Han Kang: Mất khả năng viết mang đến trải nghiệm đặc biệt

Thứ Hai, 24/07/2023 00:31

Nhân cuốn tiểu thuyết Greek Lessons (tạm dịch: Những giờ học tiếng Hy Lạp) của nhà văn Han Kang lần đầu được chuyển ngữ sang Anh, tác giả người Hàn đã chia sẻ thêm về cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề dịch thuật khi xưa và bạo lực ngôn ngữ.

Mất đi tiếng nói

Trong cả năm trời, Han Kang thấy mình không thể viết được – một bước chuyển biến rất đáng lo ngại đối với một tiểu thuyết gia đã từng chiến thắng một giải thưởng lớn. “Tôi không thể viết hay đọc tiểu thuyết,” cô nói. “Tôi thậm chí còn không thể xem bất cứ thứ gì ở trên màn hình.” Và khi tác giả người Hàn cố gắng cải thiện điều ấy, cô đã chuyển sang xem phim tài liệu và đọc các sách thiên về khoa học. Trên thực tế, thứ văn xuôi mượt mà và đầy thuần thục mà cô thường được ca ngợi chính là chứng nhân cho cuộc đấu tranh lâu dài cùng với ngôn ngữ. “Đó là phương tiện gần như bất khả. Tôi luôn thấy mình trở nên thất bại,” cô thở dài. “Xuất phát từ trong tư cách của một nhà thơ, tôi luôn cảm nhận được chính điều đó – nhưng đặc biệt là vào năm đó, tôi còn cảm thấy điều đó nhiều hơn. Đó là vấn đề bất khả trong việc nắm giữ ngôn ngữ.”

Các từ như được trả lại, nhưng trải nghiệm đó cũng đã tạo ra cảm giác nhất định cho cuốn tiểu thuyết Greek Lessons của cô. Nhân vật chính của nó, đột nhiên mất khả năng nói một cách bí ẩn, và rồi tìm thấy được niềm an ủi ở trong lớp học với giáo viên người Hy Lạp cổ đại của mình, người cũng đang dần mất đi thị lực. Được viết vào năm 2011, cuốn sách chỉ mới xuất hiện bằng ngôn ngữ Anh sau thành công của các dịch phẩm khác. Tuy vậy cuốn tiểu thuyết này có phần tĩnh lặng hơn các tác phẩm ra mắt trước đó.

Nhà văn Han Kang.

Cấu phần của nó không có nội dung nào giống với hình ảnh làm hại bản thân và sự bức thực trong Người ăn chay - tác phẩm đã giúp Han Kang nhận được sự công nhận toàn cầu và Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2016. Nó cũng không có sự bạo tàn nào mang tính đẫm máu trong Bản chất của người, tác phẩm trải dài trong chính bóng tối của một vụ thảm sát dữ dội trong lịch sử Hàn Quốc.

Ngay cả giờ đây ở tuổi 52, khi cô mô tả khoảng đời rắc rối mà mình đã bị lấy mất “phương tiện duy nhất”, thì giọng của cô nghe vẫn nhẹ nhàng nhưng phép ẩn dụ ẩn đằng sau đó lại khắt nghiệt hơn. “Ngôn ngữ giống như thanh kiếm hai lưỡi mà tôi rất muốn nắm bắt nhưng lại không thể,” cô nói, đặt tách trà xuống và rồi đặt vào bàn tay con dao vô hình nào đó. Không có lí do cụ thể nào, cô ấy giải thích – không giống như nhân vật chính của Greek Lessons, người mà bác sĩ trị liệu gợi ý một cách vô ích rằng việc cô ấy đột ngột bị câm là do mẹ cô ấy qua đời và cô thì bị mất thêm quyền nuôi con trai.

Bạo lực – “hiện diện ở khắp mọi nơi” – đã khiến Han Kang lo lắng từ khi cô còn rất nhỏ. Là con gái của tiểu thuyết gia Han Seung-won, cô sinh ra ở Gwangju - thành phố rất gần Bán đảo Triều Tiên. Gia đình cô chuyển đến Seoul khi cô lên 9, và thật trùng hợp là chỉ vài ngày trước khi nơi cô sinh ra sẽ bị tàn phá bởi cuộc nổi dậy Gwangju.

Khi 12 tuổi, Han Kang phát hiện ra một cuốn sách về vụ thảm sát được giấu ở nhà. Trong đó có những bức ảnh chụp những khuôn mặt bị cắt xẻo và những cơ thể bị đâm bằng lưỡi lê. “Tôi cảm thấy sợ và đó chính là cú sốc vô cùng sâu sắc trong bản thân tôi. Nó khiến tôi nghĩ nhân loại có thể đi tận bao xa mà vẫn bạo tàn,” cô nói. “Điều đó luôn ở bên tôi và cũng là thứ mà bản thân tôi liên tục tái tạo. Đó là một câu hỏi hóc búa, một câu hỏi cơ bản trong tôi, vì vậy nó sẽ xuất hiện trong bất cứ điều gì tôi viết.”

Trong Greek Lessons, bạo lực tuy bị “tắt tiếng” nhưng vẫn hiện hữu. Khi còn nhỏ, nhân vật chính đã trải qua tình trạng như là bị “đâm trong mỗi giấc ngủ bởi những xiên thịt” hoặc “bị giam hãm bởi bộ quần áo làm từ hàng nghìn mũi kim”. Quan điểm của cô khi đó chính là ngôn ngữ không phải lúc nào cũng sẽ hữu ích. “Đôi khi ta sẽ phải ở một nơi mà mình cảm thấy đau đớn đến mức muốn tách mình khỏi thế giới mà ta đang sống,” Han giải thích. “Bạn muốn đi vào góc tối chỉ riêng một mình trong sự im lặng. Trong khoảnh khắc đó, ngôn ngữ trở nên vô dụng.” Ngay cả khoảng thời gian không viết lách đó, mặc dù rắc rối, nhưng cũng hữu ích. “Nó đã cho tôi cơ hội hướng nội cũng như quan sát chính bản thân mình.”

