Chiếc hộp kỉ vật

Thứ Tư, 09/07/2025 00:26

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

Tháng bảy.

Ông Bình ngồi bên bếp lửa nói với ra giục vợ, giọng khàn khàn, mệt mỏi:

- Ướt hết người rồi, ốm vật ra thì khổ. Vào thôi, anh ấy khắc tìm được mà.

Khổ thân ông ấy, cứ những ngày mưa mù thế này, mấy mảnh pháo còn sót ở đùi lại cựa quậy, đau nhức. Bà muốn vào xem chồng mình thế nào nhưng nhìn dòng người đang cuồn cuộn như một dòng sông chảy ngược lên mạn đường biên thì lại ngần ngừ. Nhỡ anh ấy có trong đoàn người đang tới kia thì sao. Bà xoay chiếc hộp gỗ nhỏ trong hai bàn tay. Bốn mươi năm rồi... Con đường trước nhà năm ấy nhỏ và lầy lội, chỉ có dân bản qua lại, những ngày mưa nhiều hằn lên vết chân trâu, bây giờ được mở rộng, những sáu làn ô tô chạy, trải nhựa phẳng lì. Cổng nhà là hàng tre uốn cong, xỏa xuống giống như một mái vòm xanh, ngày làm con đường mới bà không cho phá hàng tre và cũng giữ bằng được khoảnh vườn rau kế bên, với lí do để anh ấy có quay lại đây sẽ nhận ra. Anh ấy hứa nhất định sẽ quay lại mà... Chiếc hộp là kỉ vật của mẹ, anh ấy không bỏ đâu.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Vào ngày tháng này trong năm, bà vẫn ra đứng đúng chỗ anh ấy đã nhờ bà giữ hộ chiếc hộp.

Bốn mươi năm trước. Cô bé Thương mười sáu tuổi vừa xới luống rau cải mèo vừa lắng nghe tiếng ì ùng như sấm rền từ mạn đường biên vọng về. Pháo bắn đấy, đánh nhau to rồi, người lớn nói với nhau. Chiến tranh là thế nào, tiếng pháo ì ùng rền rĩ suốt đêm ngày kia nguy hiểm đến mức nào, Thương không hình dung ra được. Nhưng nhìn con đường trước nhà bị sục lên thành bãi lầy do xe ô tô của bộ đội chạy suốt đêm ngày thì cũng biết phải ác liệt lắm.

- Này cô bé ơi!

Thương giật mình vì có tiếng gọi. Một anh bộ đội đứng ngoài bờ rào mỉm cười với Thương.

- Không phải cô bé đâu - Thương đáp lại một câu vui vẻ vì thấy ánh mắt anh đang vui.

- Anh xin lỗi, nhìn em còn trẻ quá.

Nhưng không phải, cái vui chỉ thoảng qua thôi chứ ánh mắt anh ấy đang cố nén chịu nỗi mệt nhọc. Nhìn anh ướt sũng nước mưa, lại đang run lên vì lạnh, Thương giục:

- Anh vào nhà sưởi ấm đã, ướt hết rồi.

- Anh vội lắm, phải đuổi theo đơn vị. Cho anh xin vài tàu cải được không, cả tuần nay không có rau, háo lắm.

Thương cắt cho anh một ôm to rau cải.

- Rau xanh mướt, tàu to như lá chuối, thích thế.

Ôm bó rau nâng niu như ôm đứa trẻ, như một báu vật được trao, xuýt xoa, anh chào Thương để đi nhưng bước chân lại ngập ngừng. Ánh mắt của anh lúc ấy không biết thế nào nhỉ? Như một lời cảm ơn, một hạnh phúc bất ngờ hay dùng dằng khi lưu luyến phải chia tay với người thân thương? Trên mắt có giọt nước đọng lại, rưng rưng. Đi được mấy bước, nghĩ sao, anh vội quay lại, mở ba lô lấy ra chiếc hộp gỗ nhỏ đưa cho Thương, tay run run.

