Văn xuôi  Bút kí - Phóng sự

Chờ bình yên quay về

Thứ Tư, 05/09/2018 02:34
Tản văn . ĐỖ BÍCH THÚY

Hai mươi năm sống ở Hà Nội, không biết bằng cách nào mà tôi đã thuộc cách đi vào và thoát ra khỏi các con phố cổ. Những con phố ngắn, nhỏ, hẹp, cắt nhau liên tục. Giờ thì Hà Nội đã mở rộng ra tới nỗi ai sống ở khu vực nào thì chỉ rành rẽ đường đi lối lại ở khu vực đấy. Hàng loạt những tuyến phố, tuyến đường mới, mà nếu muốn đi đến thì buộc phải dùng Google map.

Tôi cũng không biết bằng cách nào mà tôi thích nghi được với cuộc sống ở Hà Nội. Tôi đã luôn nghĩ, mình sẽ không bao giờ thoát ra khỏi được cảm giác ở trọ. Thực ra thì cũng không sai. Trịnh Công Sơn còn gọi cả trần gian này là nơi ở trọ của loài người cơ mà.

Chín lần chuyển nhà, qua sáu quận nhưng vẫn loanh quanh phố xá. Đến một ngày, tôi qua cầu, và sống ở bên kia sông.

Mỗi ngày, sau giờ làm tôi đều để Hà Nội ở sau lưng và trở về nhà. Tôi tin rằng bất cứ ai đi qua cầu Long Biên để về nhà thì cũng đều có cảm giác đã để Hà Nội ồn ã ở sau lưng.

Bạn tôi nói, ngày xưa, nhà bạn ở sát nơi tôi ở bây giờ. Và hễ đi qua cầu để vào nội thành thì đều nói: Sang Hà Nội.

Hà Nội ở bên kia. Tận bên kia. Thật là xa.

Mấy thập kỉ trước thì Hà Nội là một quầng sáng rực rỡ. Nơi huyên náo, vui vẻ, sang quý. Những người nông dân, công chức nghèo mạn Đông Anh, Gia Lâm... đều nhìn sang đó bằng ánh mắt có phần tủi thân, tự ti - là bạn tôi nói thế.

Chỉ cách một cây cầu thôi, đã sang một không gian khác. Phố xá - làng quê; náo nhiệt - tĩnh lặng; cầu kì - giản dị; phú quý - bần hàn...

Chỉ cách có mỗi một cây cầu.

Giờ tôi ở ngay sát cầu. Ngày ngày tôi qua cầu để đi làm. Chiều về lại qua cầu, và có một đoạn phải chui qua gầm cầu. Rồi thì ở trên cao nhìn xuống cầu. Chắc là tôi sẽ ở đây lâu hơn những nơi khác. Chẳng ai muốn chuyển nơi ở nhiều đến thế. Chỉ là cuộc sống nó cứ cuốn mình trôi dạt đi thôi. Và thực sự là tôi thích ở đây. Vì nó gần sông Hồng, gần cây cầu cũ kĩ, gần tiếng còi tàu…

Cầu Long Biên, mỗi ngày có khoảng hai mươi chuyến tàu chạy qua. Một năm hơn bảy nghìn chuyến. Hơn một trăm năm sẽ là hơn tám trăm nghìn chuyến. Biết bao nhiêu người lái tàu đã qua đời, bao nhiêu kiếp người đã trôi đi theo những chuyến tàu...

Chỉ tiếng còi tàu hình như chưa bao giờ thay đổi. Đêm đêm, nghe tiếng còi tàu lúc đường xá đã quạnh vắng, tiếng tàu chạy xình xịch mỏi mệt trễ nải nhưng bền bỉ, thấy dường như trong thế giới mà chúng ta đang sống luôn có một phần nào đó đứng yên. Mặc kệ vật đổi sao dời. Cái phần đó vẫn cứ đứng yên, cả trăm năm...

Và phần Hà Nội đứng yên đó, tôi nghĩ là gồm có cây cầu này và những chuyến tàu. Trong khi những tuyến cao tốc luôn mở thêm ra, đi lên phía Bắc rất thuận lợi bằng đường ô tô, người ta vẫn cứ đi tàu. Hẳn là tàu hoả vẫn còn những ưu điểm của nó. Và biết đâu, cũng có thể, ai đó, những ai đó, vẫn quấn quýt với những chuyến tàu chỉ vì một mến thương nào đấy.

 
le thiet cuong
Minh hoạ: Lê Thiết Cương

Tôi hay đi bộ qua cầu vào lúc tối muộn. Đêm xuống, trên sông sẽ không có những chiếc sà lan nặng nề chở đầy cát lúc nào cũng mấp mé mặt nước như sắp chìm đến nơi. Ánh sáng từ cầu Chương Dương hắt xuống mặt sông thành những vệt sáng rực rỡ. Một người phụ nữ ngồi bán ngô nướng trên cầu kể, ngày xưa, nước sông Hồng cao lắm. Mùa lũ về có khi ngồi trên cầu buông thõng chân xuống là chạm mặt nước. Cái ngày xưa ấy, chắc cũng không phải của chị ấy. Mà là của thế hệ các cụ, giờ đã lên giời cả rồi.

Cầu Long Biên so với cầu Chương Dương thì thật cũ kĩ. Tối tăm. Cọt kẹt. Đèn vàng lờ nhờ. Đi mãi mới thấy một cái. Những miếng bê tông kê trên lối đi dành cho người đi bộ thỉnh thoảng lại cập kênh. Bước lên nó cạch cho một cái. Hết cả hồn. Lối dành cho xe máy thì thỉnh thoảng lại có một vốc đinh. Chả tự dưng đinh rơi cả vốc ở đấy. Trong lúc cúi nhặt cái mớ đinh ấy, tôi đã nghĩ, hẳn là có ai đó đang nhìn mình căm phẫn vì nhặt đi mấy chục bạc mà họ có thể kiểm được.

