Khách lạ và người lái taxi

Thứ Bảy, 19/06/2021 00:00

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những vụ án oan khuất và những vụ án không tìm ra thủ phạm. Những vụ án ấy, ở đâu cũng có, kể cả ở những thể chế pháp luật văn minh, công bằng và hiện đại. Ở nước Mĩ, người ta đã thống kê chỉ có 61% vụ án mạng tìm ra thủ phạm. Nghĩa là trong số 10 kẻ thủ ác sẽ có khoảng 4 kẻ thoát tội. Như vậy, những kẻ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, họ sẽ làm gì trong chừng ấy năm cuộc đời, có bao giờ bị trả giá bởi một tòa án lương tâm, hay bị trừng phạt bởi thứ luật mơ hồ gọi là luật nhân quả, hay cần phải chờ đến kiếp sau hoặc tận mấy mươi kiếp nữa mới phải “trả nghiệp”.

Trong số những kẻ tước đoạt mạng sống của người khác, có những kẻ còn gây thêm một tội ác oan nghiệt nữa là khiến cho người khác phải thế thân, phải ngồi tù thay mình, thậm chí là tử hình thay. Và vô hình trung, một tòa án thiếu sáng suốt, hoặc thiếu minh bạch đã tiếp tay cho tội ác lần hai. Những người bị hàm oan, và thân nhân của họ, sẽ đau đớn đến thế nào, họ thậm chí sẽ phải lĩnh một cái chết đầy tức tưởi.

Trong một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, một chiếc taxi đến đón tôi tới nơi đã hẹn. Lúc ấy đã muộn và mọi công dân trong thành phố hẳn đang ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Người lái taxi im lặng và cần mẫn chở tôi tới điểm đến. Đôi mắt anh ta đầy vẻ nhẫn nại, hầu như là nhẫn nhục, có thể lúc ấy đầy tâm trạng về một chuyện buồn khác khiến tôi tưởng tượng ra thế, một con người xa lạ đồng cảm với mình trong không gian chật hẹp của chiếc xe giữa mùa đông. Cuộc đời anh ta đã đưa bao nhiêu người khách lạ trong những chuyến lữ hành, mà có thể là cả những chuyến đi ra tận vùng ngoại ô, dù anh ta không thể biết người ngồi ở băng ghế sau là ai, thiện lương hay nghiệt ác, tỉnh hay say, bình thường hay rối loạn tâm thần, và họ sẽ bảo anh ta đi đâu. Nhiệm vụ của một người tài xế là đưa khách đến bất cứ nơi nào mà họ muốn. Đó là dịch vụ, là sự sòng phẳng của cuộc đời. Chỉ có điều, có những tội ác không bao giờ được trả giá sòng phẳng.

Khách lạ và người lái taxi đã ra đời trong khoảnh khắc ấy.

Nhà văn DI LI

*

*       *

11 giờ đêm, thị trấn Hoài đã lặng trong giấc ngủ. Những đêm mùa hạ, ấy là còn thảng hoặc một vài gã trai chạy xe chầm chậm từ quán karaoke đầu phố thị, nơi duy nhất trong thị trấn tự hào vì có bộ dàn âm thanh cũ kỹ và một danh sách những bài nhạc sến. Nhưng bữa nay đang vào giữa đông. Hơi lạnh se sắt. Gió từ trên núi thổi về ào ạt khiến loạt cành cây già nua, khô khỏng oằn mình không nổi mà đứt lìa khỏi thân chủ. Chúng gãy răng rắc và rụng đồm độp trên nóc xe. Người lái taxi chạy hết tốc lực hướng về trung tâm thị trấn. Phố vắng, lại thuộc đường như lòng bàn tay, gã nhắm mắt cũng lái được xe về nhà. 100 mét nữa là đến cửa hàng bách hóa. Đi tiếp 50 mét sẽ tới bưu điện. Cạnh đó là trường tiểu học. Kế đến xưởng gỗ, chợ rau, tiệm sửa xe máy, hiệu may và ngoặt vào là con phố nhỏ quen thuộc. Gã sẽ tắt máy, trùm bạt lên xe, tất cả mất 5 phút. Rửa chân, thay đồ, thêm 5 phút nữa. Chỉ sau 10 phút, gã sẽ được nằm trong chăn ấm với vợ.

Xe chạy qua bưu điện, chợ rau và chuẩn bị rẽ thì hắn bất chợt nhìn thấy một bóng đen đứng trên bậc tam cấp của Hoài Thơ, cái khách sạn duy nhất ở thị trấn và cũng là nơi duy nhất còn sáng ánh đèn. Bóng đen đứng ngược sáng nên gã không nhìn rõ mặt, chỉ thấy một cánh tay giơ lên ra hiệu. Gã phanh kít lại, bụng đấu tranh tư tưởng. Gã nghĩ đến cái chăn ấm sực hơi vợ. Nhưng không kịp nữa rồi, người kia đã vội vã rảo bước sang đường. Gót giày cao gõ lộp cộp xuống mặt đường nhựa. Đó là một người đàn bà mà căn cứ vào dáng vẻ nhanh nhẹn thì áng chừng còn trẻ. Cô ta mặc áo dạ đen dày khoác ngoài chiếc váy dài màu trắng chấm tận gót chân. Mái tóc và nửa khuôn mặt giấu sau chiếc khăn trắng hoa đỏ. Đôi bàn tay bọc kỹ trong chiếc găng len cũng màu đỏ. Và cô ta xách theo lỉnh kỉnh những túi nilon đen to đùng buộc túm, loại túi đựng rác chuyên dụng của người thành phố. Gã hạ cửa kính xe.

- Chị đi đâu?

Nhưng người đàn bà đã kịp mở cửa sau. Hơi lạnh buốt của phố núi ùa thốc vào không gian chật hẹp ấm áp bên trong lòng xe.

- Cứ đi rồi tôi chỉ.

- Xa không?

- Không, gần thôi.

