Dằng dặc trời trăng

Chủ Nhật, 28/06/2020 07:43

.Truyện ngắn. VŨ THANH LỊCH

Khuya Lym về đến nhà. Bà Tịnh ngồi không cử động, mặt quay phía ao, lưng dựa gốc mít, ống quần bên xắn bên buông, chân co chân duỗi, tay cầm cây tăm quẹt răng chầm chậm, mắt dán lên vầng trăng tròn ủng giữa trời, miệng phát ra những âm thanh rời rạc, mỏng nhẹ như tiếng thở.

Ông Thịnh nằm ngửa, đầu kê trên gối mây cao ngang thành giường, mơ màng phẩy quạt theo tiếng thơ lẫn tiếng sóng nhiễu phát ra từ cái đài bé bằng quyển sách giáo khoa. Trăng xiên qua cửa sổ, phủ ngang người ông.

Lym rút bao thuốc, châm lửa hút, khói lẫn vào trăng. Rít một hơi dài, Lym bảo:

- Trông thế này là chẳng ai ốm đau rồi.

Im lặng. Tiếng chão chuộc lôi theo tiếng bà Tịnh xuống đáy ao.

Đáy ao đầy trăng. Trăng xộc xệch sau đuôi cá vẫy dưới lớp nước dày. Mặt nước lô nhô vài khối u đen sẫm của những tấm lưng cá lâu năm. Bà Tịnh bắt đầu thả chúng ngay sau cái buổi chiều hôm đám thanh niên làng trong đó có thằng Sao con bà đến nhà nướng cá ăn rồi ra đình chia tay lên đường vào Nam đánh giặc. Từ đó đến giờ, cứ đến trung thu, không nhiều thì ít, năm nào bà cũng thả, như người ta thả cá chép cho ông Táo ông công ngày hai ba tết. Bà chưa bao giờ nhìn thấy giặc. Giặc xuất hiện trước mắt bà khi là chùm pháo sáng chói mắt hay tiếng nổ lói óc, cột khói khét đặc mùi người, khi là tiếng khóc ai oán của những người trong làng nhận mẩu giấy báo tử từ ông bưu tá hoặc tiếng loa truyền thanh kêu oang oang trên ngọn cây sao kể tội giặc Mĩ... Cây sao mọc giữa làng, to đến nỗi Tịnh đứng bên này, Thịnh đứng bên kia mà vòng tay hết cỡ cũng không nắm được nhau. Thịnh áp người vào thân cây, ngửa cổ nhìn tán lá dày đặc che lấp trăng, “nếu cây có phép màu, hãy cho tôi và Tịnh làm vợ chồng”. Thịnh nói xong, một bàn tay đã túm được tay Tịnh, tay bên kia chơi vơi trượt trên lớp vỏ khô ráp, bên này càng nắm chặt, tay bên kia càng tuột xa ra, đến lúc giữa hai người không còn cây sao, trăng, gió, chỉ còn hai thân thể nóng sực.

Tịnh đặt tên đứa con đầu lòng là Sao.

“Chắc tại bu đặt tên mày là Sao nên mày lên trời. Tại thày bu không ôm hết cây sao nên mày đi là đi một mạch. Hẹn bu nuôi cá để chiến thắng trở về đãi đằng đồng đội. Đấy, cá lớn tướng rồi, chắc nó chẳng lớn thêm đâu vì lâu nay bu thấy cái lưng nó chỉ nhô lên có bằng ấy thôi. Bằng ấy là cũng phải cỡ bắp đùi mày rồi. Hôm chúng mày liên hoan, con cá bằng cổ chân thôi mà ăn chẳng hết, to vầy thì liệu mà gọi người về ăn kẻo phí, gọi bao nhiêu cũng được, bu bắt hết cả mấy cái lưng kia cho mà nướng, chứ nó thành tinh rồi, làm ao bu chật quá, lại ăn hết cá bé nữa, thành thử ao nhà chỉ rặt một đàn cá già lộc ngộc”.

