Ông Hai Khá

Thứ Sáu, 15/11/2019 10:09

.Truyện ngắn dự thi. NGUYỄN DUY LIỄM

Con tôi mua được căn nhà ở khu dân cư tự phát. Cùng dãy với nhà nó, phía cuối con hẻm cụt, tới đây sẽ thành mặt tiền hướng ra con lộ tương lai là nhà ông Hai Khá. Người già hay để ý, tôi thấy nhà ông lúc nào cũng mở cửa, khác hẳn với những ngôi nhà còn lại trong dãy cứ đóng im ỉm cả ngày, chẳng mấy khi giáp mặt chủ nhân.

Hai Khá, tên ông nghe thấy gợi cảm, nó nhắc đến sự phong lưu phát đạt. Nhưng nhìn vào con người và gia cảnh ông thấy úi sùi. Một ông già nhỏ thó cóm róm, chẳng thấy ông mấy khi mặc quần dài nên đôi chân để lỏng khỏng trơ ra dưới hai ống quần xà lỏn. Nửa phần cơ thể phía trên khoác chiếc áo sơ mi không đủ cúc, màu ngà ngà đùng đục, khó đoán chính xác màu khởi nguyên là trắng hay ghi. Đấy là nói những lúc có việc phải đi ra khỏi nhà. Còn thường thì ông ở trần.

Tôi đang sống nơi đồng bằng Bắc Bộ, quen quấn túm giữa cộng đồng làng xã, họ tộc, sự giao lưu là nhu cầu tựa cơm ăn nước uống, vào đây chơi với con với cháu, sau mỗi sáng ngày, con đi làm, cháu đi nhà trẻ tôi như bó chân bó tay, bó luôn cả miệng suốt mười tiếng đồng hồ trong nhà ngột ngạt. Tôi phải kiếm cớ sang làm quen với ông Hai Khá cho có bạn.

Thấy ông lom khom xách từng xô đất từ bờ kênh về tôn hiên nhà. Vì nền nhà ông thấp hơn mặt hẻm nên mỗi khi có mưa nước chảy lênh láng khắp cả. Tôi lên tiếng:

- Anh Hai không bảo con cháu làm cho, lọ mọ làm chi cho cực.

Thực tình, tôi không chỉ nói lấy lòng và cốt để làm quen mà nhìn thấy ông già tám mươi bảy tuổi xách từng xô đất bước đi chệnh choạng chân nam đá chân chiêu, thấy tội quá.

Bỏ xô đất xuống nghỉ, ông hổn hển:

- Chú ơi! Mình còn làm được cần chúng nó làm gì. Mà nếu gai mắt thì chúng nó làm từ khuya rồi.

Ông nhìn tôi bằng đôi mắt hấp háy sụp mi. Hai tròng mắt nhờ nhờ đùng đục thu nhỏ lại chỉ còn cỡ hai hạt đậu ván. Âm thanh thều thào từ cái miệng hết răng, đôi môi mím lại bó vào thành lợi. Nhìn ông chán tôi quay ra nhìn căn nhà của ông. Giả như gia đình ông sống cách nay bốn năm thập niên thì chẳng nói làm gì. Ở giữa thời bê tông hóa, Sài Gòn lại đang vươn lên thành một con rồng thì căn nhà ông cứ trơ trơ không chịu tiến hóa. Tường được xây mỏng dính, mái lợp tôn, không trần chống nóng, cứ thả sức cho mặt trời hun đốt. Nhà chia làm hai gian, gian trong là phòng ngủ, gian ngoài cô con dâu út ông Hai đang lạch cạch bên chiếc máy khâu, xung quanh vứt ngổn ngang những xấp vải cắt may dây chuyền công nghiệp. Đứa cháu nội, bé gái chừng tám chín tuổi gương mặt thanh tú đang nửa quỳ nửa đứng bên chiếc giá vẽ tự tạo. Những nét cọ thô sơ đã có hồn sống động đến đáo để. Có lẽ đây là tài sản lớn nhất mà ông Hai có được trong phần đời còn lại của mình.

Lần đầu gặp ông chỉ thế, một người làm một người đứng nói chuyện vu vơ trên trời dưới đất cũng ngại, tôi về, lần hồi đem thắc mắc ra hỏi con rể:

- Con trai ông Hai Khá làm ăn gì mà thấy vắng nhà luôn vậy?

