"Phúc lành của đất": Bản chất của thiện lương

Thứ Bảy, 02/04/2022 06:18

Phúc lành của đất ra đời vào năm 1917, cũng là cuốn tiểu thuyết lớn góp phần giúp Knut Hamsun được Viện Hàm lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương cho những đóng góp không ngừng nghỉ của mình. Trong tác phẩm này, bằng giọng văn đẹp đẽ cũng như sự hồn nhiên mê đắm, ông đã nêu bật được sự gắn kết giữa con người với tự nhiên, cũng như vẻ đẹp từ những điều giản dị.

*

Kết cấu tác phẩm thành hai phần riêng biệt nhưng cốt truyện có phần tương đồng, Knut Hamsun đã làm rõ mối tương quan của con người thuần nguyên cũng như pha lẫn khi văn minh ào vào đời sống. Hình tượng “đất” trong tác phẩm của ông hàm chứa nhiều nghĩa: đó có thể là môi trường gồm những chất lành giúp cây phát triển, nhưng cũng phần nào là nơi ẩn giấu cho loài chuột bọ gặm nhấm.

Đi theo nhân vật Isak và Inger trong lãnh thổ Sellanraa giàu có, Knut Hamsun bao quát cuốn tiểu thuyết của mình bằng một cộng đồng người mới đến, như một bản cải biên Kinh Thánh mới mẻ. Ở đó Isak như người đầu tiên khai phá vùng đất phía bắc, để càng dần về sau người đoc càng thấy những yếu tố làm nên một cộng đồng người, trong cái đẹp dâng hiến của ngây thơ và sự giao hòa tự nhiên.

VÙNG ĐẤT PHÚC

Vùng Almenning với những truông hoang mở đầu Phúc lành của đất cũng như một câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Và đúng như vậy. Một ngày kia trên sườn đồi cao của Na Uy, người ta bắt gặp một người đàn ông cao lớn kì lạ, có thể mới từ khám ra, hoặc là triết gia theo kiểu Thoreau quanh quẩn trên đường; nhưng không ai ngờ đó cũng chính là kẻ sẽ làm nên một vùng lãnh thổ giàu có. Y là Isak, và chính những bước chân ấy sẽ làm nên một câu chuyện không có đoạn kết.

Cũng như những nhân vật khác, Knut Hamsun khắc họa Isak với tất cả tinh thần giao hòa, một người cảm nhận được rừng, yêu lao động cũng như cuộc sống. Y hướng về Chúa với một tấm lòng mộc mạc, y kính sợ tội lỗi, và biết mình cần gì. Từ việc lột vỏ bạch dương cho đến làm máng nước, bán đồ dùng… giờ đây y có từ sớm những con dê đầu tiên bằng cách trao đổi với thị trấn bên dưới, để sau đó lần lượt cừu, bò và những con thú, công cụ khác đến với điền trang.

Nhưng hẳn nhiên, y cũng thiếu một người phụ nữ. Một ngày kia - Inger, người phụ nữ sứt môi đến gặp y, và như kì vọng, người phụ nữ chính là phúc lành, là điều kì diệu. Knut Hamsun cho cả hai nhân vật của ông đều đau đớn và thiếu hoàn thiện theo một kiểu nào đó, để họ gắn liền với nhau và hợp thành hai nửa trọn vẹn. Ông không tuyệt đối hóa các cá tính, mà thay vào đó chú trọng vào đường khớp nối của sự hòa quyện, để độc giả thấy được cái mộc mạc giản đơn, cũng như những mô tả thực chất.

Tác phẩm Phúc lành của đất.

Từ khi có Inger, văn minh cũng dần dần du nhập vào căn nhà, với lược là, vải sợi, quần áo… và ti tỉ những thức khác. Isak giờ đây không còn thỏa mãn với thế giới của riêng mình, anh không còn có thể “tự huỷ hoại” chính mình bằng việc xây nhà một mình, khi sớm bị gắn chặt vào con cái, điền sản và khu rừng. Nếu Isak lo việc bán hàng đưa xuống làng để lấy thực phẩm, thì Inger lo việc làm pho mát từ sữa bò và dê cũng như khung cửi.

