Những cái tết chiến trường

Thứ Hai, 07/06/2021 00:13

. NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 

Đã gần tết.

Rời Cự Nẫm chúng tôi bắt đầu vào Trường Sơn.

Bốn ngày hành quân trong mưa. Người và ba lô ẩm ướt nặng như chì, mặt mũi và rừng cũng thum thủm màu khói.

Chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ chìm dưới rừng cây toe toét đất đỏ và hố bom. Mệt bã bượi vì dép cao su bết đất.

- Đồng chí ơi! Các anh ơi.... Hú hú.

Ở dưới vòm rừng heo héo cây đổ ngổn ngang, một nữ chiến sĩ thẫn thờ cầm mũ tai bèo vẫy vẫy. Cô vừa cười vừa khóc nhìn chúng tôi bước những bước cuối ngày nặng nề. Đi thêm một đoạn ngắn thì đến nơi trú quân, chúng tôi bắt gặp rất nhiều áo quần của bộ đội treo lủng lẳng trên cây rừng, những căn nhà cháy nhom nhem như một xóm làng vừa qua cơn hủy diệt.

Đón Tết Canh Tuất 1970 tại chiến trường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Tối ấy chúng tôi không nấu cơm mà chỉ ăn lương khô và nước suối. Nghe cán bộ phổ biến mới biết chỗ này là một khu kho hậu cần vừa bị B52 hủy diệt cách đây năm ngày. Tiểu đội nữ coi kho hi sinh năm, còn hai, vẫn đang trong cơn xúc động bấn loạn. Dù mệt là thế mà cứ thao thức vặt. Thao thức nhớ khuôn mặt thất thần của cô gái ven rừng. Những ngày này ở quê mẹ đã cọ lá dong chưa? Các em đứa nào năm nay có áo mới?

Mờ sáng chúng tôi đun nước sôi rồi hành quân. Ra khỏi cánh rừng cũng là lúc đủ sáng. Cũng như lúc vào, đập vào mắt là những bộ quần áo rách tươm cháy nhom nhem vắt tứ tung trên cây. Ở chỗ rẽ lên núi theo “đường tuyến” lại gặp cô gái hôm qua ôm chú khỉ con. Nhưng hôm nay, cô nhìn chúng tôi mà không có bất cứ nét vui hay buồn trên khuôn mặt. Da tái, tóc rụng nhôm nhoam. Cô khẽ giơ tay vẫy vẫy. Rừng Trường Sơn ngày 30 tết hây hấy nửa ấm nửa lạnh. Những người bạn tôi gọi to:

- Anh đi nhé! Chào em! Chào đồng chí em nhé!

Cô gái cười vô hồn rồi bất ngờ ôm mặt khóc và gọi to:

- Tết rồi các anh ơi! Các anh đi… nhé!

Chúng tôi leo lên dốc, có niềm thương của người con gái lan theo khiến bước chân nhanh hơn. Chúng tôi leo mãi, tới cuối ngày, ngẩng lên chợt thấy trời bỗng hửng. Thì ra đã đến gần đỉnh núi, ngày mai nghỉ ở đây nhận hàng tết rồi ngày kia sẽ đi qua sườn tây Trường Sơn, sang đất Lào. Hai sườn núi hai mùa khí hậu khác nhau. Mới xa miền Bắc có ít ngày mà thấy như mình đã là anh lính chiến thật sự. Cũng chỉ năm ngày đi từ Cự Nẫm mà bao nhiêu suy nghĩ, mộng mị thay đổi. Trong năm ngày ấy, gặp biết bao nhiêu đơn vị khác nhau cùng hành quân trong mưa rét. Đã quen những tiếng gọi của lính. Đồng hương ơi! Cầu tõm ơi! Hà chuồn ơi! Thái lọ, Thái Bình bay ơi… Cũng chỉ mới năm ngày mà đã ao ước nhận thư. Viết mấy lá rồi nhưng chưa biết gửi ra bằng cách nào.