Một mùi hương là lạ ập vào theo. Qua chiếc gương nhỏ trong xe, gã cố gắng nhìn cho rõ khuôn mặt của người khách lúc nửa đêm, nhưng cô ta quay miết sang cửa kính nên gã chỉ có thể thoáng thấy sống mũi thẳng và nhỏ nhắn lấp loáng sau chiếc khăn hoa. Gã hầu như không mấy khi đón khách trong thị trấn mà thường sang kiếm ăn ở khu vực nội thành bên cạnh, cách thị trấn chỉ chừng hai chục cây số. Thị trấn nghèo, lọt thỏm trong một tỉnh nghèo, chỉ mới khởi sắc chút đỉnh nhờ vào việc phát hiện ra tầm quan trọng của du lịch. Mà rải rác quanh đó là những rừng những sông những suối, những nơi gã thường ngụp lặn hồi còn nhỏ, giờ khách lạ hò nhau kéo đến dựng trại, chụp ảnh và thậm chí phóng viên còn viết bài với những mỹ từ kiểu “Hòn ngọc non cao” hay “Viễn đông đệ nhất động”. Hôm nay gã không kiếm được nhiều, phần vì mùa đông thưa vắng khách du lịch, phần lại ngày nghỉ, dân công sở cao cấp trong nội thị không có lý do gì để bắt taxi của gã. Người khách lạ dường như hiểu điều ấy, cô ta nói khẽ, giọng của người miền Bắc chuẩn xác:

- Anh cứ đi thẳng, lúc nào rẽ tôi bảo. Chạy xe muộn, tôi sẽ gửi thêm tiền trà nước cho anh.

Gã mừng lòng, cho xe chạy bon bon về phía cuối thị trấn. Đến đây, những ngôi nhà đã tồi tàn dần đi rồi, cho dù khu nhà mặt phố trung tâm cũng không thể gọi là sáng sủa và sang trọng. Đi thêm một đoạn nữa đã là đồng ruộng. Phía xa là núi, đen thẫm những hình khối khổng lồ kỳ quặc. Gã bật đèn pha quét xa. Từ ngày xuất hiện cái gọi là “du lịch”, con đường này được làm lại, được trải nhựa phẳng lì thay thế cho lối đi đầy ổ gà ổ voi như từ thuở khai thiên lập địa đã thế. Gã đi thêm dăm cây số nữa. “Thế này mà gọi là gần thôi”, gã lầm bầm trong bụng. Lũ người thành phố vài chục cây số vẫn cho là gần. Dân quê như gã, gần, nghĩa là chỉ ngay đầu phố.

Xe chạy tới ngã ba đường. Phía trước mặt là cánh đồng hoang rậm rịt. Gã xi nhan sang phải theo thói quen dù biết rằng thế gian giờ này chỉ còn một vật chuyển động duy nhất là chiếc taxi đang chở khách. Cô gái này chắc chạy lên khu du lịch trên núi. Lại một ông Tây da trắng nào đó đi nghỉ đông, ham của lạ, và cô ta được gọi đến qua điện thoại. Gã cười tủm trong bụng bằng một nụ cười hiểu biết.

- Không phải, anh rẽ lối kia.

Người khách trên xe nãy giờ vẫn im lặng như một gốc cây, giờ cất giọng khẽ khàng nhưng gấp gáp khiến gã giật bắn mình. Không phải cô ta làm gã giật mình, mà câu chỉ đường khiến gã lạnh gáy.

- Cô bảo sao?

- Anh rẽ lối kia. - Người đàn bà nhắc lại. – Anh quay lại. Rẽ trái chứ không rẽ phải.

- Cô định đi đâu? – Gã nhìn đôi mắt đen sâu hút qua chiếc gương nhỏ.

- Anh cứ đi rồi tôi sẽ chỉ tiếp.

Gã chậm chạp cài số lùi, rồi băn khoăn dừng lại giữa ngã ba đường. Ánh đèn pha lúc này quét sang trái, là một con đường mòn cỏ buông rậm rạp, dù khá rộng rãi đủ để hai xe tránh nhau. Ngay dưới chạc cây cổ thụ đang xòa thấp tán ủ rũ giữa đêm đông là tấm biển xanh có mũi tên chỉ đường với những dòng chữ đã rỉ ngoét không còn đọc được cho rõ. Nhưng không cần đọc chữ, gã cũng biết con đường sẽ dẫn đến đâu.

- Cô thăm ai ở trong này? – Gã nghi ngờ hỏi mà không dám quay đầu lại.

- Vâng. - Người phụ nữ nói khẽ, vừa trả lời mà như không trả lời.

Gã rẽ vào lối mòn. Những cú xóc kinh hồn bắt đầu hành hạ người trên xe. Lâu rồi con đường không có ai qua, thậm chí cả trâu bò cũng vắng mặt, khiến cỏ mọc rễ lên ngay từ nền đường. Hai bên trải dài những cánh đồng hoang phế. Quanh đây không còn mấy người quần cư nữa. Phần vì cuộc sống đói nghèo khiến các hộ dân sống đơn lẻ trên những đỉnh đồi cũng bỏ nhà vào phố thị làm thuê những công việc mạt hạng, còn hơn trông chờ vào mấy thửa ruộng khô xác dưới cái nắng cháy ngột ở tỉnh lị miền Trung này. Phần vì… Gã gạt bỏ ý nghĩ ấy trong đầu và tập trung vào ánh đèn pha dường như yếu dần trên mặt đường.

Theo như gã biết thì chỉ còn vài túp lều tồi tàn trên đồi của những người già không còn biết đi đâu, sống chờ chết nhờ vào những vạt rau quanh nhà.

- Cô định thăm ai ở đây? Cẩn thận lạc đường nhé. Nếu tìm không ra thì tôi sẽ chở cô về luôn khách sạn chứ đừng bắt tôi lang thang cả đêm rét mướt thế này. – Gã bắt đầu cao giọng hơn, mắt liếc nhìn đồng hồ báo cây số, số tiền đã lên tới gần hai trăm ngàn rồi.

- Vâng. - Người khách lạ nói khẽ và sột soạt những túi giấy bóng màu đen.

