Mênh mang Phù Thủy Châu

Thứ Ba, 11/09/2018 00:34
Bút kí. LÊ MẠNH THƯỜNG

Đúng 5 giờ, khi thành phố cảng còn đắm chìm trong màn đêm bao phủ thì con tàu CSB 9004 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 bắt đầu rời bến. Mặc cho những cơn gió mạnh từ biển thổi vào, trên bờ, những cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mang mặc quân phục chỉnh tề, đứng thành hai hàng ngang thực hiện nghi thức tiễn đoàn. Con tàu quay đầu vòng ra giữa sông Cấm hướng ra đảo Bạch Long Vĩ. Tiếng còi chào cảng vang vọng cả một vùng. Những cánh tay vẫy chào nhỏ dần, nhỏ dần. Lúc này tôi mới nghe rõ tiếng máy tàu nổ hòa cùng tiếng sóng…

Ngoài cái tên Bạch Long Vĩ, đảo còn có tên là Vô Thủy, Phù Thủy Châu..., những tên gọi mang hơi truyền thuyết đã gợi lên trong tôi những hình dung về một hòn đảo hoang sơ. Và chuyến đi đầu tiên của tôi tới Bạch Long Vĩ cách đây 14 năm đã cho thấy hòn đảo đúng là... hoang sơ thật. Đó là những ngày giáp Tết Nguyên Đán, dân hầu như đã về đất liền hết nên đảo vắng hoe. Ở chuyến đi ấy có những kỉ niệm mà tôi nhớ mãi. Trời tháng Chạp rét căm căm, anh em chúng tôi ở tàu Cảnh sát biển ghé vào âu cảng để làm nhiệm vụ trực Tết. Con tàu phóng lôi của Nga đóng đã trên 40 năm được cải hoán để trang bị cho lực lượng những ngày đầu mới thành lập, cũ kĩ, già nua, chật chội nên anh em sinh hoạt hết sức khó khăn. Nghe mọi người kháo nhau trên đảo có dịch vụ tắm nóng lạnh nên mọi người rất mừng và chia nhau lên “dọn người” đón Tết. Đến nơi, tôi hết sức ngạc nhiên vì bình nóng lạnh chính là... chiếc nồi quân dụng, được chủ nhà đun bằng lá phi lao, lá bàng sôi ùng ục. Ai tắm thì múc ra xô đem vào nhà tắm pha nước để dùng. Phí mỗi lần tắm là 10 ngàn đồng. Đi biển dài ngày, được tắm một trận nước nóng kiểu Bạch Long Vĩ ai nấy đều sảng khoái. Cũng vào dịp Tết, áp thấp gió mùa, biển động mạnh nên tàu từ đất liền không chở hàng ra được. Biết mua sắm thực phẩm tươi ở đâu bây giờ? Anh em chúng tôi lên liên hệ với Trung đoàn 952 Hải quân và được chia một ít thịt lợn mới mổ cùng mấy chai rượu “Nếp mới”. Nhưng đã có một sự cố xảy ra. Tay Tạo “ra đa” nhận nhiệm vụ làm giò thủ. Phải nói rằng Tạo nấu ăn thuộc hàng “cứng cựa” trên tàu nên ai cũng tin tưởng “phó thác” cho hắn. Vậy mà, hôm sau kiểm tra sản phẩm thì ôi thôi, mấy cái giò thủ bó chặt bỏ vào phía dưới hộc pháo 25 li rồi đóng cửa kín đã bị sức nóng trong hộc pháo làm cho vữa ra, nát nhừ. Anh em lắc đầu. Tạo lí nhí xin lỗi và hứa lần sau sẽ cẩn thận hơn. Thôi, bấy giờ chỉ biết cười trừ chứ biết làm sao...

Sau hơn 8 tiếng hành trình, chúng tôi phải thêm một chuyến tàu chuyển tải nữa thì các thành viên của đoàn công tác mới đặt được chân lên Bạch Long Vĩ. Với những gì đã trải qua ở chuyến lần đầu ra đảo, tôi đinh ninh rằng Bạch Long Vĩ hôm nay vẫn còn hoang sơ. Nhưng không phải. Đảo đã thay đổi nhiều. Những khối nhà công vụ, nhà tầng của dân mới được mọc lên san sát. Dự án quảng trường, cổng chào đang dần được hoàn thành, đường sá phong quang, sạch sẽ, các khu dân cư đã có đầy đủ các dịch vụ như trong đất liền. Là hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc bộ nhưng Bạch Long Vĩ chẳng khác gì một đô thị sầm uất, khang trang.

