Sự thật gây sốc về chế độ nô lệ trong thế giới Hồi giáo hiện đại

Thứ Bảy, 12/07/2025 09:52

“Tôi chưa bao giờ thực sự sống. Trước đó, tôi chỉ là một vật thể.” Lời chia sẻ của Habi, một người phụ nữ từng là nô lệ tại Mauritania, vẫn còn vang vọng khi chúng ta bước sang thập kỉ thứ ba của thế kỉ 21. Những gì bà và hàng triệu người khác từng trải qua tưởng chừng chỉ còn thuộc về quá khứ đen tối vẫn đang hiện diện sống động trong nhiều góc khuất của thế giới Hồi giáo.

Những bóng ma không ngủ yên

Năm 2020, giữa thủ đô Bamako của Mali, tôi gặp Hame, một người đàn ông hơn 50 tuổi. Trên sàn đất của một nơi trú ẩn tạm bợ, ông kể lại câu chuyện gia đình mình đã bị bắt làm nô lệ qua nhiều thế hệ bởi một gia đình ở vùng Kayes, phía tây đất nước. Chỉ mới hai năm trước, sau một trận đòn tàn bạo trước công chúng, ông mới thoát khỏi cảnh nô lệ. Dù đã được tự do, ông vẫn sống trong nghèo đói, chật vật tìm kiếm một mái nhà và kế sinh nhai cho gia đình.

Hamey bị bắt làm nô lệ cho một gia đình ở vùng phía tây Kayes ở Mali cho đến năm 2018.

Chế độ nô lệ chính thức đã bị xóa bỏ tại Mali, nhưng như một căn bệnh âm ỉ, nó vẫn tồn tại dưới hình thức di truyền và phân biệt chủng tộc, giống như ở Mauritania và các vùng khác của Tây Phi. Điều đáng báo động là điều này không chỉ giới hạn trong khu vực Tây Phi mà còn lan rộng khắp thế giới Hồi giáo đương đại.

Theo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu năm 2023 của tổ chức Walk Free, các quốc gia Ả Rập ghi nhận tỉ lệ nô lệ cao nhất thế giới, trung bình 10,1 người/1.000 dân. Các nước như Ả Rập Xê Út (740.000 người), Iraq (221.000), Yemen (180.000) và Syria (153.000) nằm trong số những quốc gia có số lượng người sống trong cảnh nô lệ hiện đại cao nhất.

Chế độ nô lệ trong thế giới Hồi giáo không phải là sản phẩm riêng của Hồi giáo cũng như nạn buôn bán nô lệ Đại Tây Dương không thể bị gán ghép hoàn toàn cho Cơ đốc giáo. Người Ả Rập thế kỉ 7 đã kế thừa truyền thống nô lệ từ các nền văn minh cổ như Ba Tư và Byzantine, sau đó tích hợp vào hệ thống pháp luật và giáo lí Hồi giáo. Kinh Qur’an và luật Sharia quy định cụ thể về cách đối xử với nô lệ dù là giới hạn hay mở rộng quyền, điều đó không thay đổi thực tế rằng con người vẫn bị đối xử như tài sản.

Ước tính, có từ 12 đến 17 triệu người đã bị bắt làm nô lệ trong hệ thống buôn bán nô lệ Hồi giáo từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ 20, ngang bằng, thậm chí cao hơn con số 11-14 triệu nô lệ châu Phi bị đưa sang châu Mĩ trong buôn bán nô lệ Đại Tây Dương. Những nạn nhân của chế độ này không chỉ đến từ châu Phi cận Sahara, mà còn bao gồm người Đông Âu, Balkan và Kavkaz.

Vinh quang và bi kịch đan xen

Trong cuốn sách Captives and Companions, một công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm, tôi ghi lại những câu chuyện đa chiều về nô lệ trong thế giới Hồi giáo. Không phải tất cả đều là bi kịch. Một số nô lệ, như Bilal ibn Rabah, người từng bị bắt giữ làm nô lệ, sau trở thành người gọi lễ (muaddin) đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo đã vươn lên những vị trí danh giá.

Một bức tranh thu nhỏ của Ottoman từ năm 1558 mô tả việc tuyển dụng lính Janissaries

Thậm chí, nhiều Sultan, Đại tể tướng và tầng lớp quý tộc Ottoman là hậu duệ trực tiếp của các nô lệ hoặc từng là nô lệ trước khi được trao quyền lực. Trường hợp đáng chú ý là tổ tiên của học giả Thổ Nhĩ Kỳ Edhem Eldem từng là một cậu bé Hy Lạp bị bắt làm nô lệ năm 1822, nhưng đến năm 1877 đã trở thành Đại tể tướng của Đế chế Ottoman.

