Những bếp lửa ven đường

Thứ Sáu, 16/07/2021 17:11

. KIỀU DUY KHÁNH
 

Những ngày này trời đã chớm hè. Trong cái nóng tháng tư oi oi, ngột ngạt, tôi bỗng... thèm rét. Và nhớ những bếp lửa ven đường...

Quê tôi miền núi, mùa đông thường rét đậm. Rét đến tê cóng cả cảm xúc, đến đóng băng cả những dự định, ước mơ. Tinh mơ nghe tiếng gà gáy sáng không còn hào hứng rộn ràng mà rời rạc, è è như tiếng kêu của cái khèn bị giập, rụng hết những ngân vang.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Tôi là nhân viên tuần đường. Ngày ngày, bất kể nắng hay mưa cũng phải đi kiểm tra một lượt đoạn đường cố định được giao. Con đường tôi đi làm mới mở mấy năm nên dân còn thưa thớt, người qua lại cũng ít, những ngày rét thế này lại càng hiu quạnh và thưa vắng hơn.

Buổi sáng tôi đi làm trong buốt cóng tái tê và mịt mù sương trắng. Đã đeo đôi găng tay ấm mà những ngón tay vẫn tê buốt nhức nhối như có hàng trăm chiếc kim đâm. Cái buốt lan vào xương, lan dần lên cánh tay giần giật trong tê bì.

Gặp một đống lửa ai mới đốt ven đường, vẫn còn huơ hoắt khói. Vội dừng lại, nhặt quanh vài cành củi khô, phù phì thổi cho ngọn lửa bùng lên. Cuống quýt xòe cả hai bàn tay đỏ như bôi son vào ngọn lửa chờn vờn. Thấy nóng rát mới rụt vội tay ra, xoa xoa ràm rạp rồi lại nhúng vội vào ngọn lửa đang bùng lên trong tiếng reo lật phật.

Những ngày rét ven đường thường có những đống lửa nhỏ. Những đống lửa của người đi đường xa dừng lại, đốt lửa sưởi cho ấm để lấy dũng khí tiếp tục một hành trình dài. Có đống lửa người đi đã lâu, chỉ còn loang một vệt khói xanh mờ mỏng mảnh. Cũng có chỗ người lữ hành vừa rời, đống lửa vẫn đang bập bùng cháy. Dừng lại sưởi, còn thấy thoang thoảng mùi thơm nước hoa, mùi con gái vương vất. Tự dưng thấy ấm áp hẳn. Cái ấm áp của ngọn lửa và cái ấm áp mơ hồ khó gọi tên.

Nhưng tôi thích và chờ đợi nhất là được ghé vào những bếp lửa bên quán nhỏ ven đường. Gọi là quán nhưng chỉ là cái lều gianh lụp xụp đủ để bày ra vài hộp măng chua, bó măng khô, vài bó rau héo rũ vì sương muối, túm mộc nhĩ…

Từ đằng xa đã thấy trong sương mù đặc quánh một bếp lửa bập bùng. Quanh đống lửa là lố nhố mấy bóng người túm tụm. Đi vội đến, ào vào, vừa hơ đôi tay lên lửa ấm vừa lập bập mấy câu chào xã giao.

Cạnh bếp lửa là xoong nước bốc hơi nghi ngút. Trong xoong đặt một chai rượu ngô màu vàng nhạt. Chủ quán nhấc cái chai khỏi xoong nước, rót một chén rượu đầy sánh cũng bốc hơi như khói đưa cho tôi. Uống đi, phải uống xong chén rượu thì mới được sưởi đấy. Ai vào đây cũng thế thôi.

Đặt chén rượu lên đôi môi tê cóng lập cập, nhấp một ngụm nhỏ. Nóng hổi và thơm nồng. Rượu gì lạ thế. Vừa ngọt vừa cay. Dòng rượu bò nhóc nhách trong cổ họng. Rượu bò đến đâu nóng bừng lên đến đấy. Khà một tiếng, lại nhấp thêm ngụm nữa. Cái rét chẳng còn tê buốt. Thấy người nhẹ bẫng, chếnh choáng, lâng lâng.

Bây giờ mới để ý đến những người xung quanh. Hóa ra không chỉ mình tôi ghé sưởi nhờ. Một anh người xuôi đi bán chăn chiếu, một bác nghệ nhân từ bản xa đi bán những chiếc khèn bè, anh giáo viên đi dạy tận trường xa. Mặt ai cũng đỏ bừng hơi men. Thế là chào nhau, hỏi nhau. Thế là cười nói rổn rảng, thở ra phù phì hơi khói, hơi men.

Đợi người ấm hẳn, bắt tay chào nhau rồi đi tiếp. Men rượu nóng từ trong nóng ra. Cái lạnh chỉ còn như lá rơi, như gió thoảng. Bây giờ đi trong hào hứng lâng lâng, đi trong bổng bay sảng khoái. Đi đến khi hơi men đã hết, cái rét lại nanh nọc siết trói quanh người. Hai bàn tay nhức buốt, vội ghé vào một bếp lửa ven đường khác. Lại được mời chén rượu nóng, miếng thịt chuột rừng nướng vàng cay xè mà ngọt ngậy. Những con chuột rừng chỉ ăn rễ cây, bẫy được từ hôm trước, được làm sạch, tẩm ướp gia vị rồi nướng trên than đỏ rực. Con chuột vàng rụm rẹm, tròn căng, thơm lử lả. Thịt chuột rừng vừa có vị ngọt của thịt, vị cay của ớt chỉ thiên, vị thơm đến tê lưỡi của quả mắc khén, vị nồng nàn của khói than, mùi thâm trầm của đá núi.