“Có lẽ cô ta còn một mẹ già ở đây. Một đứa con xa quê lâu ngày giờ thành đạt quay về để báo hiếu mẹ”. Gã vừa phỏng đoán, vừa mỉa mai, vừa nguyền rủa vị khách đang sẵn sàng hào phóng. Xe chạy chậm hơn vì đường xấu và người đàn bà vẫn chưa có ý định muốn bảo gã dừng lại. Xe càng đi sâu vào lối mòn, gã càng lạnh người như thể tất cả các cửa kính xe đều mở, trong khi mồ hôi trán túa đầm xuống má. Những ngôi nhà đơn lẻ mà ban ngày giống như mấy dấu chấm đen trên đỉnh đồi thưa dần rồi lùi hẳn lại đằng sau, gã chắc chắn thế. Giờ chỉ còn cái nơi duy nhất ở phía cuối con đường.

- Cô định bắt tôi đi đến cuối đường à? – Gã buột miệng.

- Vâng.

Gã phanh kít lại. Bánh xe nẩy trên những gồ ghề. Gã ngồi chết lặng. Mồ hôi vã mờ cả mắt. Gã thậm chí không dám quay mặt ra sau, trong tức thì rợn người như dường sinh thể trên băng ghế sau là một bóng ma trêu ngươi giữa đêm hôm khuya khoắt. Ví thử phía trước mặt kia là một nghĩa trang thì dù chẳng dễ chịu gì nhưng gã cũng nghĩ rằng khách trên taxi có lý, đằng này…

- Cô đến đó có việc gì? - Lần này gã gắt lên bằng tất cả những can đảm còn lại. - Giờ đã gần 12 giờ đêm, tôi không đi thêm được nữa. Nếu cần thì tôi cho cô xuống đây.

- Không, anh giúp cho việc này. Đằng nào cũng đã đến đây rồi. Làm sao tôi đi bộ được. – Cô gái rối rít. Cô ta vội vàng dúi vào tay gã hai tờ bạc mệnh giá lớn nhất.

Vì tờ giấy bạc, vì hơi ấm từ bàn tay kẻ khác giới tình cờ va chạm lúc đưa tiền, hay vì giọng nói rất đáng thương của một người phụ nữ xa lạ mà gã mềm lòng. Gã thở dài rồi dận ga. Xe chạy hùng hục như đang lao đầu xuống vực. Bóng tối đặc quánh như thạch đen, và gió vẫn rền rĩ qua cửa kính xe. Đèn pha quét mãi trên rìa đường lổn nhổn cho đến khi nó dừng lại trước một tòa nhà đổ nát ẩn sau bức tường bao bằng bê tông vững chãi. Phía trên đỉnh tường trước đây là hàng rào dây thép gai đã biến mất cùng với tất cả những gì thuộc về sắt thép của tòa nhà, cả chấn song, cánh cửa và biển treo trên cổng đều bị lũ dân nghèo cưa ra rồi mang về bán sắt vụn. Nhưng nhìn kỹ thì vẫn còn một tấm biển đá đen bọc viền thép ốp vào cột trụ cổng ngoài mà không đáng gì để nậy nó ra, hàng chữ nổi đã phủ đầy bụi đỏ nhưng vẫn còn đọc được dưới ánh đèn pha: Trại giam T27.

 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Khách đi xe mở cửa bước xuống, kéo theo lệt xệt túi to túi nhỏ trong tiếng gió rít đang gào thét và tiếng đập cánh phành phạch trên những chòi tháp canh. Người lái taxi ngồi đông cứng trên ghế lái. Gã không biết phải làm gì tiếp theo. Cô gái kia tiến vài bước lên trước đầu xe rồi quay lại, chiếc khăn quàng tụt xuống cằm để lộ khuôn mặt quãng ngoài ba mươi không đẹp không xấu với những nếp nhăn hằn sâu do cái nheo mắt vì ánh đèn pha. Có lẽ điểm xinh xắn duy nhất trên khuôn mặt người phụ nữ là chiếc mũi thanh tú phù hợp với đôi mắt đen hun hút như bóng đêm. Một khuôn mặt dễ thuyết phục và quả nhiên là cô ta đã thuyết phục được gã.

- Anh đợi tôi ở đây được không? Khoản tiền ban nãy mới chỉ là phí một chiều.

Gã gật đầu cái rụp, không phải vì tiền, không phải vì vẻ mặt dễ thương hay đáng thương của vị hành khách bất đắc dĩ. Gã vẫn nổ máy xe, vẫn để đèn pha, còn người phụ nữ đã vội rảo bước rồi biến mất sau những bức tường cùng chiếc đèn pin chuẩn bị sẵn. Còn lại một mình, người lái taxi gần như nghẹt thở. Gã chốt chặt cửa xe, nhưng tiếng vạc ăn đêm, tiếng mèo hoang động tình rên thảm thiết, tiếng côn trùng rền rĩ và cả tiếng gió u u từ trên đỉnh núi luồn lách qua những cánh đồng hoang khiến gã lả người vì sợ. Tất cả những âm thanh đó trộn vào nhau thành tiếng khóc kỳ quái của một kẻ vô hình. Trong bóng đêm, ảo giác của gã trở nên u ám, như người ta đang ghé vào tai gã mà khóc. Đau đớn. Cào xé. Sợ hãi. Và tuyệt vọng. Tay gã nhớp đi, song gã không dám cúi xuống nhìn, sợ nhỡ đâu chạm phải vũng máu tươi đang dần đen đặc lại vì khí lạnh.

Trại giam T27 từng là một nhà tù giam nhiều tử tội mà những cái tên còn nổi tiếng hơn cả ngôi sao màn bạc. Những kẻ đô thị túm tụm rỉ tai nhau hàng ngày vì những vụ án kinh hoàng in mỗi sáng sớm trên mặt báo, trước khi quên bẵng mất để hôm sau lại ồn ào về một vụ án mới. Họ không mấy khi để ý đến những kẻ bị kết án tử sẽ trôi dạt về đâu, còn người thị trấn Hoài, hầu chẳng biết mấy tên ngồi trên xe thùng thi thoảng đi ngang qua phố nhà họ, con đường độc đạo dẫn đến Trại giam T27, bị mắc tội gì.