- Con chẳng biết - Chàng rể trả lời - Con về đây ở ba, bốn năm rồi mà có mấy khi giáp mặt anh ta. Nghe nói đi theo bồ nhí ở Biên Hòa hay Bình Dương gì đó.

Lại thế nữa. No ăn mới ấm cật... Đằng này ốc chẳng mang nổi ốc... Nghĩ vậy tôi lẩm bẩm:

- Cũng là cái sự lạ. Đi với bồ thì bỏ bê vợ con đã đành một nhẽ, đây, bỏ cả cha già đang như chuối chín muồi đấy mà đi được là hạng người gì?

- Nghĩ được vậy đã không nên nỗi, mớ tiền đền bù nhà đất của ông ấy chúng đã không về mõi tới đồng cuối cùng...

Sáng hôm sau, khi con đã đi làm, cháu đã đến trường, tôi mang chiếc chổi cọng dừa ra quét hẻm. Vừa khua cây chổi được mấy quệt thì ông Hai Khá gọi vào uống nước. Tốt quá, tôi đang cần được giải tỏa. Thật là đúng lúc, tôi buông cây chổi xuống vệ đường rồi thủng thẳng bước vào với ông.

Khoảng hiên mà mấy hôm ông cặm cụi xách từng xô đất tôn tạo còn lỗ chỗ nhấp nhô, nó được chừa lại một nửa lấy lối vào nhà, còn nửa phía trong ông kê chiếc giường một. Phần tiếp giáp với đầu giường ông đặt một trang thờ không bài vị. Trang thờ cũng tạm bợ, chỉ là chiếc bàn nhựa Xuân Hòa. Sau bát nhang là tấm ảnh đen trắng in hình một người đàn bà rất đẹp. Những nét đẹp còn lưu lại với thời gian, chiếc cổ cao vạch đủ ba vết ngấn, đôi mắt lá răm sóng sánh nét cười. Khuôn mặt trái xoan toát lên một vẻ kiêu sa và cả sang trọng nữa.

Ông Hai Khá đang ngồi bên trang thờ, trước mặt đặt hai li cà phê đen, bao thuốc và hộp quẹt. Hai điếu thuốc đã châm lửa, một đang lấp lóe trên môi ông, một đặt bên li cà phê, khói thuốc, hơi nóng cà phê tỏa lên nghi ngút. Tôi ngỡ chiếc ghế bỏ không và li cà phê đã đặt sẵn là ông dành với nhã ý mời mình nên sáp đến định ngồi. Nhưng ông ngăn lại, rồi vào nhà lấy thêm ghế. Tôi hơi ngạc nhiên, chiếc ghế ông mới lấy ra và chiếc ghế để kia cũng giống nhau, có gẫy mẻ gì đâu, hay sắp có khách nào nữa, nhưng nhập gia tùy tục tôi làm theo sự sắp đặt của ông. Rồi ông hỏi tôi uống cà phê không. Đây là câu hỏi chân tình, không hề khách sáo của người Nam Bộ. Biết vậy tôi thưa tôi uống ở nhà rồi. Và vẫn bị chi phối về những gì vừa quan sát được và lối xử sự hơi khác lạ của ông, tôi lại nhìn khắp nhà, mong có thể tìm được câu trả lời đâu đây. Có lẽ sự tò mò, ngạc nhiên của tôi thể hiện qua nét mặt thái quá để ông cũng nhận ra. Ông chỉ vào tấm ảnh kể đấy là vợ ông, đã mất cách đây mười năm. Về già ông không chụp cho bà được tấm ảnh nào, phải lấy căn cước cũ ra nhờ tiệm ảnh phóng cho một tấm lấy ảnh thờ để ngày ngày ngắm cho đỡ nhớ. Xong chỉ vào điếu thuốc, li cà phê, chiếc ghế nhựa, ông nghèn nghẹn nói với tôi, mà không, ông đang nói với chính người vợ của mình, tất cả mọi thứ ông sắp đặt cho bà như mười năm trước mỗi sáng thức dậy, ông bên này bà bên kia ngồi nói chuyện với nhau. Mười năm chứ hai mươi năm nữa ông sẽ vẫn duy trì cái lệ này.

