Nôn nao lúa lác đồng phèn

Thứ Sáu, 13/12/2019 11:06

.VỖ ĐẮC DANH

1.

Lúa xuồng - hai tiếng ấy không phải người nông dân nào nghe cũng hiểu, dân trí thức lại càng không hiểu vì nó không có trong từ điển, mà trong dân gian thì không phải miền quê nào cũng có.

Tạm giải thích thế này: vùng Cà Mau quê tôi hơn ba mươi năm trở về trước mỗi năm chỉ làm một mùa lúa, cấy vào tháng bảy, gặt vào tháng chạp, tức tháng mười hai âm lịch. Mùa gặt, nước trên đồng còn ngập ngang đầu gối, khi bó xong một bó lúa, người thợ gặt phải bẻ gập gốc rạ làm đôi, cậm xuống nước, gọi là bẻ nống, sau đó quơ đầu những gốc rạ xung quanh chụm lại cái nống để đặt bó lúa lên, gọi là bẻ cò. Gặt xong, để lúa bó phơi trên cò khoảng một tuần cho thật khô. Trong thời gian ấy, người chủ đất vác dá ra đồng, bứng gốc rạ thành những đường mương nhỏ chi chít trên ruộng, gọi là đường xuồng. Đồng ngập không thể dùng trâu cộ lúa nên phải dùng xuồng ba lá len lỏi theo những đường mương ấy, vác từng bó lúa chất đầy xuồng rồi dùng sức người kéo vô nhà, gọi là lòi lúa. Những bông lúa rụng trên xuồng, gọi là lúa xuồng. Một mùa ruộng như vậy, sau khi đem lúa bó vô nhà, mỗi nhà gom được vài ba giạ lúa xuồng. Lúa xuồng dính nhiều bùn đất cho nên phải sàng, phải rửa cho sạch, phơi khô đem đi bán lấy tiền xài tết. Lúa bó đem về được chất thành ngố trên sân, ăn tết xong mới làm ra lúa hột.

Mỗi năm, cứ gần tết, chuẩn bị mua sắm là tôi lại nhớ đến lúa xuồng. Nhớ, là vì hồi ấy mẹ tôi có một quy ước, nếu lòi lúa kĩ lưỡng, biết nâng niu bó lúa, chất lên chất xuống nhẹ nhàng, không để lúa rụng nhiều thì mẹ sẽ cho tôi phần lúa xuồng để xài tết. Bằng cách tính ấy, mẹ đã dạy tôi rằng, muốn có tiền xài thì phải biết giữ gìn hạt lúa, không để chúng rơi vãi, bởi, hạt lúa chính là giọt mồ hôi. Và, cũng chính vì vậy mà tôi hiểu được giá trị của những bộ quần áo mới, của bánh mứt, của thịt mỡ dưa hành, của đồng tiền trong ba ngày tết.

Những năm sau chiến tranh, dân quê tôi được hưởng những cái tết thanh bình, không phải ăn tết dưới hầm tránh pháo, không phải ngồi canh nồi bánh tét mà lòng cứ phập phồng sợ đạn nổ bom rơi. Nhưng ngược lại, nền kinh tế quốc doanh đã làm cho thị trường khô kiệt, khô kiệt đến mức sản sinh ra cái nghề vá dép mủ, thậm chí dép mủ tái sinh mà phải vá đi vá lại mấy lần. Tôi cũng có một đôi dép như thế. Khi mướn ông thợ trên hè phố vá đến lần thứ ba thì tôi đã ăn cắp được nghề. Nghĩa là chỉ cần một thỏi sắt đập dẹp đầu, nung cho đỏ lên, đặt vào vị trí cái quai dép đứt, phía trên ép xuống một thỏi cao su - cũng lấy từ một quai dép đứt khác - ép cho thật khéo, vuốt cho thật khéo, quai dép đứt sẽ lành lại, mang thêm được vài tuần.

Năm ấy, tết gần đến, tôi quyết định mót lúa xuồng để mua đôi dép mới thay cho đôi dép cũ đã vá đi vá lại nhiều lần. Nhưng, dường như năm đó lúa chín muộn cho nên đến ngày ba mươi tết mà tôi vẫn còn ì ạch đi lòi lúa. Khi chuyến lúa cuối cùng đem vào sân thì trời đã xế chiều. Tôi vội vã vét lúa xuồng mang ra ao dạo cho sạch đất rồi trải chiếu ra phơi, phơi thật mỏng cho mau khô rồi mang đi bán. Bán xong, tôi mượn chiếc xe đạp của thằng bạn chạy một hơi ra cửa hàng bách hóa của công ti thương nghiệp huyện. Nhưng than ôi, cửa hàng đóng cửa. Tôi cầm mấy đồng bạc trên tay mà muốn rưng nước mắt. Ra chợ trời thì không có dép nhựa tái sinh, dép nhựa tốt thì không đủ tiền mua, dép da, dép Lào thì tôi chưa bao giờ mơ tới.

Đạp xe về nhà, thấy mẹ tôi đang nướng bánh bông lan. Sẵn lửa than trong bếp, tôi lấy “đồ nghề” ra tiếp tục vá đôi dép đứt quai. Mẹ tôi lặng nhìn tôi rồi quay đi chỗ khác, tôi cố nghĩ rằng khói bếp cay làm cho mẹ tôi chảy nước mắt.

