. ĐINH THANH DẬU
Kính tặng những người lính thủy
1969, Hà Nội
Tàu về tới ga Hàng Cỏ buổi sáng. Buổi chiều Cúc vội ra Bờ Hồ gửi điện khẩn: “Em đã về tới nhà. Anh xin đi phép làm đám cưới”.
Họ quen nhau ở Hải Phòng khi Khang đang học lớp sĩ quan hải quân. Gặp Cúc lần đầu ở nhà Năm Thương, chị kết nghĩa của anh, Khang đã bị hớp hồn bởi nụ cười của cô gái. Khi Cúc từ biệt, chàng học viên sĩ quan mượn xe đạp của anh Năm xin phép đưa Cúc về. Anh chị Năm hết sức tán đồng ý kiến này. Chở cô gái về khu tập thể nhà máy, quay lại trả chiếc xe rồi lội bộ về doanh trại mà lòng Khang vui như tết. Từ đó, chủ nhật nào rảnh là họ hẹn hò. Hôm thì tới nhà chị Năm cùng đi chợ nấu ăn. Bữa thì đạp xe chở nhau đi vòng vòng qua các phố. Rồi Khang về đơn vị, khi ở ngoài đảo, lúc ở trong bờ. Viết thư cho anh, Cúc đề: Gửi anh Lê Khang, hòm thư: HQ…. Cúc được đi học đại học nước ngoài khi chiến tranh lan rộng trên miền Bắc. Người ở trong bom rơi đạn nổ, người học hành yên ấm nơi xa. Họ hẹn nhau hè này Cúc về phép sẽ cưới.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Từ Berlin - Đông Đức, nơi Cúc học, qua Ba Lan, Belarusia, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc về Hà Nội, tàu liên vận đi trong hai tuần. Chuyến tàu Cúc về đi chậm hơn một tuần.
Lúc đầu hành trình diễn ra bình thường. Vào đất Trung Quốc thỉnh thoảng tàu phải dừng vì những lí do an ninh. Trung Quốc đang thực hiện cách mạng văn hóa. Qua các thị trấn, thành phố thấy những đoàn người chen nhau bước, miệng hô, tay vung vẩy. Thanh niên trên dưới hai mươi, đi thành đoàn, mặt nghiêm trang, hô khẩu hiệu phản đối hay ủng hộ những gì không rõ…
Tàu phải dừng ở ga Nam Ninh bốn ngày. Hành khách chỉ sinh hoạt trên toa, phần ăn đem đến từng khoang, không được ăn ở toa căng tin. Mọi người lo lắng, tò mò quan sát cảnh tượng xung quanh. Binh lính cầm súng đứng thành hàng ở cửa ga và hai bên các toa liên vận. Nhân viên phục vụ liên tục nhắc nhở: “Tình hình không an toàn, không được ra khỏi toa. Khi nghe súng nổ phải nằm sát xuống sàn tàu”.
Ngày thứ hai có một sự kiện dữ dội. Lúc đầu nghe tiếng la vang lên ở toa căng tin. Một nhóm người đeo băng đỏ, đội mũ lưỡi trai vừa la hét vừa lôi một nữ nhân viên phục vụ từ trên tàu xuống sân ga. Đám đông vây quanh người phụ nữ. Hai cổ tay chị ta bị trói chặt. Có mấy người chỉ vào mặt chị ta, mắng mỏ. Chị hét la, ăn miếng trả miếng với họ. Chị vùng vẫy muốn thoát khỏi vòng vây. Chị dùng răng cắn những nút dây thừng đang xiết trên hai cổ tay. Một người tháo cái lưỡi lê ra khỏi khẩu súng trường, hung hăng dùng nó chặn ngang miệng chị… Sân ga lắng lại. Sợi dây thừng căng ra, lôi theo người phụ nữ. Cái lưỡi lê nằm ngang miệng chị, từ khóe miệng rỉ ra dòng máu đỏ… Tất cả đi khuất trước khi binh lính lập lại trật tự.