- Em giữ hộ. Chiếc hộp là kỉ vật của mẹ anh. Khi nào xuống được anh xin lại.

- Của mẹ là thiêng liêng lắm, anh phải giữ lấy chứ.

- Anh phải lên trên kia, đường đi khó khăn, cho anh gửi rồi nhất định anh sẽ quay xuống xin lại.

- Anh lên có lâu không? Nhớ nhà em chưa?

- Nhớ chứ, nhà có cổng đẹp thế này, lại có cô bé xinh xắn đứng chờ nữa thì quên sao được.

Hình như anh ấy định nắm tay Thương để nói điều gì đó nhưng lại thôi. Rồi anh đi vội.

Pháo bắn ngày càng dày đặc hơn, tiếng nổ nghe đanh hơn, như tiếng từ dưới lòng đất dội lên. Nghe nhiều tiếng nổ tai ù đặc. Ánh mắt người lớn rưng rưng buồn ngóng lên đường biên. Mấy ngày sau, người dân thị xã ai cũng đeo tang trắng. Thương cũng được mẹ quấn chiếc khăn trắng quanh đầu. Thương hỏi:

- Để tang ai hả mẹ?

Mẹ rân rấn nước mắt:

- Cho bộ đội hi sinh.

Mưa sậm sùi suốt tháng ấy. Giời khóc cùng dân bản.

Lứa cải mèo mới gieo hôm gặp anh ấy đã được hái nhưng không có anh bộ đội nào tới nhà hỏi Thương. Tiếng ục uỳnh vẫn chưa dứt thì sao anh xuống được. Thương lo lắm, ngày nào cũng cầm chiếc hộp đứng ở cổng ngóng chờ, gặp bộ đội nào đi qua cũng níu lại hỏi. Anh ấy ở đơn vị nào, ai cũng hỏi lại thế. Thương đưa cho các anh xem chiếc hộp trong có một ít kim chỉ, còn không một dấu tích nào thể hiện thông tin của chủ nhân. Thương tự trách mình, sao không hỏi anh ấy ở đơn vị nào, thậm chí hộp đựng gì cũng không hỏi. Lúc ấy chỉ thấy thương anh bộ đội nên chẳng biết phải hỏi gì. Bộ đội mình vất vả quá.

Mấy ngày nắng hanh nhanh chóng hong khô con đường. Những vệt bánh xe hằn sâu như rãnh ruộng cày, những bưởng đất vênh lên như lưỡi dao sắc lẹm. Đi nương về tới cổng nhà, thấy anh bộ đội đi từ phía đường biên xuống, Thương đặt gùi sắn xuống đứng chờ. Mây đen bỗng đâu kéo về, trời đất sầm sì muốn mưa. Anh bộ đội đến gần, Thương hỏi:

- Anh ơi...

Ì... đùng... ì... đùng. Tiếng sấm nổ trên bầu trời, vài hạt mưa bắt đầu lắc rắc. Nghe tiếng sấm, anh bộ đội nhao người nằm xoài xuống cạnh bờ tre.

Thương giật mình, ngơ ngác nhìn quanh không hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

Anh bộ đội đứng dậy, ngượng ngùng thanh minh:

- Anh tưởng pháo bắn. Tại ngày nào các anh cũng căng đầu lắng nghe tiếng rít của các loại đạn, phán đoán xem có bắn vào chỗ mình hay không thành phản xạ tự nhiên như thế.

Nghe nói vậy Thương ôm mặt khóc nấc. Thương khóc là theo phản xạ của lòng thương cảm chứ lúc ấy không thể giải thích được sao lại thế.

- Anh có cùng đơn vị với anh có chiếc hộp này không?

Anh bộ đội xoay chiếc hộp trên tay tìm dấu tích rồi lắc đầu.

