Truyện ngắn 'Mùa xuân' của Chekhov

Thứ Bảy, 23/04/2022 06:20

Anton Chekhov (1860 - 1904), như nhiều nhà văn Nga lỗi lạc thế kỉ XIX, mất sớm khi đang ở thời kì sáng tạo thăng hoa nhất. Tuy nhiên, với 25 năm cầm bút, ông đã có những đóng góp lớn lao cho tiến trình văn học Nga và văn học thế giới. Ông được coi là bậc thầy truyện ngắn. Viết về những câu chuyện hàng ngày, những con người bình thường trong xã hội, Chekhov muốn chuyển tới cho các thế hệ bạn đọc ở mọi nơi, mọi lúc, thông điệp về quyền hạnh phúc của con người, quyền được bảo vệ của môi trường thiên nhiên, môi trường văn hoá, tinh thần. Ông được tôn vinh là một trong những nhà nhân đạo, dân chủ lớn nhất mọi thời đại. Trong di sản truyện ngắn đồ sộ của ông, một trong những điều cuốn hút người đọc, đó là sự đa dạng đề tài. Sáng tác của ông là cả một thế giới những con người thuộc đầy đủ các thành phần xã hội và những vấn đề của họ. Trong cái thế giới mênh mông ấy ông dành một góc không hề nhỏ cho những bạn văn của mình. Là “người trong cuộc” ông cảm nhận sâu xa cái bản chất khó nắm bắt của sáng tạo và tính hai mặt của nó: vừa thiêng liêng cao quý lại vừa nhọc nhằn tủi nhục. Thiên truyện ngắn Mùa xuân là một trong vô số những truyện ngắn của Chekhov viết về cái “nghiệp” ấy.

********

Trên mặt đất tuyết còn chưa tan hết, mà mùa xuân như đã ở trong lòng. Nếu có lần nào đó bạn vừa thoát khỏi một căn bệnh hiểm nghèo, hẳn bạn cảm thấy rõ cái trạng thái khoan khoái, ngất ngây, lúc đó bạn lặng người bởi những dự cảm đang còn mờ mịt và thường mỉm cười vô nguyên cớ. Trạng thái ấy hiện giờ thiên nhiên đương trải qua. Mặt đất lạnh lẽo, bùn bẩn trộn lẫn tuyết lép nhép dưới chân, nhưng xung quanh tất cả mọi vật đều hoan hỉ, âu yếm, đón chào! Không khí trong trẻo và trong suốt tới mức, giá leo lên chuồng chim bồ câu hay lên gác chuông nhà thờ, thì có thể nhìn thấy cả thế gian, từ chân trời này tới chân trời khác. Mặt trời rực rỡ, những tia nắng của nó đùa cợt, nhảy nhót, dầm mình trong những vũng nước cùng với bầy chim sẻ. Con sông nhỏ phồng lên và sẫm lại; nó đã thức giấc, chỉ nay mai sẽ cất tiếng gầm gào. Cây cối trơ trụi, nhưng còn sống và đang thở. Vào thời gian này thật thú vị khi vớ lấy chiếc chổi hay cái xẻng mà khua xuống làn nước đục trong những con rạch, thả những chiếc thuyền giấy bé tí xuống nước, hay lấy gót giày giẫm vỡ lớp băng ngoan cố. Cũng thật là thú những lúc xua lũ bồ câu bay lên tít tầng mây, hay trèo lên cây buộc những hộp gỗ cho chim làm tổ. Vâng, tất cả đều rất thú vị vào quãng thời gian này, đặc biệt nếu bạn còn trẻ, yêu thiên nhiên, nếu như tính khí bạn không thất thường, bạn không bị mắc chứng loạn thần kinh, nếu như bạn không bị trói buộc vào công sở suốt từ sáng tới chiều. Thật chẳng may nếu bạn ốm o, sầu não ở chỗ làm việc, và nếu bạn đang giao du với nàng thơ.

Vâng, mùa xuân là mùa không nên giao du với nàng thơ.