Những đứa con của họ lần lượt ra đời, cũng như là những phúc lành. Như một câu chuyện cổ tích dân gian, hai người con trai đầu ra đời đơn giản như thế, nhưng đến đứa thứ 3, một cô con gái mà rủi thay bị sứt môi ngay như chính mẹ mình, đã dẫn Inger đến hành động giết con. Cái hay của Knut Hamsun là trong bất cứ thứ tối tăm hay tàn bạo nào, ông cũng mang đến được một góc nhìn đầy hy vọng mà cũng nhẹ nhõm. Vì sao Inger bỏ đứa con đó, vì cô biết rằng giờ đây nó sẽ phải sống đời chịu nhiều đàm tiếu như mình đã từng.

Nhưng nếu cứ thế mà không có luật lệ, thì liệu con người có thực sự sống? Dĩ nhiên là không. Knut Hamsun từng bước mang văn minh vào trong câu chuyện, và đó là bản án 8 năm ngồi khám cho hành vi có thể thông cảm. Isak và Inger là những cư dân thiện lành. Họ e ngại chính sự đánh cắp, chưa nói chi là đến giết người. Isak ban đầu e ngại Inger ăn cắp con bò cái màu hung mà cô dẫn về, liền sau đó là cái chết không báo trước. Họ lành như mảnh đất mà họ cố gắng xây nên, và dẫu trong cái tối tăm nhất, Knut Hamsun cũng giảm nhẹ nó, để khơi gợi lên bản tính tốt đẹp của con người với cảm thông và những thay đổi.

VĂN MINH HIỆN DIỆN

Khi Sellanraa dần dần giàu có cũng là khi vị Geissler xuất hiện và mua lại vỉa đồng. Là người chịu trách nhiệm hành chính cho một khu rộng lớn, y sớm nhận ra tiềm năng của những vỉa khoáng chất này, và giúp Inger trong hành trình về lại tự do, để mua một phần lãnh thổ mà Isak sở hữu. Là người đơn giản, Isak đồng ý, nhưng liền sau đó, Geissler lại vẫn tiếp tục như một người hành hương kì lạ, lơ đãng ra đi rồi lại trở vềvới những quyết định không đi đến đâu như màn trả thù đời sống đã truất phế mình. Mối quan hệ giữa Geissler cùng Isak và Inger dễ thấy là có chủ đích, nhưng chính những lần trở về của vị quan chức nhà nước, Knut Hamsun cho người đọc thấy dù cho có ý định từ đầu, nhưng đó chỉ là mục đích phản pháo lớn hơn, không nhằm vào mối lợi cá nhân hay là cướp của của một người nào.

Khi mỏ đồng được phát hiện, nhà nước đòi tiền mua những khoảnh đất hoang; cũng là khi văn minh ùa vào. Giờ đây vùng đồi mà Isak đầu tiên đặt chân đến đã có khoảng mười hộ gia đình, cùng đó là những toán kỹ sư đến khai mỏ, làm việc và làm thay đổi một cách sâu sắc vùng đồi núi đó. Inger mang trong mình một cơn chán nản, khi cô trong thời gian ngồi khám đã biết rõ cái hiện đại thành thị, giờ phải về nhà và chui rúc ở nơi đồng không mông quạnh với các công việc không có hồi kết. Khi những anh chàng kĩ sư mang văn minh đến với vùng đất, cô cũng không ngại ùa mình vào họ, dẫu cho có nghĩa là phản bội người đàn ông của mình.

Văn minh làm thay đổi sâu sắc Inger, nhưng cũng là Eleseus - cậu con trai, người từ sớm được gửi vào thị trấn giúp việc như viên thư ký cho vị kỹ sư trưởng; làm nên một phe đối đầu với cái trung dung của Isak. Là kẻ lơ là, hời hợt; Isak không biết gì hơn là đứng nhìn vợ và con trai đầu dần dần xa mình. Anh yêu Inger bằng tình yêu thuần khiết, và cũng chỉ cần điều đó thì cô cũng đã tự biết quay đầu về nhà. Isak chấp nhận cho Eleseus những khoản tiền để mua bán, nhưng thất bại rồi sang Mỹ; từ đó có thể thấy được tấm lòng của một người cha trong sạch, bao dung và chưa khi nào ngừng yêu thương.

