Xung đột bi kịch trong nhân vật Dmitri Karamazov ở tiểu thuyết 'Anh em nhà Karamazov'

Thứ Ba, 01/08/2023 10:32

Là bộ tiểu thuyết cuối cùng, đồng thời cũng là tác phẩm đồ sộ nhất, như kết tinh toàn bộ bút pháp, tư tưởng của Dostoevsky ở cách xây dựng cốt truyện, phát triển tình tiết, đặc biệt là khắc họa nội tâm, cá tính nhân vật; ở mỗi cá nhân trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov đều chứa đựng những xung đột bi kịch - cuộc chiến giữa Thiên chúa và ác quỷ với chiến trường là trái tim con người. Mà Dmitri Karamazov là một trong những nhân vật thể hiện rõ nhất sự xung đột này.

Nhà văn Dostoevsky.

Không phát triển qua từng chặng đường, từng giai đoạn tuần tự như tiểu thuyết Châu Âu, tiểu thuyết cổ điển Nga thế kỉ XIX, bắt đầu từ Puskin tựa phát pháo hiệu đầu tiên ngay lập tức đánh dấu sự phát triển rực rỡ của tiểu thuyết Nga giai đoạn này, với những tên tuổi đã trở thành tượng đài trong nền văn học không chỉ ở xứ sở bạch dương mà còn trên thế giới. Đó là những bộ tiểu thuyết – sử thi đồ sộ của L.Tolsoy, tư duy tiểu thuyết trong các truyện vừa của A.Chekhov và cả thể loại tiểu thuyết – bi kịch trong những sáng tác của Dostoevsky. Các tác phẩm Dostoevsky viết lên, bên cạnh chất hiện thực nghiệt ngã là quá trình tác giả đi tới tận cùng vùng sâu tâm lí nhân vật để từ đó, ông phát hiện rằng, con người vẫn luôn tồn tại xung đột thiện – ác, tốt – xấu, mâu thuẫn trong suy nghĩ – hành động và chính những mặt đối lập đó đó tạo nên bi kịch của con người.

Anh em nhà Karamazov và nguyên mẫu nhân vật Dmitri Karamazov

Anh em nhà Karamazov, bộ tiểu thuyết đồ sộ thể hiện rất rõ đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật của Dostoevsky, được ông viết, ít nhiều dựa trên hệ thống sự kiện có thật thuộc về tháng ngày lưu đày khổ sai, Dostoevsky từng được nghe kể, qua những người tù chính trị ông tiếp xúc. Trong đó có một phạm nhân bị kết tội giết cha dù thực chất anh ta không gây lên tội ác ấy. Để rồi phải hai mươi năm sau vụ án được lật lại, người tù đó mới được minh oan và mười hai năm sau, cốt truyện Anh em nhà Karamazov ra đời cùng sự tương đồng giữa nhân vật Dmitri Karamazov với hình ảnh người tù khổ sai đó. Dmitri cũng bị kết tội sát hại người cha tên Fedor Karamazov, mọi tang chứng, vật chứng, nhân chứng đều như chống anh. Nhưng sự thật, Dmitri vô tội song sau tất cả, anh vẫn phải gánh chịu cái án oan nghiệt cho thảm kịch anh không gây ra.

Tuy nhiên, dẫu dựa trên phần nào sự việc có thật, dẫu Dmitri mang bóng dáng của người tù khổ sai kia thì tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov nói chung, Dmitri nói riêng vẫn là sáng tạo nghệ thuật đầy độc đáo của Dostoevsky. Ở đó, ông không tập trung vào vụ thảm án, cũng không tập trung vào quá trình điều tra. Mà dường như, trong quãng thời gian chóng vánh khi cảnh sát chính thức điều tra đến lúc Dmitri bị kết án, Dostoevsky đã kịp đi sâu vào nội tâm nhân vật để tái hiện lên cả cuộc chiến thiện – ác trong trái tim con người; bất kể là kẻ tưởng chừng hoàn toàn thuộc về ác quỷ như Fedor hay Xmerdiakov hay một người tựa thiên thần như Aliosa.