Cũng có khi ghé vào đúng lúc mấy thanh niên đánh được ít cá dưới suối đem lên.

Cá còn nhảy loách choách. Cứ thế ném vào đống than hồng. Mùi cá nướng thơm, gọi thức cái đói cồn cào, bủn rủn.

Cá nướng vừa ngọt vừa dai. Nhai kĩ thấy vị sần sật rất nhỏ, rất khẽ. Cái tiếng sần sật, cái vị ngọt và dai đến mê hoặc ấy nó cứ luẩn quẩn đi theo suốt cả ngày. Cả ngày cứ bâng khuâng nhớ. Thỉnh thoảng, trong vô thức lại nhóp nhép nhai. Đôi khi ăn món ngon trong tưởng tượng và tiếc nhớ nó cũng có một sự thú vị kì lạ.

Thường thì mỗi ngày tôi chỉ ghé vào những bếp lửa ven đường như thế một vài lần. Đôi khi đi trên đường gặp anh người Lào sang bán thịt lợn rừng hay thịt hoẵng thì mua ít ghé vào cùng góp vui, nhưng cũng không dám la cà, vì còn công việc.

Nhưng cũng có hôm tôi tự cho mình buông thả một chút khi đã làm xong công việc được giao. Đang trên đường về thì có cánh tay người quen vẫy lại. Một con dê hơn chục cân đã được làm sạch và luồn một cây tre dọc thân, hai thanh niên đang khệ nệ khiêng đặt lên bếp than đỏ rực. Anh chủ quán hồ hởi. Mình mua được con dê đực ngon, rủ nhau góp tiền ăn món dê xẻo cho lạ cái mồm.

Nhìn con dê hấp dẫn quá, chẳng nỡ bỏ cuộc vui. Thế là góp tiền. Mỗi người chỉ vài chục. Chủ quán vừa huơ huơ tay trên lửa ấm vừa ngó ra đường. Thấy người quen thì vẫy lại rủ rê, người lạ ghé sưởi nhờ thì gợi mở mời chào. Loáng cái đã hơn chục người tụ tập. Góp đủ tiền mua con dê thì thôi, người đến sau dù lạ hay quen, chỉ việc ào vào ăn, không phải góp tiền, xin góp cũng không cho.

Con dê được quay đều trên than đỏ. Khi lớp da lụm rụm vàng, lốm đốm vài chỗ chuyển màu đen, một anh có vẻ thạo việc, cầm con dao vừa mài sáng loáng xẻo từng miếng thịt to độ ba ngón tay ném ra tàu lá chuối. Bát muối ớt đã để sẵn. Miếng thịt dê bốc khói nghi ngút vừa chín tái, còn hơi phơn phớt hồng, ngọt đến tê lịm cả răng. Cứ thế, ăn đến đâu xẻo đến đấy, xẻo đến đâu hết đến đấy. Nhồm nhoàm nhai, ừng ực uống. Oang oang nói, ngả nghiêng cười.

Khi con dê chỉ còn cái khung xương thì ai cũng đã lả lơi say. Giờ thì những bực bội, mỏi mệt, những căng thẳng thường ngày, những rét mướt tái tê cứ nhẹ bẫng đi như sợi bông quả khế mèo bay lửng lơ trong gió.

Thế là trải chiếu ra giữa căn lều, ôm nhau mà ngủ. Hình như khi rét mướt thế này người ta mới dễ gần, dễ thân, dễ quý nhau hơn. Những tủn mủn toan tính, những mặc cả cò kè thường ngày buông bỏ hết. Chủ quán cứ rót rượu ào ào mà không tính tiền. Anh bán chăn người xuôi tặng bà cụ già cái chăn ấm mà chẳng đắn đo. Rồi thì hỏi tên, rồi thì xin nhau số điện thoại, hẹn tết là phải lên nhà nhau uống rượu. Có cưới con thì phải nhớ mời nhau…

Một buổi sáng, tôi chuẩn bị đi làm, nghe gió rét ù ù ngoài cửa. Nghĩ đến đoạn đường sắp tới mà kinh. Gọi điện cho thủ trưởng lấy lí do ốm để xin nghỉ một ngày.

Nằm cuộn tròn trong chăn ấm, chợt thấy hôm nay sao mà buồn, mà tẻ nhạt. Một gã mới hơn bốn chục tuổi mà rúc chăn nằm ngủ chỉ vì ngại gió rét, bỏ đi một ngày năng động trôi qua trong bức bối chăn màn thì đã tự ru mình vào tuổi già, thiêu rụi những hoài bão. Tự thấy mình nhu nhược hẳn đi khi trái tim đã chùng xuống đầy bất lực chỉ vì chút giá buốt ngoài kia.

Lại nhớ đến những bếp lửa ven đường. Thế là vùng dậy phóng xe đi. Đi trong niềm hân hoan và rạo rực, đi trong phơi phới trẻ trung. Và đi để thấy mình chưa phải đã già…

Tôi đã đi từ năm này qua năm khác, từ đông sang xuân, từ thu đến hạ, mỗi mùa mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Và trên con đường rừng quanh co của mùa đông rét mướt, những bếp lửa bên đường luôn cho tôi một cảm giác thân thương ấm áp đến lạ kì.

K.D.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)