Xây dựng nhân vật Alex Strom cũng như một Isak thứ hai và Barbro như Inger tương tự; Knut Hamsun đặt cặp đôi trẻ vào câu chuyện cách quãng khi văn minh giờ đây đã chiếm ưu thế. Cũng là sự không hài lòng ở nơi đồng quê của người quan thành thị, cũng là bản án giết con… thế nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Alex không yêu Barbro thuần khiết như đất, nhiều lần anh ám chỉ mình cần cô chỉ như một người giúp việc, khiến mối quan hệ giữa họ một mặt nào đó không còn đẹp đẽ như phút giây ban đầu.

Nhà văn Na Uy Knut Hamsun. Nguồn Nobel Prize

Hành vi giết con của Barbro không mang lí do xác đáng, nhưng lại được bao bọc một cách hoàn hảo trong những tân tiến thời đại. Như lời biện minh ở tòa dành cho Barbro vì một đứa con vô thừa nhận: “Chính xã hội là kẻ có lỗi trong chuyện đó, lỗi của một xã hội vô hy vọng, nhẫn tâm, buôn bán chuyện tức giận, xấu xa và ích kỷ, luôn theo dõi để nghiền nát một người mẹ chưa kết hôn bằng mọi phương tiện trong quyền hành của nó”. Hành vi của Barbro như cô tự thừa nhận là lặp lại đến hai lần, và không hoàn toàn có một lí do xác đáng. Đó là khi con người đã nhiễm thói dửng dưng, không coi trọng sinh mạng và không còn tự dằn vặt bởi những ám ảnh tự mình gây ra.

Văn minh còn kéo theo Brede - tên nhu nhược, yếm thế, bất tài làm việc ở đường dây điện thoại, hay Aronsen - tên thương lái bán hàng ăn theo việc khai mỏ, bán những món hàng không cần thiêt cho những người lao động dẫu họ không cần đến, rồi bỏ quên mảnh đất mình đã bỏ tiền ra mua. Đó cũng là Eleseus với vẻ trưởng giả của những cây gậy, cái dù, mũ lông; hào phóng làm ăn thua lỗ rồi một đi không trở lại. Knut Hamsun đối với văn minh không đố kị hay ghen ghét, mà bằng một cách nhẹ nhàng thông qua các nhân vật, ông cho đời sống đó một phản ứng, là sự thất bại, bị coi thường và vô phương định trong một xã hội xoay chuyển càng khôn.

*

Phúc lành của đất là một tiểu thuyết trong sáng và đầy tươi trẻ một cách khó tin. Bằng hình tượng nhân vật giao hòa một cách hài hòa với thiên nhiên, Knut Hamsun đã nêu bật được bản chất của người thiện lành như một phúc lành của đất, cũng như những cuộc đấu tranh ngấm ngầm khi văn minh ùa vào. Ở đó con người có thể phạm tội, khinh suất; nhưng bằng suy nghĩ và những mối quan hệ đúng lối, giờ đây họ sẽ ở lại và thay vào đó bằng sự bền chặt. Knut Hamsun viết nên câu chuyện dẫu có bi kịch bằng sự giản dị, tinh khôi nhưng cũng đầy hi vọng. Ngòi bút của ông mang đến ánh sáng cho những vùng đất dù tối tâm nhất.

Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông viết “Hôm nay tiền tài và hạnh phúc đã trút xuống người tôi, nhưng còn thiếu một món quà, thứ quan trọng nhất trong tất cả, thứ duy nhất có ý nghĩa, món quà của tuổi trẻ”.Phúc lành của đất là một tuổi trẻ như thế, đẹp đẽ, trẻ con, giản dị và vô cùng trong sáng. Một giọng văn bừng nở trong đời sống ô tạp.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next