Picasso và Ésluard: Sự tương hợp giữa hội họa và thi ca

Thứ Hai, 11/07/2022 06:14

Vào năm 1935, khi Éluard đã trở thành một trong những người bạn thân thiết của ông, Picasso đang trải qua một cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Chia tay với Olga, ông ngừng vẽ và bắt đầu làm thơ. Mọi thứ ở Picasso và Éluard đều rất tương hợp với nhau: cùng một sở thích với thơ ca, cùng một quan niệm về sáng tạo nghệ thuật, cùng một phong cách sống.

Trong suốt cuộc đời mình, Paul Éluard đã duy trì một tình bạn thân thiết với nhiều họa sĩ, vài năm trước khi mất, ông đã xuất bản một album với tên gọi Nhìn, như một sự bày tỏ lòng biết ơn tới những người bạn họa sĩ, những người đã chia sẻ và tham gia vào việc minh họa các tác phẩm của ông. Với Max Ernst, sự đồng cảm rất đặc biệt, dẫu rằng nó chỉ kéo dài vài năm. Còn với Pablo Picasso, sự gặp gỡ của họ tạo ra một ấn tượng rất mạnh ở cả hai phía. Cả hai nghệ sĩ đã biết đến tiếng tăm của nhau từ lâu, họ luôn dành cho nhau một sự ngưỡng mộ rất lớn.

Về phần mình, Picasso luôn tìm kiếm sự đồng hành với các nhà thơ. Sau một thời gian dài là bạn bè thân thiết với Apollinaire, với Max Jacob và với Reverdy, vào đầu những năm 1930, ông cảm thấy rất cô đơn khi không còn là bạn của một nhà thơ nào nữa.

Họa sĩ Pablo Picasso (1881 - 1973)

Cũng cần phải nhắc lại rằng bản thân Picasso cũng đã viết một số bài thơ, ông luôn tự xem mình là một nhà thơ, làm thơ thông qua ngôn ngữ của những bức tranh hay những bức tượng, những bài thơ chép tay của ông đẹp như những bức tranh và gây ấn tượng mạnh về thị giác. Picasso hay tự trào phúng, tự nhận mình là “một nhà thơ lạc lối sang hội họa”.

Vào năm 1935, khi Éluard đã trở thành một trong những người bạn thân thiết của ông, Picasso đang trải qua một cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Chia tay với Olga, ông ngừng vẽ và bắt đầu làm thơ. Mọi thứ ở Picasso và Éluard đều rất tương hợp với nhau: cùng một sở thích với thơ ca, cùng một quan niệm về sáng tạo nghệ thuật, cùng một phong cách sống.

Ngày 8 tháng giêng năm 1936, Picasso vẽ một bức chân dung Éluard, bức chân dung ấy đã lột tả được đầy đủ mức độ đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đấy, bức chân dung ấy đã được đưa vào trang đầu của tập thơ Những cặp mắt màu mỡ (Les yeux fertiles), Picasso đã vẽ tặng Éluard bức chân dung này đúng vào dịp Éluard sắp khởi hành một chuyến đi để làm một chuỗi các buổi giới thiệu về hội họa của Picasso, người bạn họa sĩ thân thiết của ông ở Barcelone, Madrid và Bibao nhân dịp Picasso ra mắt một triển lãm thành tựu trải dài qua tất cả các thời kì sáng tác của ông. Ở Viện Pháp ngữ Madrid, ông đã nói về một Picasso “họa sĩ và nhà thơ”

Bức chân dung Paul Éluard do Picasso vẽ năm 1936.

“… kể từ khi Picasso xuất hiện, những bức tường ngăn cách đã sụp đổ, hội họa đã trở thành những bài thơ, còn những bài thơ đã trở thành những bức tranh. Ông mơ mộng, tưởng tượng và sáng tạo. Và đột nhiên các ảo ảnh sinh ra từ những những đối tượng có thật, đến lượt mình chúng lại trở thành những đối tượng có thật…

Tôi nghĩ tới bức tranh nổi tiếng của Picasso, “Người đàn bà trong chiếc áo sơ mi”, bức tranh mà tôi đã biết tới từ 20 năm nay. Mỗi lần nhìn ngắm nó, tôi lại có một cảm nhận rằng nó vừa rất giản đơn lại vừa rất kì ảo. Thân hình đồ sộ như tạc vào chiếc ghế bành,chiếc đầu lớn như đầu con Sphinx, những chiếc vú dính chặt vào lồng ngực, một sự tương phản tuyệt diệu, khuôn mặt với những chi tiết mảnh mai như một nhát vạch, mái tóc lượn sóng, những chiếc xương sườn nhô ra, chiếc áo sơ mi mong manh trong suốt, chiếc ghế bành êm ái và tiện nghi, tờ nhật báo trên tay… Những người Hy lạp, những người La mã, tất cả những họa sĩ trước Picasso không bao giờ có thể sáng tạo ra một bức tranh mang đậm chất thơ như thế này…”.

Nhà thơ Paul Éluard (1895 - 1952)

Trở về từ Tây Ba Nha vào năm 1936. Éluard giới thiệu người bạn gái Dora Maar với Picasso, người đã làm cho Picasso bị chấn động dữ dội. Nữ nhiếp ảnh gia trẻ tuổi này sắp trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời và trong hội họa của Picasso. Bí mật rời khỏi Paris để đi ẩn náu ở Juan-les-Pins, Picasso bắt đầu cuồng nhiệt ngồi vẽ trở lại, một cơn hứng khởi mãnh liệt. Và khi Picasso bất thình lình xuất hiện trở lại ở Paris, Éluard đã ngợi ca sự trở lại (với hội họa) của Picasso trong bài thơ Với Picasso, đó là một bài “đinh” trong tập thơ Những đôi mắt phì nhiêu của ông.

Về phần mình, Picasso cũng viết hai bài thơ, minh họa nó và gửi tặng cho Éluard, vài ngày sau Picasso lại gửi cho Éluard bản minh họa bài thơ Grand Air, hình một thiên thần khỏa thân cầm chiếc gương hướng về phía mặt trời ..

Tình bạn giữa nhà thơ và họa sĩ khăng khít và kéo dài suốt 16 năm cho đến khi Éluard mất vào năm 1952. Họ đã cùng nhau đi nghỉ mát ở Mougins, thường xuyên đến ngồi với nhau ở quán Cafe de Flore, đàm đạo hàng giờ trong xưởng vẽ của Picasso trên đường Grands Augustin, họ cùng nhau trải qua cả một mùa hè năm 1951 ở Saint-Tropez.

Sau cái chết của Éluard, Picasso không tìm kiếm mối quan hệ bạn bè với bất cứ nhà thơ nào nữa, kể từ đó, trong hơn 20 năm tiếp theo ông đơn độc một mình đi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà ông và người bạn thân thiết Éluard đã đặt ra về vai trò và những ý nghĩa đích thực của nghệ thuật, 20 năm đơn độc trên hành trình sáng tạo…

DƯƠNG THẮNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)