Nghe chuyện ông, người tôi rân rân, đầu óc như chững lại. Tôi ngước nhìn ông, khuôn mặt tàn héo đã xuống cấp tới hết mức, vẫn thản nhiên không thấy biểu lộ một trạng thái nào của tình cảm. Có lẽ đây chỉ là phần nổi, còn phần chìm ông nuốt ngược cả vào trong. Rất tò mò, nhưng tôi không dám hỏi lúc này, chỉ sẽ sàng đề nghị:

- Anh cho em thắp nén nhang cho chị Hai.

Được ông đồng ý, tôi đốt ba nén nhang thắp lên với tấm lòng trân trọng. Khói nhang lan tỏa, nhân ảnh mơ hồ. Những đường nét xinh đẹp trên khuôn mặt người quá cố như rung rinh xao động. Tôi nghĩ chắc bà chưa thể siêu thoát.

 

*

* *

Tôi thành thân thiết với ông Hai Khá. Thân vì quý trọng và thân để giải tỏa cô đơn. Trông bề ngoài ông cục mịch vậy nhưng tiếp xúc nhiều thấy ông cũng không đến nỗi nào. Nói đến lĩnh vực nào ông cũng tham gia được. Tuy không sâu, nhưng cũng đủ để tôi với ông ngồi với nhau cả buổi. Thì ra ông không chỉ duy nhất có một đám đất dựng căn nhà đang ở mà cả khu phố này xưa là đất của vợ chồng ông. Hơn năm mươi công đất trước ngày ba mươi tháng tư năm bảy nhăm vẫn là sở hữu của hai người. Sau năm bảy nhăm bên phía cách mạng ở bưng ở rừng kéo về thành phố đông nghìn nghịt, nhiều người phải túa ra ngoại thành kiếm đất dựng nhà. Lúc ấy ông nghe người ta thì thào với nhau, đất nước thống nhất rồi thì miền Nam cũng góp ruộng, góp của vào làm chung ăn chung như ngoài miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vậy giữ nhiều đất để làm gì. Ông còn nghe có người dọa nhiều đất là địa chủ rồi bị đem ra đấu tố như ở ngoài Bắc đã làm năm năm sáu, có mà vạ vào thân. Đến thế thì đành phát vãng đi lấy phước là hơn. Ông hoang mang rồi đem chia cho họ mỗi người mỗi mảnh. Phần mình ông chỉ giữ lại mươi công trồng cấy. Sau này lại góp vào hợp tác xã. Làm được vài năm thì hợp tác xã đổ bể, ruộng lại chia ra. Số đất còn lại được hai công. Hai công đất là hai ngàn mét vuông đem nhân với giá bán bây giờ, ông có tới sáu mươi tỉ đồng. Tôi nhẩm tính, một số tiền không nhỏ. Nhưng tính vậy mà chưa hẳn vậy, số tiền ấy vẫn nhỏ so với đám con ông, chúng biết cha mình có đất tức có tiền, đất nhân thành tiền nên cứ đang tâm moi mãi. Mà chúng moi làm gì thì tôi không dám hỏi trực tiếp, dù gì cũng mới quen, cái tính Bắc vẫn ăn sâu trong tôi, mới gặp chưa thể cởi hết ruột gan, cũng không nên đi sâu vào nội bộ gia đình người ta quá.

Mỗi lần gặp ông, nhắc chuyện con cái là lập tức khuôn mặt ông rúm ró, tối sầm lại như có đám mây u ám lướt qua, rồi lẩm bẩm giá các con ông biết nghĩ như con gái con rể tôi ông đã chẳng rầu thối ruột thế này. Bị vài lần thế câu chuyện loãng đi, cái buồn từ ông lây sang tôi, chẳng vui thú gì. Mà ở đây không nói chuyện con cái thì nói chuyện đất đai, rẽ sang hướng khác cho câu chuyện đỡ nặng nề, tôi hỏi ông bà có đất riêng không. Ông trả lời tắp lự là có, nhà lá thôi nhưng có vườn cây, có ao cá rộng tới hơn công đất, quanh năm mùa nào thứ ấy. Rồi ông đứng dậy sốt sắng kéo tay tôi đi.