Chiều muộn, trong khi đi dạo quanh đảo, tôi bắt gặp một ông già đang vá lưới trước nhà ở Khu dân cư số 1, bèn ghé vào thăm. Với giọng nói đặc trưng của vùng Lập - Phục - Phả, người đàn ông kể. Ông tên Nguyễn Đức Vịnh, quê xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Vốn là ngư dân ở địa phương, ra đảo năm 1997 theo chủ trương của Nhà nước nên gia đình ông vẫn lấy việc chài lưới làm nghề mưu sinh. Hồi mới ra đây, cuộc sống hết sức khó khăn vì phương tiện đi lại rất ít, ở quê có công buổi nhưng không thể về được vì không có tàu. “Còn bây giờ, như anh thấy đấy, tàu khách, tàu hàng ra vào thường xuyên. Chưa kể các tàu của Hải quân, Cảnh sát biển hay chở đoàn ra công tác nên cán bộ và nhân dân trên đảo có thêm điều kiện đi lại khi có việc cần”. Ông Vịnh đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt lấp lóa niềm vui. “Công việc của tôi là đánh cá ở ven đảo chứ không phải đánh bắt dài ngày, xa bờ như anh em các tỉnh phía Nam ra đây. Trung bình mỗi ngày thu nhập từ 500, 700 đến 1 triệu đồng. Có ngày được 2 triệu tiền bán cá cơ đấy.”

Nghe trực tiếp những người dân đảo kể về cuộc sống đổi thay, tôi nảy ra ý định gặp lãnh đạo huyện đảo.
Phòng làm việc của Phó Bí thư huyện ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đào Minh Đông lồng lộng gió biển, trên tường treo một bảng ảnh lớn chú thích 24 loài động thực vật thủy sinh được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ. Tôi mải mê ngắm nhìn từng tấm ảnh và không khỏi ngạc nhiên. Đào Minh Đông giới thiệu cặn kẽ cho tôi về đặc tính, số lượng của từng loài như rạn san hô, bào ngư, ốc sứ trắng nhỏ, ốc đụn cái, tôm hùm đỏ, trai ngọc nữ, vọp tím, vẹm xanh… và hệ sinh thái của vùng biển Bạch Long Vĩ. Hóa ra anh Đông là Thạc sĩ ngành Thủy sản và cũng chính là Giám đốc của Ban Quản lí Khu bảo tồn biển này.

 
MANH THUONG
Đảo Bạch Long Vĩ tấp nập trong ngày mới - Ảnh: Mạnh Thường

Câu chuyện giữa chúng tôi hứng khởi hơn khi anh Đông nói về những kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện đảo cũng như phương hướng trong thời gian tới. Với chỉ khoảng 200 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu quần tụ trên một diện tích nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ như một thỏi nam châm thu hút một số lượng lớn tàu thuyền của bà con ngư dân khắp các tỉnh tập trung ra khai thác thủy hải sản tại ngư trường rộng lớn và tiềm năng này. Thời điểm cao nhất có từ 700, có lúc khoảng 1000 tàu cá, chủ yếu là của bà con các tỉnh Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận vào cập âu cảng để tránh trú gió mùa. Đảo đông nghịt người chẳng khác gì khu du lịch ở Cát Bà, Đồ Sơn. Bài toán về phát triển kinh tế, bảo đảm tình hình an ninh, quốc phòng đã được lãnh đạo huyện bàn bạc thấu đáo và xử lí một cách nhịp nhàng, hiệu quả…
*
*    *
Con dốc bê tông thoai thoải dẫn tôi lên doanh trại của Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng. Người tôi gặp là một Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp, Nhân viên thống kê quân khí thuộc Đại đội Bảo quản Nguyễn Chính Xuân người Đông Sơn, Thanh Hóa. Nước da bánh mật, giọng nói nhỏ nhẹ và gương mặt có phần khắc khổ là cảm nhận đầu tiên của tôi về người lính đã dành gần trọn đời quân ngũ của mình gắn bó với hòn đảo này. Bố mẹ anh sinh được bốn người con, Xuân là con thứ ba. Năm 1971, bố Xuân tòng quân. Trong những chiến dịch ông tham gia có trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đầy cam go ác liệt. Sau hai năm chiến đấu ở vùng đất lửa, năm 1973, ông quay ra Bắc đi học mà không hề biết đã mang trong mình chất độc da cam.