Đêm đến, ngồi trên tàu nhìn thấy đạn lửa bay qua bay lại giữa hai sườn núi phía xa. Một nhân viên phục vụ nói: Bên núi này Hồng vệ binh chiếm, bên núi kia Xích vệ binh giữ. Bắn nhau mấy tuần nay.
Về tới Bằng Tường chuyển sang tàu Việt Nam. Tàu mình nhỏ hơn, chật hơn nhưng lại vui hơn. Cúc chỉ mong gặp Khang.
Hai tuần sau, lên tàu quay lại Đức, Cúc nằm liệt trong khoang, lúc tỉnh lúc mê. Đã không có đám cưới. Không có người về. Chỉ có bức điện trả lời: “Đồng chí Lê Khang đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu ngày… tháng 8 năm 1969. Toàn thể đơn vị chúng tôi xin chia buồn cùng gia đình” .
1969, Sài Gòn
Út Thêm đi Hiệp Thành từ chiều qua. Cô phụ cắt hàng bông với dì Tám cho tới tối. Ba công đất mà dì Tám trồng đủ thứ. Nào cải xanh, mồng tơi, rau dền, đậu đũa, dưa leo. Rồi húng quế, tía tô, rau răm, dấp cá… Cả mấy luống cúc vạn thọ nữa. Ba giờ sáng chất hàng lên chiếc ba gác máy. Dượng Tám khập khiễng vì cái chân giả, ngồi trước cầm lái. Út Thêm với đứa con gái nhỏ của dì Tám ngồi yên sau. Tới chợ Gò Vấp trời còn tối. Phụ dượng Tám xuống mấy cần xé rau và hoa xong, Út Thêm lột cái áo bà ba đen xếp lại, bỏ vào giỏ. Cô lấy cái áo bông mang theo từ nhà mặc ra ngoài cái áo túi. Móc túi áo lấy chiếc đồng hồ nhỏ đeo vào tay cô xách giỏ đi vô nhà lồng chợ. Nón vải rộng vành, áo bông dâu tim tím, quần lụa đen, Út Thêm lẫn vào những người đi chợ sớm.
Nhà lồng Chợ Gò Vấp nằm dài theo đường Gia Long. Trên bãi đất đầu chợ gần chục chiếc xe buyt nằm kề nhau. Chiếc xe ngoài cùng đang nổ máy. Út Thêm bước lên. Mấy hàng ghế phía trước đã gần đầy khách. Út Thêm chọn một chỗ ngồi gần cửa xuống. Người lơ xe bước lại:
- Xuống đâu em gái?
- Dạ, chợ Sài Gòn.
Người lơ xe xé vé đưa cô. Chiếc xe chuyển bánh. Út Thêm liếc xuống cổ tay nhìn đồng hồ. Xe buýt chạy rất đúng giờ. Mười lăm phút là một chuyến xuất bến. Trời đã sáng. Lơ xe bước tới bước lui nhanh nhẹn và vững chãi. Hai chân anh ta lúc nào cũng dang rộng, thân người lắc lư, ngả nghiêng mà không bị té. Tay xé vé thu tiền, miệng liên tục kêu tên các trạm:
- Lăng Ông xuống nha… Lê Văn Duyệt xuống nha... Cầu Bông ai xuống hôn? Mạc Đĩnh Chi nè, xuống hôn?
“Làm nghề gì cũng cực hết”. Út Thêm nghĩ. Rồi cô bồn chồn lo chuyện của mình. Từ Mậu Thân gia đình cô liên tiếp gặp họa. Ba cô hi sinh khi dẫn đường cho bộ đội rút. Anh Sáu, anh Bảy cô đều bị lộ, phải lui vào bán công khai. Một mình cô ở nhà, vừa làm ruộng vừa chăm sóc mẹ già. Tuần trước cô chiêm bao thấy anh Tư cô về. Tỉnh dậy cô lo lắng không yên. Đợi anh Sáu ghé qua nhà, cô kể với anh về giấc chiêm bao, ngỏ ý muốn đi coi thầy. Nghe nói ở chợ Bà Hom có ông thầy đoán mộng hay lắm. Út Thêm nhớ lại lời anh Sáu: “Bây giờ cảnh sát xét nét, tra hỏi dữ lắm. Em đừng đi thẳng chợ Bà Hom. Em qua Hóc Môn ngủ nhà dì Tám rồi sáng đi Gò Vấp. Lên xe buýt đi Sài Gòn, rồi đổi xe vô Chợ Lớn. Tới đó bắt xe lam đi Bà Hom. Vô chợ Bà Hom mua đồ cúng lễ, sẵn hỏi thăm đường tới nhà thầy”.