Người phố Hoài không mấy khi đọc báo, xem ti vi, dù thời gian thừa như rạ khô sau mùa gặt. Dẫu nằm kẹt giữa một khu du lịch đang nổi tiếng và khu nội thành kề bên cạnh, người thị trấn Hoài tựa bị ám tính từ tổ tiên, khi còn là một ngôi làng nhỏ ven triền núi, thích tự cô lập với nền văn minh đang đà phát triển ngoài kia. Tuy nhiên, họ, hay gã, đều biết những tử tù đã được chở xe thùng về ngã ba đường, ấy là không bao giờ còn quay trở lại.

Trước khi Trại giam T27 biến thành một nỗi ám ảnh đối với người thị trấn Hoài, gã đã cùng tụi trẻ hàng xóm thức trắng đợi đến chập giờ Tí mới cuốc bộ vào khu vực cánh đồng ven bức tường rào kẽm gai, nơi còn cách mấy tháp canh một quãng dài. Những đứa nhóc muốn được xem cảnh người ta xử tử tội nhân.

Chúng bò rệp trên những cánh đồng đang mùa khô cạn, chạy băng ra hướng cửa sau nhà tù, nơi từ đó tử tù bị bịt mắt dẫn thẳng ra pháp trường, mà cho dù có mở to mắt họ cũng khó mà nom thấy gì trong bóng đêm. Sau khám phá tò mò ấy, gã và những đứa trẻ cùng tuổi mất ngủ cả tuần liền. Và gã im như hạt thóc vì những gì đã được chứng kiến cho đến tận bây giờ.

Trại giam T27 đã thành ngôi nhà hoang trong nhiều năm vì vị trí tưởng như đắc địa trong thung lũng bỗng dưng một ngày thành cái nồi hứng cho những cơn lũ thượng nguồn. Mỗi lần sơ tán nhộn nhịp, phạm nhân nguy hiểm lại biến mất thêm một ít. Các giám thị đệ đơn xin chuyển địa điểm. Tất nhiên không ai muốn có thêm một vụ vượt ngục nào nữa, Trại giam T27 được chuyển đi nơi khác.

Nhưng người thị trấn Hoài nói rằng chẳng có vụ vượt ngục nào cả. Thiệt hại do lũ quét gây ra chỉ là chuyện nhỏ đối với những bức tường bê tông cốt thép đã sừng sững từ nhiều thập kỷ. Lý do chính, theo họ, là ngay cả các giám thị và quản giáo, những người sống ở môi trường cần đến sự can đảm nhất, cũng không thể chịu nổi những linh hồn quỷ dữ lang thang hàng đêm sau hàng rào nhà tù. Đến nỗi có nữ quản giáo đã hóa điên mà đêm nào cũng bỏ nhiệm vụ, tảng sáng người ta lại tìm thấy ngồi ngủ bệt ngoài nghĩa địa tử tù.

Đó là những câu chuyện giải khuây của dân phố thị, luôn có sở thích đặc biệt đối với các câu chuyện truyền miệng hơn báo chí chính thống. Từ ngày Trại giam T27 không còn tồn tại sự sống trong đó nữa, chỉ còn lại những linh hồn của kẻ tử tội và là nơi trú ngụ của chim cú, mèo hoang và rắn rết, những huyền thoại mới lại xuất hiện, khiến vài ngôi nhà lác đác lưng đồi trên con đường độc đạo cũng đã chuyển đi gần hết.

Người lái taxi nhìn đồng hồ, đã gần 1 giờ sáng. Người phụ nữ kia vào đó được gần một tiếng rồi mà chưa thấy trở ra. Gã thấy sốt ruột quá. Cô ta làm cái quái gì trong đó? Một phụ nữ trẻ nửa đêm lần mò trong một nhà tù quỷ ám. Gã thấy lạnh sống lưng. Đêm nay nếu có về được đến nhà thì gã cũng không ngủ được. Gã bị bệnh mất ngủ kinh niên từ nhiều năm nay. Chiếc chăn ấm của cô vợ mới cưới vì thế vừa là niềm an ủi vừa là cơn sợ hãi và nỗi ám ảnh. Gã sợ ngủ, và sợ cả mớ chân tay xuôi xị bên cạnh cô vợ trẻ luôn thở dài. Gã không thể làm cho vợ hài lòng, khi mà đêm nào cũng nghe thấy tiếng khóc nửa trẻ con nửa đàn bà rền rĩ và bất cứ thứ chất lỏng nào trên cơ thể người đàn bà bên cạnh cũng khiến gã co rúm lại.

Giờ gã định bỏ về. Gã quay đầu xe hướng ra cổng, rồi rút cục lại tắt máy, cầm đèn pin và bước ra ngoài. Hơi lạnh buốt thốc vào mặt. Gã hơi lưỡng lự rồi quét đèn pin một vòng. Khu trại giam T27 cỏ dại đã mọc lút sân. Rêu ướt và dương xỉ bám dày trên vách tường.

Chỗ trước đây từng là nơi rèn luyện thể lực cho phạm nhân giờ chỉ còn lùm lùm một đám đen kịt đang rùng rùng trước gió. Những cánh cửa gỗ hiếm hoi còn sót lại trên khu giám thị liên tục đập sầm sầm vào khung cửa sổ. Càng về sáng, gió rít càng mạnh.

