Vọng âm từ những đa đoan Do Thái

Chủ Nhật, 25/12/2022 14:49

Năm 2002 khi nhà văn đoạt giải Booker Yann Martel thú nhận mình đã vay mượn cốt truyện của Moacyr Scilar để viết nên cuốn Cuộc đời của Pi, dư luận trên toàn thế giới đã được một phen vô cùng bất ngờ. Tuy thế khi được hỏi về điều này, Schilar chỉ nói rằng bản thân vinh hạnh vì đã bị vay, vì văn chương là những vọng âm, và nó chỉ có giá trị khi các vọng âm vẫn còn tồn tại. Và có lẽ bởi ý nghĩ đó mà ông từ lâu là một trong những nhà văn Do Thái - Mỹ Latin nổi tiếng nhất trong thế hệ mình.

Xuất thân từ một bác sĩ, Scilar có sự quan tâm đến cơ thể người, và đặc biệt là những thể dạng đột biến, như dị dạng, biến dạng và tái định hình. Đọc Con nhân mã ở trong vườn - tác phẩm phổ biến và quan trọng nhất của ông, người ta không chỉ đọc ở tầng nông là bi kịch của một giống loài linh thiêng sai khác chuẩn mực, mà đó còn là dấu chỉ của một chủng tộc bị nguyền rủa, triệt tiêu và rồi dẫn đến tuyệt diệt.

Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Guedali và hành trình vươn lên số phận của mình. Sinh ra dưới hình dáng nhân mã, anh bị che giấu và đã phải sống khổ sở dưới sự che đậy, dồn nén cũng như những mưu cầu tự do. Một ngày khi anh vùng lên rời khỏi tổ ấm để đến với cuộc phiêu lưu, thì chân trời mới mới kịp mở ra, với bạn đồng hành Tita cùng những nỗ lực hòa hợp vào đời sống con người. Nhưng sự thay đổi ấy liệu có tốt đẹp và nâng anh lên ngang hàng với những cá thể bình thường?

Nhà văn Moacyr Scilar.

TỪ CHUYỆN CÁ NHÂN ĐẾN ÁM ẢNH CỘNG ĐỒNG

Thông qua Con nhân mã ở trong vườn, Moacyr Scilar đã khắc họa được những điểm rất chính yếu trong văn nghiệp của cá nhân mình, là vị trí của người thiểu số trong xã hội, sức căng của giáo dục và vô minh, cũng như của đức tin và thế tục. Không hẳn mà ngẫu nhiên ông cho Guedali là một nhân mã được sinh ra trong một gia đình Do Thái ngoan đạo, mà thông qua đó, lịch sử cùng căn tính Do Thái đầy mâu thuẫn và quá trình đương đầu vượt qua nghịch cảnh cũng được hiện ra rõ ràng và ấn tượng.

Về mặt lịch sử, Scilar đã liên hệ Do Thái giáo cùng sự dị hình trong nhãn quan của cộng đồng hải ngoại. Quốc gia Brazil nơi ông đắm mình không chịu quá nhiều những sự cực đoan về mặt niềm tin, tuy nhiên ẩn sâu trong những vỉa tầng là một lịch sử vô cùng muốn quên. Trong tính ngụ ngôn, Scilar dẫn lại rất nhiều giáo lí từ sách Talmud cũng như những gì Kinh thánh đã khắc ghi lại. Về sự chạy trốn chế độ nô lệ, về một gia đình phải căng mình lên để đối phó với mối họa Pogram, khi những tên Cossak chém giết đến nỗi thống khổ từng gia đình một phía trên lưng ngựa. Từ việc truy gốc gia đình gốc Nga ấy, dòng họ Tatarkovsky tỏa ra đi khắp địa cầu, để đến cuối cùng vẫn là một chủng tộc tha hương luôn thiếu ổn định.

Vì đâu ra đời một con nhân mã? Đó là điềm lành hay là những gì nhơ bẩn và xấu xa nhất? Nếu thần thoại Hy Lạp coi nhân mã như một biểu trưng của vẻ đẹp, sức mạnh, tốc độ… như những lão làng trong việc huấn luyện anh hùng như Chiron; thì ở một chủng tộc luôn sống trong sự nơm nớp lo sợ, điềm báo của một con ngựa có cánh để cho ra đời cá thế nhân mã là một điềm xấu, và sẽ đoán định những điều xui rủi.

Văn hóa dân gian cũng như niềm tin tôn giáo từ người Do Thái trong trường hợp riêng dành cho nhân mã dường như không bắt nguồn từ những Talmud hay truyện thần thoại, mà thay vào đó nó là từ chính một lịch sử họ đã trải qua. Ám ảnh về sự giết chóc trong trận Pogram từ trên lưng ngựa, việc ngao du đến những đồng bằng Nam Mỹ mà ngựa là con vật chính còn họ trở thành nô lệ bị đàn áp bởi giới chủ nô… biến ngựa thành ra một sự ám ảnh thường trực, thành một viên đá chắn đường mà những chuỗi dài DNA không thể thấu triệt. Chúng chắn lại phân nửa đó, hình thành 2 nửa khác nhau, của nửa con người và nửa dưới ngựa.

