Nơi xa tiếng súng

Thứ Hai, 05/05/2025 00:22

. NGUYỄN NGỌC LỢI
 

Trước mặt Bân là một làng nhỏ chỉ hơn mười nóc nhà sàn âm u dưới những tán cây ăn quả lâu năm, màu lá xanh liền một dải với rừng già bao phủ mênh mông. Anh quay lại nhìn hàng quân đang dồn lại phía sau khi vừa ra khỏi khu rừng. Hai đại đội kia đã rẽ hướng khác, vậy là làng này chỉ mình đại đội anh. Đơn vị được lệnh quay ra để củng cố, phải hơn một tháng từ chiến trường mới về tới đây. Suốt mấy tháng chiến dịch, sư đoàn quần nhau với bộ binh Mĩ, quân số hao hụt, số bị thương đã đi viện. Số anh em mới được bổ sung cho tiểu đội dọc đường ra anh mới nhớ hết tên.

Bộ đội vào làng, hàng quân ba lô đeo lưng súng khoác vai đi dọc mấy nhà sàn thấp thoáng bóng người già lấp ló bên cửa sổ. Mấy đứa trẻ bế em đứng vẹo hông bên chân cầu thang.

Tiểu đội Bân được phân về ngôi nhà sàn cuối làng. Nếp nhà được bao trọn ba phía là những rặng mơ đào và một phía là mảnh vườn có mít có cam. Hông nhà nhìn ra lối xuống cánh đồng nhỏ theo lối mòn chìm giữa hai bờ thầu dầu xanh mướt. Chủ nhà, người đàn bà tên Giới độ ngoài năm mươi, váy đen áo nâu, nét mặt phúc hậu đón các anh ở chân cầu thang. Bà giục các anh lên nhà. Anh em lên theo, tất cả hạ ba lô trên mảnh sàn đầu cầu thang, hỏi đường xuống giếng rồi rút khăn mặt kéo nhau đi.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Giếng nằm dưới bóng duối cổ thụ, mấy tấm bìa gỗ ngăn đất lở chắn bốn phía, nước mó trong vắt phun ngập tràn thành một dòng suối chảy xuống cánh đồng phía dưới, xung quanh lát những tấm bìa gỗ làm chỗ đứng ngồi tắm giặt. Mấy bà mấy chị Mường thấy bộ đội xuống liền quơ đồ giãn ra nhường chỗ.

Cởi chiếc áo đẫm mồ hôi cầm tay, dừng lại nơi gốc cây có những bạnh rễ to, Bân lơ đãng nghe. Tiếng lốc cốc to dần, rồi con trâu đầu tiên với chiếc mõ thật to dưới cổ hiện ra. Thêm con nữa, con nữa… Đàn trâu nối đuôi nhau về. Trên lưng trâu, lũ trẻ nghễu nghện, mặt mày hớn hở. Chéo qua vai mỗi đứa là những vòng sợi mây, măng tre… Đàn trâu đi qua giếng, cả bọn reo lên, bộ đội bay ơi, bộ đội... Một đứa con trai độ mười một mười hai, đầu cắt nham nhở, khuôn mặt tròn trắng trẻo, tay cầm ná tay xách lồng chim nhảy phắt xuống bước đến trước mặt Bân, miệng liến láu:

- Chú… chú tên chi?

- Chú là Bân. Còn cháu? Nhà cháu đâu?

Thằng bé mũi hếch, răng cửa thật to, ánh mắt lanh lợi, nói tiếng Kinh thật sõi:

- Cháu là Quang. Đó, đó… nhà cháu đó.

Thằng bé chỉ lên cái nhà sàn mái tranh thấp thoáng trong tán mít, khẩn khoản.

- Chú ở nhà ai? Về nhà cháu ở đi, rộng lắm.

Đó chính là ngôi nhà mà anh vừa đặt ba lô.