Kể từ ngày trại giam đóng cửa, hoặc mở cửa tự do thì đúng hơn, gã không có lý do gì để vào đây. Không có thân nhân nào cần bắt taxi của gã để đi thăm những kẻ phạm đang bị giam giữ. Gã lấy can đảm bước vào cửa chính đã mất cánh, hơi lạnh ẩm mốc sực ra, không ấm hơn chút nào so với bên ngoài. Đèn pin dẫn đường loang loáng trên vách. Chỉ duy nhất có bức tường bao được xây bằng bê tông, còn công trình bên trong được làm từ đá.
Cố nội của cha gã bảo rằng ngôi nhà này trước được một quan trong triều đích thân đứng làm đốc công và từ lúc đặt móng, nó đã được trao nhiệm vụ để giam giữ những kẻ phản nghịch, vì thế mà ruồi hoang cũng không thể đi lọt vào đây. Sau, nhà tù được chuyển giao cho người Pháp và cuối cùng được tận dụng sửa sang lại toàn bộ
để biến thành Trại giam T27.

Gã đi qua khu văn phòng của giám thị, phòng thăm thân nhân, nhà ăn. Tất cả còn nguyên tấm biển sắt màu đỏ chữ vàng mà vì giá trị kim loại của chúng không bao nhiêu nên vẫn còn được ngự ở trên tường chứ chưa phải vào gánh hàng sắt vụn. Đến một ngã tư hành lang, gã không biết phải rẽ vào đâu nữa để tìm người đàn bà quái đản kia.

- Này cô?

Tiếng gọi của gã gần như thì thào, gã không dám làm kinh động nơi nặng âm khí này, vậy mà những âm thanh thì thào cũng vẫn dội lại từ những vách tường khiến gã hầu muốn quay trở lại xe.

- Cô gì ơi?

Gã rẽ bừa sang hành lang bên phải. Những căn phòng tối tăm trống rỗng và lạnh giá với hai dãy bệ đá dài như hầm mộ, đến mèo hoang cũng không muốn chui vào đây ngủ qua đêm. Chúng nằm san sát từng ô và gã chắc rằng đó là dãy phòng giam phạm nhân. Những đốm lân tinh xanh lét đậu trên những ô cửa nhỏ xíu trên tường đang nhìn chòng chọc vào kẻ cả gan xâm phạm lãnh địa của chúng, rồi khi gã tiếp tục cả gan quét đèn pin qua, chúng đập cánh phành phạch biến mất cùng với những tiếng khóc thảm thiết.

- Cô gì ơi. – Gã cao giọng hơn.

Tức thì có tiếng cồm cộp của gót giày gõ xuống mặt sàn đá. Âm thanh đơn độc đó len qua những vách tường đá và lọc cọc xa dần. Gã tiến sâu hơn vào dãy hành lang và lại bắt gặp một hành lang chắn ngang nữa. Trại giam T27 là một công trình cổ nên trần thấp và cửa ra vào cũng bé xíu như thể người đã vào rồi thì chỉ cần lấp thêm một hòn đá tảng là xong, căn phòng sẽ vĩnh viễn trở thành mồ sống.

Gã lại rẽ bừa sang trái. Hành lang này dài hơn, có vẻ như không có điểm tận cùng, và dãy buồng vô tận thậm chí còn nhỏ hơn nữa. Buồng giam tử tội. Những cánh cửa vẫn còn nguyên, khép hờ vào vách đá. Gã chưa kịp lý giải vì sao lũ đạo chích còn chưa thèm bê hết những cánh cửa này đi thì chợt ngay bên tai vang lên những tiếng rì rầm như có đám đông người đang bàn bạc nhỏ to sau những căn buồng kia. Gã kéo một cánh cửa.

Tấm sắt nặng chịch khó nhọc rít lên một hồi dài ai oán như tiếng khóc. Ánh đèn pin run rẩy cho gã biết bên trong không có gì ngoài bốn vách tường và một bệ đá dài, hẳn nhiên dành làm giường cho kẻ phạm trước khi chết. Những tiếng rì rầm lại tiếp tục nổi lên, lần này có vẻ như ở những buồng giam bên cạnh.

Gã lại tiếp tục kéo thêm vài cánh cửa, rồi quét đèn, soi tận từng góc buồng một cách vô nghĩa. Tiếng lầm rầm vẫn tiếp tục như trêu ngươi. Chúng rõ dần, lúc nhỏ to như cầu hồn, lúc thê lương, than vãn như thú tội. Chen lẫn những tiếng thì thào có cả tiếng cười khúc khích man dại, tiếng rền rĩ kêu oan, và cả tiếng khóc tang thương ai oán.

Gã như hóa điên lộn đi lộn lại dãy hành lang. Gã đến đầu này thì những tiếng xì xào nổi lên ở đầu kia, bước lại đằng kia thì âm thanh nhộn nhịp lại cất lên ở đầu này. Những kẻ tội đồ đang gào khóc. Hai ống quần ướt sũng đang lạnh dần khiến cơn ác mộng của gã bắt đầu hiện rõ hình hài.

Đôi mắt kinh hãi và tuyệt vọng mở to trong đêm tối, đôi mắt nửa trẻ con nửa đàn bà.

Những chất lỏng nhây nhớp của mồ hôi, của máu tươi trinh nữ và thứ dung dịch vẫn còn ám mùi rượu mạnh rẻ tiền.

Gã rúm người trên bãi cỏ hoang bị vầy nát. Chân tay mềm oặt như thúc thủ trong cơn bóng đè.

Gã hầu có thể cảm thấy đồng thời quang cảnh đổ nát của khu biệt thự bỏ hoang và những tiếng hò reo cổ vũ đang lào rào sau các căn buồng còn đóng kín. Những đốm lân tinh xanh lét vẫn theo dõi từng chuyển động của gã từ trên ô cửa sổ chấn song to bản. Rồi bất thần những tiếng rít kẽo kẹt của một cánh cửa sắt nặng nề báo cho gã biết kẻ giấu mặt cũng đang mở các cánh cửa giống gã nhưng chắc chắn không phải là gã. Cùng lúc đó tiếng lọc cọc ban nãy lại nổi lên, cái người đang di chuyển kia rõ ràng ở phía cuối hành lang. Gã rảo theo. Càng lúc càng nhận ra có thứ mùi thơm cháy khét của một vật gì đó đang bị đốt cháy, thứ mùi thơm quen thuộc mà tức thì trí óc lú lẫn đang tê liệt vì sợ hãi chưa kịp gọi thành tên. Gã bắt gặp một hành lang khác chắn ngang và lập tức đi theo hướng mà khứu giác đang dẫn dắt.