Bà Tịnh thở dài, tiếng thở làm mấy cục u nhô trên mặt ao giật mình chìm xuống, lảng ra xa.

Trăng dúm dó dồn về phía bờ ao nơi bà ngồi.

- Sương xuống rồi, bu vào nhà đi, ngấm vào lại ốm.

- Anh sợ tôi ốm thì phải trông nom hầu hạ à. Đấy, Sao ơi, mày không về mà chia công chia nợ với nó, để suốt ngày nó lo phải hầu bu ốm đau. Gọi nó từ sáng thì nửa đêm nó về, mà về cũng chỉ ghếch chân lên hè hút thuốc, còn bày đặt sợ bu ốm đau cơ. Sao đời tôi nó khổ vầy hở ông trời. Con lành thì mất con sất mẻ thì còn. Giời ôi! Hức hức...

- Bu…

- Lại cãi à - Ông Thịnh cắt lời Lym.

Im lặng. Lym châm thêm thuốc, đốm lửa lập lòe bén ngấu vào đầu điếu, để lại đốm than đỏ âm ỉ sẵn sàng bừng lên khi Lym bậm môi rít. Rít mãi mà cục tức vẫn chềnh ềnh ở cổ, không chịu chui xuống bụng, chỉ cần nó xuống được bụng hẳn sẽ trôi được ra ngoài. Cái cục tức khốn kiếp, chẳng nhẽ nó đóng bánh trong cổ Lym rồi ư. Từ bé đến lớn, không biết bao lần Lym nghe bà Tịnh kể chuyện Sao. Chuyện từ khi bà chửa đẻ đến lúc Sao đi học rồi đi thi học sinh giỏi, chuyện chăn trâu, thả diều, đánh cá, chuyện bị cua cắp chảy máu tay, bị ngỗng mổ suýt thọt dái. Có lúc bà vừa kể vừa cười sằng sặc. Có lúc vừa kể vừa khóc rưng rức. Có lúc thẫn thờ, mắt để tận thế giới nào xa tít còn lời nói cứ tự dưng trôi ra. Lym không biết mặt Sao vì khi Sao đi, Lym còn chưa ra đời. Nhưng Sao luôn là hình mẫu để bà so sánh với Lym. Nào là cái trán nó cao hơn, cái tai nó đẹp hơn, nó học giỏi hơn, nó biết nghe lời, nó thương bu vất vả nên bé tí đã đi chăn trâu, rảnh ra là đi cất vó tép, đánh dậm, đong cá; tay nó cầm vừa cái cày là ra đồng dong trâu cày ruộng... Bà còn so sánh Sao với chồng mình, bởi Sao mới cao bằng cán cuốc đã gánh phân, dắt trâu cày giúp mẹ, cắt cỏ gianh về phủ rọi trên mái nhà mục dột, trổ vét cái ao, cuốc luống mảnh vườn cho vuông vức sạch sẽ, biết trồng tre, đan cổng, chạt sân… trong khi chồng bà cưới xong là lên đường ra trận. Đi mãi mới về, rồi lại đi. “Giá kể ông ấy đừng trốn về, đừng dí vào bụng bu cái thằng giời đánh này, thì bu đã có thể theo mày lên thiên đàng mà hưởng sung sướng rồi Sao ạ. Cái thằng chỉ giỏi cãi, có coi bu là cái gì đâu, sai nó rửa bát thì bảo thả xuống ao cá rỉa một lúc sạch rồi nó mang lên tráng nước mưa cho, sai nó đi cắt rạ đắp vách, cắt cỏ gianh lợp nhà, nó bảo để nó xây tường gạch, lợp ngói đỏ. Nó phá cả cái nhà ông bà nó cất công dựng lên để xây cái mới, tưởng thế là có hiếu nghĩa lắm chứ nó đâu thèm đếm xỉa đến cái bàn tay ông bà bố mẹ nó đã nắm từng nắm bùn trộn vào rơm, buộc từng nẹn cỏ kẹp thành phên đắp nên cái nhà ấy, nắm đất nào, ngọn cỏ gianh nào cũng có bàn tay của ông bà cha mẹ nó. Nó mất gốc rồi Sao ạ, rồi nó còn định cho làng thêm tiền để xây lại cái đình ngay trên hố bom, cái hố bom còn giữ từng giọt máu của mày đấy. Bu cứ nghĩ lúc chúng nó cắm cái cột đình xuống, đè lên thân xác mày làm mày không thở được thì bu cũng không thở được…”.