Tôi theo ông Hai Khá ra cuối hẻm, vạch bờ giậu ô rô đi ra bờ kênh. Hai bên bờ kênh đã được giải tỏa trắng băng cho dự án cải tạo dòng kênh Lương bắt nó trở lại xanh trong như nguyên bản cũng như kênh Nhiêu Lộc, kênh Tầu Hủ mà thành phố đã làm để rồi hai bên bờ kênh được mở ra hai con đường mới song song chạy thông suốt lên quốc lộ một, giảm tải cho những con đường Phan Văn và Nguyên Quá đang phải oằn mình gánh chịu lượng người xe như nêm sau mỗi buổi tan tầm. Vậy ra ông Hai Khá đâu đã nghèo tới mức kiệt quệ như tôi ngỡ. Ông đóng cửa nhà mình về đây ở với cháu với con cho đỡ côi cút, mà nghĩ vậy là phải, ông như đốm lửa sắp tàn biết tắt đi bất chợt lúc nào.

Lúc này nắng đốt chang chang. Nắng nghiệt ngã mùa khô miền cận xích đạo đến sém da sém thịt đã sấy đất đai thành kiệt quệ. Tôi theo ông Hai len lỏi đi giữa những mô đất được máy “ngoạm” hất lên khi nạo vét mở rộng dòng kênh, nắng hong đã chai quánh lại nằm lổn nhổn. Vừa hổn hển thở, ông vừa nói về chuyện mặt bằng đã xong cả, dân mòn cổ đợi cả chục năm mà dự án vẫn nằm đắp chăn không thấy động cựa thi công, chẳng biết còn mắc kẹt ở khâu nào. Chuyện thế này chẳng mới gì ở nước mình, tôi an ủi ông đã nhận đền bù rồi, làm lúc nào tùy thuộc vào sự tính toán của nhà nước, sốt ruột cũng chẳng được. Xong ông vẫn bức xúc lắm, vì ông già rồi, sống nay chết mai, còn nhiều chuyện phải lo nghĩ, cắt đặt cho sau này…

Đang đi, ông Hai Khá ngoắc tay kéo tôi lại đột ngột chỉ vào ngôi nhà của mình. Nhà của ông là một cái chòi tùm hum cất bằng thứ vật liệu nhặt nhạnh từ những căn nhà bị giải tỏa dỡ bỏ. Nó dựng trên thẻo đất hình lưỡi kéo, bề sâu đầu này chừng một mét, đầu kia chừng hai mét, nằm ôm xuôi theo con đường tương lai dài tới bốn mươi bốn nhăm mét. Vậy mà tôi đã mừng vội cho ông. Ông đã dồn sức già vào đám đất mà dự án trừ lại là ngày ngày ra nhặt những mảnh vụn bê tông về quây quanh thẻo đất để phòng người ta lấn sang cái phần còn lại còm cõi của mình. Thẻo đất đâu chỉ có căn nhà mà còn chứa thêm ngôi mộ. Ngôi mộ đất vun cao tới ngang người, trên chốc đặt chiếc lư hương bằng sứ.

Đấy là ngôi mộ của bà vợ ông. Con đường vừa được giải tỏa xong thì bà mất, ông đem hỏa thiêu rồi mang tro cốt về đây quàn tạm. Đây là thứ duy nhất của quá khứ còn vương lại với cuộc đời ông cho đến giờ. Chính bố mẹ ông, ngay cả ngày tháng họ mất ông cũng chẳng biết để làm đám giỗ. Ông chỉ nhớ sơ sơ, họ gửi ông lại nhờ người bà con nuôi khi ông hơn mười tuổi rồi đưa nhau qua Nam Vang làm thuê cuốc mướn kiếm tiền. Mãi đến sau này nghe có người nói lại, mẹ ông đang chăm cá lồng cho chủ thì bị cá sấu tấn công. Cha ông thấy vậy cầm dao nhảy xuống sông giành lại. Nhưng cá sấu đi đôi, ông đánh không lại chúng mà chết theo. Xác cha mẹ ông thế là làm mồi cho cá rồi tan hòa vào nước Mê Kông...

