Văn xuôi  Bút kí - Phóng sự

Điểm tựa bình yên

Thứ Năm, 15/11/2018 18:15
Logo VNQĐ Online mới Những chiếc bánh chưng được đặt trên những chiếc bàn nhỏ xinh, xếp xinh hai dãy. Một lối đi ở giữa cũng… xinh được trải thảm nâu xinh. Các cô tíu tít sắp lại chỗ này một tí, chỉnh lại chỗ kia một tẹo... Khung cảnh ấy đặt trong một chiếc “trại” cũng vừa xinh trông ra một hồ nước… Nó khiến tôi liên tưởng đến khung cảnh tuyệt vời trong câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn. Và quả cái không gian giống như cổ tích đang được sắp đặt ấy, đúng là dành cho những “cô lùn, chú lùn” thật. Nhưng đó là những “cô, chú lùn” từ hai đến năm tuổi ở trường Mầm non xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Vâng. Nếu như tất cả những điều đó là của một trường mầm non trung tâm thành phố, các khu đô thị lớn hoặc khu chung cư với các gia đình có điều kiện đang sinh sống thì không có gì lạ. Nhưng xã Hoàn Long là một vùng quê cơ bản trông vào làm màu, đi làm công nhân ở các khu công nghiệp nên thu nhập cũng chỉ ở mức bình thường như bao vùng quê khác. Vậy thì cái gì làm nên điều “cổ tích” ấy? Câu hỏi của tôi được cô Đặng Thị Thu Huế, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Hoàn Long trả lời bằng một nụ cười rạng rỡ. Cô bảo, ý tưởng đầu tiên về làm lán chơi cho các cháu bắt đầu nảy ra khi hàng ngày ngồi trong lớp nhìn ra ngoài thấy khoảng đất cạnh hồ trong khuôn viên của trường cỏ mọc lút làm chỗ bay nhảy cho đám chuồn chuồn, châu chấu, cào cào…, trong khi đó, các con chỉ được quanh quẩn chơi trong lớp, tính trung bình khoảng một mét vuông một con. Rất nhiều các hoạt động phát triển thể chất, trí tuệ đành phải xếp nguyên trong giáo án ngày này qua tháng khác không cách gì thực hiện được bởi... thiếu không gian. Làm thế nào bây giờ? Nếu xin từ ngân sách thì không được bởi nó không nằm trong quy mô đầu tư cơ bản cho trường. Còn xã hội hóa, biết rằng dù xuất phát từ cái tâm của mình nhưng “tay không bắt giặc”, mình lại phụ nữ chân yếu tay mềm… không rõ có được ủng hộ không, rồi công trình dở dang hết tiền, chềnh ềnh ra đó, sẽ bị mang tiếng là lợi dụng các con để hô hào quyên góp bớt xén thu lợi cá nhân. Thanh tra rồi đủ thứ sẽ về, mặt mũi nào nhìn các phụ huynh, làm sao mà đủ sức lãnh trách nhiệm? Trường lớp sẽ rất rối ren... Quả thực, cái ý định về một nơi cho các con được hưởng những giá trị mà tuổi thơ các con đáng được hưởng vẫn chỉ dừng lại ở ánh mắt đăm đăm và tiếng thở dài. Giữa khi ấy thì các anh ở Bộ chỉ huy Quân sự huyện Yên Mỹ xuất hiện… Chia sẻ đến đây, cô Huế cười quay sang nhìn Chính trị viên phó Huyện đội Yên Mỹ, Trung tá Nguyễn Văn Hóa, người đã dẫn tôi “mục sở thị” phong trào“Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Yên Mỹ, như muốn để anh giải thích cho sự “đường đột” xuất hiện trong một việc vẻ như... chả liên quan gì đến bộ đội cả.

 
Các cô giáo trường Mầm non Hoàn Long đang chuẩn bị nội dung thực hành đón tết Nguyên Đán cho các con
Các cô giáo trường Mầm non Hoàn Long đang chuẩn bị nội dung thực hành
đón tết Nguyên Đán cho các con