Sáng mồng một tết, bạn bè tới nhà, mẹ tôi cười vui khi thấy nhiều thằng bạn tôi cũng mang dép vá chớ không phải một mình tôi.

Minh họa: Bùi Quang Đức

 

2.

Nghỉ hè năm lớp tám, một hôm bỗng dưng mẹ tôi hỏi: “Mầy muốn có chiếc xe đạp để đi học không?”. Ở trọ, mỗi chiều thứ bảy lội bộ về nhà hơn mười cây số, chiều chủ nhật lội đi cũng thế. Tôi nghĩ, người ta mơ lên cung trăng bao nhiêu thì tôi mơ có chiếc xe đạp bấy nhiêu. Có xe đạp, chẳng những tôi sẽ không ở trọ mà còn có thể làm ra tiền bằng cách chở nước đá thẻ từ ngoài chợ đem về bỏ mối cho mấy quán nước mía trong xóm. Hồi ấy, nước đá do nhà nước độc quyền sản xuất để phân phối cho các cửa hàng ăn uống quốc doanh. Chỗ tôi ở trọ là khu nhà của sĩ quan quân đội, được ưu tiên cấp điện từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng, cho nên nhiều người dùng tủ lạnh cải tiến để sản xuất nước đá thẻ. Tôi nghĩ, nếu có xe đạp, chỉ cần mỗi ngày một chuyến, tôi có thể kiếm được vài đồng.

Nghe mẹ hỏi, tôi mừng thầm trong bụng vì biết tính bà không khi nào gieo cho tôi một niềm hi vọng mỏng manh mà không thực hiện. Nhưng nhìn đi nhìn lại, trong nhà không có nguồn thu nhập nào ngoài hạt lúa và những đôi chiếu do mẹ tôi dệt lúc nông nhàn, mà những thứ ấy thì cùng lắm chỉ đủ tiền trọ cho tôi. Có lẽ, bà đang có một kế hoạch gì đây.

Sáng hôm sau, mẹ tôi nấu cơm thật sớm. Ăn xong, bà bảo tôi vác dá xuống xuồng, bơi xuống đầu voi bên kia sông, chỗ khu đất hoang mà ông cậu, em của bà ngoại tôi giao lại. Ở đó, ngoài những bờ liếp mọc toàn bình bát, trâm bầu…, có khoảng một công đất trống trũng sâu, nước phèn đặc quánh, năn bột mọc um tùm. Mẹ tôi bảo: “Mình đào mương cho rỏ phèn để lên liếp trồng lác, chiếc xe đạp của mầy đang ở dưới đó”.

Hóa ra là như vậy. Tôi hì hục đào mương, chiều ngang ba mét, chiều sâu hai lớp dá, mẹ tôi dùng cuốc bang đất ra cho bằng phẳng. Gần một tháng sau, một công đất hoang đã thành sáu bờ liếp cao ráo chạy dài. Đầu mùa mưa năm ấy, mẹ tôi đi nhổ mấy xuồng lác non về cấy xuống, rồi làm cỏ, bón phân. Lác mọc lên, lớn nhanh như thổi. Gần cuối năm ấy, tôi nhập học được vài tháng thì mẹ tôi nói: “Dì Ba đã mua đám lác của mình với giá hai trăm năm chục đồng”.

Hai trăm năm chục đồng, chiếc xe đạp Cửu Long, nếu có quen biết với công ti thương nghiệp huyện thì giá hai trăm bốn mươi bảy đồng. Chuyện nhỏ, tôi chạy lên người chị bà con làm ở bưu điện huyện nhờ xin cái giấy giới thiệu. Chiều hôm ấy, tôi đạp xe từ huyện về nhà mà cứ ngỡ như mơ. Rồi mọi chuyện “làm ăn” diễn ra như tôi dự tính: Tan học, tôi chạy sang nhà chú Ba Sánh ở khu gia binh, lấy bốn thẻ nước đá vô bao, vắt ngang baga, đạp về giao cho hai xe nước mía ở đầu xóm, mỗi ngày kiếm được hai đồng.

Đây chỉ là hai trong hàng trăm câu chuyện của một đoạn đời nghèo khó nhọc nhằn của hai kiếp nông dân và thư sinh tồn tại song song trong một con người tôi. Cuộc đời có những chuyện cần quên nhưng cũng có những chuyện không thể nào quên, không thể được quên dù rất nhỏ, nên mỗi khi nhớ lại tôi luôn cảm thấy nôn nao. Ngày tôi rời quê ra đi, mẹ ngậm ngùi than vãn: “Chọn chi cái nghề khổ ải. Văn chương hạ giới rẻ như bèo”.

Nhưng bây giờ văn chương không còn rẻ như bèo. Nhuận bút một truyện ngắn, một bài báo có thể mua được vài mươi giạ lúa, vài chiếc xe đạp Cửu Long, nghĩa là bằng vài công lác chiếu. Với nhiều người cầm bút, có thể đó là việc bình thường, nhưng với tôi, nếu không bắt đầu từ những hạt lúa xuồng, nếu không bắt đầu từ vũng đất phèn mà mẹ tôi bảo chiếc xe đạp Cửu Long nó nằm dưới đó, thì có thể, rất có thể sẽ không có sự bắt đầu nào khác

V.Đ.D

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)