Sơ sơ chuyện gia đình ông là vậy, sau này có được món tiền đền bù từ nhà đất thì con phá tanh bành hết rồi. Giờ với ông chỉ còn nhắm vào thẻo đất này mong thu vén được đồng nào là mua ngay một vuông đất trong nghĩa trang thành phố để lập hai ngôi mộ, một ngôi mộ gió cho cha mẹ, một cho vợ chồng ông. Ông ước, lời ước bi phẫn ấy mãi sau này ra Bắc tôi vẫn nhớ như in: “Tôi chết đem ra Bình Hưng Hòa thiêu xác lấy tro về bỏ chung bình với bà ấy. Coi như xong, chuyện đời phó mặc. Tôi bất lực rồi chú Tư ơi”.

Minh họa: Lê Huy Quang

Chuyện về lũ con ông tôi cũng đã nghe. Trước ngày giải phóng, ông quản chúng như quản tù, lúc phải gửi chỗ này, khi phải giấu chỗ kia. Mấy thằng con trai thằng nào cũng lực lưỡng, ông sợ chúng bị bắt lính đem làm mồi cho bom đạn. Hòa bình về, ông ngỡ là thoát nạn, thả chúng ra cho chúng được hòa nhập với cuộc đời. Ai ngờ chúng lại sa đà mắc vào xì ke ma túy. Thằng anh quyến theo thằng em. Nhà đất ông chia cho, chúng bán đi lấy tiền chích hút rồi thành bụi đời đường phố. Giờ chỉ còn căn nhà của thằng út. Nhằm ngày giỗ mẹ, chúng kéo nhau về mượn hơi rượu nắm lấy cổ ông mà khảo: “Tiền ông gửi ngân hàng cho mốc ra à? Con cháu nheo nhóc mà cứ bo bo. Ông chết, ai để ông thúi ra mà sợ”. Nhìn vào mắt lũ con ông biết chúng không chỉ dọa chơi. Thôi thì giữ lấy cái gì đáng giữ chứ chẳng lẽ vì đồng tiền mà cha con giết nhau. Ông ra ngân hàng rút ngay mớ tiền đền bù đất đai về phát hết cho chúng. Giờ ông muốn dành cái lỏm loi còn lại để trả nghĩa cho bà, trả nghĩa tình yêu và ghi ơn cha mẹ. Có lẽ, thế cũng là việc đáng làm. Tôi tôn trọng giây phút bùi ngùi của ông bằng cách lặng thinh rồi dắt tay ông đi vào chòi. Sẵn có bó nhang, hai anh em, người che gió, người châm cho ba cây nhang bén lửa ra thắp lên ngôi mộ, xong, kéo nhau vào trong chòi ngồi nghỉ tránh cái nắng cuối chiều xiên khoai mà vẫn hầm hập ngột ngạt oi ả đến váng đầu.

*

* *

Dòng kênh Lương vẫn lặng lẽ vô sự tải nước ra sông Sài Gòn. Nói là nước chưa hẳn chính xác, mà đây là một dạng vật chất ở thể lỏng, sền sệt, đen kịt như hắc ín. Nó được đón nhận từ mấy khu chế xuất trên đầu nguồn rồi được bổ sung thêm nguồn cặn bã thải ra của những khu dân cư đông đúc đổ thẳng xuống dòng kênh. Giờ đang phát tán, mùi xú uế vừa thum thủm, vừa tanh tanh nồng nồng khăn khẳn làm bầu không khí thêm ngột ngạt khó thở. Mũi tôi bị dị ứng với mùi lạ cứ hắt hơi liên tục. Ông Hai Khá hình như đã quen với cái mùi mà bấy nay đã buộc phải sống cùng như người vùng lũ sống chung với lũ nên vẫn không có biểu hiện phản ứng gì khác lạ.

Giờ nơi hẹn của hai chúng tôi là ngôi nhà tạm bợ này của ông. Ông thích ra đây, ở gần người vợ thân yêu của mình, ở trong mảnh đất của mình. Tất nhiên ở ngoài này cảm xúc của ông cũng bất ổn hơn. Nhìn khuôn mặt nhàu nhĩ nhăn nheo như quả nho khô bất động, khắc khổ, tội nghiệp, ông như con người đã thuộc về thế giới khác. Tôi nghĩ động viên cũng là thừa và an ủi cũng không cần thiết vì tất cả với ông, nó vo tròn vón cục lận xuống sâu tận tâm can chìm vào hoang hoải cả rồi. Sự gợi lại chỉ như ào qua cơn rung chấn bất chợt. Có lẽ nên phá tan nỗi u uất bằng cách lái ông về câu chuyện vui, đó là chuyện tình yêu được khởi xuất ra sao giữa ông với người vợ đẹp hương trời sắc nước.