Thằng bé có vẻ mê bộ đội. Lúc bé Bân cũng thế. Anh nhớ hình ảnh những chú bộ đội chống Pháp ba lô vuông, áo trấn thủ, mũ nan hành quân qua làng dạo nào. Lũ trẻ làng anh rồng rắn đi theo, rồi tìm cách làm quen, hỏi chuyện chiến đấu. Đất nước chiến tranh liên miên, thế hệ cha anh, nay tới các anh...

- Cháu về trước đi, lát chú về.

Thằng Quang dong trâu ngược theo ngõ lút giữa hai bờ thầu dầu đi lên, vừa đi nó vừa ngoái đầu nhìn Bân cười. Nụ cười thằng bé sáng lên trong ánh chiều khiến Bân thấy vui vui.

Ngôi nhà sàn tiểu đội Bân đang ở không rộng nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Đời sống người dân vùng này có phần đỡ hơn, không như người Vân Kiều trong kia. Người Vân Kiều thật khổ. Những túp lều xiêu vẹo, mái lá xơ xác, người dân chui lủi nơi bờ khe, hốc đá góc rừng, và cuộc sống của họ thật vất vưởng. Miếng khoai, củ sắn, con cá nhặt dưới suối, nắm rau rừng cầm hơi.

*

*            *

Bộ đội về vài hôm, làng quang quẻ hẳn, lá khô trong các lối đi được quét gom đốt, phân trâu bò được hót đổ vào vườn cây, và trâu mấy nhà được đưa ra khỏi gầm sàn xuống cột dưới đám màn màn. Nhà Quang cũng đã dọn đống củi lấy chỗ để mấy chú mấy anh mắc võng, chỉ một nửa tiểu đội nằm trên nhà.

Tìm hiểu, Bân biết vụ vừa qua làng mất mùa lúa rẫy, nhiều nhà đã phải ăn mít xanh, chuối xanh... Không ai bảo ai, đến bữa bộ đội mỗi người bớt một thìa cơm nhường cho con nít. Chuyện này Quang biết hết. Quang đã quen rất nhiều các chú, các anh. Quang đã thuộc hết tên các chú các anh ở nhà mình. Anh cao cao trăng trắng là anh Đài nói giọng Bắc, anh to người tóc rậm là anh Mão cùng anh gầy lẻo khoẻo là anh Vấn đều giọng Nghệ… Và cái chú đen đen thâm thấp, người nó quen đầu tiên là chú Bân. Chú Bân già dặn nhất, là tiểu đội trưởng, các anh còn lại trẻ măng, có lẽ chỉ hơn Quang mấy tuổi.

Sáng sáng bộ đội dậy tập thể dục, ăn sáng rồi mang ba lô vác súng khỏi nhà, trưa về ăn nghỉ một lúc rồi lại đi, chiều về tắm rửa, ăn rồi sinh hoạt. Nhiều hôm, ngồi trong lớp học sơ tán trong khu rừng đầu làng, bàn ghế là những tấm ván gác ngang, dưới chân có hào giao thông, mái tranh được tán cây đa già che kín mít, Quang nghe rất rõ tiếng hô xung phong nơi bãi Cây Trôi. Ngoài đó các chú chăng dây thép gai, đắp ụ súng, làm lô cốt và hầm hào để luyện tập.

Rồi bỗng một ngày Quang nghe chú Bân hát lúc ngồi lau súng trên đường xuống giếng. Quang nghe là lạ, bố bảo đó là chèo. Bố thích lắm. Thế là tối tối, khi các anh chuyện tếu, viết thư, đọc sách thì bố bảo chú Bân hát. Mấy hôm đầu chỉ mỗi bố và Quang nghe, sau có thêm mấy bà kéo nhau sang. Các bà kê ghế ngồi ngoài chạn nhìn vào, vừa nghe vừa nhai trầu bỏm bẻm. Bố ngồi bên ống nước chè chát, lưng tựa cột, gật gù khen hay lắm, hay lắm. Mấy bà, mấy chị cũng mê mải, quên cả nhai trầu dõi theo đôi bàn tay uốn dẻo, chân xoay vòng của chú Bân khi hát Xúy Vân giả dại rồi buột miệng kêu lên hay nhỉ, hay nhỉ.