Chia tay nhau Thương lại hẹn, anh nhớ xuống với bản em nhé.

Tại thương quá thành yêu. Anh bộ đội đi từ trên đường biên xuống giữ đúng lời hẹn đã trở lại và sau khi chiến tranh kết thúc, hai người nên vợ nên chồng.

 

Minh họa: Phạm Hà Hải

Hình ảnh chiếc hộp gỗ nhỏ luôn hiển hiện trong tâm trí Bình, ngay cả những lúc vật vã trong cơn mê sảng hay căng mình cưỡng lại đau đớn của vết thương. Cô bé ấy có làn da trắng mịn màng, đôi mắt lúng liếng như giọt sương làm xao xuyến lòng Bình, và chiếc hộp nhỏ trên tay cô ấy nữa, nó khiến Bình day dứt. Chiếc hộp ấy liệu có liên quan đến Thành không? Giá như hôm ấy, cứ để Thành nói hết câu...

Lệnh hành quân tiếp cận trận địa địch. Mưa xối xả. Nước mưa chảy tràn trên mặt, vuốt không kịp. Trước có ai, sau có ai không nhìn thấy, tối bít chặt. Mở mắt cũng chẳng khác nào nhắm. Tiếng thở mệt nhọc của chính mình cũng không nghe thấy bởi tiếng nổ uỳnh oàng triền miên. Vũ khí, đạn dược đè nặng trên lưng lại phải gồng mình vượt dốc trong đen đặc của bóng tối. Tay buốt cứng vì nước mưa ngấm vào những vết trầy xước do đá cứa xót như xát muối. Cứ thẳng trước mặt mà bước. Phía trước là nơi phải leo lên. Mỗi lần bấm chân leo qua gờ đá, các khớp xương đau như bị bẻ gãy. Xung quanh, chớp của các loại hỏa lực nhay nháy như chớp giông, những đường đạn lửa đan nhằng nhịt như tấm lưới rối. Tiếng rít reo réo, tiếng nổ ục uỳnh bóp chặt trời đêm.

Thoảng trong tiếng nổ thấy tiếng thở gấp ngay sau, Bình quay xuống hỏi:

- Ai đấy?

- Tôi, Thành đây.

- Sao đi chậm thế.

- Bình “còng” hả. Nghỉ tí đã, không thở được.

Thành ngồi vật ra, dựa lưng vào vách đá, thở rít lên như bị nghẹn. Có lẽ vẻ mặt Thành phải nhăn nhó đau đớn lắm, Bình cảm nhận được qua tiếng rên rỉ nén đau.

- Vừa ra viện, còn mệt lắm hả? - Bình ngồi xuống cạnh hỏi thăm dò.

- Bị sốt rét, bốn hai độ, lên cơn co giật, bây giờ vẫn thấy gai gai người. Dưới huấn luyện leo núi quen rồi mà hôm nay các cơ như là nhão ra, không nhấc nổi chân. Hôm nọ qua bản xin được nắm cải mèo, nhai sống mà sao ngon thế, tỉnh người.

- Này, tôi hỏi thật, sao không nằm nán lại viện chờ đơn vị lên đã. Trận này chẳng biết thế nào!

- ....

- Lúc qua suối nhìn hai đứa dính cối, run quá. Tôi lui đây.

- Thảo nào, ông khỏe thế lại đi cuối. Có lúc tôi phải bò mới lên được, đầu gối toét hết đây này. Bây giờ không lui được đâu.

- Hướng này đang yên. Hình như mình bắn nghi binh vào ba trăm, hút hỏa lực của nó về bên ấy.