Tôi bỗ bã hỏi ông về chuyện tình của ông với người vợ đẹp nhường kia, so với ông có gì đó cọc cạch không cân xứng, tưởng ông giận, nhưng không, mắt ông sáng lại, cái miệng không răng móm mém cười. Chính vợ ông mới là người tán ông, bà đã xiêu lòng trước. Đây chẳng là sự lạ nữa ư? Tôi bị cuốn hút ngay vào câu chuyện của ông, chuyện tình của ông già hơn mình một thế hệ. Tôi cảm đoán, đây là một chuyện tình hi hữu và chắc là rất li kì nên càng tò mò. Còn ông có lẽ đã bị tôi khơi lại để được sống với thời mà cuộc đời đã ban phát cho mình, kí ức bừng thức dậy.

Hóa ra, bà là con chủ điền. Ngày ấy ông chỉ là một chàng tá điền nên chẳng mơ ước tham vọng gì, đũa mốc đâu dám chòi mâm son. Bởi đời chàng lang bạt kì hồ bao năm, giờ chẳng nhớ rõ quê hương gốc gác mình từ đâu nữa. Rồi chàng được ông bà chủ điền thu nạp. Tuổi mười tám đôi mươi của chàng trai trẻ bẻ gãy sừng trâu, làm việc quên mệt từ sáng đến tối, làm bằng hai bằng ba người khác. Từ cày cấy, sạ lúa, việc gì chàng làm cũng ngon nghẻ cả nên được ông bà chủ cưng chiều. Chàng cũng chẳng lấy sự chiều đó làm vui, vì biết họ chiều chàng để lấy việc, mỗi bữa trưa ông bà chủ sai cô gái út mang cho chàng một bữa ăn ra tận đầu bờ. Chàng cứ vô tư ngồi ăn rồi thi thoảng vờ ngẩng lên để chiêm ngưỡng dung nhan con gái chủ điền, da trắng bông, đôi tròng mắt thì đen huyền sóng sánh như đong đầy nước, còn cái miệng lúc nào cũng chúm chím như nụ hoa tươi. Thằng con trai vừa đến độ, đang khao khát tình, khao khát lứa đôi bị thiêu đốt, nhưng đâu dám nhìn công khai cô chủ, chỉ giả đò như vô tình đưa mắt liếc qua vụng trộm nhìn lơ rồi đêm về tơ tưởng.

Nào ngờ cô chủ đã nắm được tình ý của chàng, đánh mắt liếc xéo một cái rõ ngọt rồi biểu thích thì sao không dám nhìn thẳng mà phải nhìn lén như kẻ trộm. Chàng nín thinh giả đò nhìn xuống chén cơm, còn mặt mũi thì đỏ lựng lên vì ngượng. Rồi chàng không ngờ nàng nhấn thêm: “Anh thích tôi thiệt hả?”. Thích thì thích nhưng làm sao được, chàng với nàng lúc ấy mỗi người một đẳng cấp, một thứ hạng. Chàng nhìn nàng mê đắm rồi ao ước, từ bản năng mà mỗi gã đàn ông đến tuổi đều có, chỉ thế thôi chứ cũng chẳng dám đi xa hơn. Bị bắt thóp, sau một hồi lúng túng, chàng cũng ngẩng được mặt lên nhìn rồi chẳng biết lấy can đảm, dũng khí từ đâu trả lời: “Tại cô Út đẹp vậy thằng con trai nào mà chẳng thích chứ!”. Từ ấy, cô chủ luôn nhìn chàng với cái nhìn lạ lẫm. Từ ngàn đời nay, khi mà trai gái yêu thương nhau, cái biểu hiện đầu tiên để họ thông báo cho nhau là qua ánh mắt.