Thằng Quang thấy thế sướng lắm. Không chỉ mình nó, mà cả nhà đều vui. Mẹ nó đã nấu thêm canh măng để các anh ăn. Mẹ còn gom những cục mì bị bỏ lại thái mỏng phơi khô đem nướng, bánh phồng lên, các anh giành nhau khen ngon.

Hôm nào bộ đội nghỉ sinh hoạt sớm, Quang thường xuống nói chuyện với chú Bân. Quang thích nghe chú kể chuyện chiến đấu. Có tối sinh hoạt đơn vị xong sớm, chú Bân lên nhà ngồi bên bếp nói chuyện với bố. Bếp giữa gian trong chất củi gộc cháy lem lém, chạn nhỏ phía trên đen kịt bồ hóng gác ngô giống, mộc nhĩ, măng khô. Bố lấy từ chạn xuống miếng nai khô nướng mời chú uống rượu. Quang nằm nghe hai người nói chuyện lầm rầm. Chú Bân đã có vợ nhưng chưa có con. Chú kể chyện bị B52 đánh bom dọc đường, chuyện pháo bắn, chuyện lính Mĩ tắm do trực thăng phun nước xuống… Quang nghe rồi ngủ thiếp, có hôm mơ thấy được đi cùng chú Bân vào chiến trường, rồi bị bom rơi vào mặt mà hét toáng lên giữa đêm khuya…

Dạo này Quang thường dong trâu về sớm để xem các chú lau súng. Xem mãi rồi Quang tự tin mình cũng có thể tháo lắp khẩu AK. Thế nên lúc các chú từ bãi tập về nó nhanh nhảu ngả cái nong bảo các chú bỏ súng cháu lau cho, nhưng chú Bân không cho. Chú bảo vài năm nữa, đi bộ đội tha hồ mà lau.

Quang buồn xịu, quay sang anh Đài học thổi sáo. Anh Đài thổi sáo rất hay, bài gì mà “anh vẫn hành quân” nghe cứ rầm rập, rầm rập khiến cái chân muốn nhảy. Cây sáo của anh rất đẹp, óng mượt màu ngà. Lúc thổi, miệng anh chúm lại, các ngón tay nhấc lên hạ xuống nhịp nhàng. Và tiếng sáo cứ thế bay ra quấn quít mái nhà sàn, quấn quít vòm mơ vòm mít. Mấy hôm đầu Quang tập thổi toàn nghe tiếng phù phù, sau rồi cũng ra được bài “Inh lả ơi”. Nhưng dù vậy nó vẫn thích nhất nghe chú Bân nói chuyện. Ở chú có điều gì đó thật gần gũi…

Tiểu đội trưởng Bân cũng rất mến thằng Quang. Lên võng nằm, anh cứ nghĩ mãi về nó. Với tuổi anh, nếu cưới xong có con ngay thì con cũng đã nửa tuổi nó. Khốn nỗi, cưới vội cưới vàng, chỉ hai tối với nhau anh đã phải đi. Huấn luyện xong lên đường vào chiến trường, ghé thăm tranh thủ được một tối nữa cũng chẳng ăn thua. Nhớ đêm cuối cùng, vợ ôm riết, nước mắt ướt đầm ngực áo chồng. Anh ơi, anh ơi… Vợ chồng ôm nhau trong tiếng bom dội, tiếng máy bay gầm rú xa xa. Cuộc chiến biết đến bao giờ kết thúc. Anh ra đi, vợ vò võ một mình với mẹ yếu cha già. Có lúc anh ân hận, giá như khoan hãy cưới có phải nhẹ gánh hơn không. Đời chiến chinh biết sống chết thế nào. Chiến dịch vừa rồi đồng đội đã rất nhiều người nằm lại. Nhưng mình có được may mắn mãi không, hết trận này còn trận khác, còn nhiều trận khác nữa. Giá như, lại giá như, giá mình có đứa con để cô ấy khuây khỏa, để bố mẹ yên tâm…

Có tiếng chân xuống cầu thang se sẽ, rồi tiếng thằng Quang:

- Chú ơi! Chú ngủ chưa?