Bà Tịnh vừa nói vừa khóc, tiếng khóc khô như que cời, chọc vào mắt Lym. Lym trân trối nhìn trăng, nhìn những vệt sáng lố nhố như đống mũi tên từ ngọn cau già chĩa xuống. Muốn vỗ về một câu, an ủi một lời. Nhưng lời chưa kịp cất, cục tức trong cổ đã cựa quậy, nhắc chuyện hồi Lym mười mấy tuổi, đi đánh dậm với đám bạn về bị cảm, người nóng như hòn than, nằm bày bạy trong nhà không ra ăn cơm. Bà Tịnh vo tóc rối đổ rượu ra đánh cảm. Vừa di cục tóc ráp rạp trên da Lym, vừa lải nhải “cá không ăn muối cá ươn, bảo đừng có dãi nắng dãi sương thì không nghe, đánh được chục bạc tiền cá thì người thành cá ươn, phải như thằng Sao, chẳng biết ốm đau gì. Mỗi lần đi là mang về cả giỏ đầy cua cá, còn nhảy chân sáo mà khoe với mẹ. Khổ, con lành thì mất, con sất mẻ thì còn”. Nỗi sĩ diện của thằng con trai mười lăm tuổi bị ốm chỉ vì một cơn mưa cộng thêm nỗi thèm khát được vỗ về chăm sóc, được là nhân vật trung tâm trong những lời mẹ nói khiến Lym bật khóc. Trong giây lát, anh cảm thấy mình vô nghĩa, vô duyên, vô tích sự ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên, lòng ngần ngận nỗi hờn giận, ấm ức. Có lẽ bởi vậy mà từ khi biết làm việc giúp mẹ, Lym không bao giờ bắt cua bắt cá mà đi soi ếch vợt chim, không bao giờ ra ruộng cấy cày mà cặm cụi tát nước đào mương, không làm lại bất kì việc gì Sao đã làm, đã in sâu khắc đậm trong tâm trí mẹ.