Xuống xe lam ở chợ Bà Hom đã hơn chín giờ sáng. Út Thêm mua một chục mãng cầu. Cô ghé vô sạp nhang đèn mua một thẻ nhang thơm rồi hỏi bà chủ sạp:
- Dì cho con hỏi thăm đường tới nhà thầy Tám…
- Thầy Tám nào? Cô muốn hốt thuốc à? Nhà có người bệnh sao?
- Dạ không… con hỏi nhà thầy Tám biết giải mộng đó dì.
- A, thầy Tám Phan. Ổng bốc thuốc thang mà coi điềm báo mộng cũng hay lắm. Nhà ổng trong con hẻm kế bên chùa Long Thạnh. Cô đi ra tỉnh lộ 10 rồi theo tay trái đi một đỗi là tới. Hễ thầy có dặn mua gì về cúng bái thì ghé tui, đây có đủ hết.
Quay sang mấy bạn hàng, bà ta nói:
- Thời này giặc giã, tai ương bất thường, chiêm bao mấy khi có điềm lành. Tội nghiệp, chắc nhà có chuyện rồi.
Thầy Tám ở một căn nhà chữ đinh có cái sân rộng nằm cuối hẻm. Nền nhà trên xây bằng đá ong, cao chừng một thước. Hai người phụ nữ đang phơi lá thuốc trên hàng hiên rộng ngập nắng trải những tấm đệm bàng.
Đẩy cánh cổng khép hờ, Út Thêm bước vào sân. Một người phụ nữ lớn tuổi nhìn dò xét rồi đưa cô vô nhà ngang, dặn ngồi chờ. Út Thêm xếp mãng cầu vô cái dĩa sành nằm sẵn trên bàn. Cái dĩa thiệt lớn, chục mãng cầu bự mà xếp chỉ vừa một lớp. Út Thêm đặt thẻ nhang lên trên rồi ngồi xuống ghế. Người đàn bà trở xuống nói:
- Thầy cho mời cô lên.
Hai tay bưng dĩa mãng cầu, Út Thêm đi theo bà ta. Một người đàn ông bận bộ bà ba trắng, râu dài chấm ngực, tóc bới cao sau đầu đang ngồi bên chiếc bàn tròn ở giữa nhà. Trông ông chừng ngoài năm mươi. Út Thêm cúi đầu chào rồi theo người phụ nữ đi tới trước cái bàn thờ ở gian giữa đặt dĩa trái cây lên, bóc thẻ nhang rút một cây, kiễng chân châm lửa trên ngọn đèn dầu đặt ở góc trái bàn thờ. Cô bước xích ra giữa, chắp tay khấn rồi cắm cây nhang lên bát nhang đặt trước pho tượng Phật Bà đang ngự trên tòa sen.
Thầy Tám ra hiệu cho Út Thêm ngồi. Chăm chú nhìn cô, thầy hỏi:
- Cô cần gì ?
- Dạ thầy, tôi muốn coi điềm chiêm bao.
- Nhà cô ở đâu?
Út Thêm hơi giật mình:
- Dạ thầy, tôi ở quận Tám, bên Bến Bình Đông.
- Ai chỉ cô biết mà tới đây giải mộng?
- Dạ, tôi nằm chiêm bao thấy điềm dữ, mất ăn mất ngủ. Nghe người ta nói thầy đây giải mộng hay, bày lễ linh nghiệm, nên sang nhờ thầy chỉ dùm.
Thầy Tám im lặng một chút rồi nói:
- Cô thắp nhang cầu thần linh rồi ra kể tôi nghe chiêm bao ra sao.