Và tất thảy mâu thuẫn, xung đột đó như thu trọn trong một cá nhân chịu nỗi bi kịch đè nặng lên trái tim, ẩn ức thương tổn hằn sâu nơi tâm hồn như Dmitri Karamazov; kẻ luôn chông chênh giữa lằn ranh thiên sứ - ác quỷ giống với cậu em trai cùng cha khác mẹ có tên Ivan. Nhưng nếu Ivan tới cuối cùng đã hóa điên thì Dmitri vẫn đủ tỉnh táo để sống cùng mặc cảm tội lỗi lẫn sự day dứt lương tâm, tiếp tục dằng dai trong cuộc chiến khôn dứt của thiện và ác, của một bên Thiên chúa một bên bờ vực ác quỷ.

Xung đột bi kịch trong con người Dmitri Karamazov

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, ở Dmitri Karamazov không có sự thánh thiện như Aliosa, anh cũng không thông minh tài giỏi như cậu em trai Ivan. Nhưng con người đó lại mang nét bộc trực, thẳng thắn đầy đáng quý; cùng những mâu thuẫn hết sức con người. Song chính từ mâu thuẫn thiện - ác đó lại góp phần tạo nên bi kịch cuộc đời Dmitri. Thứ bi kịch không đơn thuần chỉ là việc bị hàm oan mà hơn cả, còn là bi kịch cái tôi giằng xé giữa đôi bờ Thiên chúa - ác quỷ sẽ đeo đẳng anh đến suốt cuộc đời.

Như đã nói, Dmitri bộc trực, thẳng thắn. Anh không đủ lí lẽ lẫn sự sâu sắc như Ivan nên, từ điểm nhìn Dmitri, trận chiến thiện - ác trong anh, không đủ hiện hình rõ nét để tạo thành riêng một chương Ác quỷ. Tuy vậy, ở Dmitri lại có ý thức cụ thể, trực tiếp hơn về mâu thuẫn giữa trách nhiệm, nghĩa vụ và tình yêu, về lí trí và tình cảm.

Nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trước cuộc đời người vợ chưa cưới Ekaterina, trách nhiệm phải đáp trả lòng tin vợ anh gửi trao hiện thực hóa trong con số ba ngàn rúp. Xa hơn, thì là trách nhiệm của anh với chính đạo đức, lòng tin bản thân. Khi Dmitri ý thức, anh có thể trở thành một thằng khốn nạn nhưng anh không muốn mang cái danh khốn nạn, đểu cáng đó sang cuộc sống mới, càng không muốn thành kẻ bội tín. “Chẳng thà đối với kẻ bị giết và bị cướp cũng như đối với mọi người, ta là kẻ giết người, ta là kẻ giết người và trộm cướp và sẽ phải đi Sibir còn hơn là để Katia có quyền nói rằng ta phản bội nàng, ta ăn cắp tiền của nàng và dùng tiền của nàng trốn đi với Grusenka để bắt đầu cuộc sống mới hạnh phúc! Ta không thể như thế được”.

Tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov.

Nét cuồng nhiệt của dòng máu Karamazov hòa quyện cùng sự tự do, phóng khoáng di truyền từ người mẹ đã làm nên một Dmitri say đắm trong tình yêu nhưng cũng rất mực tự trọng. Nhưng dường như, càng yêu và tự trọng bao nhiêu, bi kịch Dmitri nhận về lại càng đau đớn bấy nhiêu. Anh muốn sống hết mình cho người con gái anh yêu song không thể. Anh không muốn bội tín với người phụ nữ anh rất mực tôn trọng mà không thành. Con số 3000 rúp Dmitri đeo trên ngực chính như một vết nung, như cây thập giá phán xét trái tim đầy tội lỗi của anh. Đồng thời, khi mâu thuẫn giữa yêu thương và tự trọng đẩy lên đến đỉnh điểm, chính Dmitri đã gián tiếp gây lên khổ đau cho cả hai người phụ nữ anh thương yêu, trân trọng.

Ngoài ra, bên cạnh bi kịch giữa trách nhiệm, nghĩa vụ với nhu cầu tình yêu; ở Dmitri còn bao chứa cả mâu thuẫn giữa một bên phần con với một bên phần người, giữa một bên bản năng với một bên quy chuẩn đạo đức, giữa một bên hận thù che mờ lí trí với một bên pháp luật, xã hội ràng buộc... Mà có lẽ, chính xung đột xảy đến về mặt nội tâm này đã trực tiếp dẫn tới bi kịch ngay trong thực tế cho số phận Dmitri, khi anh hàm oan mà chẳng thể giải oan.