Chẳng riêng gì Lym, ngay cả ông Thịnh cũng không thoát khỏi sự rền rĩ ấy. “Ông đứng ngay đấy, thấy tôi để nguyên cái bát nhựa đựng gạch cua vào chảo mỡ mà không nói không rằng để tôi cắm đầu đun rồi nhựa nó chảy ra lẫn với mỡ thế này, tôi ăn tôi chết sớm cho ông đi lấy vợ, cho sướng cái thân ông chứ gì. Sao cái số tôi nó khốn nạn vầy. Sao ơi, bu ngu tối cũng đẻ ra mày học hành sáng láng thông minh, mày chả ở với bu lại ở với giun với dế để lũ người trần bỏ rơi bỏ rốc bu khổ vầy”. Lym rửa tay chân ngay gần đấy, nghe thấy mới chen vào, “Có mỗi thế mà bu cũng mắng thày được”. Lời Lym vừa ra khỏi miệng, bà Tịnh đã khóc oà lên tru tréo. “Ối giời đất ơi, ối Sao ơi, con lành thì mất con sất mẻ thì còn, bu mất công đẻ đái nuôi nấng nó giờ nó cãi giả, nó có coi cái đứa đẻ ra nó là gì đâu”. Lym tức quá, gân cổ lên, “Thà con chết quách đi, con lành lặn tay chân mặt mũi, con làm đủ việc giúp bu, con có tội tình gì mà suốt ngày bu bảo con sứt mẻ đui què, bu chỉ coi anh Sao là con thôi ấy gì”. Lym còn định nói nữa, cho hết những ấm ức dồn chứa bấy lâu trong bụng nhưng ông Thịnh lao từ trong nhà ra, tát Lym một cái nổ đom đóm mắt, lôi vào buồng đưa cho tập giấy và cái bút, bắt viết ra hai câu hỏi “vì sao bu mày kêu thế”, “vì sao thày tát mày đau thế” rồi nhìn trân trân vào mắt Lym bảo, “Mỗi câu hỏi mày viết cho thày một trăm câu trả lời, không câu nào được giống câu nào, viết đủ thì thày cho mày đi học tiếp”. Sau lần ấy, Lym không cãi nữa, nhưng cứ nghe tiếng “Ối Sao ơi” là anh bỏ đi, thuận đâu đi đấy, miễn là tai không nghe thấy tiếng kêu, mắt không nhìn thấy cảnh bà Tịnh vỗ đùi bồm bộp rồi lấy ống quần lau nước mắt. Đêm trăng càng sáng, bà càng kêu khóc nhiều, Lym đi câu ếch quá nửa đêm mới về bà vẫn còn kêu, tiếng kêu càng về sau càng khô lạnh. Đôi khi khiến Lym rùng mình. Lớn lên đi học, đi làm, lấy vợ xa nhà, chưa bao giờ Lym cho vợ con về quê vào những ngày có trăng.

Lúc chiều bà Tịnh gọi điện bảo về có việc khẩn. Anh cố tình về thật muộn, muộn hơn cả những lần đi câu ếch ngày xưa, vậy mà bà vẫn còn ngồi tựa lưng vào gốc cau nhìn xuống ao nói chuyện một mình. Trăng sáng vằng vặc. Ông Thịnh vừa dò sóng đài vừa nói đủ để mình Lym nghe:

- Kệ bu mày, vào ngủ mai còn đi làm, lần sau bà ấy có điện thì mày gọi thày, thày bảo về hãy về.

- Không về lỡ có chuyện gì rồi vắt chân lên cổ chả kịp.

- Chúng tao còn khoẻ chán, sợ gì.

- Vầng.

Minh họa: Tào Linh

Lym trải chiếu, kê đầu lên gối mây. Anh thích nằm ở cửa, vừa có gió, có trăng, vừa nghe được tiếng côn trùng đêm kêu rả rích, nhìn đất trời vừa trông dắng được mẹ già đêm hôm sương lạnh gió độc. Lym nhìn đăm đăm ra bờ ao, nơi cây cau cao lút mái nhà thả xuống từng vệt sáng trong suốt, những vệt trăng khi như dẻ quạt, khi vung vẩy như thanh kiếm, khi như bàn chông từ trời trỉa xuống. Bà Tịnh nhỏ xíu như đứa trẻ ngồi tựa lưng vào gốc cau nhìn trăng rơi xuống ao bèo. Bất kể lúc nào từ chờ nồi cơm sôi cạn, chờ chảo dầu nóng, cho đến chờ cái gầu chìm xuống đong đầy nước… bà cũng nói chuyện Sao. Bà để nó phủ kín mọi khoảng trống của mình. Sau này, tuổi tác nhiều thêm, bà nói cả khi không có người, nói nhiều đến nỗi khoé miệng chi chít các nếp gấp, những nếp gấp xô, chèn lên nhau nhăn nhúm lại. Bây giờ bà không làm được việc nặng nữa nhưng tay chân vẫn không khi nào chịu yên. Bà tựa lưng vào gốc cau, tay vuốt ve con mèo già, kể cho nó nghe những câu chuyện Lym đã nghe từ bé. Con mèo không cãi lại bà như Lym, không ấm ức bỏ đi như Lym, không tìm cách lẩn trốn như Lym.