“Chúng tôi cũng chỉ chung tay một chút thôi, còn chủ yếu vẫn là ở các cô chứ!”. Anh Hóa cười trả lời. “Một chút của các anh, nhưng lại là điểm tựa cực lớn cho bọn em ạ!”. Cô Huế quay qua tôi tiếp tục câu chuyện. Nút thắt được giải quyết chính từ “một chút” của các anh ấy đấy ạ. Đang lúc bọn em không biết thế nào thì các anh ở Huyện đội Yên Mỹ đến gặp. Khi nghe em chia sẻ ý tưởng, các anh ấy động viên cứ mạnh dạn, mình làm vì cái tâm cho các con, sẽ được ủng hộ thôi. Các anh ấy sẽ đứng ở sau lưng lo mọi vấn đề phát sinh. Trước hết, anh em trong Huyện đội sẽ ủng hộ ba mươi triệu. Rồi các anh ấy tư vấn cho bọn em các thủ tục để kêu gọi xã hội hóa, làm tờ trình dự án, thảo lời kêu gọi để gửi cho các doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà hảo tâm… Quản lí số tiền đóng góp ra sao để mọi người đều thấy sự công khai minh bạch… Nghe các anh ấy nói, bọn em tự tin hẳn và bắt tay làm luôn. Bọn em dự trù, khu lán vui chơi cho các cháu hết khoảng ba trăm triệu. Ngay hôm tổ chức lễ khởi công công trình, đã có trên tám mươi triệu tiền ủng hộ. Sau một thời gian thì khu lán khang trang hoàn thành. Từ khi có nó, nhiều buổi giao lưu kĩ năng dạy trẻ cho các cô giáo đã được tổ chức để các cô nâng cao trình độ. Các con ba tuổi, bốn tuổi, năm tuổi không phải chơi chung mà được tổ chức riêng. Các trò chơi dân gian cần không gian như lượn cầu vồng, thả đỉa ba ba, nu na nu nống, kéo co… cũng được tổ chức thường xuyên để các con trải nghiệm trò chơi truyền thống. Mỗi tuần một buổi, các con ở các lứa tuổi được học và thực hành các kĩ năng sống theo lứa tuổi như: chào hỏi, xử lí các tình huống khi nguy hiểm. Rồi các buổi kết hợp giữa chương trình tiếng Anh với kĩ năng sống. Trước các ngày lễ, tết của dân tộc, các con đều được giới thiệu, trải nghiệm các nội dung liên quan. Từ khi có lán chơi cho các con, phụ huynh phấn khởi và yên tâm lắm!

Chia tay các cô trò ở trường Mầm non Hoàn Long, tôi ghé thăm trường Mầm non Tân Lập, Thanh Long, và đều nhận được những chia về “điểm tựa” của những người lính Huyện đội Yên Mỹ, Hưng Yên để các cô kêu gọi xã hội hóa, xây dựng nơi vui chơi cho các cháu. Trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề thực hiện chương trình“Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” của Yên Mỹ, Trung tá Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, đây là chủ trương chung của Tỉnh đội Hưng Yên nhằm thực hiện nội dung do Bộ Quốc phòng phát động. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban chỉ huy quân sự Yên Mỹ xác định sẽ tập trung vào các địa bàn, nhà trường mầm non đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về nơi ăn ở, học tập và sinh hoạt của các cháu ở các thôn, các xã trên địa bàn. Kết quả từ khi thực hiện phong trào“Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2012 đến nay, Lực lượng vũ trang huyện đã huy động được 400 ngày công san lấp mặt bằng xây dựng trường Mầm non thôn Trung Đạo, xã Trung Hưng; làm đường giao thông nông thôn xã Giai Phạm. Năm 2013 Ban chỉ huy quân sự huyện đã quyên góp ủng hộ trang thiết bị vật chất, đồ dùng học tập cho các trường mầm non của xã Tân Việt, Đồng Than mỗi trường 30 triệu đồng. Năm 2014 trao tặng đồ dùng vui chơi giải trí cho trường mầm non xã Tân Lập và xã Việt Cường mỗi trường trị giá 30 triệu đồng. Năm 2015 ủng hộ, tặng đồ dùng học tập cho trường Mầm non xã Thanh Long trị giá 30 triệu đồng, hỗ trợ tiền tu sửa, nâng cấp trường Mầm non thôn Khóa Nhu 2 - xã Yên Hòa 30 triệu đồng, xã hội hóa 110 triệu đồng. Năm 2016 tiếp tục ủng hộ, tặng đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu trường Mầm non xã Trung Hoà trị giá 30 triệu đồng. Phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thôn Tổ Hỏa, xã Thường Kiệt hỗ trợ tiền tu sửa, nâng cấp trường Mầm non thôn Tổ Hỏa, tổng trị giá tu sửa, nâng cấp công trình là 110.700.000 đồng, trong đó Ban chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ 30 triệu đồng. Năm 2017 hỗ trợ xây dựng khu vui chơi trường Mầm non xã Hoàn Long 30 triệu đồng. Năm 2018 tiếp tục triển khai hỗ trợ tu sửa hai trường mầm non hai xã Minh Châu, Liêu Xá trị giá 60 triệu đồng…

“Hãy cho tôi một điểm tựa”, cái chân lí ấy đang được những người lính Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên nói chung và Ban chỉ huy Quân sự huyện Yên Mỹ nói riêng thực hiện một cách hiệu quả. Điểm tựa cả vật chất và niềm tin mà họ tạo ra đang giúp những công trình mầm non trên địa bàn huyện mỗi ngày mỗi khang trang, để những mầm non tương lai của đất nước được ươm trên những mảnh đất màu mỡ văn hóa, tri thức và nhân văn.
 
NGUYỄN MẠNH HÙNG
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)