Đánh cửa mở, lại được phân bắn B41 nữa, lúc đường đạn, có lẽ 12,7 li găm chiu chíu vào vách đá ngay gần khiến Bình hoảng. Không biết có ai bị sao, tối quá không nhìn thấy gì. Phải nấp thôi, quyết vậy Bình lặng lẽ đi chậm lại, chờ cho đơn vị vượt lên rồi sẽ tìm một hốc đá nào đó thật chắc chắn nấp vào. Tốt nhất là trở lại bên kia suối, lúc kéo hai đồng đội dính cối lên bờ, Bình đã thấy một khe đá có thể nép mình vào được. Nhưng chẳng biết run rủi thế nào lại gặp anh ta. Ai mà không sợ chết.

- Cố lên, đạn tránh mình chứ mình tránh thế nào được đạn, quay lại cũng có khi bị.

Thành vịn vào Bình nặng nhọc đứng lên.

Giọng nói dửng dưng, vô tư cùng cái níu tay của Thành đã kéo Bình vững tâm leo lên tiếp.

- Sắp đến giờ G chưa bê trưởng?

Bình hỏi khi nhận ra người vừa lom khom đến.

- Bình “còng” hả. Cao như cái sào, chẳng giống ai. Sắp đến giờ rồi đấy, về vị trí!

Thành nằm cạnh giục:

- Bê bốn mốt lên trước đi.

Những tiếng nổ khủng khiếp, gần lắm, có lẽ hỏa lực của mình bắn phá trận địa địch. Đất đá rào rào trút xuống. Bình nhoài người ra khỏi hốc đá, định nhoai lên thì một quả đạn nổ gần, đất đá đổ ập lên người khiến Bình nằm bẹp xuống. Không thể lên được, Bình lui lại, run.

- Có lẽ là Đê ka nó bắn - Thành ngồi dịch vào Bình - Tôi cũng thấy run. Lúc này mà có món đồ của mẹ đưa lúc nhập ngũ cũng đỡ sợ.

- Để ở cứ à?

- Tôi gửi rồi. Nhiều thằng cũng gửi đề phòng thất lạc lúc chiến đấu. Tôi gửi ở...

- Gở bỏ mẹ! Thôi, chuyển đề tài đi! - Bình gắt.

Uỳnh! Uỳnh! Tiếng bộc phá nổ gần, dậy đất. Tiếng súng bộ binh các loại cùng tiếng hô xung phong rộ lên, rất gần.

Hướng của đơn vị đảm nhiệm vẫn chưa có động tĩnh gì.

Có tiếng gọi lan xuống:

- Kíp bị hỏng. Bê bốn mốt đâu, bắn vào bộc phá! Bê bốn mốt đâu rồi!

Bình nén thở, muốn bước ra khỏi hốc đá mà không được, chân tay quýnh quáng. Run.

Thành giằng khẩu B41 trên tay Bình, cầm thêm một quả đạn nữa chạy lên phía trước.

- Có biết bắn không? Tối thế nhìn thấy gì mà bắn!

Bình gọi theo nhưng không thấy Thành trả lời.

“Bùng... Poành! Bùng... Poành! Uỳnh! Uỳnh!” Hai tiếng nổ của đạn B41 nối tiếp tiếng bộc phá. Quả núi như sập xuống.

Trận đánh kết thúc. Bình âm thầm khóc. Bình đã cố tìm một mảnh cơ thể của Thành để vái nhau một vái mà cũng không thấy...

Một năm sau Bình mới có dịp trở lại tìm Thương.

Cô vẫn đứng đúng chỗ hơn một năm trước Bình đã gặp, vẫn chiếc hộp nhỏ trên tay.

- Anh ấy không xuống được đâu - Tự nhiên, Bình linh cảm, chủ nhân của chiếc hộp chính là Thành. Có một sự liên quan gì đó ở đây như số phận đã sắp đặt...

- Sao anh biết?

- Anh ấy ở cùng đơn vị mà.

- Không phải đâu, anh ấy sẽ quay lại, anh ấy hẹn thế rồi.