Bân nhổm lên. Anh quờ chân tìm dép, đứng dậy níu vai thằng bé đi đến cầu thang ngồi xuống. Anh và thằng bé cứ ngồi thế. Đêm miền rừng thật yên tĩnh. Trước mặt là ngọn núi lớn chắn một bức thành đen thẫm. Dưới vườn có tiếng trâu văng sừng quật đuôi đuổi muỗi. Tiếng chim lích rích trong vòm lá mơ ngoài chạn sau.

- Cháu không ngủ được.

- Sao thế? Trâu về rồi mà.

Bân hỏi thế vì biết con trâu đực nhà Quang bị quấn dây mũi vào bụi tre tận ngoài đường chiến lược, Quang lần theo dấu chân nó tìm mãi đến tối sẫm mới thấy. Vậy nó còn lo lắng điều gì?

- Chú còn ở nhà em lâu không?

Bất ngờ thằng Quang lên tiếng, lại còn xưng em. Anh biết thằng bé đang xúc động.

- Biết đâu được cháu. Nhưng để làm gì?

- Mẹ bảo em xuống, nếu chú còn chưa ngủ thì bảo chú kêu vợ vô.

Ôi chao thằng bé, sao nó và mẹ lại nghĩ ra được cái điều mà anh không hề nghĩ đến. Đường sá xa xôi, thân gái lặn lội, vả lại điều kiện thế này, đi ở biết lúc nào. Nhưng… ừ nhỉ, sao mình không nghĩ đến điều này. Ra đây rồi, cũng chỉ vài trăm cây số, thư đi có lâu lắm cũng chỉ một tuần. Phải chớp lấy, vài ngày gặp nhau cũng được. Xong đợt này lại đi vào thì biết đến bao giờ.

- Thôi, em đi ngủ đi.

Lúc này thì anh gọi thằng bé bằng em với niềm trìu mến dâng trào. Bước chân thằng bé dội trên từng bậc cầu thang êm êm. Rồi tiếng hai mẹ con khẽ suỵt soạt trong màn đêm tĩnh mịch.

Bân nằm xuống, lại tiếng chim líu ríu, tiếng quật đuôi của trâu…

Bỗng anh nghe tiếng thằng Quang gọi từ dưới gốc vả cạnh giếng lên: “Chú ơi, chú Bân ơi, chị vào đây rồi, chị vào rồi…” Vừa dứt tiếng, thằng Quang đã ào đến, và cạnh bên mép võng là vợ anh. Ôi, sao nhanh vậy? Anh tốc màn ngồi dậy. Đúng vợ anh đây rồi. Tay xách túi vải bạt căng phồng, tay cắp nón, má ửng đỏ, mắt long lanh nhìn anh. Ôi, người vợ xa cách đã mấy năm mà rất nhiều đêm, khi nằm võng ở bãi khách Trường Sơn, khi nằm hầm trước lúc xuất trận anh hằng nhớ thương, thèm khát. Cũng có những khi anh quên rằng mình đã có vợ, xa nhau lâu ngày, lại ở với nhau ít quá, như chỉ thoáng qua nên hình ảnh nhạt nhòa. Cũng có lúc anh giật mình, thấy như tình cảm với vợ đã phai nhạt, do xa mặt cách lòng. Và biết đâu trong tháng ngày đằng đẵng, người đàn bà đã được hưởng mùi đời sẽ thèm khát, không còn giữ được mình. Đẹp và hấp dẫn như cô ấy… Nhưng rồi anh gạt đi, vợ anh sẽ chung thủy chờ anh. Hình ảnh những ngày ít ỏi bên nhau hiện rõ mồn một giày vò Bân. Cơ thể căng tràn, những đường cong, vòng tay ôm siết gấp gáp đầy hối thúc. Giờ thì vợ anh đây rồi, Trản đây rồi! Anh như vồ lấy vợ, kéo tay chị ngồi xuống võng, giúi mặt vào bầu ngực căng mẩy phập phồng chưa ráo mồ hôi. “Từ từ anh, từ từ đã nào”. Tiếng chị như thì thào nóng hổi bên tai, toàn thân anh căng nhức, võng vải nặng nề đung đưa, đung đưa...