Ông ta đưa tay chỉ rồi đứng dậy đi vô trong. Theo hướng tay thầy chỉ, Út Thêm bước qua gian bên phải nơi đặt bàn thờ Tổ nghiệp. Trên bàn thờ bày một bát nhang và một cái dĩa nhỏ. Trên tường treo bức họa một tiên ông râu tóc bạc phơ, tay cầm cuốn sách, tay cầm bình rượu hồ lô. Út Thêm kín đáo lấy trong túi áo ra hai tờ bạc có in hình Đức ông Trần Hưng Đạo, xếp lại cẩn thận, đặt lên cái dĩa nhỏ. Cô cắm nhang, chắp tay thành kính xá ba cái rồi bước ra.
Thầy Tám đã thay bộ áo dài khăn đóng, ngồi xếp bằng trên cái phản rồng trước bàn thờ Tổ nghiệp. Thầy chỉ cái ghế nhỏ kế bên phản nói:
- Cô ngồi đây. Kể tôi nghe cô chiêm bao thấy gì. Thấy gì kể nấy.
Út Thêm hít một hơi dài, thong thả nói:
- Dạ thầy. Tôi có người anh lớn đi làm ăn xa, đã lâu không về. Đêm rồi tôi thấy ảnh về, người ướt hết. Ảnh nói với tôi: “Anh lạnh lắm. Cho anh quần áo bận”. Tôi kêu: “Anh Tư, anh Tư”… rồi không thấy nữa. Tôi giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao.
Thầy Tám không nói không rằng, mắt nhắm nghiền, miệng lầm bầm. Chợt thầy buông chân xuống, đi tới bàn thờ, thắp ba cây nhang khấn vái một hồi. Út Thêm yên lặng dõi theo.
Thầy Tám quay lại, lên phản ngồi xếp bằng, hai tay đặt ngửa trên đầu gối, mắt lim dim, trán rịn mồ hôi. Một hồi thầy mở mắt, nhìn thẳng Út Thêm, nói:
- Anh cô gặp tai nạn chết dưới nước, ở trần nên lạnh.
Út Thêm sửng sốt:
- Thầy nói sao? Thầy có lộn không?
Thầy Tám khẳng định:
- Không có lộn đâu. Anh cô chết rồi. Cô phải cúng cho anh cô.
Út Thêm kêu trời:
- Trời ơi! Anh tôi làm sao mà chết được? Anh tôi mạnh khỏe giỏi giang lắm mà. Ai dám ăn hiếp anh tôi? Sao mà chết được? Thầy coi lại đi.
Thầy Tám ôn tồn:
- Tôi làm nghề này cũng là làm phước thôi. Ơn trên cho tôi thấy sao thì tôi nói vậy chớ tôi đâu có được lợi gì mà nói bậy bạ. Cô về làm mâm cúng xin ông bà rước vong linh anh cô đi, không để bơ vơ tội nghiệp.
Út Thêm khóc lóc:
- Giờ tôi biết làm sao? Má tôi mà biết thì bả làm sao sống được. Mà không biết anh tôi chết ngày nào giờ nào, làm sao cúng giỗ? Rồi lỡ không phải, tôi lại mang tội với anh tôi!
Thầy Tám an ủi:
- Thời buổi binh đao, có người thân mất là lẽ thường. Tôi xin chia buồn với gia đình. Cô cứ về sắm lễ cúng cho anh cô đi.
Nói rồi thầy Tám lấy giấy bút viết ra những thứ cần sắm sửa, cách thức làm lễ cúng. Cất tấm giấy vào túi áo, vẫn không tin anh mình tử nạn, Út Thêm lên giọng:
- Tôi cúng là theo lời thầy dặn, đặng anh tôi được ấm áp nơi xa. Chớ nói anh tôi chết rồi thiệt tình là tôi không chịu đâu.
Út Thêm xuống nhà ngang xách cái giỏ ra về. Tới giữa sân, cô vụt quay lại đi thẳng vô nhà trên, bước tới trước thầy Tám Phan dõng dạc:
- Nè! Tôi nói cho thầy biết, anh tôi đi cách mạng đó! Nay thầy nói anh tôi chết rồi, mai mốt mà anh tôi về, tôi sẽ cho thầy biết tay!
