Từ nguyên mẫu đến nhân vật

"Ông già hồn nhiên" và "Căn hộ thế chấp"

Thứ Năm, 09/12/2021 11:42

. MAI NAM THẮNG
 

Cách nay ba chục năm, Đài Truyền hình Việt Nam (lúc đó chưa có nhiều kênh chuyên đề như hiện nay) có trình chiếu bộ phim Ông già hồn nhiên do nghệ sĩ Văn Hiệp thủ vai chính. Nhân vật là một vị đại tá quân đội vốn gốc nông dân nhà quê, nghỉ hưu ở lại Hà Nội, hồn nhiên trước những mánh khóe cạm bẫy thị thành và những bất cập, tiêu cực của giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Câu nói cửa miệng của ông luôn là “Đơn giản gọn nhẹ thôi mà!”, mặc dù cuộc sống lúc đó không “đơn giản gọn nhẹ” chút nào. Chính vì vậy mà ông luôn gặp rắc rối và thiệt thòi… Thế rồi cái cụm từ “đơn giản gọn nhẹ” từ phim đi vào cuộc sống, như một thành ngữ dân gian, thành phổ biến.

Bộ phim do nhà biên kịch Thanh Kỳ của Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể từ truyện ngắn Căn hộ thế chấp - truyện ngắn đầu tay của tôi đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 9 năm 1991. Đó gần như là một câu chuyện có thật, của một đồng nghiệp lớn tuổi ở cơ quan tôi.

Cuối năm 1988, tôi là chàng trung úy chưa vợ, về nhận công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Tòa soạn ở số 7 phố Phan Đình Phùng, nhưng phần lớn các phòng, ban biên tập ở bên nhà số 8 phố Lý Nam Đế. Đó là một ngôi nhà ba tầng do thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ XX. Tầng 1 và tầng 2 là văn phòng làm việc của các bộ phận chuyên môn, tầng 3 là nơi nội trú của các phóng viên và biên tập viên độc thân, tức là chưa có vợ hoặc vợ con đang ở quê.

Những năm trước khi tôi về công tác, nội quy cơ quan nghiêm ngặt lắm, không ai được tiếp khách ở phòng nghỉ và phòng làm việc. Ai có vợ con, bố mẹ hay người thân ở quê ra chơi hoặc bạn bè từ xa đến có nhu cầu nghỉ lại thì phải làm đơn mượn nhà khách của Tổng cục Chính trị, cấm ngủ lại ở cơ quan, mặc dù tại tầng 3 mỗi người đều được bố trí một phòng riêng. Thế nhưng vào thời đổi mới, mở cửa, mọi sự không còn căng như trước, khách khứa ra vào đã có phần thoải mái hơn. Rồi cuộc mưu sinh và những tác động xã hội đã làm thay đổi tình hình, mọi người dần đưa vợ con, gia đình ra ở. Cứ thế, dần dần tầng 3 có tới hơn chục hộ gia đình và trở thành “khu tập thể”.

Trong số các gia đình ở “khu tập thể tầng 3” có vợ chồng đại tá K.V quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bác K.V sinh năm 1927, đi bộ đội từ năm 1947, khi bác đã có hai con và vợ đang mang thai đứa thứ ba. Bác là cây bút kì cựu của tờ Quân đội nhân dân, từng có mặt khắp các chiến trường B, C, K, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, là tác giả của rất nhiều loạt kí sự dài kì nổi tiếng về các chiến dịch lớn trong mấy cuộc kháng chiến và đặc biệt là về các anh hùng quân đội trước khi họ được tuyên dương. Năm 1987 bác nghỉ hưu khi các con của bác đều đang cùng gia đình định cư lâu dài tại Hà Nội. Thế là bác về quê vận động bác gái cùng lên sống ở Thủ đô cho gần con cháu. Buổi đầu cứ “nhảy dù” vào “khu tập thể tầng 3” ở tạm. Một đại tá “ba thời kì” như bác, đủ tiêu chuẩn được quân đội cấp nhà ở Hà Nội, nhưng ngặt cái khi triển khai thủ tục thì cả hai vợ chồng bác không ai có hộ khẩu ở Thủ đô. Ra chính quyền địa phương xin nhập hộ khẩu thì địa phương yêu cầu phải có nhà ở hợp pháp mới đăng kí hộ khẩu được.