Tiếng còi rúc lanh lảnh kéo Bân bừng tỉnh. Hóa ra anh nằm mơ, hai tay đang ghì chặt tấm chăn gấp đặt trên bụng. Thò chân tìm dép, lấy khăn mặt và bàn chải, anh lảo đảo đi xuống giếng.

Buổi sáng đó tập khoa mục tiềm nhập đánh lô cốt đầu cầu, anh bâng lâng trong mỗi bước chân chạy. Trưa về, anh không ngủ. Anh lục giấy bút viết thư. Anh viết rất nhanh, chiều đó may quá quân bưu tiểu đoàn xuống, anh gửi luôn.

Thư gửi đi rồi, anh như ngồi trên đống lửa. Có lúc giật bắn mình khi nghe tiếng còi rúc. Chẳng biết Trản có kịp vào không? Thư về chắc Trản và bố mẹ mừng lắm. Làng anh còn nhiều người ở chiến trường, nhà nào cũng mong tin con, hễ thấy bóng ông bưu tá là ai ai cũng lo lắng hồi hộp. Có thư, biết tin con thì mừng. Sợ nhất, hãi hùng nhất là ông ấy đưa cái giấy báo tử. Mỗi lần đưa giấy báo tử cho nhà nào đó ông ấy cũng run rẩy, mặt tái dại. Liền sau đó là cả làng u uất chết lặng. Rồi tiếng khóc âm ỉ hết ngày sang đêm nghe như vọng lên từ âm phủ rụng rời.

Bân đoán nhận được thư mẹ sẽ quáng quàng vay mượn để vợ anh sắm đồ đi thăm anh. Mẹ vốn chu đáo, đàng hoàng, nhà có thiếu thốn cũng không bao giờ kêu ca phàn nàn, không bao giờ để chồng con thiếu đói, mất mặt với bạn bè, anh em. Lần anh dẫn bạn về nhà, nhà nhẵn gạo mà nhoáng cái đã nghe gà oác, rồi cũng cơm nếp, cút rượu. Còn Trản nữa, có kịp vào không…

*

*           *

Tối đó thằng Quang tót xuống chỗ Bân vẻ mặt đầy bí mật, rủ mai đi với nó. Đi đâu, làm gì, anh hỏi. Vợ chú sắp vô, chú viết thư về rồi mà, phải có chỗ để nằm với vợ chứ. Ơ, cái thằng này, anh phì cười. Ừ nhỉ, thư gửi hôm qua, chậm lắm dăm hôm hoặc chủ nhật sẽ tới nhà. Trản vào… Ôi, cái thằng, mới tí tuổi mà nó đã nghĩ điều mình không nghĩ đến.

Hôm sau, bỏ nghỉ trưa, anh cùng thằng Quang đánh trâu kéo xe quệt xuống sông Sào. Đường đi luồn dưới vòm cây như chui trong ống cống xanh mát rượi. Hai chú cháu lầm lũi bước, lâu lâu giật mình vì con gì đó chí chóe, sột soạt rồi vọt ngang đường. Rừng còn nhiều thú, những chồn, gà, sóc... Bờ sông nứa ken dày, thân cỡ cán cuốc dài đòng, vàng óng. Thằng Quang chặt rất nhanh, cây nào cũng chỉ hai nhát, một nhát gốc một nhát ngọn. Cứ thế nó làm thoăn thoắt. Chặt gần hết khóm nứa thứ hai, Quang bảo chú chặt hết mấy cây ni nữa là đủ. Quang bỏ đi, rồi có tiếng rào rào phía trên. Lúc sau Quang vác về mấy đoạn tre to cỡ bắp chân, già chắc ních, vàng sậm, bảo để làm giường.

