Kí ức trăng thu

Thứ Sáu, 22/11/2019 10:55

.NGUYỄN VĂN THỌ

Tôi ở đại đội cao xạ 12,7 li trên Trường Sơn, được anh em phong cho chức “văn hay chữ tốt” nên tôi thường viết thư thuê hòng kiếm chút thuốc lá hay thuốc lào khi nghỉ trong rừng. Đôi khi ở hậu cứ viết thuê bích báo, song thường là tôi được thuê viết những lá thư tình.

Thời anh em tụi tôi, đa số vào lính là nhà quê ở các vùng khác nhau, nhiều anh ít học, văn hóa chỉ lớp ba, cao là lớp năm, lớp bảy, viết một câu văn còn ấm ớ nữa là thư tình, bởi đám con cái bần cố nông nếu đã học tới lớp mười thường là con cái cán bộ, sẽ vào đại học chứ không vào lính như đám Hà Nội tiểu thương hay tiểu tư sản như chúng tôi.

Ra trận để giành giật chết sống thì chẳng ai hơi đâu mà nhớ nhung. Sự nhớ nhung tha thiết chỉ khi ở hậu cứ. Không bom đạn, không có sự đe dọa của bom, đạn, chết và sống, quanh anh chỉ là rừng xanh núi đỏ quạnh hiu, đấy là lúc người ta nhớ nhung nhiều nhất.

Người ta trẻ, bỗng khát khao gần gũi, khao khát yêu và bày tỏ niềm yêu. Lính già biết mùi ái tình nằm võng nhớ vợ, đầu độc đám lính trẻ. Tha hồ hồi tưởng, kể ra tất cả bằng lời, rất rõ từng chi tiết cứ như thật, để sau đó khoái chí cười khùng khục, đi lục võng kiểm tra “độ nhạy” của từng thằng...

Viết một lá thư tình cho lính cực kì đơn giản. Tôi gọi đối tượng muốn thuê tới bên võng, chỉ hai thằng. Hỏi cô gái kia tên là gì. Béo hay gầy. Tóc dài hay ngắn. Học với nhau trước khi chia tay, hay là gái cùng đội sản xuất. Thế là cứ tựa vào đấy mà viết. Ví như, anh nhớ lắm những đêm hai đứa mình đập lúa ở sân x, sân z. Tát nước ba lăng nhăng cứ thêm trăng thêm sao “cho nó tình”. Hoặc giả như hỏi ra có đứa nào được hôn, được sẩm sờ tí, thì thêm dấm ớt ở những đoạn ân ái, ví như tả mùi tóc thơm, mùi môi thơm, ngón tay mềm v.v... Nhẹ nhàng thôi vì các cô gái ở thôn quê khi ấy vẫn còn nguyên sự e ấp, thẹn thùng.

Thường là những lá thư như thế viết trên khổ giấy học trò được “khổ chủ” giấu tận đáy ba lô, sặc mùi ẩm mốc rồi cho vào phong bì mỏng và đen, cũng chả cần tem tiếc gì. Dán kín, đi bộ ba bốn tiếng, mang ra đường tuyến, nịnh khéo cánh lái xe, gửi bọn Zin khơ 130 Đoàn 559 quay ra Bắc là chắc ăn và nhanh nhất. Thể nào thư cũng đến.

Thường viết xong là có nhuận thư ngay. Có đứa xông xênh khoái trá, khen hay quá, cho tôi hẳn suất thuốc lá vụn 100 gram, hay một phần ba phong thuốc lào. Thằng nào keo kiệt tôi cũng nặn bằng được vài điếu thuốc thơm Sông Cầu hẳn hoi, nếu đúng vào mùng 2/9, hay dịp 22/12.

Năm ấy mưa lắm. Đói rã họng, cơm chả có mà ăn, nói gì tới thuốc lá thuốc lẩu. Đã thế tụi lính bắt đầu khôn, bảo nhau “đạo” thư mẫu tôi viết. Mất bản quyền, cả mùa mưa tôi chả kiếm được gì. Đến mùa khô càng tệ, vì không săn bắn được, lính đi rẫy tản mạn cả. Tôi cũng phải làm nương nên việc nhuận thư coi như mất mùa.

Đầu tháng tám ta. Tôi đang đặt bẫy chim gáy ngoài nương thì thấy có bóng người tới. Hóa ra là anh lính già tên Khục. Khục hơn tôi tám chín tuổi gì đấy. Tiểu đội trưởng trung đội bên. Khục quê Hải Dương, chơi nhị rất hay. Hồi còn ngoài Bắc đi an dưỡng B ngắn, tôi nằm võng nghe anh kéo nhị như tiếng violon tha thiết lắm.

Tôi ngừng tay dẫn Khục đến bên bờ suối. Hỏi ngay anh tìm em có việc gì. Khục nheo nheo mắt cười bẹn lẹn, lấy ở túi áo ra tờ giấy và cây bút. Mày viết cho anh lá thư. Thư cho vợ anh à? Tôi cười cười. Không, thư cho con trai của anh. Nói rồi Khục lấy ra một bì thư nhăn nhúm bên trong là mảnh giấy học sinh đã nhàu nát. Thì ra, đấy là lá thư của vợ anh gửi đã một năm, giờ mới tới tay người nhận. Tôi đọc. Thư nắn nót trên giấy học trò, trên cùng vẽ đôi chim bồ câu đang bay lượn. Một cái mặt trăng rất to tròn xoe có những tia sáng bắn ra vẽ ở cuối trang. Chú thích là tranh của con anh.