Nói rồi cô quay ngoắt, bước qua cửa, xuống thềm, qua sân đi tuốt. Khi thầy Tám Phan hiểu ra ý tứ mấy câu nói và dáng điệu hùng hồn của Út Thêm thì cô đã ra tới ngoài lộ.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Bông cúc biển
Khi Quang về đơn vị thì câu chuyện về mối tình dang dở của thuyền trưởng Lê Khang đã lan truyền khắp hải đoàn. Đám tân binh nghe rằng: Có người con gái tên là Thu Cúc yêu một chàng lính hải quân. Cô gái đi học xa, họ hẹn nhau hè về phép sẽ làm đám cưới. Ba năm sau, chàng lính hải quân cùng lúc nhận được điện tín của người yêu với lệnh báo động. Tàu giặc xâm phạm hải phận. Anh lao lên tàu ra khơi. Trận ấy, hai chiến thuyền xuất kích, không có ai trở về.
Về sau chuyện được thêm những tình tiết huyền hoặc. Lính đảo kháo nhau rằng: Ngày đi học xa, cô gái tặng cho chàng trai chiếc khăn màu nước biển thêu bông cúc trắng. Anh nói: “Hoa này theo anh ra biển, sẽ thành bông cúc biển”. Anh luôn mang chiếc khăn bên mình. Từ trận chiến ấy bông cúc biển vẫn nằm trên sóng. Ngày trời trong, lúc mặt trời sắp lặn, nhìn về đất liền sẽ thấy chiếc khăn xanh thêu bông cúc trắng dập dờn. Chàng lính nào thấy được bông cúc biển thì về phép sẽ có người yêu và cưới.
Sau giải phóng, Quang được đi học rồi về làm việc ở Viện Lịch sử Quân đội. Khoảng 1979, anh có chuyến đi thu thập kỉ vật cho bảo tàng ở một xã biển Quảng Trị. Một buổi trưa, tiện đường, chị Nhân - xã đội trưởng và là người dẫn đường, mời đoàn công tác ghé qua nhà. Nép bên rặng phi lao sát biển, ngôi nhà thấp nhỏ mà bên trong mát rượi. Trong lúc cùng chủ nhà nói chuyện thời đánh Mĩ, Quang chợt chú ý tới một vật lạ đặt trên trang thờ. Đó là một một miếng vải ố vàng lồng trong khung kính đặt cạnh tấm hình hai ông bà già - chắc là hình thân mẫu của chị Nhân. Miếng vải trông như một chiếc khăn tay. Xung quanh viền rút chỉ, một góc có bông hoa thêu nổi. Quang tò mò hỏi. Chị Nhân nói:
- Hồi đó cha tôi ở đây một mình. Ông làm đầu mối liên lạc cho các anh trên rút về. Sau này ông còn đón rước đặc công biển vô đánh tàu nữa. Đêm ông thường bơi thuyền ra biển kiếm cá. Khi ở trên xanh về tôi thấy cái khăn này để lên trang thờ, dưới bát nhang thờ mẹ tôi. Cha kể rằng đêm nọ, ông ra biển, chưa câu được gì thì thuyền đụng một xác người. Ông nhảy xuống, rờ khắp. Đó là xác một người đàn ông chỉ mặc quần cụt, có vết thương lớn ở lưng. Cái xác không rõ trôi từ đâu, cứ quấn quanh cái thúng của ông không rời. Chợt nghĩ biết đâu là người mình, ông vớt cái xác lên, chèo về. Trong đêm, ông lấy rượu lau rửa, mặc cho người chết một bộ đồ khô rồi chôn ở rặng phi lao bên nhà. “Cái khăn thấy trong túi cái quần cụt. Chắc là vật thiết thân”. “ Sao cha không chôn theo cho người ta?”. “Lúc thấy cái khăn thì chôn ảnh rồi! Thôi, đành giữ đây… để mình thắp nhang. Biết đâu sau này có người tìm tới…”. Cha tôi đoan chắc đó là người đằng mình, đụng giặc ngoài khơi, hi sinh rồi dạt về đây.