Lời khẳng định khiến Bình thấy ân hận. Nó chỉ là linh cảm, đã có gì khẳng định đâu. Sao lúc ấy không để Thành nói hết câu, thậm chí phải hỏi kĩ kỉ vật là gì, gửi cho ai và cả chi tiết ăn rau cải mèo sống nữa, cô ấy nói đã cho anh bộ đội cả ôm to cơ mà. Nhưng biết đâu, bó cải ấy, trên đường đi các đơn vị khác xin, Thành đã cho hết rồi? Người lính chẳng tiếc nhau thứ gì. Bình mong chủ nhân chiếc hộp không phải là Thành, như vậy vẫn còn hi vọng người ấy sẽ bình an trở về nhận lại...

- Thế anh bộ đội ấy nhìn thế nào, cao hay thấp, đẹp trai không? - Bình hỏi cố và hi vọng.

- Hình như cao cũng bình thường. Không thấy rõ mặt tại mù giời quá, tại thương quá nước mắt chảy ra nhiều.

*

*          *

Tiếng súng ngừng, xuất ngũ được một năm Bình quay trở lại tìm Thương. Đi từ bến xe về tới bản hai vai áo ướt đẫm, nước chảy ròng trên mặt, lạnh tê vì sương mù. Có phải cô ấy đang đứng ở cổng nhà kia không? Mới có ba năm không gặp mà cô bé đã trổ mã thành thiếu nữ đẹp mê hồn. Bình lúng túng hỏi:

- Thương à? Nhớ anh không?

- Anh Bình! Mong anh chui bụi tre trở về nhiều đấy, như mong anh có chiếc hộp này thôi.

Thương đưa chiếc hộp ra trước mặt Bình.

- Mấy năm nay em vẫn chờ à? Anh ấy không xuống được đâu.

- Xuống mà! Giống như anh Bình cũng xuống đấy thôi.

Thương nói rồi mắt hướng lên đường biên chờ đợi.

Bỗng nhiên Bình nghe thấy tiếng tính tẩu réo rắt như tiếng suối, cùng tiếng hát lúc da diết, xót xa lúc lại bay bổng như tiếng của đại ngàn. Tiếng hát dẫn dụ Bình bước lên ngôi nhà sàn. Ánh lửa bập bùng, ấm áp. Những người ngồi lặng sát bên nhau, ánh mắt buồn thương. Bình ngờ ngợ, chẳng lẽ là...? Bình hỏi người đứng cạnh: “Nhà làm đám tang à?”. “Làm lễ then mà. Làm then cầu an cho bộ đội hi sinh, cho dân bản”. Bình xúc động, gương mặt Thành qua ánh chớp, bình thản, an nhiên hiện lên. Thương đứng cạnh, nắm chặt tay Bình. Hai bàn tay đan vào nhau, run run.

- Cá nghe chết chín đoạn suối. Chuột nghe chết mười quãng rừng. Trai gái nghe chết chín cõi lòng, người Tày nói ai mê then cũng thấy thế mà. Lòng em muốn anh ở lại đây để nghe then cùng, đồng ý đi anh. Con gái dân tộc nghĩ gì nói ra vậy, không giấu được lòng. Then cùng em bỏ bùa anh rồi, anh không về xuôi đâu, ở lại cùng em chờ anh ấy xuống.

Thế là Bình ở lại, nên vợ nên chồng với Thương.

*

*            *

Hai vợ chồng Bình hồi hộp xen lẫn lo lắng suốt chặng đường từ trên rừng xuống dưới biển tìm về quê Thành. Lần đầu tiên thấy biển, ánh mắt kia của vợ cũng giống như Bình lần đầu tiên thấy mây bay đỉnh núi, lạ lẫm và mê dại. Xã đảo thưa vắng, tìm được một ngôi nhà khó hơn ở bản. Vợ chồng Bình đến trụ sở ủy ban xã hỏi thăm:

- Cháu cùng đơn vị với Thành. Anh ấy đi bộ đội năm tám tư.