Cơm trưa ăn xong lên võng nghỉ, tỉnh dậy Bân thấy thằng Quang đang chẻ nứa đan liếp, cạnh đấy một đứa lớn lúi húi đục tre, tay chân thoăn thoắt. Cả tiểu đội cũng không ngủ trưa, mỗi người một tay xúm vào. Vợ tiểu đội trưởng sắp vào thăm chồng, chuyến này vui đây. Anh người Hà Tĩnh ngồi chân cầu thang cưa nứa làm ống trúm, miệng tủm tỉm nói chắc như đinh đóng cột, sẽ có lươn để vợ chồng A trưởng bồi dưỡng, tha hồ mà chiến đấu…

Chiều đó từ bãi tập về Bân ngỡ ngàng nhìn chỗ mắc võng đã được quây kín bằng những bức liếp nứa tươi vàng, nuộc mây khít rịt. Căn phòng xinh xắn gần cầu thang, bên trong có cái giường tre với tấm ran kết bằng nan đã được rải chiếu.

Thằng Quang về từ lúc nào, vào đứng cạnh, giục anh nằm thử rồi hỏi ưng chưa chú, được chưa chú…

Đêm khuya trằn trọc, anh tưởng tượng quãng đường vợ phải đi xa, vất vả lắm. Quãng đường mà chính anh cũng không nhớ rõ bao nhiêu cây số. Nhận lệnh, đơn vị bí mật đi trong đêm. Thế rồi quãng xe quãng đi bộ, hối hả. Dọc đường bom đánh, pháo bắn, anh đâu biết đường nào ra đường nào vào. Tuy lúc này Mĩ đã ngừng ném bom nhưng xe cộ hiếm lắm…

*

*           *

Trưa đó đi học về, thấy nhà vắng, làng cũng vắng tanh, thằng Quang chột dạ hỏi:

- Mẹ, sao mãi các chú chưa về? Mà lúc đêm con có nghe còi rúc.

- Họ đi thật rồi con ơi, các chú đi thật rồi!

Tối qua cũng như nhiều đêm trước, lại tiếng còi rúc từng chặp, bà Giới nghĩ cũng như các lần trước thôi, đi nửa buổi, non trưa lại về. Về rồi lại kéo nhau ra bãi tập, lại hô hét... Nhiều hôm rồi, hôm nào cũng vậy, có đứa không dám mắc màn để đi cho nhanh. Vậy mà sáng nay, trời sáng dần, làng im ắng lạ thường, buồn như có đám. Đám còn có người khóc, đằng này…

Mang mớ gạo giã xong lên nhà, ra chạn sau bà cầm dao, khoác túi. Nằm cạnh bếp, ông ngoảnh ra, đi sớm thế à. Bà ư hử trong miệng, lặng lẽ xuống cầu thang, bụng dạ nôn nao như có điều gì đó không yên. Không yên vì đầu óc bà toàn nghĩ đến chúng nó. Cái đám bộ đội ấy, có chúng ở trong nhà, bà mệt nhưng thật vui. Bà làm bánh sắn, bung nồi ngô những hôm trời mưa, cả đám quây lại bên bếp lửa, nhìn chúng ăn ngon lành bà cười muốn rơi nước mắt. Nghe chúng kể chuyện hành quân, chuyện đói khát, đánh nhau, chết chóc… Chao ôi, sao mà thương chúng nó quá. Anh thằng Quang cả năm nay cũng không gửi thư về. Bà bần thần theo cái chân ra rẫy, định bụng lên đám cây gai bên nương lấy ít về bện võng thì bà lại ra đây. Đám ngô nếp râu đã héo, bẻ ăn được rồi. Bụi chuối góc kia trổ một buồng. Bà lại đứng tần ngần, có cái gì đó nôn nao trong lòng, bèn quay về… Ông hỏi làm sao thế. Bất ngờ, bà xuống thang bước vào căn buồng thằng Quang và đám trẻ. Bà òa khóc…