Trạm 5 lớn. Bãi khách ở trạm này kéo dài đến sáu, bảy cây số. Cùng vào trạm với chúng tôi có gần chục tiểu đoàn, lại còn đơn vị lẻ, những đoàn dân chính khiến đỉnh Trường Sơn như một vùng mở hội. Sáng ba mươi, mỗi tiểu đội hai người đi nhận hàng tết. Chúng tôi gặp một con suối to nước trong veo. Một người con gái đeo súng ngắn cầm cành lá ngồi bên bờ suối hét to. Các đồng chí đi đường khác, rẽ lên kia đi, dưới này các đồng chí nữ đang tắm. Lính ta cười. Người con gái quát lên. Lại còn cười à. Không được nhìn xuống suối. Lính càng cười, mỗi anh bẻ một cành lá che bên giáp suối, đi nghiêng nghiêng dọc bờ. Thì ra có một đại đội toàn nữ dũng sĩ miền Nam ra học Lục quân 1 năm nay trở lại chiến trường. Bỗng quên béng đây đang trên đường ra trận, binh trạm rộn rã người và hoa phong lan trên những cây cổ thụ đầy ong bay.

Hàng tết rôm rả lắm. Mỗi người lính được năm cái kẹo nu ga, hai điếu thuốc Tam Thanh. Mỗi tiểu đội một gói thuốc lào, hai kí đường, hai kí sữa và hai kí bột đậu xanh đã rang thơm phức nhưng không thấy bánh chưng hay gạo nếp. Lính tiu nghỉu. Hỏi trạm, họ bảo mai phát. Lạ thật. Mai hành quân sớm bánh trái gì nữa.

Đêm ba mươi tết, bãi khách sạch như một khu rừng trong phim Liên Xô. Trời khô, chả đứa nào căng tăng, nằm võng ngửa mặt nhìn những ngôi sao le lói lách qua tán lá. Thằng Chiến nằm cạnh tôi nghển cổ bảo, nằm trên đỉnh núi gần trời hơn nên sao sáng hơn mà ông sao nào cũng to mày ạ. Tôi nhìn lên, sao như đang sà xuống. Đêm ba mươi mà tôi lại như nghe thấy tiếng ve rừng kêu. Đêm nay mẹ tôi thế nào cũng ráo nồi bánh tẻ đến tận sang canh mới lên giường.

Võng chúng tôi mắc sít vào nhau. Chúng tôi hát trong đêm ba mươi trên đỉnh Trường Sơn các bài: Bài ca thanh niên sôi nổi, Chiều hải cảng. Có bạn hát Những ánh sao đêm. Ở một lùm cạnh gốc cây to, tôi nghe một anh chàng nào đó đang khóc gọi mẹ…

Tết năm sau. Những người bạn từng cùng hát với tôi đêm 30 trên đỉnh Trường Sơn ấy không còn đủ nữa. Nhiều người đã hi sinh trong các trận đánh trước đó. Tết này chúng tôi không còn đủ thời gian nghĩ về điều gì khác ngoài việc đuổi địch, quyết đánh đến giờ phút lịch sử cắm cờ giữ đất. Liên miên một tháng nay, sư đoàn tôi quên cả ăn cả ngủ, quyết đẩy lùi kẻ thù càng ra xa càng tốt. Cấp trên lệnh quyết giành từng tấc đất của Tổ quốc về phía mình. Phải quyết tâm làm nên một mùa xuân chiến thắng. Máu tưới đến đâu đất của ta đến đó. Chúng tôi nghe mà xốn sang, bàng hoàng. Giờ phút giao thừa cũng vẫn phải sẵn sàng đổ máu. Đêm cuối năm tối như mực, vín vào nhau mà hành quân chiếm lĩnh. Mùi rừng mùi mồ hôi mùi máu khô của những người bị thương nhẹ vẫn bám theo đơn vị. Có tiếng người nào đó thì thầm. Ở nhà chắc đã xong cỗ chiều ba mươi rồi, không biết năm nay hợp tác xã chia cho nhà tao mấy cân thịt. Tôi như bừng tỉnh, chợt hiện lên bóng mẹ đang quấy nồi bánh tẻ, các em háo hức hơ tay quanh bếp ngồi chờ.