“Mọi bi kịch bắt đầu từ đây anh ạ!” - giọng Xuân chùng xuống, ánh mắt đượm buồn. Một người em gái của Xuân bị di chứng da cam giãn tim, không giao tiếp được, sức khỏe rất yếu. Gia đình đã đưa em đi nhiều nơi chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Rất buồn vì cô con gái nhưng bố mẹ Xuân cũng được an ủi phần nào bởi hai người con trai khỏe mạnh bình thường và lần lượt nhập ngũ. Năm 1996, khi Xuân đang là học viên của Trường Trung cấp kĩ thuật Quân khí thì đem lòng yêu cô gái là em ruột của người bạn thân ở xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, cách trường học 3km. Tình yêu cứ thế lớn lên, hai người quyết định tổ chức lễ cưới năm 1999 và Hiền theo chồng về quê Thanh Hóa sống. Cũng cuối năm đó, Xuân ra trường và có quyết định điều động ra đảo Bạch Long Vĩ. Năm 2000, con gái đầu lòng của Xuân ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình, họ hàng. Với Xuân, niềm vui đó còn nhân lên gấp bội vì anh ít có dịp được về thăm nhà. Bốn năm sau, vợ chồng Xuân sinh tiếp một bé gái nữa, đặt tên là Nguyễn Thị Nguyên Hồng. Khi sinh ra bé cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng hai tuổi vẫn chưa biết đi. Tranh thủ những ngày nghỉ phép, vợ chồng Xuân bế con đi hết bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương để kiểm tra và tất cả đều cho kết luận: cháu bị thiểu năng trí tuệ, liệt một nửa người và không nói được giống người cô ruột do nhiễm chất độc hóa học. Vợ chồng anh như chết lặng. Di họa chiến tranh vẫn chưa buông tha gia đình anh.

Năm 2012, vợ chồng Xuân quyết định sinh thêm. Rất may cháu gái hiện nay đã sáu tuổi và khỏe mạnh bình thường. Xuân kể với tôi bằng ánh mắt long lanh: “Cháu gái đầu hiện nay 18 tuổi, đang là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp may tại Hà Nội. Vợ em thì vẫn một mình xoay xở mọi việc để chăm sóc bố mẹ, em chồng và nuôi con ở quê. Cô ấy còn làm sáu sào ruộng, lúc nông nhàn thì nhận thêm việc may câu đối, hồng kì để kiếm thêm thu nhập anh ạ!”. “Thế còn cháu Nguyên Hồng giờ ra sao?”- Tôi hỏi. “Thương lắm anh ạ, cháu giờ đã 14 tuổi rồi. Em vẫn thường xuyên gọi qua internet nói chuyện với con, thấy con tươi cười trong màn hình, nước dãi chảy ướt cằm, miệng nói ngọng nghịu không thành lời, thương lắm”. Xuân kể với tôi mà ánh mắt rưng rưng.

Tôi ngồi lặng người khi nghe Xuân kể về hoàn cảnh của mình. Trước khi ra đây chỉ biết Xuân là “cây sáng kiến” của Trung đoàn 952 Vùng 1 Hải quân trước đây và nay là Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ. Qua nhiều năm công tác ở đảo, Xuân luôn trăn trở về chất lượng vũ khí trang bị, đạn dược xuống cấp do đã nhiều năm sử dụng và công tác bảo quản, bảo dưỡng phải thực hiện trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Năm 2016, Xuân đã nghiên cứu, sáng tạo ra “Giá giật cò và hiệu chỉnh súng B41”. Khi đưa vào bắn và hiệu chỉnh thử nghiệm tại thực địa đã cho kết quả tốt, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Sản phẩm đã được lựa chọn tham gia Hội thi Sáng kiện mô hình học cụ cấp Quân khu, được đánh giá là sáng tạo, kinh phí đầu tư ít, tính ứng dụng cao, hiệu quả thiết thực, có thể ứng dụng rộng rãi. Năm 2017, Nguyễn Chính Xuân tiếp tục sáng chế sản phẩm “Giá bắn hiệu chỉnh súng tiểu liên AK” và trực tiếp làm mới 5 bộ cửa kho hầm đạn, cả hai sáng kiến của anh đều được nghiệm thu tốt. Và ngay những ngày đầu năm 2018, Xuân vừa hoàn thành sáng kiến mới của mình có tên “Thiết bị bắn gián tiếp súng B41”. Đây là sản phẩm phục vụ công tác huấn luyện của bộ đội và chuẩn bị được đưa vào bắn nghiệm thu. Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, Nguyễn Chính Xuân đã nhận được những phần thưởng xứng đáng. Gần đây nhất, năm 2016, 2017 anh được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng và anh cũng là đại biểu đi dự và nhận Bằng khen tại Hội nghị điển hình tiên tiến sơ kết 3 năm cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu trong năm 2017.

Cuộc trò chuyện với Nguyễn Chính Xuân đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh. Trên hành trình trở về, giữa mênh mang sóng nước tôi cứ tần ngần ngẫm ngợi. Bạch Long Vĩ đang chuyển mình từng ngày. Cái tên Phù Thủy Châu - hòn ngọc nổi giữa biển khơi có lẽ sẽ được nhắc đến nhiều hơn khi mà Bạch Long Vĩ trở thành một huyện đảo vừa giàu vừa đẹp. Đóng góp vào sự chuyển mình của hòn đảo đầy tiềm năng này có công sức rất lớn của những người lính giữ đảo. Mỗi người lính có một hoàn cảnh. Và hình ảnh cháu gái 14 tuổi u ơ nói chuyện với người cha bộ đội ngoài đảo Bạch Long Vĩ qua điện thoại đã ám ảnh tôi mãi...  

L.M.T



 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)