Thằng Quang ngơ ngác trước vẻ bần thần của mẹ. Nó cầm mảnh giấy mẹ đưa, đọc: Con viết sẵn gửi bố mẹ và Quang, phòng khi đi đột ngột không kịp chào. Con biết ơn bố mẹ và em. Con để lại cho bố cái áo. Vợ con có vào con nhờ mẹ…

Thằng Quang thả rơi tờ giấy, thẫn thờ. Làm xong cái buồng cái giường cho chú Bân nó cũng đếm từng ngày. Nó hình dung vợ chú Bân vào sẽ vui lắm. Nó đã làm mấy vằng bẫy để bắt gà rừng, bắt con cheo cho vợ chồng chú ăn. Chị ấy vào nó sẽ đưa đi thăm bẫy. Con cheo vướng bẫy quẫy nát cả một vùng, từ xa đã nhìn thấy, vợ chú sẽ thích cho mà coi. Vậy mà bẫy dính con gà rồi chị vẫn chưa vào…

Hai ngày sau, lúc cuối chiều, khi mặt trời sắp lặn, bìa đồng làng xuất hiện một người đàn bà trẻ. Chiếc túi du lịch vải bạt bên vai phải, túi vải ướt trên tay trái, nón trật sau gáy, tóc tai bơ phờ quanh khuôn mặt nhợt nhạt mệt mỏi. Chị cố bước những bước chậm, như lê đi trên lối mòn giữa một bên bìa rẫy hoang, một bên bờ ruộng. Rồi chị lên tới chỗ giếng mó. Mấy bà tắm giặt quay ra nhìn, hỏi nhau ai nhỉ, ai nhỉ.

- Các bà cho con hỏi có phải làng Toong đây không?

- Phải rồi, phải rồi - Mấy bà nhanh nhảu - Mà chị hỏi ai, hỏi nhà ai?

- Con hỏi nhà bà Giới...

- Cái nhà nhìn thấy mái đó.

Chị nói cảm ơn rồi đi tiếp lên.

Thả rơi cái chày bên cối gạo, bà Giới như vồ lấy chị. Linh tính nói với bà đây chính là vợ Bân. Ôi, vợ thằng Bân, vợ chú Bân vô thăm chồng. Bà chết lặng…

- Muộn rồi con ơi, mày vào chậm mất rồi...

Hai bàn tay khô queo bấu vai chị, miệng bà kêu hời hời. Tình thương người con gái vượt đường xa đi thăm chồng nhưng không gặp được dâng ngợp lồng ngực. Nước mắt lã chã trên khuôn mặt đã bắt đầu nhiều nếp nhăn. Thằng Bân sao mày vội đi, chậm vài ngày có phải gặp không…

Người đàn bà trẻ rùng mình, mặt thêm tái nhợt. Bà mẹ chủ nhà mà trong thư anh viết đây. Em vào đi, mẹ rất tốt, mẹ thương anh, chăm anh. Cả thằng Quang con mẹ nữa… Mẹ đây rồi, còn em Quang đâu?

Người vợ trẻ đứng lặng giữa ngôi làng yên bình mà nghe trong lòng có muôn vàn tiếng súng. Nước mắt chị chảy tràn khuôn mặt võ vàng. Đơn vị anh đã đi rồi, đi xa rồi. Anh sẽ đi tới đâu, mịt mù, thăm thẳm, chẳng biết tới bao giờ…

Bà Giới lay vai chị, lập cập kể cho chị nghe thằng Bân hát chèo hay, lại còn chịu khó nữa. Rồi bà kéo tay chỉ cho chị cái buồng thằng Quang và lũ bạn nó làm cho vợ chồng chị gặp nhau…

Như thoát khỏi giấc mộng, chị bước vào căn buồng hạnh phúc, nhìn trân trân vào cái giường tre có tấm ran còn tươi màu nứa, cả chiếc chiếu mới, cái gối thổ cẩm…

Bất ngờ thằng Quang về. Nó hộc lên, chị ơi, chị ơi...

N.N.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)