- Năm ấy, cả xã chỉ có mỗi thằng Thành đi bộ đội. Mà thằng Thành hi sinh, có giấy báo tử nhưng bị cháy cùng trụ sở xã rồi - Chủ tịch xã sau khi lục tìm danh sách lưu trữ trả lời Bình.

- Dạ, nhà anh ấy ở đâu ạ?

- Nhà ấy là dân về đây khai hoang nhưng không theo được nghề thủy sản nên lại trở về quê, lâu rồi, trước khi có giấy báo tử của thằng Thành.

Thương đưa chiếc hộp cho chủ tịch xã, hỏi:

- Nhà anh Thành có làm chiếc hộp như thế này không ạ?

Chủ tịch xã xem xét tỉ mỉ chiếc hộp rồi nói:

- Gỗ kim giao ở đây nhiều lắm, nhưng không có nhà nào làm nghề mộc. Nhà ấy ở gần nhà tôi, nhớ không nhầm thì không thấy làm.

Bình thầm kêu, Thành ơi! Tôi chỉ cần một dấu tích của đồng đội hiện hữu trên trần thế này để vái nhau một vái thôi mà sao khó thế.

Ông chủ tịch xã nói gia đình Thành không về quê mà đi vùng kinh tế mới khác mãi tận Tây Nguyên.

Bình bùi ngùi. Tây Nguyên thì rộng lớn, không biết địa chỉ cụ thể chỗ nào và đường xá đi lại khó khăn, thông cảm cho tôi, đồng đội nhé. Người mẹ nào cũng lo từng li từng tí cho con mình để bước vào cuộc sống tự lập. Người chiến sĩ nào cũng trân trọng những kỉ vật của người thân khi phải xa gia đình. Đến thời gian này không có ai về nhận lại chiếc hộp thì sẽ không về được nữa đâu. Chiếc hộp sẽ là kỉ vật chung của các đồng đội cùng mặt trận thôi. Biết là thế nhưng tôi cũng như Thương, lúc nào cũng ngong ngóng trông về đường biên, hi vọng.

*

*          *

Đúng là Thành cùng đơn vị, quê ở xã đảo ấy, một đồng đội từ Tây Nguyên ra thăm lại chiến trường xưa khẳng định chắc chắn. Gần bốn mươi năm mới tìm được, các đồng đội cùng Bình lặn lội vào Tây Nguyên tìm gia đình Thành. Ai cũng vui, háo hức. Bố mẹ Thành mất đã lâu, đón tiếp đoàn là người em trai Thành. Sau khi “thẩm tra”, tất cả các thông tin đều trùng khớp ai cũng vui đến nghẹn lòng. Bình rưng rưng hỏi:

- Ban thờ đâu để anh vái anh ấy một lần?

- Nhà em để ban thờ chung. Đây ạ.

- Đây là ảnh bố mẹ phải không. Thế ảnh của anh Thành đâu?

- Ngày xưa ở đảo không có hiệu ảnh.

- Thế, bằng Tổ quốc ghi công treo ở đâu?

- Nhà em chưa làm.

- Sao thế?

- Có người quen ở xã đảo vào đây báo tin, lúc ấy gia đình em mới biết anh Thành hi sinh chưa tìm thấy thi thể, giấy báo tử bị cháy mất. Không có giấy báo tử không làm được bằng. Ngày ấy đi lại khó khăn, thủ tục rườm rà nên bố em bảo, anh ấy dấn thân chẳng nghĩ mình hi sinh sẽ để lại chút chế độ cho gia đình thì mình vất vả làm gì. Thế rồi các cụ mất. Em cũng bận sinh nhai...

Những đồng đội ôm vai nhau khóc. Những câu nói nghẹn ngào. Thành ơi, chúng tôi có người cơ thể bị khuyết, có người chịu đựng đau đớn của thương tật nhưng vẫn được hít thở khí trời, được truyền hơi ấm tình đồng đội sang nhau, hạnh phúc lắm. Còn Thành, số phận sao long đong thế...