- Cô gì ơi? Cô đấy à? – Gã gọi to, hầu như sợ cả chính tiếng nói của chính mình.

Đáp trả là tiếp tục những tiếng thì thầm, tiếng trườn bò của côn trùng, tiếng vỗ cánh của những loài lông vũ ăn đêm. Trong hàng loạt dãy buồng đóng kín, duy nhất một cánh cửa mở toang chắn ngang đường như khiêu khích. Từ đó, thứ mùi kỳ lạ nọ phảng phất bay ra. Đó là một trong những buồng giam phạm nhân trọng tội. Gã đứng chết trân, rồi sau vài phút, quả quyết nhảy xổ đến cửa buồng.

Trong một phần nghìn giây, không cần thứ ánh sáng nào hỗ trợ, gã cũng nhận ra chiếc váy trắng dài thượt, đôi găng tay đỏ và chiếc khăn trùm đầu màu trắng có hoa loang đỏ. Chiếc áo khoác đen đồng tình với bóng tối khiến người phụ nữ, vị hành khách đi xe bất đắc dĩ của gã như một bóng ma vô hình với những đốm trắng đỏ lửng lơ trong không khí. Cô ta đang ngồi bất động với những que hương lập lòe đốm đỏ và khi gã rọi thẳng đèn pin một cách sỗ sàng, người đàn bà kỳ dị cũng chẳng giật mình mà trái lại, điềm nhiên tiếp tục dỡ những vật đựng trong chiếc túi đen ra xếp lên bệ đá: quần áo, chăn, gối, sách vở và một số vật dụng thường nhật khác. Cô ta bày biện cứ như thể cái nơi địa ngục này là căn hộ riêng của cô ta vậy. Sau đó, người phụ nữ mở một nút chai đã chuẩn bị sẵn. Mùi xăng xộc lên và liền sau đó là mùi cháy khét của vải vóc, giấy má và cả nhựa bị nung chảy. Cô ta chậm rãi thả từng thứ một vào đám lửa đang bừng bừng cháy giữa căn buồng giam chật hẹp.

- Xin lỗi đã làm anh sợ, nhưng chồng tôi đã từng ở trong buồng này trước khi chết. – Cô ta nói với đống lửa đang bùng lên dữ dội. - Tôi đã đến đây nhiều lần mà đêm nay mới tìm thấy. Có lẽ chiếc taxi của anh đã mang lại may mắn cho tôi. Tôi nhận ra nó nhờ cái này.

Cô ta miết tay lên những ký hiệu rất mờ có lẽ đã được người tử tù khắc vào bệ giường trước khi chết mà tức thời gã chẳng còn tâm trí đâu nhìn xem dấu vết để lại ấy nó có hình thù gì.

- Sau khi T27 chuyển đi nơi khác, tôi không còn biết hỏi ai nữa. Các giám thị trước đây đã nghỉ hưu non hết và dân quanh vùng này cứ nhắc đến T27 là lảng đi. Thật kỳ lạ. Họ sợ gì thế?

Câu hỏi thản nhiên cứ như thể cô ta không phải là toàn bộ nguồn cơn sợ hãi đã gây khủng hoảng tinh thần cho gã trong suốt đêm vừa rồi. Cứ nghĩ đến việc cô ta hàng đêm lẩn mẩn trong từng buồng phạm nhân tìm kiếm dấu vết để lại của người chồng tử tội, gã ước gì lúc chập tối đừng tham việc mà về sớm hơn một chút, chắc đã không tình cờ giáp mặt góa phụ hắc ám này.

- Được rồi, cô đốt mã xong rồi thì về được chưa? – Gã hấp tấp, muốn thoát khỏi đây càng nhanh càng tốt.

- Không phải mã. Đây là đồ cá nhân của chồng tôi. Tôi mang đến cho anh ấy. – Cô ta đính chính.

- Được rồi. Để tôi giúp cho nhanh. – Gã vội vàng lấy chuôi đèn vun lại những vật dụng đang bị đốt. Ánh sáng trắng nhợt nhạt theo nhịp loang loáng lên vách tường.

- Còn một việc nữa tôi mới về được.

Người đàn bà khẽ khàng đứng lên. Đuôi váy trắng suýt xém vào ngọn lửa. Cô ta đối mặt với gã. Chiếc khăn san trùm đầu tụt xuống làm mớ tóc đen dài xòa vào mắt, khiến khu vực dưới vầng trán chỉ còn là một vũng tối ảm đạm.

- Đằng nào anh cũng đợi tôi rồi, anh cố chờ tôi chừng một tiếng đồng hồ nữa. Nếu tôi không tìm thấy, cũng không dám nài anh đợi thêm.

- Cô tìm thứ gì? – Gã hỏi mơ hồ như đang trong cơn mộng du.

- Cốt của chồng tôi.

Gã lặng người. Gã hiểu người đàn bà này muốn gì.

- Cô có biết tìm… ở đâu không?

- Không… Tôi chỉ biết ở quanh đây… - Rồi người đàn bà cũng lặng đi khi nhìn vẻ mặt của gã. – Anh biết…?

Gã lặng lẽ gật đầu. Ánh lửa nhảy nhót trên bức tường đá xám đuối dần, rồi lịm hẳn, để lại những đống tro tàn nguyên hình khối trên mặt sàn và mùi khói khét cháy phơ phất trong không gian chật hẹp. Những đốm hương trầm cũng đã lập lòe đến sát chân.

- Đi thôi. – Gã lên tiếng giục.