Sau giải phóng, chờ hoài không có ai tới hỏi, cha tôi trình bày với xã đội xin được đưa ngôi mộ vào nghĩa trang liệt sĩ mà họ không chịu. Họ nói rằng không có bằng chứng. Cha dặn tôi: “Khi tau chết, bay chôn cha ở bên cạnh ảnh, cho có bạn”. Năm rồi làm khung hình thờ cho cha mạ, tôi làm luôn khung cho cái khăn.
Bên hàng phi lao hai ngôi mộ nằm bên nhau, đầu quay vô bờ, mặt ngó ra biển. Tấm bia của ngôi mộ không tên ghi dòng chữ: “Rằm tháng Sáu Kỷ Dậu, 1969”.
- Đó là ngày cha tôi mang ảnh về đây, chớ chắc gì đúng ngày ảnh mất… Gió lốc dữ, cát chạy hoài. Tôi trồng xương rồng để đánh dấu mộ.
Gió chà xát bờ từng đợt. Những bông cỏ khô tròn lông lốc, lăn tít tới mép nước mới dừng. Những đụn cát di động theo gió làm bụi xương rồng lúc bị phủ khuất, lúc lại lộ ra. Ba cây nhang trên ngôi mộ không tên ngún khói, lặng lẽ cháy thành ngọn.
Phú Hòa Đông, 1984
Gần mười giờ sáng. Văn phòng vắng vẻ. Ba cái bàn gỗ kê sát nhau phía trước mấy cái tủ sắt. Cô thư kí gõ máy chữ. Anh phó chủ tịch chăm chú ghi chép.
Một chiếc Honda từ đường lớn chạy vào sân. Hai người khách tuổi tầm hơn bốn mươi. Người đàn ông mặc bộ quân phục cũ, chắc là cựu chiến binh. Chị phụ nữ mặc áo sơ mi dài tay với quần tây đen vẻ là cán bộ nhà nước. Họ đi thẳng vào văn phòng, dáng điệu đĩnh đạc. Người phụ nữ cất tiếng:
- Xin hỏi, phải đây là ủy ban xã Phú Hòa Đông không?
- Đúng vậy. Bà là ai? Bà cần gì?
Phó chủ tịch cao giọng. Người phụ nữ lấy trong túi xách ra một tờ giấy.
- Tôi có giấy giới thiệu …
Liếc thấy con dấu đỏ trên tờ giấy, vị phó chủ tịch dịu giọng:
- Chị cần gì?
- … Tôi muốn tới thăm nhà liệt sĩ Lê Khang, người Phú Hòa Đông.
- Thăm gia đình liệt sĩ hả?
Vị phó chủ tịch suy đoán: “Tới thăm gia đình liệt sĩ … chắc là đi kiểm tra việc thực hiện chính sách rồi.” Anh ta hỏi tiếp:
- Vậy chị muốn thăm nhà liệt sĩ Khang nào? Khang dũng sĩ hay Khang tập kết?
Người phụ nữ nhanh nhẹn đáp:
- Dạ, anh Lê Khang tập kết.
- Vậy là liệt sĩ Tư Khang, anh của Sáu Kháng.
Vị phó chủ tịch tỏ ra thạo việc. Không đọc tờ giấy mà anh biết chắc nội dung cuối sẽ là “đề nghị cơ sở giúp đỡ cho đồng chí A hoàn thành nhiệm vụ”, anh ta nhanh nhẹn bắt tay hai người khách và nói:
- Các đồng chí tới thăm gia đình liệt sĩ là quý lắm. Chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.
Anh ta giao lại tờ giấy cho người phụ nữ, ra lệnh cho cô thư kí:
- Tư Hoa, lấy xe dẫn các đồng chí tới nhà anh Sáu Kháng.
- Ở ấp Ba hả anh?
- Đúng rồi. Sáu Kháng là em ruột Tư Khang. Ổng đi tập kết hồi mày còn chưa sanh lận!