Bình hỏi trong ngạt ngào nước mắt:

- Có phải chiếc hộp này là của mẹ trao cho anh Thành lúc nhập ngũ?

- Anh ấy đi bộ đội mẹ mới sinh em. Cũng không thấy mẹ nói gì về chiếc hộp, bố cũng không thấy đóng đồ mộc bao giờ. Chiếc hộp đẹp thế này thì tay nghề phải khéo mới làm được.

*

*           *

Đợi mãi không thấy em trai của Thành ra thăm, ông Bình đã nghĩ chiếc hộp này có thể không phải của Thành. Nhưng nhìn những đoàn người nườm nượp trở về miền kí ức, vợ chồng ông Bình cũng thấy nhẹ lòng. Hai năm nay, bà Thương không chỉ trông lên phía đường biên mà còn ngóng về xuôi, nhìn tận mặt từng người đi qua, ngóng chờ chú Công mang tin tức tới.

- Chú ấy kìa!

Là chú ấy mệt mỏi sau chặng đường dài chứ không phải buồn, hai vợ chồng ông Bình nhìn nhau muốn nói vậy.

- Ngồi lại gần bếp lửa cho ấm. Đường xá xa xôi quá.

- Vâng. Trên đường tới đây, em nghe mọi người nói, năm nào vào mấy ngày này ở đây cũng mưa. Nhìn mấy ngọn núi bị mây phủ như bị đè sụn xuống. Anh Thành em ở ngọn núi nào?

Ông Bình châm lửa vào nõ điếu, tay lập cập. Ông định rít một hơi thuốc lào thật dài để giữ bình tĩnh nhưng cứ như bị cái gì đó chặn nghẹn ngang họng, đành buông điếu, hồi hộp hỏi ông Công:

- Công việc đến đâu rồi?

Bà Thương nhắc chồng:

- Để chú ấy nghỉ ngơi đã rồi hãy hỏi được không.

Ông Công hơ tay gần bếp lửa, cố nén nỗi buồn trong lòng không để lộ ra qua ánh mắt, trầm giọng nói:

- Em mới nhận được công văn phúc đáp tháng trước. Không được anh ạ.

- Sao?

- Không tìm thấy tên Nguyễn Văn Thành trong sổ lưu danh sách tử sĩ của đơn vị...

Năm tháng cuộc đời đã đè đủ nặng lên đôi vai, giờ thêm một nỗi thất vọng nữa khiến vợ chồng ông Bình ngồi lặng như hai hòn đá tảng.

- Anh chị đừng buồn, gia đình em cũng không buồn đâu. Thời gian đã bốn mươi năm, vậy mà các anh vẫn trở lại thăm đồng đội đông thế này em thấy ấm lòng lắm, chắc anh Thành cũng mãn nguyện.

Ông Bình đôi mắt thẫn thờ đẫm nước, lẩm bẩm:

- Hôm ấy, năm giờ sáng trời còn tối lắm, bàn tay giơ trước mặt không thấy mà sao hai quả đạn của Thành lại trúng đích. Cửa mở đã thông. Nhưng sau trận, cả trung đội đánh cửa mở chỉ còn mình tôi xuống được...

Rồi ông Bình đưa tay vuốt mặt, nói quả quyết:

- Chú Công, tôi sẽ đi với chú, đi làm chế độ liệt sĩ cho Thành. Tôi có niềm tin, chúng ta sẽ làm được...

- Hai anh em ngồi chơi, tôi đi ra ngoài cổng. Hôm nay cũng đúng là ngày anh ấy gửi lại chiếc hộp. Nhỡ anh ấy đi qua lại không thấy thì sao.

Bà Thương đứng dậy, mắt rân rân nước. Ông Bình nói với theo:

- Bà khoác thêm chiếc áo vào, lạnh đấy.

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)