“Cái chết” của văn bản gốc

Greek Lessons chắc chắn cũng sẽ đưa ra những câu hỏi lớn về việc dịch thuật. Đó là một cuộc trò chuyện thích hợp riêng cho Han Kang, không phải chỉ bởi tác phẩm này vừa được chuyển ngữ, mà còn là bởi bản dịch khi xưa đã gây ra nhiều tranh cãi. Năm 2016, Người ăn chay – tiểu thuyết kể về một người phụ nữ từ chối ăn thịt dưới mọi hình thức – đã trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên đoạt giải Man Booker Quốc tế. Giải thưởng đã được trao cho cả Han Kang và dịch giả Deborah Smith. Tuy nhiên sau đó trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cũng như quốc tế, cáo buộc việc chuyển ngữ thay đổi bản gốc ngày càng trở nên quay cuồng.

Các tác phẩm của Han Kang đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Tuy vậy Deborah Smith vẫn tiếp tục dịch thêm Bản chất của ngườiTrắng sau đó. Smith cũng đã tham gia dịch thuật cho Greek Lessons, cùng với một người khác nữa là dịch giả Emily Yae Won ở Seoul, Hàn Quốc. Han Kang đã chia sẻ rằng “Tôi thấy quá trình dịch thuật là một hoạt động cực kì hấp dẫn. Tôi đã tạo ra đặc điểm ban đầu cho thứ gì đó, nhưng để đạt được mức độ hoàn thiện, thì nó cần phải mất đi tất cả những gì tôi đã tạo ra và được tái sinh.” Cô so sánh nó với việc bay từ Seoul đến London. “Mọi thứ hoàn toàn bốc hơi trước khi nó được biến hình trở lại.” Sau đó, cô ấy có vẻ đồng ý rằng bản dịch Người ăn chay của Smith là một ‘sáng tạo mới’”.

Tuy nhiên cô cũng ước mình có nhiều thời gian để xem bản dịch Người ăn chay “kĩ lưỡng” hơn, và thừa nhận rằng mình mới chỉ đọc qua nó một cách “hời hợt” vì lúc đó vẫn đang bận viết Bản chất của người. “Khi tôi đang viết một cuốn sách mới, tôi sẽ luôn đặt 100% sức lực của mình vào đó nên tôi không có điều kiện để xem bản dịch một cách kĩ càng”, cô nói. “Rõ ràng tôi muốn đảm bảo mọi thứ mà mình viết ra vẫn được giữ nguyên, đó là lí do tại sao – dù cho có chút bận rộn – tôi đã cố gắng xem qua và nói với Smith những điểm cần phải lưu ý.”

Quá trình dịch thuật sau sự vụ đó cũng được kiểm soát thật chặt chẽ hơn giữa cô và Smith. Khi Bản chất của người xuất hiện, cả hai người họ đã cùng xem qua bản thảo trong “từng đoạn một”. Vào với cuốn Trắng, đó cũng là lúc hai người phụ nữ dần quen thuộc hơn và đặt để đến “từng dòng một” thông qua email.

Đối với Han Kang, viết lách là một thứ gì đó thuần túy thôi thúc – thứ tồn tại tách biệt với giải thưởng và khán giả, những người mà như cô nói, dù sao thì mình cũng không bao giờ nghĩ đến khi mà làm việc. Cô không cảm thấy áp lực sau thành công của Man Booker. “Tôi có may mắn là có thể khép bản thân lại khi viết, vì vậy bất kì căng thẳng hay áp lực nào có thể ập đến với tôi, tôi đều không thấy quá sức chịu đựng.”

Đối với một số tác giả, viết một cuốn sách, chứ chưa nói đến nhiều cuốn sách, là cuộc tranh đấu. Với riêng Han Kang, đấu tranh thường nằm ở việc phải viết tất cả chúng ra trước khi cô chết. “Tôi luôn có chuyện để nói.” Cô ấy thường viết hai hoặc thậm chí ba cuốn tiểu thuyết trong cùng một lúc. “Tốc độ viết của tôi không thể bắt kịp tốc độ những gì tôi có trong đầu. Vì vậy, điều đó làm tôi phiền lòng. Đó sẽ là vấn đề lớn một khi tôi chết. Tôi sẽ không thể hoàn thành tất cả những ý tưởng mà mình đang có.”

Tuy nhiên, khi Han mất khả năng viết nhiều năm trước, đó không phải là lần đầu tiên. Ở tuổi 30, trong khi viết Người ăn chay, cô ấy bị các vấn đề về khớp ở cổ tay - không rõ nguyên nhân. Nó kéo dài 3 đến 4 năm, trong thời gian đó không thể viết được. “Tôi gần như đã bỏ cuộc.” Cuối cùng, cô đã khám phá ra một kĩ thuật giúp xoa dịu cơn đau. “3 năm lãng phí trước khi tôi cuối cùng tìm ra được cách hoàn thành cuốn tiểu thuyết!”.

LINH TRANG dịch từ cuộc phỏng vấn của Annabel Nugent trên tờ The Independent

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)