Cô gái lái chiếc Honda đỏ, chắc là xe công vụ, chạy trước. Hai người khách ngồi trên chiếc cánh én theo sau. Họ chạy trên con đường đất trắng băng qua vạt lúa lớn vào một xóm nhỏ. Ấp Ba, chừng chục hộ dân, nằm trên phần đất trũng nhất của xã. Dọc bìa xóm, nhà nào nhà nấy đang nổi lửa tráng bánh. Mấy năm nay lúa gạo, khoai mì có dư, nghề tráng bánh quay trở lại. Người đổ bột tráng. Người dỡ bánh chín, trải lên tấm liếp tre. Hễ tấm liếp đầy thì có người vác ra ngoài phơi. Nắng trắng rực rỡ trên bờ ruộng lấp đầy những hàng liếp phơi bánh tráng. Trời ưu đãi cho cái nắng sau mùa lúa để mà phơi bánh.
Tư Hoa rẽ phải, chạy cặp theo hàng cau rồi quẹo vô sân ngôi nhà ở cuối đường, nằm kế một bàu sen lớn. Dựng xe ở góc sân, Tư Hoa cất giọng:
- Chị Sáu ơi, nhà có khách.
Không ai trả lời. Tư Hoa bước lên thềm, mở cửa nhà trên. Cô quay ra nói:
- Anh Sáu Kháng đi làm trên huyện. Còn chị Sáu, chắc đi phụ tráng bánh. Em mời anh chị vô nhà, để em đi kêu chị về.
Tư Hoa bước vội, băng qua vườn. Nghe rõ tiếng cười nói bên hàng xóm vọng qua.
Người phụ nữ lặng lẽ nhìn xung quanh. Một bộ bàn ghế đặt giữa nhà trước cái tủ thờ kê sát vách. Trên tủ thờ cái lư hương nằm chính giữa, phía sau có ba cái bài vị viết chữ nho. Trên tường bên trái một tấm bằng lồng kính được treo trang trọng. Người đàn ông bước tới ngước nhìn: “Tổ quốc ghi công - Liệt sĩ Lê Khang”, anh nói:
- Đúng nhà rồi, chị ơi!
Vợ Sáu Kháng đang tráng bánh ở nhà dì Năm Bê. Nghe có cán bộ tới thăm nhà chị liền giao lò bánh cho người khác đổ tiếp rồi xách ấm nước sôi dùng để châm vào nồi hấp đang đặt kề bếp lửa, về nhà pha trà. Khi rót nước mời khách, chị Sáu giãi bày:
- Dạ thưa, liệt sĩ Lê Khang là anh chồng tui. Ảnh tham gia hồi chín năm, sau đi tập kết rồi bặt tin. Khi đơn vị cho người về báo cả nhà mới hay anh tôi đã hi sinh trong trận đánh tàu chiến Mĩ.
Vợ Sáu Kháng nói tiếp:
- Ba lô với giấy báo tử của ảnh chồng tôi cất trong nhà. Để tôi vô lấy. Chồng tôi ảnh giữ gìn kĩ lưỡng lắm.
Chị Sáu vô buồng xách ra cái ba lô, lấy từng thứ trong đó ra để lên bàn. Các kỉ vật của người đã khuất tỏa ra mùi long não, chẳng còn chút hơi hướng gì của chủ nhân chúng.
Một cái khăn rằn, hai cái dải mũ kê pi màu xanh, một cái áo thun sọc ngang xanh đậm. Tất cả đều cũ sờn. Một xấp thư đựng trong cái túi nilon. Dấu bưu điện trên phong bì cho thấy thư gửi từ Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội… Có cả thư gửi từ nước ngoài. Nét chữ tròn trịa, rõ chữ con gái và cùng một người viết: Gửi anh Lê Khang, hòm thư HQ…
Trong túi còn một tờ giấy gấp đôi. Người đàn ông mở tờ giấy ra: Giấy báo tử, họ tên, chức vụ, đơn vị, hi sinh ngày… Nơi chôn cất: Xác không lấy được.
Người phụ nữ cầm từng kỉ vật với vẻ trầm tư. Như sực nhớ điều gì, chị Sáu nói:
- Còn có tấm hình nữa. Chồng tui ảnh cứ đòi để lên cùng tấm bằng.