Cho đến tận lúc này, tuy đã khuất mặt cách lòng, ông vẫn không sao quên nổi ánh mắt của bà khi xưa dành cho mình. Mà tất cả chuyện yêu đương ban đầu chỉ dừng ở đó, ông đời nào dám công khai chuyện tình cảm của mình. Mỗi lần được gần bà người ông lại run lên cầm cập, tâm trí bần thần lơ lửng đẩu đâu…

Cái kim trong bọc có giấu được mãi đâu, ông bà chủ đất đã biết chuyện. Không thể được. Con gái họ là lá ngọc cành vàng, đã được tính toán gả cho một vị quan chức cỡ bự trong Sài Gòn làm vợ bé. Để phá kế hoạch của bố mẹ, cô chủ đã chủ động cho chàng tá điền được đi đến tận cùng, coi như sự đã rồi. Cực chẳng đã, phần vì thương con ông bà chủ điền cũng chấp nhận, ém nhẹm chuyện này nhưng quẳng hết đồ đạc của đứa con gái lăng loàn ra sân coi như phóng thích. Đã chuẩn bị tinh thần với nhau từ trước, chàng phát hoang mảnh đất này, dựng cái chòi đón nàng về chung sống. Ông bà chủ căm tức nhưng vì con gái họ buộc phải chấp nhận để chàng tiếp tục làm tá điền trong thân phận rể hờ.

- Thực ra thì họ cũng đâu quá tệ. Lũ trẻ sinh ra, những lúc khó khăn là bà nhà tôi lại lẻn cửa sau về ăn vạ mẹ. Chẳng biết có phải làm lén chồng hay không, nhưng mẹ vợ tôi vẫn thường xuyên chu cấp cho lũ trẻ.

Ông Hai Khá nói về bố mẹ vợ bằng giọng tình cảm, không vương chút oán hận. Ông còn bùi ngùi kể rằng, sau khi Sài Gòn thất thủ tất cả bố mẹ, anh chị em đằng vợ ông gói ghém tài sản xuống tàu chạy ra biển. Cuộc ra đi đã hơn bốn mươi năm, ông vẫn không hiểu họ còn mang kì thị với quá khứ không muốn quay về hay con tàu chở họ ra đi đã gặp rủi ro ngoài biển cả. Chỉ còn có bà ở lại với ông, ngày ngày, từ lúc sống cho đến khi nằm xuống…

 

*

* *

Tôi quay lại Sài Gòn sau một tháng lặn lội giữa bưng biền Đồng Tháp để kiếm tìm hài cốt bạn bè. Vừa bước chân về tới con hẻm cụt, sự đổi thay đã làm tôi khựng lại. Căn nhà của cha con ông Hai Khá đã được đập ra xây lại. Vôi vữa vật liệu ngổn ngang cùng giàn giáo. Thế này thì mừng cho ông Hai quá, hẳn là thằng con út đã tu tỉnh quay về chí thú với vợ con, lại còn dành được tiền xây lại căn nhà. Tôi đem ý nghĩ vui mừng đó về nói chuyện với con thì chàng rể lắc đầu, kể tôi đi được vài bữa thì thằng con ông Hai về chìa lá đơn li dị đã viết sẵn ra ép vợ kí. Xong việc thứ nhất hắn quay qua sẵng giọng cưỡng ông Hai, ông có nhà thì dọn về ngoài ấy mà ở, nhà này gán nợ cho người ta rồi. Nghe thế, tôi bùi ngùi lấy xe định đạp ra căn chòi của ông Hai Khá xem sự thể ra sao, con tôi vội vàng ngăn lại:

- Bố đi đâu? Bố định đi ra chỗ căn chòi của ông Hai chứ gì? Còn cái gì ở đó mà ra. Cách nay một tuần bỗng dưng ông đem bình tro của vợ rải xuống sông Sài Gòn, sau đó về uống rượu say lên giường nằm ngủ rồi không dậy nữa. Xe đặc dụng của trường Đại học Y về rước ông đi, lúc ấy mọi người mới biết ông đã tình nguyện hiến xác. Còn thẻo đất ông Hai giao giấy tờ và ủy quyền cho cô con dâu út, với mấy lời dặn lại: Khi nào làm đường xong thì bán đi lấy tiền cho con mày vào học trường hội họa để nó thành tài. Khoai dại thì ươm lấy bồng. Nó là giọt máu của bà ấy nhỏ lại.

N.D.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)