'Pachinko' - Khúc hát thiên di

Thứ Năm, 21/04/2022 07:12

Bám theo câu chuyện của 4 thế hệ với gần 80 năm lịch sử biến động của cộng đồng người Hàn tại Nhật Bản, Pachinko là một lát cắt thú vị mà cũng nhiều chìm nổi của cộng đồng người “zainichi” vốn ít được nhắc đến đến trong văn chương từ trước đến nay.

Cuốn sách khởi đầu vào năm 1910, khi Nhật bắt đầu thôn tính Triều Tiên, cũng là khi người chủ gia đình Hoonie ra đời. Vốn dĩ sinh ra với dị tật chân khoèo và hở hàm ếch, thế nhưng với sự cần mẫn và lanh lợi, anh sớm kết hôn với Yangjin để sinh ra Sunja - người phụ nữ là xương sống chính của câu chuyện này. Đi từ những năm đầu tiên khi cán cân quyền lực bắt đầu chuyển hóa, sang Đệ nhị Thế chiến và kết thúc khi Thế giới vừa mới bắt đầu chuyển mình, Pachinko không chỉ tái hiện một góc nhỏ cộng đồng người Hàn ở Nhật, mà còn đồng thời phản ánh số phận nhỏ bé của nhiều con người trong thời đoạn dường như đảo điên.

MỘT CỘNG ĐỒNG ĐẶC BIỆT

Tập trung vào cộng đồng người Hàn ở Nhật, Min Jin Lee đã đặc tả được sự phân biệt sắc tộc tưởng chừng cố hữu của người Nhật – vương quốc cường thịnh lúc bấy giờ, dành cho người Hàn, vốn được xem như hay tức giận, xảo trá và là lũ tội phạm gian manh. Trong suốt thời đoạn ấy, người Hàn dẫu thành công đến đâu hay giàu có đến mức độ nào thì vẫn phải chịu “cúi đầu”. Đó là thảm cảnh của những người Hàn chen chúc trong một căn phòng vốn chỉ dành cho hai người, nay lợn với gà cũng ở cùng họ, trong khi không có hệ thống sưởi và tương lai thì luôn mịt mờ trước mắt.

Ở thời đoạn ấy, những căng thẳng tôn giáo cũng được Min Jin Lee lột tả từ đó thấy đươc tính đa chiều trong những nghiên cứu của bà, khi giờ đây không chỉ thiếu ăn làm họ khổ sở, mà bất cứ một hành động không cố ý nào cũng rất có thể bị quy thành tội phỉ báng Nhật Hoàng của những người Tin Lành. Và đó là Isak và người kéo chuông - những người không thực hiện nghi lễ Shinto cúi đầu trước Nhật Hoàng, người mà họ cho rằng không ngang hàng trước Chúa, và cũng là người xâm chiếm Bắc Hàn; để sau nhiều năm ở tù, cái chết là thứ chờ đón, còn người trở về đã thân tàn ma dại.

Tiểu thuyết Pachinko.

Và chính những dồn nén ấy đã bắt người Hàn có chí vươn lên mang theo gánh nặng trở thành người Hàn ưu tú. Min Jin Lee xây dựng hai nhân vật anh em, Noa và Mozasu để làm sáng tỏ điều này. Nếu Noa thiên về học thuật như người cha hờ Isak với mong ước gột bỏ lai lịch Hàn Quốc ra khỏi dòng máu; thì Mozasu hoàn toàn ngược lại, khi cậu chấp nhận như điều tất yếu, và cố gắng sống đúng con người đạo đức, cũng như những gì đã được truyền lại từ chú Yoseb và cha Isak của mình. Khi mọi thứ xoay chiều không như ý muốn, con người ưu tú cảm thấy không thể chịu nổi, dẫn đến kết cục là một bi kịch không thể tránh khỏi.

Mở đầu tiểu thuyết, Min Jin Lee đã viết “Lịch sử đã làm chúng ta thất vọng. Nhưng không sao”. Rõ ràng lịch sử là một khung viền hoàn toàn mang tính giới hạn với những cận biên được xác lập sẵn, và khi con người bị ép vào trong khoảng không bị giới hạn ấy, không thể cựa quậy; chúng ta có thể hoàn toàn thất vọng, nhưng nếu nghĩ thoáng hơn và nương theo đó, thì quả thật mọi thứ sẽ không sao, vì trong bất cứ những hoàn cảnh nào, ngọn lửa hi vọng cũng được thắp nên.

Min Jin Lee gài cắm rất nhiều ngọn lửa hi vọng trong từng phân đoạn cuốn sách, để như một lời ủi an hay cú chạm nhẹ, con người thấy mình nắm giữ tình hình, nhìn thấy ánh sáng và tiếp tục bước đi. Đó là Isak thay cho Hansu – người đàn ông lừa dối Sunja. Đó là Noa thay cho cái chết dường như không thể chịu nổi của Isak trong lòng Sunja, và cũng là sự thứ tha ở lúc cuối đời giữa Hansu và Sunja, khi đời sống đã không còn gì, và mọi thứ đều đến trong một trò chơi được chui rèn bởi định mệnh và những số phận lịch sử.