Người đàn bà nhìn lại căn buồng một lần cuối rồi vơ vội vài thứ còn lại và bước theo gã ra hành lang. Nghĩa địa tử tù nằm ngay khu vực pháp trường bên ngoài hàng rào. Những tử tội “đến hạn” sẽ được điệu ra cửa sau của T27, từ đó có con đường độc đạo dẫn thẳng về nơi kết thúc. Trại giam T27 là nơi tận cùng của con đường dẫn từ thị trấn. Pháp trường T27 càng là nơi tận cùng của thế giới, khi đằng sau nó là một ngọn núi không tên cao ngất, mà chính người dân Hoài cũng không biết phía sau ngọn núi kia có gì, còn trước mặt, chỉ được nối với khu vực buồng giam tử tội bắt ba tầng khóa và bê tông cốt thép. Còn một con đường khác mà gã biết cũng sẽ vòng được ra pháp trường, ấy là chui lủi qua cánh đồng hoang đầy rắn rết bên cạnh. Nhưng từ hồi T27 bỏ hoang, cánh đồng thậm chí còn hoang phế hơn nữa và gã không dám liều mình dẫn người khách lạ theo cách ấy.

Họ quay lại căn phòng lớn từng là nhà ăn của T27. Đứng từ đây, gã thấy gió lùa lạnh buốt tận xương.

- Xem nhé. Phía này là cửa chính. Vậy cửa hậu phải ở hướng đằng này. – Gã huơ tay minh họa. - Chỉ cần tìm lối ra cửa hậu thì tôi sẽ biết đường.

Gã quay đi tứ phía, vừa để tìm phương hướng, vừa để tránh đôi mắt đang ánh lên những tia hy vọng quái đản trong đêm tối. Họ lần mò trong các dãy hành lang. Người đàn bà vẫn khua gót lộp cộp sau lưng gã, tựa một quản giáo đang vội vã điệu giải tên tử tù ra nơi xử bắn trước lúc bình minh. Cuối cùng, gã tìm thấy một cánh cửa sắt lớn. Chẳng cần phán đoán gì nhiều gã cũng biết chính là lối ấy. Nó không khóa, nhưng khép chặt như thể ngăn không cho thứ gì đó từ bên kia xâm nhập vào, tựa hồ muốn ngăn cách giữa trần thế và địa phủ. Gã đặt tay lên vòng khóa lạnh băng. Phía ngoài kia, gió vẫn hú về từ vách núi và đập sầm sập vào cánh cửa. Gã chần chừ, như hãi hùng những kẻ vô hình đang gào thét đập cửa đòi vào. Người đàn bà sốt ruột nhanh tay luồn vào vòng khóa kéo mạnh. Lập tức gió thốc hoác vào mặt gã, hắt theo cả vài hạt mưa lạnh buốt. Góa phụ quày quả đi trước, và gã cúm rúm theo sau. Mưa giữa đêm đông. Hạt nào hạt nấy đặc sánh như thạch nhũ trong động sâu. Gió xào qua những bụi mía dại cao ngút đỉnh đầu. Gã lại thấy mình nằm bệt dưới gốc mía cùng đám trẻ con 20 năm về trước.

Những bước chân người rầm rập đi qua.

Những kẻ tội đồ bị bịt mắt, miệng dán băng keo lả đi trong cơn ảo giác lẫn lộn giữa dương gian và địa phủ.

Những tiếng kêu khóc, than van kinh hoàng tột độ.

Những tiếng cười sằng sặc điên dại trong tận cùng sợ hãi.

Những tiếng lẩm bầm cầu nguyện

Những tiếng van xin tha tội chết.

Họ đi giữa bóng đêm như quan âm diễu người về địa phủ.

Họ tuyên án.

Và kết thúc là một loạt đạn xé dài màn đêm, trả lại sự bình yên như cũ cho lũ quạ đen, chim lợn và cú mèo đang ngoắc ngoẻo trên các ngọn cây.

Nhiều đêm liền gã cứ bịt tai lại như lúc nằm ép rệp trong bụi mía, kể từ khi Trại T27 đã chuyển đi nơi khác. Đến đây thì hầu như góa phụ không cần đến gã nữa. Cô ta tiến thẳng đến ngôi nhà trước trảng đất rộng từng là pháp trường mà giờ cỏ cũng đã lấn như rừng, xem xét bên trong và sau rốt quẳng ra ngoài một chiếc cuốc, một chiếc xẻng, rồi bắt đầu len lỏi qua những tấm bia um tùm dương xỉ. Chiếc khăn trùm đầu lấp loáng đỏ bầm dưới trăng suông.

Gã ngơ ngác ngước nhìn hai ngọn tháp canh sẫm đen dưới nền trời. Nghĩa địa tử tù đã tồn tại qua vài thế kỷ. Nhiều nấm mồ đã tan rã dưới lòng sâu, trở lại là những đám đất rừng vô danh nuôi dưỡng cỏ dại. Nhưng cái thứ vô hình đang lẩn khuất quanh đây, đang hít thở chung một bầu không khí với gã mới thực làm cho gã chết khiếp. Người phố Hoài bảo tử tội đầu thai từ những linh hồn quỷ dữ nên khi xuống dương thế mới làm điều ác. Chết đi, tử tội lại trở về là những linh hồn ác quỷ. Bất giác, gã chắp tay vái lấy vái để, mắt nhắm tịt lại vì sợ hãi.

- Đây rồi. – Người phụ nữ huơ cao chiếc đèn pin.

Gã vội vã xé cỏ bước lại gần. Đôi mắt người đàn bà long lanh ngấn nước, giọng đã nghẹn lại.

- Cảm ơn anh. Tôi đã tìm thấy rồi. – Cô ta đồng thời chiếu thẳng đèn pin vào tấm bia mộ sơ sài, hầu như đã bị biến mất bởi đám thực vật mọc đè lên.

Gã nheo mắt nhìn, rồi khuôn mặt tái dần trong đêm tối. Mồ hôi thậm chí vã ra từ đỉnh đầu.

- Chắc anh cũng biết anh ấy. - Người đàn bà quỳ sụp xuống, lấy tay trần lau sạch tấm bia mộ.

Gã lặng lẽ gật đầu. Gã biết hầu hết những cái tên khảm trên các tấm bia nằm lại đây, những cái tên từng xuất hiện trên khắp các mặt báo trong nhiều tháng liền.

- Anh ấy bị oan. - Người phụ nữ hầu như ôm lấy cả tấm bia.