Có người nói vui, trường hợp của bác K.V muốn giải quyết được chỉ có hai cách: hoặc là một trong hai vợ chồng phải chết đi thì người còn lại sẽ thành độc thân, được nhập hộ khẩu vào thành phố theo con gái hoặc con trai; hoặc là hai ông bà phải li hôn, sau khi tòa giải quyết cho “ai đi đường nấy” thì mỗi người về ở với một đứa con, các thủ tục nhập hộ khẩu sẽ thuận tiện hơn.

Là nói vui thế thôi, nhưng ngẫm ra chỉ có hai cách đó mới khả dĩ. Thật là một logic nghiệt ngã và chua chát! Tình huống ấy gợi cho tôi một cái tứ truyện ngắn. Nhân vật, cốt truyện, tình tiết… là từ nguyên mẫu bác K.V. Tôi đặt tên cho nhân vật của mình là Khánh và đoạn mở đầu của truyện ngắn Căn hộ thế chấp là như thế này: “Sáu mươi hai tuổi đời, bốn mươi hai tuổi quân, bốn mươi mốt tuổi Đảng, đại tá về hưu…, một cán bộ ba thời kì như ông Khánh mà được phân một căn hộ bốn mươi hai mét vuông ở khu tập thể vùng ngoại ô cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số thì là chuyện chẳng có gì ghê gớm. Thời buổi bây giờ khối người chỉ bằng tuổi con cháu ông, tài năng, cống hiến cũng chẳng có gì, nhưng đã lên được cả vi-la, biệt thự. Nhưng với ông Khánh thì đấy là cả một sự kiện trọng đại, một bước ngoặt của cuộc đời ông. Cả cơ quan tôi, rồi cả khu tập thể tầng 3 của chúng tôi, ai cũng mừng cho ông bà Khánh. Nhưng mừng chưa no lo đã tới, chiều hôm qua cả khu tập thể chúng tôi lại xôn xao một tin giật gân: ông Khánh có nguy cơ mất nhà. Làm sao mà mất? - Tịch thu! Ai tịch thu? - Nhà nước! Vì sao? - Vỡ tín dụng! Trời ơi! Ông Khánh mà cũng chơi hụi, cũng dính vào cái trò cướp giật lừa đảo ấy ư? Từ trước tới nay ông là người mẫu mực, liêm khiết, cả đời ông có biết xoay xỏa buôn bán là gì. Không! Không thể nào như thế được. Chắc có sự nhầm lẫn. Hay có đứa nào vu cáo? Hay là…?”

Cứ thế, tôi kể lại “tiểu sử” nhân vật ông Khánh cùng sự tích cái “khu tập thể tầng 3” đúng như những chuyện có thật tôi vừa kể trên đây. Chỉ khác là tôi “điều” anh con trai út của bác K.V đang là cán bộ Nhà nước ở Hà Nội về làm thủy thủ tàu viễn dương ở Hải Phòng để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Khi câu chuyện “có thật” đến đoạn nghiệt ngã “một trong hai ông bà phải chết hoặc vợ chồng li dị” thì tôi bắt đầu hư cấu. Đầu tiên tôi “điều” cậu út tàu Vosco ở Hải Phòng lên chạy hộ khẩu cho bố mẹ. Thời ấy, lái xe quá cảnh và đi tàu viễn dương Vosco là hai nghề kiếm tiền nhiều nhất. “Có tiền mua tiên cũng được”, thì cái sổ hộ khẩu nhằm nhò gì! “Chạy” được hộ khẩu, ông Khánh được cấp nhà. Đó là căn hộ bốn mươi hai mét vuông (tôi chọn con số này cho ứng với bốn mươi hai năm nhân vật tại ngũ) trong một dãy căn hộ hai tầng được thiết kế liền tường nơi khu tập thể quân đội ở Mai Dịch. Căn hộ xây đã vài năm nhưng chưa có người ở. Nghe nói đây là căn hộ của một vị trung tá đã có nhà riêng ở khu tập thể Nam Đồng, được xây theo phương thức “tiền của Nhà nước cộng công sức bộ đội”, vừa mới bị báo chí phát giác nên phải trả lại. Đây chính là mấu chốt dẫn đến chuyện nhân vật sắp bị mất nhà…