GÓC NHÌN NỮ TÍNH

Một trong những điểm ghi được chú ý của Pachinko là việc thể hiện được góc nhìn vô cùng nữ tính của những thân phận chìm trong bóng tối. Đi từ câu chuyện của Sunja, Min Jin Lee phần nào đã cho thấy hệ tư tưởng của phần xưa cũ của những người phụ nữ ôm hết vào mình. “Cuộc sống của một người đàn bà là công việc, công việc bất tận, và chịu khổ. Khổ và khổ hơn. […] Đối với một người đàn bà, người đàn ông mà cháu lấy làm chồng hoàn toàn quyết định chất lượng cuộc sống của cháu. Một người đàn ông tốt là một cuộc sống tốt, và một người đàn ông tồi là một cuộc sống đáng nguyền rủa, nhưng dù sao chăng nữa, hãy luôn biết rằng sẽ có đau khổ, và cứ lao động quần quật thôi. Không ai quan tâm chăm sóc một người đàn bà nghèo đâu - tự lo cho mình thôi”.

Không hẳn ngẫu nhiên mà Sunja được chọn làm điểm hội tụ cho mọi câu chuyện trong đây. Người phụ nữ ấy nắm giữ sức mạnh của niềm tin, căm ghét, thứ tha cũng như hi vọng. Như một câu thoại “vị Chúa làm tất cả mọi điều mà chúng ta nghĩa là đúng và tốt thì không phải là đấng sáng thế. Vị Chúa ấy là con rối của chúng ta”, cô gái bé nhỏ là người nắm giữ sứ mệnh, là người làm con tạo xoay vần, và cũng là người đẩy đi con thuyền của một gia tộc có nhiều nhánh rẻ.

Không chỉ Sunja mà đó còn là Yongjin - người phụ nữ hết lòng vì con cái, là Kyunghee - người đã cùng cô trải qua thời kì đen tối nhất, và còn rất nhiều những phụ nữ khác xuất hiện dù ít hay nhiều ẩn sâu trong từng câu chữ. Một điều khác nữa khiến Pachinko trở nên khác biệt với những tác phẩm khác là bút pháp thể hiện rất giống Tolstoy hay Dickens của Min Jin Lee.

Nhà Văn Min Jin Lee.

Với hệ thống nhân vật phức tạp, nhiều nhánh rẽ; cô đã đan dệt nên một một bức tranh khảm đầy sắc màu mà cũng bén gọn. Xuyên suốt 4 thế hệ trong gần 100 năm lịch sử, bên cạnh hệ thống nhân vật chính tụ quanh Sunja, Min Jin Lee cũng không quên đính kèm quanh đó những thân phận nhỏ bé, lạc loài, và là bức tranh chung nhất của xã hội biến loạn, với các giá trị con người đang xuống thấp nhất. Đó là cậu bé Tetsuo nhảy lầu tự tử vì nghe những lời mạt sát ở trưởng. Đó là Hana - cô bé muốn thoát hết khỏi những trò gian trá, lọc lừa của người thành thị, để rồi kết cục là phải làm việc ở những phòng tắm xà phòng - công việc bán mình thấp kém nhất trong xã hội thời ấy.

Hình tượng Pachinko cũng được sử dụng với một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là trò chơi vô cùng phổ biến ở Nhật, khi là trò chơi mang tính may rủi với những viên bi không biết vận mệnh sẽ đi về đâu. Những người zainichi gốc Hàn ở Nhật cũng giống như thế. Họ bị bắt ép trong một khung nền chịu nhiều đè nén bởi lịch sử, và bởi vùng đất của một chủng tộc hoàn toàn khinh thị những người giống mình. Thế nhưng cũng như bài học ông Goro dạy Mosazu, những chiếc máy ấy hoàn toàn có thể được điều chỉnh lại, như cách con người làm lại cuộc đời của mình.

Họ có thể vùng lên để rồi nhận lấy cái chết, nhưng mặc khác, họ cũng có thể hình thành một cộng đồng người, những người Hàn đùm bọc và thương lấy nhau. Như ông Goro tạo mọi điều kiện cho bà Tatayama mở hiệu may đồ, như người phụ việc Kim Changdo và mối tình thầm kín với Kyunghee và nhiều sợi dây đan dày khác nữa. Koh Hansu và Sunja cũng chung một lẽ như thế. Tuy bản thân là người lừa dối để rồi sau này dẫn đến bi kịch cho con trai của mình, thế nhưng trong mỗi khúc cua lịch sử đảo chiều, ông đều xuất hiện và cứu lấy cuộc đời của người phụ nữ mình đã từng yêu và mang thai đứa con của mình.

Trong bất cứ đêm trường tội lỗi nào, vẫn còn đâu đó ánh lên cái đẹp của niềm tin và sự tha thứ. Khi Solomon bị lừa và quay trở về làm Pachinko, cũng như Noa của thế hệ trước - đó là tiếng nói cất lên đại diện cho những người Hàn lương thiện, và dù có làm công việc gì đi chăng nữa, trong họ vẫn là đồng cảm và sự sẻ chia của một dân tộc quá nhiều chìm nổi. Cũng như đề từ mà Min Jin Lee trích dẫn của Charles Dickens “Gia đình là một cái tên, một từ có sức mạnh, mạnh hơn lời của pháp sư hay tiếng đáp của các linh hồn; đó là sự vẫy gọi mạnh mẽ nhất”; điều đọng lại sau cuối của cuốn tiểu thuyết vẫn là tình cảm chân thành, ấm áp của cộng đồng người chịu nhiều biến động.

Là một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về cộng đồng người zainichi gốc Hàn ở Nhật, Pachinko đạt đến trình độ tinh xảo để trở thành cuốn tiểu thuyết “cổ điển” của thế hệ sau, sánh ngang với những tên tuổi Hugo, Dickens hay Tolstoy sau này, với tính nhân văn, câu chuyện biến động và hơn hết là vẻ đẹp của chính con người trong thời đoạn ấy. Min Jin Lee thêm một lần nữa knock-out người đọc bằng tài năng và phong cách của mình.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)