Người phụ nữ đi tới chỗ treo bằng Tổ quốc ghi công. Chị Sáu bước theo. Sau lớp kính, ở góc dưới tấm bằng có bức hình chụp cảnh người con gái trao khăn cho một người lính hải quân. Ảnh đen trắng sắc nét, nhìn rõ bông hoa cúc thêu trên chiếc khăn, nhụy hoa được đính bằng một chiếc cúc áo. Thấy người phụ nữ rơm rớm nước mắt, chị Sáu càng băn khoăn.
Bất chợt chị Sáu nhìn người phụ nữ rồi nhìn cô gái trong tấm hình. Không có lẽ? Chị ngập ngừng:
- Người của đơn vị về kể là anh tôi ngày đó có thương một người, rồi trước ngày cưới thì ảnh hi sinh… Giờ không biết người đó còn sống không? Không biết chị lấy chồng chưa?
Vừa nói chị Sáu vừa chăm chú quan sát nét mặt người phụ nữ. Nước mắt trào ra, người phụ nữ nói trong tiếng nấc:
- Là em đây! Em là Thu Cúc đây!
Chị Sáu lao tới ôm chầm lấy Cúc la lên:
- Trời! Chị Tư! Chị Tư về rồi! Chị Tư về rồi!
Nước mắt tuôn ra theo những câu hỏi:
- Sao giờ chị mới về. Cả nhà mong riết. Giải phóng gần mười năm rồi. Năm nào tới ngày giỗ anh Tư cô bác cũng nhắc mà không ai biết chị ở đâu.
Chợt chị buông Cúc ra, chạy ra sân, hướng qua nhà bên la lớn:
- Dì Năm ơi! Chị Tư tôi về rồi! Chị Tư tôi về rồi! Dì Năm ơi! Thím Bảy ơi! Út Thêm ơi! Chị Tư về rồi nè!
Không chờ ai đáp lại, chị lại chạy ngược vào nhà ôm lấy Cúc mà khóc.
- Cái gì vậy? Cái gì mà con Sáu la dữ vậy?
Tiếng la của vợ Sáu Kháng đánh động cả xóm. Người ta xô tới, chút sau đứng ngồi xôn xao trong nhà ngoài sân.
- Đâu con Tư đâu? Sao giờ con mới về?
- Tư Khang hi sinh, giờ có vợ tìm về đó!
- Thì ước hẹn cũng là vợ rồi!
- Về rồi, mừng rồi.
- Cái ấp Ba này nhà nào không có liệt sĩ!
- Phải chi nhà tui cũng có dâu về tìm như vầy!...
Trước không khí mừng tủi nghẹn ngào, Quang không cầm được nước mắt. Khi nhận tấm khăn kỉ vật từ người nữ xã đội trưởng Nhân hiến tặng cho bảo tàng, trong người anh đã dấy lên một cảm giác rất lạ. Từ đó mỗi khi có dịp là anh lại kể về thuyền trưởng Lê Khang và bông cúc biển. Một đồng đội cũ nghe chuyện đã nhận là người cùng làng với Lê Khang. Quang mang thông tin này tới cho Thu Cúc. Lâu nay cô chỉ biết “quê anh ở Gia Định”. Cô liền xin cơ quan cấp giấy giới thiệu tới ủy ban xã Phú Hòa Đông.
Đang làm việc, nghe Tư Hoa gọi điện báo, Sáu Kháng và Út Thêm từ huyện chạy về.
Dì Năm Bê đốt nhang xin phép ông bà cho Cúc chào dòng họ. Cúc thắp hương.
Út Thêm kể hoài giấc chiêm bao cô thấy anh mình về giữa bàu sen, chuyện đi giải mộng rồi cô hăm dọa thầy Tám Phan…
Chia tay, Sáu Kháng nắm tay Cúc dặn: “Tới đám giỗ nhớ dắt anh Tư sau về nghen chị Tư!”
Chiều xuống, đường về nắng bớt chói chang...
Đ.T.D
VNQD