Pháo địch bất ngờ rót vào đội hình, đêm tan ra…

Sang canh năm ấy ở trên cao nguyên đường 19 Gia Lai đầy hoa dã quỳ. Nuôi quân mang cơm nắm, quà tết từ hậu phương gửi vào lên trận địa. Anh nuôi, một người lính già, là thầy giáo cấp 3 ở Phú Thọ khóc hu hu khi thấy khẩu phần tết thừa nhiều quá. Anh gục mặt bên bờ đất chiến hào nói trong tiếng nấc và nước mắt. Các em ơi, quà tết của các em đây, dậy mà nhận này... Rồi anh ngẩng lên gạt nước mắt, giọng rắn rỏi nói với đại đội trưởng. Đồng chí cho tôi ở lại đội hình chiến đấu. Đại đội trưởng nói khẽ, giọng nghẹn nghẹn. Vâng thầy ở lại với chúng tôi, quân số còn ít quá…

Trong đêm, tôi ngửi thấy mùi tanh hắc ngai ngái của hoa dã quỳ, loài hoa lính yêu thích. Rừng hoa cũng đang khóc.

Năm sau, năm sau nữa. Cứ mỗi tết bạn bè tôi lại vắng đi một ít. Chúng tôi bí mật hành quân từ Gia Lai về hướng Ban Mê Thuột. Mùa xuân này sẽ đánh điểm A, sẽ tiến đến những trận đánh cuối cùng và lờ mờ hiểu rằng tết năm sau có thể sẽ được về với mẹ. Chúng tôi bí mật áp sát đường 14. Lệnh trên không được đốt lửa, không phát ra tiếng nổ, không được hò hát. Năm nay quà tết có vẻ rủng rỉnh. Mỗi trung đội được một gói thuốc lào Độc Lập. Mỗi người 10 điếu thuốc lá Tam Thanh, mười cái kẹo. Gói thuốc lào do trung đội trưởng giữ. Đêm ba mươi, tất cả trung đội ngồi dưới chiến hào, chiếc điếu cày truyền tay từng người một, quay hết một vòng đê mê hương vị miền Bắc trong tiết se lạnh giao thừa. Phía đối phương có tiếng súng nổ đón giao thừa trước một tiếng khiến chúng tôi thêm bồn chồn nao nức. Trời cao nguyên năm ấy đến là nhiều sao. Chưa bao giờ trong những cái tết ở chiến trường, tôi thấy rõ màu trời đêm ba mươi như năm ấy. Nó đen lóng lánh và không hề có gió. Linh thiêng. Chúng tôi bò đến từng hầm chúc tết nhau. Đại đội trưởng của tôi bảo, chúc tết xong tất cả các trung đội chuẩn bị hành quân. Cũng hệt như ở nhà, ngày đầu năm chúng tôi mặc bộ quân phục mới. Trong mờ sáng mùng một tết, cả đơn vị hành quân vào trận. Lại bám vào nhau mà đi, bộn bề súng đạn. Là người lính, chúng tôi không hiểu hết sự quan trọng của những trận đánh ở từng mùa xuân. Chúng tôi vẫn đi về phía có nhiều giặc như những mùa xuân đã qua. Chúng tôi đi về phía những bông hoa xuân chưa hề biết tên sẽ gặp, để lại sau lưng những nấm mồ đồng đội với hoa rừng. Bốn tết. Tết nào cũng là những trận đánh. Tết nào cũng là cái chia tay buồn đến nao lòng.

Đã qua gần nửa thế kỉ chiến chinh, ai cũng đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời, thế mà cánh lính già chúng tôi vẫn nôn nao háo hức, bồn chồn đợi phút sang canh bởi trong cái nôn nao ấy, có nỗi nhớ về những người bạn nằm lại đâu đó trên dải đất Tổ quốc mình cũng đang khao khát mùa xuân.

N.T.L

VNQD
Thống kê