Thư kể, con trai đã bảy tuổi, nó suốt ngày nhắc bố. Con nó mong bố Khục về làm đèn ông sao như thằng Tâm, bạn nó nhà bên cạnh. Tôi chưa lấy vợ, tất nhiên biết gì chuyện con cái. Nhưng tự dưng kí ức cho tôi trở về cả tuổi thơ. Về những đêm rằm trước 1954 ở Nha Kiến trúc của cha tôi và đám con em viên chức tập trung chơi trăng. Tôi lại nhớ thằng em trai tên Thước thịt. Nó mới mười tuổi, chắc vẫn chơi trăng và mong rằm. Ngồi ở bên suối giữa rừng xanh, tôi nhớ buồn tênh mùa thu Hà Nội.

Thế là tôi viết một mạch bức thư anh Khục gửi con trai. Lá thư như lời tôi nói với thằng em ruột hiền như đất về một đêm trăng rằm trung thu tử tế vui vẻ nhất của dĩ vãng. Tôi sẽ làm cho nó chiếc đèn ông sao đẹp nhất to nhất bằng giấy bóng trắng và đỏ. Những cái nan tre được chuốt kì khu để chiếc đèn của nó khi dán thêm vài cái hình ở giấy bóng kính sẽ đẹp nhất. Thư từ tôi, chỉ thay từ phố bằng từ làng, từ anh bằng bố, từ em bằng con trai. Lá thư của tôi viết cho em vụt biến thành lá thư của anh Khục bày tỏ tình yêu cho đứa con trai.

Có lẽ đấy là lá thư thật nhất trong cuộc đời viết thư thuê ở lính của tôi.

Tôi mĩ mãn xoa tay đứng dậy để anh Khục quay về khu rừng anh ở. Khó nói quá. Mùa khô năm ấy đói lắm. Anh Khục lục ba lô trả nhuận thư bằng một cái quần đùi lính còn rất mới. Lúc ấy tụi tôi đều tả tơi, quần không có mà mặc, phải vá víu chằng buộc để có cái gọi là quần đùi mặc khi tắm sông lội suối. Thế nên cái quần đùi mới này là một thứ rất quý, tôi không muốn nhận. Đun đưa đẩy lại một hồi tôi mới sượng sùng cầm món nhuận thư. Anh Khục tiễn tôi một quãng dài, ra tận ngã ba suối cạn mới quay lại.

Anh Khục không kịp ra đường tuyến để gửi lá thư cho đứa con vì ngay hôm sau đơn vị tôi được lệnh ra trận. Hành quân năm sáu đêm ngày về tới miền trung du có cứ điểm sâu vào miền tranh chấp cài răng lược. Căn cứ có hai đại đội địch. Khoảng hơn một trăm năm mươi thằng lính biệt động quân Việt Nam Cộng hòa tinh nhuệ trấn giữ. Tụi tôi cùng bộ binh đi trinh sát, bò vào tận lô cốt, hầm ngầm trong căn cứ rồi trở về vẽ toàn bộ bản đồ từng vị trí để đơn vị lên phương án tiến công.

Trận ấy anh Khục hi sinh. Anh ở trung đội cùng bộ binh đánh chiếm đầu cầu cứ điểm. Anh đã giã đạn 12,7 thẳng vào những mục tiêu và rồi ăn trọn quả DKZ. Xác anh nát nhừ. Diệt xong cứ điểm, lúc quàn liệt sĩ, anh em thấy lá thư tôi viết hộ vẫn trong túi áo ngực anh Khục. Lá thư dính đầy máu, nhoè hết cả chữ.

Chứng kiến cảnh ấy, trong tôi có một cơn phức cảm. Thương xót, ân hận, xấu hổ... Tôi đã định giữ chiếc quần đùi của anh Khục để sau này nếu còn sống sẽ mang về tìm gặp con anh, kể cho nó nghe về bố nó. Vậy mà...

Đến mùa khô ấy, đơn vị đói quá, tiểu đội đói quá. Đấu tranh tư tưởng mãi rồi tôi cũng phải lục cái quần đùi của anh Khục ra, đem vào bản đổi lấy năm cân gạo và một con gà trống. Đêm ấy Bản Cháy đầy trăng thu. Anh em ngồi quanh nồi cháo loãng, đợi anh nuôi chia phần. Lúc nhận phần mình, tôi bỗng thấy những tia sáng lóe lên quanh vết mỡ gà vàng nổi hình trăng vẽ trên mặt bát cháo, từa tựa bức họa chì gợi trăng của con anh Khục.

Tôi lén bưng bát cháo ra ngoài lán, đứng khóc rấm rứt, thầm gọi anh Khục ơi, tha lỗi cho em...

Tôi gạt nước mắt ngước lên nhìn trăng. Trăng thu ở miền Bắc kỉ niệm của tụi tôi, ở thư của vợ con anh Khục sao đẹp và yêu thế. Còn trăng ở đây... Treo trên cao là một cái đĩa tròn xoe, lạnh giá...

 

N.V.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)