Bên dưới, phía đầu cầu Hà Nội, là bãi bồi mà người ta trồng rất nhiều loại rau màu. Ngô, ổi, chuối, na, rau các loại... Mùa nào cũng có những người ngồi bán vài thứ cá tôm rau củ quả. Không gian đồng bãi với biếc xanh lau sậy, hoa màu, những cái lưng áo bạc phếch lam lũ khiến cho Hà Nội luôn xa thật là xa. Phố xá Hà Nội dường như ở tận đẩu đâu chứ không phải chỉ cần đi năm phút xe máy là tới. Một sự gần gũi nhưng tách biệt kì diệu.

Rồi tôi sẽ rất nhớ tiếng còi tu tu, tiếng tàu chạy xình xịch xình xịch. Không hiểu sao giờ đang sống cùng nó mỗi ngày nhưng đã thấy hoang mang cho một lúc nào đó, sẽ cực kì nhớ. Có những đốt thời gian đặc biệt, in vào trí nhớ một tha thiết nào đấy, một bình yên nào đấy.

Rồi sẽ thật là nhớ. Nhớ khi ngày ngày vẫn ở trong nó.

Có thể, khi nhớ tàu không chịu nổi sẽ tự lên một chuyến.

Nhiều lần tôi nghĩ mình sẽ lên một chuyến tàu. Đơn giản lắm. Chỉ cần đi bộ qua cầu kia là tới ga. Mua một tấm vé, một cái bánh mì và một chai nước lọc. Thế là có thể lên tàu. Đi đâu cũng được. Đi đến một cái ga nào đó rồi đợi chuyến quay về gần nhất lại leo lên. Rồi suốt một đêm ấy sẽ không thể nào mà ngủ được. Gà gật giữa những gương mặt mệt mỏi ngái ngủ khác; ánh đèn vàng vọt; mùi hỗn độn của gỉ sắt, sơn, mồ hôi người, mùi xôi hoặc bánh mì; tiếng tàu lăn trên đường ray đúng một nhịp điệu...

Tôi sẽ đi xuyên qua cầu, qua sông, và lầm lũi xuyên màn đêm ngược lên phía Bắc. Thật là đơn giản hết sức. Đơn giản tới mức không cần phải mơ ước. Nhưng tại sao chỉ nghĩ thôi mà mãi vẫn chưa thực hiện, trong khi chẳng vướng bận gì tới nỗi không thể dứt ra được?

Phải chăng là bởi vì nơi đến, nơi về, không có ai chờ mình? Người ta liệu có thể bắt đầu một việc gì đó mà không cần biết điều gì sẽ đến hay không? Chắc là chẳng ai muốn thế.

Người ta đã bỏ quên cây cầu này. Nó là một kỉ vật bị bỏ quên. Tất cả những gì cũ kĩ nhất, xa xôi nhất, ẩn sâu trong quá vãng, nằm dưới đáy kí ức… tôi tin là còn vương vất cả ở đây. Từ khi cầu Chương Dương được xây dựng như một kì tích đánh dấu sự bắt đầu của một thời kì mới - thời kì của hiện đại, công nghiệp, của những công trình to lớn, có lẽ đó cũng là lúc cầu Long Biên chính thức bị bỏ quên. Bỏ quên trong khi nó vẫn đang tồn tại. Mỗi ngày những công nhân bảo dưỡng duy tu vẫn lặng lẽ làm việc. Thay những thanh ray mục nát, xiết lại những con ốc, đào lên rồi lại đắp xuống lối đi cho xe máy, lôi ra cuộn vào cái búi dây điện lằng nhằng to tướng… Tất cả những công việc để duy trì sự sống của một cây cầu vẫn được làm hằng ngày, hằng giờ, một cách tất nhiên. Như dòng nước đỏ ngầu nặng đẫm phù sa vẫn chảy dưới sâu kia chưa một giây nào dừng lại.

Hà Nội, tôi muốn mình vừa xa vừa gần. Đủ gần để làm việc, kiếm sống. Đủ xa để không phải nhốt mình trong chật chội ồn ào. Đủ gần để cảm nhận hơi thở của nó. Đủ xa để nhìn về, thấy những biến chuyển từng bước làm thay đổi dung mạo, hồn vía Thủ đô. Và những vùng bị bỏ quên, may thay, giữ cho một phần Hà Nội còn ở nguyên đó. Đủ cho một kẻ ở trọ cảm nhận thấy.

Trên thành cầu, trên những thanh sắt cũ rỉ, mòn đi vì gió, một vài ổ khóa đã được vài đôi tình nhân nào đó móc lên. Chiếc chìa hẳn đã được ném xuống dòng sông kia, mang theo lời nguyện ước về hai chữ mãi mãi. Dù rằng, có thể chính người ném chiếc chìa đã bỏ tình yêu đi về một phương trời khác, thì chiếc ổ khóa vẫn hiện diện ở đấy. Một phần tuổi trẻ của họ đã ở lại đấy, ngày ngày nghe những đoàn tàu xình xịch nặng nề nhẫn nại chạy qua.

Những đoàn tàu mỏi mệt, cũ kĩ mang đi khỏi Hà Nội những mong ước giản dị về một chuyến hàng ít nhiều lời lãi, cũng có thể chỉ là mong ước gặp lại ai đó đang đứng chờ ở sân ga tít nơi xa xôi nào đấy. Và cái nhà ga bé tí, buồn tẻ, vắng đìu hiu thì luôn chờ tàu về. Chờ những bình yên quay về…

Luôn chờ những bình yên quay về.

Đ.B.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)