Trong hàng thế kỉ, các lực lượng Janissary - những binh sĩ ưu tú của Đế chế Ottoman được hình thành từ trẻ em Thiên chúa giáo bị bắt cóc hoặc nộp cống từ vùng Balkan. Họ bị cải đạo, huấn luyện quân sự và trở thành lực lượng trung thành nhất với nhà vua.

Bên cạnh đó là những câu chuyện khác về các phi tần, những phụ nữ bị bắt làm nô lệ trong các cuộc chinh phạt, trở thành "bạn gối chăn" của các khalip. Nhiều người trong số họ sở hữu quyền lực và tài sản khổng lồ. Một phi tần thế kỉ 9 tên Arib đã sống qua tám đời khalip và để lại nhiều giai thoại táo bạo, như khi bà được hỏi điều gì làm bà hài lòng nhất trong chuyện “gối chăn”, bà thẳng thắn trả lời: “Một người đàn ông mạnh mẽ và hơi thở thơm mát.”

Một bức tranh thu nhỏ thế kỷ 13 cho thấy chợ nô lệ ở Zabid ở Yemen.

Trong nhiều thế kỉ, các bé trai trở thành hoạn quan phục vụ trong cung đình. Dù Hồi giáo nghiêm cấm điều đó, thực tế đã bị phớt lờ. Một phần ba những đứa trẻ thực hiện nghi thức đó đã không sống sót. Đó là một cái giá quá đắt cho một hình thức nô lệ đặc biệt tàn bạo.

Bãi bỏ nô lệ: cuộc chiến lâu dài

Dù nhiều nhân vật trí thức trong thế giới Hồi giáo thế kỉ 19 như Mohammed Abduh (Đại Mufti Ai Cập) hay Sir Syed Ahmed Khan đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt chế độ nô lệ, phong trào này không đủ mạnh để tạo thay đổi. Cuối cùng, chính áp lực từ các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Anh quốc, cùng với biến đổi kinh tế toàn cầu, đã góp phần kết thúc hệ thống nô lệ một cách chậm chạp.

Đáng chú ý, đến năm 1922, khi Đế chế Ottoman sụp đổ, chế độ nô lệ trên danh nghĩa mới thực sự chấm dứt tại đây.

Đại Mufti của Ai Cập, Mohammed Abduh (1849-1905), là người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ.

Trong thời gian dài, lịch sử chế độ nô lệ Hồi giáo bị lãng quên hoặc né tránh. Sách sử thường tập trung vào nạn buôn bán nô lệ ở châu Mĩ, như A Short History of Slavery của James Walvin, trong đó 201/235 trang đề cập đến châu Mĩ.

Nhưng điều đó đang dần thay đổi. Một thế hệ mới các nhà nghiên cứu đến từ Morocco, Tunisia, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ đang đào sâu kho lưu trữ lịch sử và làm sáng tỏ những sự thật bị chôn vùi. Họ đang đặt ra những câu hỏi khó, không chỉ với thế giới Hồi giáo, mà cả với phương Tây về cách nhìn nhận công bằng và toàn diện hơn đối với lịch sử chế độ nô lệ.

Lần chạm trán cuối cùng của tôi với chế độ nô lệ hiện đại diễn ra vào năm ngoái tại Nouakchott, thủ đô của Mauritania. Tôi gặp Habi - người phụ nữ bị ép làm nô lệ từ nhỏ, bị đánh đập và xâm hại nhiều lần. Dù đã được giải thoát từ năm 2008 nhờ người anh trai, bà vẫn sống trong nghèo khổ, cư ngụ trong một túp lều xi măng giữa sa mạc. Tuy vậy, Habi không gục ngã. Bà tự ứng cử vào Quốc hội Mauritania hai lần và dành phần đời còn lại để đấu tranh chống chế độ nô lệ. “Trước kia tôi không phải là con người. Bây giờ, tạ ơn Chúa, tôi đã được tự do,” bà nói.

Năm 2025, thế giới đã đạt được những bước tiến vĩ đại về công nghệ, khoa học và nhân quyền. Thế nhưng, hàng trăm nghìn người vẫn đang sống trong cảnh nô lệ, không phải dưới xiềng xích kim loại, mà là dưới áp bức tâm lí, kinh tế và xã hội.

MINH KIÊN dịch Theo The Telegraph

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)