Gã lại lặng lẽ gật đầu. Người đàn ông này từng bị buộc tội cưỡng bức một bé gái 15 tuổi trong khu biệt thự bỏ hoang trên núi mà giờ trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tấp nập khách vào ra. Anh ta bị những người kiểm lâm gần đó phát hiện sau khi nghe tiếng kêu cứu của cô gái nhỏ. Sau đó cô gái tự sát trong bệnh viện, ngay trong đêm hôm ấy. Anh ta bị khép tội tử hình. Và vì cô gái kia là người của thị trấn nên toàn thể dân phố Hoài đều hết sức hài lòng với bản án. Đó cũng là lần đầu tiên người phố Hoài bỏ công mua báo và đọc báo để theo dõi diễn biến của vụ xét xử. Họ đến nhà để an ủi bố mẹ cô gái xấu số, và thậm chí một vài người còn mua bia về ăn mừng sau khi bản án đã ngã ngũ.

“Chồng tôi là kỹ sư thực địa của dự án nghỉ dưỡng trên núi. Anh ấy tìm thấy con bé trong tình trạng người đầy máu và không một mảnh vải che thân. Trong cơn hoảng loạn, cô bé kia liên tục tố cáo người đã tìm thấy mình. Một vài nguyên tắc giám định pháp y bị bỏ qua. Ngay khi đơn kháng cáo bị bác bỏ, anh ấy đã tự tử, cắn lưỡi chết, trong chính buồng giam ban nãy.”

Tai gã ù đi. Chỉ riêng thông tin này thì gã chưa được biết. Gã thấy gối mỏi đến độ không đứng nổi nữa, đành ngồi phệt trên đám cỏ lau đẫm nước lạnh.

Người đàn bà cũng nửa quỳ nửa ngồi trên vũng nước lạnh, khuôn mặt đối diện với hắn, tang thương và ma quái. Cô ta thì thầm:

- Anh ấy chết trong đau đớn, trong cô độc, trong sự nguyền rủa. Không ai tin vào cái sự thật thêu dệt ấy… ngoài tôi.

Cô ta thở hắt ra, rồi quả quyết đứng dậy, nhấc chiếc xẻng dúi vào tay gã. Gã cầm lấy như bị thôi miên. Gã thọc nhát xẻng đầu tiên vào lòng đất, rồi tiếp nhát thứ hai, trong tiếng quạ kêu, miêu khóc, côn trùng rền rĩ, gió hú u u trên đỉnh tháp canh và những nhát cuốc bổ đều đều của người đàn bà đang đào huyệt. Từng ấy thanh âm, như thể đẩy gã sâu hơn theo mỗi nhát xẻng vào lòng huyệt mộ.

 

*
*        *


Người lái taxi đưa vị khách về khách sạn với một chiếc túi to màu đen ém bọc kỹ lưỡng vừa lúc đồng hồ điện tử trên xe nhảy sang số 4 xanh lét. Gã dận ga, lần lượt chạy thẳng đến ba ngôi nhà trong thị trấn mà nhắm mắt gã cũng có thể đỗ trúng cửa. Chỉ một lời ngắn gọn duy nhất, gã đã có thể hốt được từng chủ nhà lên xe dù thảy họ đều ngơ ngác khi bất thần bị dựng dậy trong cơn ngủ đang ngon giấc giữa mùa đông.

- Gì thế? - Ba gã đàn ông mặc áo ngủ thộp cổ người lái taxi đang chạy cho xe chạy như điên ra khỏi thị trấn - Phát hiện ra cái gì thì cũng đừng dựng cổ chúng ông giữa lúc này chứ.

- Tụi mình bị phát hiện ra rồi - Gã cười ha hả một cách điên dại như cách những kẻ tội đồ thường làm khi bị điệu ra pháp trường - Vợ người đó vừa ở đây. Tao vừa đào huyệt với nàng.

Ba gã đàn ông kia chợt hiểu ra. Vừa tức giận, vừa thông cảm, chúng cố gắng xoa dịu gã.

- Thôi được rồi. Đận ấy chỉ có chúng tao làm. Mày sợ sun vòi, chỉ đứng nhìn chứ có dám làm gì đâu nào.

- Chuyện qua rồi, biết đâu bỏ đó, mày đừng bép xép ra ngoài là được.

- Quên chuyện đó đi, có kẻ hứng tội cho mình là mày phải ăn mừng. Chuyện nhỏ. Đừng có ám ảnh quá.

Gã vẫn tiếp tục điệu cười rợn tóc gáy khi xe trờ đến ngã ba đường. 8 năm trước, gã cũng chở ba thằng bạn sặc mùi rượu trên chiếc xe này, chỉ có điều lần ấy gã rẽ phải, đường leo lên khu nghỉ dưỡng chưa xây dựng trên núi, còn bây giờ…

- Mày đưa tụi tao đi đâu thế? - Ba gã đàn ông đồng thanh rú lên khi thấy gã rẽ ngoặt vào lối mòn có mũi tên chỉ đường đã rỉ ngoét.

Chúng giằng lấy tay lái của gã. Người gã mềm nhũn ra. Gã buông tay ra khỏi vô lăng. Một tên vội nhảy sang cầm lái. Nhưng kỳ lạ thay, vô lăng cứ cứng lại, bàn đạp phanh trơ ra như bị đóng băng giữa tiết trời đông chí. Chiếc xe phóng tự do về phía trước tựa hồ đang trôi sầm sập xuống một con dốc không phanh. Và cứ thế, chiếc taxi lao thẳng về phía cuối con đường với một vận tốc kinh hồn. Nó không thể chạy tiếp được vì bị chắn ngang bởi tòa nhà kiên cố đã tồn tại hàng thế kỷ. Gặp vật cản, nó trũi lên như một con vật mù mắt chẳng may lao đầu vào vách đá, trước khi lật ba vòng ở ngay khoảnh sân trước. Trước khi bình minh bắt đầu ló rạng

Trại viết VNQĐ, Phú Yên tháng 4-2012
DI LI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)