Đài vẫn xèo xèo dò sóng, biết ông Thịnh chưa ngủ, Lym bảo:

- Hay hai ông bà lên ở với con, ra khỏi làng xem bu có bớt kêu khóc mò mẫm đêm hôm vầy không.

- Thôi, phiền, lên đấy chả có việc gì làm rồi lại kêu nhiều hơn, mà bà ấy không đi khỏi nhà quá một ngày đâu.

- À, tới đây đào móng dựng đình, chỗ hố bom ấy, liệu có xương cốt gì dưới ấy không thày?

Ông Thịnh vặn nhỏ đài, tiếng sóng nhiễu rè rè nhỏ rồi tắt hẳn.

- Chả còn gì đâu, tôi cũng bới nát từng hạt đất rồi.

- Ông có bao giờ đi tìm đâu mà bảo không được! - Bà Tịnh đã bước vào hè nhà từ lúc nào, vỗ đồm độp vào chân mình gào lên. - Ối Sao ơi là Sao ơi, mày về mà xem, chả ai còn nhớ mong gì mày rồi đấy. Khổ thân con trai tôi. Ông không đẻ không đau nên vô tình vô cảm, ông đã chẳng có ngày nào chăm nuôi nó hẳn hoi, lúc nó chết lại mặc xác mặc thây nó. Sao ơi, mày khổ quá vậy hả con. Bu khổ quá vậy hả mày!

Ông Thịnh cố dằn giọng để không nói to:

- Có im đi không, xóm giềng người ta đương ngủ.

Ông vừa nói vừa đập tay xuống giường, Lym nghe tiếng cánh tay run bần bật, câu nói gãy từng đoạn.

- Tôi cứ nói to đấy, tôi nói cho cả làng này nhớ cái ngày ấy.

Lym định phân tích cho mẹ nhưng lại thôi, nói gì lúc này cũng chỉ khiến bà kêu khóc thêm, rồi lại kể chuyện quả bom rơi vào đình làng trong đêm trung thu, khi mà thanh niên làng, trong đó có con trai bà đang tập trung chuẩn bị chia tay để ngày mai lên đường ra trận... Chuyện bà chạy ra đến nơi đã thấy hố đất sâu hum hủm, xung quanh tung toé những mẩu xương thịt người. Chuyện bà chen vào với người làng để tìm bới mà không kiếm được bất kì dấu vết gì của con trai. Rồi bà ghen tị kể nhà này nhặt được cái đầu, nhà kia nhặt được cái chân của con về chôn...

- Tôi còn phải bới đến khi nào kiếm được cái gì của thằng Sao ở cái hố ấy, không thể có chuyện con tôi mất tăm mất dạng như thế, nhà này đứa nào động tay động chân dựng đình thì bước qua xác tôi đã.

- Bà…

- Thày kệ bu.

- Tôi đã kệ bà ấy nói mấy chục năm rồi - Ông Thịnh cất lên những tiếng rời rạc, dằn dỗi. Mãi lâu sau mới chậm rãi nói thêm - Tôi để bà ấy nói ra cho nhẹ lòng nhưng bà ấy nói bao nhiêu thì bào ruột gan tôi bấy nhiêu. Tôi chịu cả. Lúc bà ấy mất con, cần có tôi ở bên cạnh thì chẳng có. Bà ấy nói ra mồm được thì ruột gan đỡ nặng. Tôi chịu được tất, tôi chịu được, chịu được anh Lym ạ. Chỉ cần mẹ anh nhẹ lòng nhẹ dạ, chỉ cần bà ấy không mang thằng Sao ra đay đả ai, chỉ cần bà ấy để nó thanh thản sang thế giới bên kia, chỉ cần bà ấy sống như người thường… - Ông Thịnh dừng lại như nuốt cái gì đang vướng cứng trong họng, mãi rồi mới tiếp: - Nhà có hai vợ chồng già, không nói hết ra cho hả lòng hả dạ thì còn nói ở đâu. Tôi chỉ giận nỗi, hôm làng tập hợp bàn nhau dựng lại ngôi đình, lấy chỗ cho con cháu đi về khỏi mất gốc, cũng là lấy chỗ cho những vong hồn người làng mình tứ tán, nhất là những người hi sinh trong chiến tranh về tụ ngự bởi có phải ai cũng có nhà để về đâu, sâu xa là vậy, nhưng bà ấy chẳng cần nghĩ nhiều, nhảy thách lên phản đối. Tôi can có một câu mà bà ấy chỉ thẳng tay vào mặt tôi trước bàn dân thiên hạ, bảo tôi a dua theo bọn nhãi ranh quên chuyện thằng Sao và đám thanh niên làng sắp ra trận bị bom hại chết, bà ấy đòi đi kiện cho ra nhẽ, đòi báo thù cho thằng Sao, còn chửi tôi vô tình vô nghĩa với con cháu, với những người làng bị bỏ xác ở đình. Bà ấy bôi gio trát trấu vào mặt tôi, anh thử là tôi xem chịu được không.

