tháng mười là phim đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975 được chiếu ở Hawaii, Mĩ. Người ta xem và ngạc nhiên lắm! Vì trước đó những bộ phim của Mĩ làm về Việt Nam, thì người Việt Nam mình hiện lên như cái bóng ấy. Việt cộng lúc nào cũng mặc áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, cầm khẩu AK với sát khí đằng đằng. Họ quan niệm người Việt Nam giống như cái máy đang chiến đấu vì lí tưởng cộng sản chứ không phải là những con người bình thường. Khi họ xem xong phim Bao giờ cho đến tháng mười mới ngã ngửa ra vì bấy lâu nay họ nhìn và nghĩ về người Việt Nam rất sai lệch, theo như cách miêu tả trong các phim của Hollywood…

- Bộ phim Đừng đốt được ông chuyển thể từ hai cuốn nhật kí của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Như chúng ta đã biết, khi cuốn Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm xuất bản, thì ngay lập tức đã tạo nên một sức hút vô cùng lớn đối với độc giả và trở nên nổi tiếng khắp trong, ngoài nước. Với một cuốn sách nổi tiếng như vậy, nhiều người cho rằng khi làm phim sẽ rất khó vượt qua được nội dung cuốn hút, nhiều thương cảm của cuốn sách. Nhưng kì thật, khi bộ phim Đừng đốt ra đời đã mang đến một sức hút khác trên lĩnh vực điện ảnh về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

+ Khi tôi làm phim Đừng đốt nhiều người lo, sợ bộ phim sẽ không đáp ứng được kì vọng của khán giả. Mặc dù chị Đặng Thùy Trâm là một nhân vật nữ anh hùng, nhưng phim của tôi về chị đã không đi theo cách xây dựng anh hùng như thế. Tôi không muốn dựng tượng đài một nữ anh hùng mà xây dựng hình ảnh một con người, một cô gái Hà Nội với tâm hồn rất nhạy cảm. Trong phim này, chị Đặng Thùy Trâm không bắn một viên đạn nào, không cầm súng một lần nào cả. Sức mạnh của chị trong phim của tôi không nằm ở đấy.

Có lần sang bên Mĩ, trước khi chuẩn bị làm phim về Đặng Thuỳ Trâm, tôi có gặp ông sĩ quan Mĩ - người đã giữ cuốn nhật kí của chị Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm. Tôi hỏi: “Trong 35 năm, hẳn ông đã đọc nhiều lần cuốn nhật kí này. Vậy ấn tượng nhất của ông là gì?” Không do dự, ông ta liền đọc cho tôi nghe hai câu thơ trong cuốn nhật kí Đặng Thùy Trâm, mà lại đọc bằng tiếng Việt: Và ai có biết chăng ai/ Tình thương đã chắp cánh dài cho ta. Vậy thì tôi hiểu ngay rồi. Tôi cảm ơn ông và không hỏi thêm gì nữa. Tôi hiểu ra rằng, cái mà chị Đặng Thùy Trâm chinh phục người phía bên kia là tình thương yêu con người ở chị ấy. Chứ không phải là chị đã diệt được bao nhiêu lính Mĩ. Tôi làm bộ phim để nói về tinh thần đó. Sức mạnh tinh thần ấy làm kẻ thù phải cảm phục. Bộ phim này khi được công chiếu ở bên Mĩ, các cựu chiến binh Mĩ đã khóc vì cảm động trước tình cảm của chị Đặng Thùy Trâm, trước con người của chị Đặng Thùy Trâm. Mà tình cảm của con người thì dân tộc nào cũng giống nhau, con người của dân tộc nào cũng thương yêu gia đình, thương yêu vợ con, yêu thương chồng con, yêu thương cha mẹ. Bộ phim này đã được giải thưởng tại Liên hoan phim Fukuoka lần thứ 19 ở Nhật Bản cũng vì khi người Nhật xem họ cũng nhận ra những điều đó.

- Cảm ơn đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã tham gia cuộc trò chuyện này!

ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện

VNQD
Thống kê