Và đây là đoạn đối thoại giữa “tôi” (tác giả) với nhân vật để kết thúc tác phẩm:

“Vừa xuống hết dốc Bưởi, tôi đã gặp ông đang gò lưng trên chiếc Phượng hoàng phăm phăm lấy đà vượt dốc. Tôi kêu toáng lên, ông dừng lại, dắt xe nép vào vệ đường. Chưa kịp bắt tay đã hỏi luôn:

- Cậu biết chuyện nhà tôi chưa?

- Rồi! Nhưng chưa rõ, đang định lên gặp bác.

- Đúng là ngôi nhà của tay trung tá như lời đồn đại thật. Nhưng có điều lắt léo là trước khi trả lại ngôi nhà cho quân đội, vợ hắn ta đã làm giấy thế chấp để vay quỹ tín dụng mấy chục triệu đánh quả gì đó lớn lắm. Nào ngờ gãy cầu, vỡ nợ. Cuối tháng vừa rồi hết hạn vẫn cứ ì ra, thế là người ta sờ đến ngôi nhà thế chấp.

Quả là gay go rắc rối thật. Tôi lo lắng thốt lên:

- Phức tạp đấy bác ạ! Không khéo mất thật chứ chẳng chơi.

Ông Khánh bỗng nổi xung lên:

- Mất là mất thế nào? Cái quân lừa đảo, cái bọn tham lam… Tôi là tôi vạch mặt chúng nó ra.

- Nhưng mà về pháp lí, người ta có giấy tờ thế chấp hợp lệ hẳn hoi. Hay là bác thử gọi cậu Lâm ở Hải Phòng lên…

Ông xua tay:

- Không được! Chuyện này thì vốt-cô cũng chịu. Tôi sẽ đích thân trực tiếp đấu tranh với chúng. Chả nhẽ suốt mấy chục năm làm cách mạng, được ngần ấy mét vuông nhà ở, nay lại mất trắng vì ba cái vụ tín dụng bất lương ấy hay sao?

Rồi ông vội vã tạm biệt tôi, nhảy lên chiếc xe đạp cà tàng, gò lưng vượt dốc...”

Tôi mang truyện ngắn Căn hộ thế chấp sang rụt rè đưa cho nhà văn Khuất Quang Thụy, lúc đó là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Vài hôm sau gặp lại, được anh khen là truyện viết khá và “tớ đã xếp số tới rồi”.

Từ đó đến nay tôi còn có vài truyện ngắn được đăng báo và tạp chí, nhưng Căn hộ thế chấp vẫn là tác phẩm tôi tâm đắc nhất. Tâm đắc không chỉ vì đó là truyện ngắn đầu tay, lại được đăng tạp chí văn nghệ danh giá rồi được dựng thành phim, mà còn vì nguyên mẫu là một nhà báo mà thế hệ phóng viên chúng tôi ở Báo Quân đội nhân dân vô cùng kính trọng, khâm phục và quý mến. Và nữa, những vấn đề xã hội tôi phản ánh trong tác phẩm, ba chục năm rồi mà đến nay vẫn chưa cũ…

M.N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)