Mấy chữ cuối cùng, ông Thịnh ức nghẹn, nói mãi mới xong. Bà Tịnh nghe câu được câu chăng.

- Ông tưởng mỗi ông chịu đựng tôi à. Ông mang tiếng đàn ông đàn ang anh hùng chí lớn, nhưng ngày nào ông cũng như khúc gỗ nỏ, tôi nói rền rã mà ông không thèm động lòng. Đến con mèo còn biết an ủi tôi, vậy mà ông chỉ biết nằm dài ở đấy, nghe mấy đứa dở người ngâm thơ với chả hát hò, có thèm đoái hoài gì đến tôi đâu. Tôi quyết rồi, sáng ngày ra sống chết gì tôi cũng ra ở riêng, tôi không thể ở với ông nữa.

Đêm trong vắt. Không gió. Ông Thịnh vừa lầm rầm trong cổ vừa đập muỗi, cái quạt giáng xuống giường kêu bèn bẹt.

- Dãi sương lắm vào rồi ra dại.

Tiếng đập muỗi không giấu được tiếng ông nên bà nghe thấy, lại xả thêm một tràng dài.

- Tôi nói cho ông biết, đứa nào động chân động tay lấp cái hố ấy để dựng đình, tôi cho tan xác. Thờ với cúng, thần thánh gì mà đến cái nhà của mình lão ấy ở cũng không giữ được, phù hộ dân làng chả phù lại phù bọn sài lang thả bom đúng chỗ đông người, lại toàn thanh niên trai tráng rồi trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn, vậy thì còn đâu ra người mà dựng làng, mà cúng kiếng lão ấy. Bố con ông muốn cúng lão ấy thì cúng tôi đây này. Nhá.

- Im!

Ông Thịnh quát chói tai. Trăng giật mình lẩn vào mây. Gió cứng đơ trên tàu cau lấm tấm sương. Lym cố làm giọng đùa cợt bảo:

- Bu gọi thành hoàng làng là lão thì gì mà ông ta chả tức. Thần thánh thì cũng có lúc lực bất tòng tâm, trách làm gì. Mà chuyện người trần với nhau thì tự giải quyết đi, ai lại lôi thánh thần vào, mấy ông ấy có ai nhìn thấy bao giờ đâu.

- Ừ thì làm gì có ai trông thấy, vậy mà có đứa thừa hơi rỗi việc, hùa với bọn không bị quả bom khốn kiếp ấy cướp đi cái gì, phản lại tôi.

Bao nhiêu máu nóng dồn hết lên mặt, nhưng nhìn thấy con trai nên ông Thịnh kìm lại. Lym thở dài. Đầu óc lộn xộn. Trăng đã chui ra khỏi đám mây màu sẫm, bà Tịnh lại ngửa cổ lên nhìn kể chuyện Sao đánh cá, vớt bèo, cho lợn ăn, chuyện Sao chia tay ở sân đình...