Bởi sự bộc trực tới nóng nảy dẫn tới hành động của Dmitri trong nhiều trường hợp diễn ra hoàn toàn bản năng mà chính anh cũng từng thừa nhận, trước mỗi một sự việc liên quan đến người phụ nữ có tên Grusenka, lí trí Dmitri đều bay biến hết sạch. Tất cả, khiến cho con người ấy từng nảy sinh hành động gây sự với viên đại úy về hưu, điên cuồng kiếm 3000 rúp và gần như mất trí tìm Grusenka trong sự kiện nàng trốn tránh anh để đến với tình cũ.

Cho nên, sau tất thảy, từ hành động tới nỗi căm hận của chính bản thân Dmitri với người cha Fedor, cụ thể hóa vào bi kịch khi đứng trước tòa không ai tin lời Dmitri, không ai tin vào sự vô tội của anh, kể cả luật sự bào chữa cho anh. Xung đột có cấu thành sát ý mà tạo ra thảm án hay không, thì cuối cùng, Dmitri vẫn như phải gánh chịu phán quyết lẫn khổ đau cho chính phần “ác quỷ” đã luôn tồn tại trong con người anh vậy.

Giữa Thiên chúa và ác quỷ, là con người

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong những anh em nhà Karamazov, có lẽ Dmitri là kẻ “người” nhất với đủ đầy hỉ nộ ái ố ai lạc của một con người đang sống. Dmitri mất lí trí, căm ghét người cha chưa một lần làm tròn nghĩa vụ song Dmitri không giết Fedor cướp tiền, càng không vì lí luận bởi Chúa không tồn tại trên đời nên con người có quyền sinh quyền sát. Và nếu không “người”, chàng trai đó đã không hối hận, tới mức đau đớn, giằng xé biết bao khi gây ra vết thương cho ông quản gia Grigori, người đóng vai trò người cha trong suốt quãng thời gian đầu đời của anh.

Vì vậy, Dmitri luôn khẳng định: anh không thừa nhận và sẽ không bao giờ thừa nhận tội danh giết cha. Nhưng anh sẽ dành cả quãng đời về sau, dẫu là quãng thời gian khổ sai hay vượt ngục đến Mĩ sống cùng Grusenka để sám hối với Chúa. Về tội lỗi lẫn bi kịch anh gây nên với những người xung quanh, cũng là bi kịch anh gây nên với chính bản thân mình.

Sau cuối, ở Dmitri còn là sự thức tỉnh lẫn giác ngộ về Thiên chúa như một sự cứu rỗi tội lỗi. Cho nên, hình ảnh Thiên chúa hay ác quỷ hiện lên, trở đi trở lại trên trang văn Dostoevsky đâu còn chỉ ứng với những xung đột ở nội tâm Ivan mà gắn liền với cả xung đột trong tâm hồn Dmitri. Hết thảy, đã trở thành biểu tượng cho hai mặt tốt - xấu, trái - phải, thiện - ác, cho những mâu thuẫn, cuộc chiến giằng xé nơi trái tim con người để người ta có thể bước chân tới ngưỡng cửa Thiên Đường. Như chính sự mệt mỏi Dmitri thể hiện cuối cùng trong phiên tòa, những lời nói cuối cùng anh dành cho Aliosa tựa tiếng lòng một kẻ, đã tỉnh thức mà sẵn sàng sám hối và trả giá vậy.

Dostoevsky là bậc thầy trong việc khắc họa hiện thực cùng tái hiện tâm lí nhân vật, trong sự đào sâu vào tầng sâu vô thức, vào phần “cái nó” của tâm hồn con người mà điều ấy đã được thể hiện đầy sinh động trong bi kịch nội tâm Dmitri Pavlovich Karamazov đã trải qua. Thứ bi kịch lớn hơn nhiều cái án hàm oan anh gánh chịu. Thứ bi kịch tạo nên từ tầng tầng lớp lớp những mâu thuẫn phức tạp, những cuộc chiến tồn tại trong trái tim giữa một bên là phần Thiên chúa – cái thiện với một bên là phần ác quỷ - cái ác. Mà cuối cùng, không có thứ mang tên chiến thắng, chỉ có thứ mang tên giác ngộ cùng nỗi đau thăm thẳm con người phải mang nặng trong tim cho đến giây phút cuối cùng cuộc đời.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)