Và cũng chính những niềm tin như thế, nên nhà Tartakovsky giấu biệt Guedali như một vết nhơ của dòng tộc mình. Bấy giờ một sự khủng hoảng niềm tin lên đến cao trào, buộc sự kìm nén giờ phải chống lại, đòi được giải thoát và dần đi đến những hệ lụy xấu của sự đồng hóa. Đồng hóa là một khái niệm mang nghĩa tương lai của những tốt đẹp về sự xáo trộn, của việc từ một đi đến tổng thể… nhưng đợi chờ đằng sau là những hoang tưởng đa đoan, là sự khủng hoảng căn tính, và giờ đây quá khứ - tương lai như hai cực Nam - Bắc của chiếc la bàn hỏng, trong sự nhiễm từ của một thế hệ thứ hai giờ phải đối đầu với chế độ hậu diệt chủng, là trở nên bị hòa tan và pha tạp.

Tiểu thuyết Con nhân mã ở trong vườn.

KHỦNG HOẢNG CĂN TÍNH

Guedali và hành trình của anh chính là điển hình cho sự phát triển của những đớn đau ấy. Cũng như Jeffrey Eugenides trong cuốn Lưỡng giới cho nhân vật của mình thiếu vắng enzyme 5-alpha-reductase rồi phải trải qua cuộc đời khắc nghiệt, thì chú nhân mã cùng vợ cũng đã kinh qua những thứ tương tự. Từ chuyến tàu đi đến Maroc để “cải biến” mình cho đến những đau đớn để được trở lại thành người, từ những chiếc ủng được đặc chế lại cho bộ móng “lai” đến việc kìm nén bản năng riêng biệt… Trong họ là sự dằn vặt vẫn chưa khi nào ngơi nghỉ, về thứ bản năng tiến thoái lưỡng nan đã luôn ăn sâu, sợ cả quá khứ, sợ luôn hiện tại.

Nhưng định mệnh, đời sống hiện đại và những cơ chế xã hội đã không cho quá trình đó diễn ra một cách dễ dàng. Những sự gặp lại Pedro Bento hay người phụ nữ huấn luyện sư tử của Scilar có thể mang tính ngụ ngôn một kiểu nào đó, nhưng đó chính là điển hình của những tượng trưng, những thứ mà người Do Thái sẽ luôn ám ảnh bởi nỗi sợ đã ăn sâu vào mình, vào một cuộc sống liên tục biến đổi và luôn thay đổi.

Do đó khi đã có một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp ổn thỏa; cả 2 chú cựu nhân mã ấy đều vẫn cảm thấy mất ngủ và lông cánh xào xạc. Trong cuốn Brave new world, Aldous Huxley đã từng nói về giống loài này như sau: “Từ thắt lưng trở xuống, chúng là nhân mã, dù phía trên là cơ thể đàn bà. Nhưng các vị thần thường hưởng đến chỗ thắt lưng. Bên dưới là của quỷ sứ, có địa ngục, có bóng tối, có giếng lưu huỳnh, có lửa bỏng, mùi hôi thối, bệnh ho lao, nhục nhã, nhục nhã, đau khổ, đau khổ…”

Vì thế Guedali không thể khuất phục dục vọng của mình. Y thấy được một khao khát bản năng của loài ngựa, của loài dị biệt… nên đã ngoại tình với người phụ nữ, cũng như một con nhân sư bị giam trong lồng cũi sắt. Về phía Tita, nàng cũng đã bị cuốn hút bởi một cá thể tuyệt đẹp như thế, đương 17 tuổi với bộ lông trắng muốt. Điều này như thể nói rằng dẫu có trải qua bao cuộc bể dâu, bao sự đổi mới, thì Nhân mã vẫn mãi sẽ là Nhân mã, rằng những gì đã tạo thành họ sẽ mãi ở đó, dù cho ngoại hình có sự dịch chuyển đầy lý tính hơn. Và cộng đồng Do Thái cũng mãi như thế, đớn đau, e sợ và bị phân li.

Tuy thế không dễ chấp nhận những điều kể trên như là hiển nhiên. Guedali từng cố thay đổi bản thân khi học vĩ cầm, kéo cày cũng như xem việc học tập, đọc sách là một lạc thú đơn độc. Đến khi lớn lên, anh liên tục chạy trốn khỏi những tham chiếu về một đời sống nhân mã đã từng tồn tại, và rồi chấp nhận, đối mặt với sự ra đời của hai người con. Họ vươn lên đời sống mới bằng cách lao vào cuộc sống thành thị của những khu phức hợp, với xuất nhập khẩu và sự giàu có. Nhưng cái gì đã chờ đợi họ? Những cuộc chạy, cảm thức thôn quê và sự giản dị của những buổi phi nước đại trên đồng cỏ mênh mông…

Như một câu nói của Guedali khi gặp nàng nhân sư trong vười Tunisia: “Tôi cảm nhận mối giao cảm mà những kẻ tàn phế, dị dạng và bệnh tật vẫn dành cho nhau, song cũng có nỗi căm ghét mà họ hướng vào nhau”, Con nhân mã ở trong vườn là một tác phẩm ẩn dưới ngụ ngôn cũng như châm biếm để nói về cộng đồng người đã luôn trốn chạy và bị khinh khi.

Qua tác phẩm này, Moacyr Scilar đã mổ xẻ được những cảm thức khi thuộc về cộng đồng Do Thái, từ nỗi đau, tuyệt vọng cho đến hi vọng, thứ tha và chấp nhận. Nhân rộng ra hơn, mỗi chúng ta là một nhân mã đứng trước tương lai bất định, nhưng hãy nhớ rằng: “Như một con ngựa, móng guốc nhún nhảy, sẵn sằng phi nước đại xuyên qua thảo nguyên. Như một con nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng tung mình qua bức tường mà tìm kiếm tự do”.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)