Trăng vón cục trên ngọn cau.

Lym nhìn vô định vào bức tường trước mặt, những hạt cát vun trăng thành từng đống li ti, đổ bóng đè lên nhau. Mỗi bóng cát ấy xoè ra một vệt hoa cau mỏng dính, hoa cau mở cánh như bèo tấm, bèo tấm phủ xanh mặt hồ, phẳng êm như thảm cỏ chiều trên đê sông. Lym cầm dây chạy lấy đà cho diều. Gió giằng, sợi dây dù tuột khỏi tay, nâng cánh diều vút lên. Lym choáng váng, khoảnh khắc sơ suất sợi dây tuột ra, cánh diều Lym cất công làm cả tuần vuột mất. Bao nhiêu vui sướng háo hức tắt ngấm. Lym khóc oà, nước mắt tràn ngập mặt, giá mà ông trời cũng khóc để diều của Lym rơi xuống. Rơi ở đâu Lym cũng tìm ra. Nhưng trời không mưa, gió không dừng, chiều không tắt nắng, chỉ có sợi dây diều căng đét khứa ngang mặt Lym. Hẳn là có ai đó đang giữ dây diều cho Lym. Ai vừa giữ vừa tung tẩy cho con diều chao xuống lại lượn lên điệu nghệ thế kia. Ai...

- Ai?

Tiếng Lym bật lên khỏi cổ họng khiến ông Thịnh nhướn người nhìn ra cổng.

- Trộm à? Dạo này xã mở đường lớn, trộm cắp lượn như cá cảnh suốt ngày.

- Không, con hoa mắt.

- Mày nhìn thấy thằng Sao chứ gì?

Bà Tịnh nhẹ giọng, tiến đến gần, ghé sát bên Lym thì thầm. Này Lym, có phải mày vừa thấy có người vào nhà mình không. Bu đã bảo mà, thằng Sao nó chưa siêu thoát đâu, còn quanh quẩn ở làng này, thi thoảng bu thấy nó đu lên ngọn cây sao, bộ quân phục còn mới toanh, đẹp lắm. Trăng sáng rỡ là nó về thăm thày bu, vậy nên bu thức đợi nó chứ ai hơi đâu đêm hôm cứ ra sân ngồi vầy. Hôm thì nó đứng ở gốc cau, hôm nó hái cho bu lá giầu, hôm nó đứng trên đám bèo tấm. À, mà có lần nó lôi cả lũ bạn về đánh cá nướng. Lũ bạn cũng mặc quân phục mới toanh, ăn xong đứa nào đứa ấy mồm lem nha lem nhem. Bu nói thày mày chả tin, đến sáng ngày ra con trắm ốc to nhất ao nổi phềnh lên đấy. Ai nói gì thì nói, bu là bu vẫn phải giữ yên cái chỗ nằm cho thằng Sao, không phải mình nó đâu, thanh niên trẻ con làng này còn nằm ở đấy đầy, đừng có lấp con ạ. Lấp rồi không còn đứa nào tin quả bom khốn kiếp ấy đã hại người làng mình, hại anh trai mày đâu.

Lym nhìn mẹ mình từ đầu đến chân như nhìn một pho tượng. Pho tượng đúc từ ngày quả bom dội xuống làng. Anh muốn vòng tay ôm chặt lấy mẹ nhưng chưa kịp dang đã thấy bàn tay ngày nào quẳng thằng bé Lym mười tuổi gầy quắt queo đang sốt trên tay để lao đi vì nghe nói bọn trẻ trâu mới nhặt được khúc xương người ở hố bom ôm lấy đầu mình. Anh sững lại giây lát rồi bật khóc. Nước mắt lã chã như đứa trẻ bị bỏ rơi giữa đường xa hun hút.

Trăng tãi đầy trời những đường kẻ ngoằn ngoèo dài như gió, mỏng như sương, phủ lên tóc, lên mắt Lym

 

V.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)