Bạn thử nhìn mà xem, những người bình thường họ mới sảng khoái và vô tư làm sao. Cứ như lão làm vườn Pantelei Petrovich, dậy từ sớm tinh mơ, đầu đội chiếc mũ rơm rộng vành, không sao dứt được cái tẩu thuốc mà lão ngậm suốt từ sáng ở trên đường. Hãy nhìn kìa, lão đang đứng chống nạnh trước cửa sổ bếp, kể cho người đầu bếp nghe chiều qua lão đã mua được đôi ủng như thế nào. Toàn thể cái thân hình dài ngoằng và hẹp ngang mà vì thế lão được mệnh danh là “cây sậy”, toát lên sự hài lòng về phẩm giá của mình. Lão nhìn thiên nhiên với ý thức của kẻ bề trên, trong con mắt lão có vẻ gì đó như sự sai khiến, thậm chí coi thường, của một ông chủ, như thể ngồi trong nhà kính hay đào đất ngoài vườn lão đều biết rất rõ vương quốc thảo mộc là gì, điều không một ai có thể hiểu nổi.

Hoài hơi giải thích cho lão rằng thiên nhiên thật hùng vĩ, đầy những điều bí hiểm kì lạ và trước chúng con người kiêu hãnh chỉ biết cúi đầu. Lão tưởng rằng lão đã biết được hết mọi bí mật, mọi phép màu nhiệm, và mùa xuân đối với lão cũng chỉ như một nô tì, giống như mụ đàn bà gày gò, ngực lép, ngồi dưới nhà ngang, cạnh khu nhà kính, đang múc cho lũ con lão món canh suông.

Còn gã thợ săn Ivan Zkharov thì sao? Gã trai đó mình vận một chiếc áo khoác ngắn nhàu nát, chân trần sục trong ủng, ngồi trên chiếc thùng nhỏ bỏ đi bên cạnh chuồng ngựa, đang bện những cái nút từ đống dây điền điền cũ. Gã đang chuẩn bị đi săn. Trong đầu gã hiện lên con đường mà gã sẽ đi qua, cùng với tất cả những lối mòn, đầm lầy và những con suối; nhắm mắt lại gã nhìn thấy hàng cây cao vút, thẳng tắp mà gã sẽ đứng dưới đó, người run lên vì cái lạnh buổi chiều, với sự hồi hộp thích thú gã dỏng đôi tai thính nhạy, đánh hơi những tiếng động phát ra từ lũ chồn hôi; rồi gã nghe thấy tiếng ngân nga của tất cả những quả chuông trong dàn chuông của tu viện bên cạnh sau buổi lễ chiều, khi gã đang còn trong cuộc săn... Gã thấy dễ chịu quá, hạnh phúc quá, một niềm hạnh phúc vô biên, không sao hiểu nổi.

Minh họa: Tô Chiêm

Nhưng bây giờ xin hãy nhìn Makar Denisưch, một chàng trai trẻ đang giúp việc cho ông tướng Stremoukhov, không ra thư kí, cũng chẳng hẳn quản lí. Anh kiếm được gấp hai lần lão làm vườn, mang cổ sơ mi giả màu trắng, hút thuốc lá giá hai rúp, cơm đủ no, áo đủ mặc và khi gặp vị tướng bao giờ cũng được bắt đôi tay mũm mĩm trắng trẻo đeo chiếc nhẫn kim cương to tướng của ngài. Vậy mà anh mới bất hạnh làm sao! Anh thường kè kè bên mình vài ba quyển sách, bỏ ra những hai mươi lăm rúp để mua tạp chí tháng và lúc nào cũng thấy ngồi viết... Chiều chiều, sau bữa trưa, khi mọi người đã đi nghỉ là anh lại ngồi viết. Tất cả những gì viết được anh giấu trong một cái hòm. Dưới đáy hòm xếp những chiếc quần, chiếc gilê gấp cẩn thận, bên trên là bao thuốc chưa bóc, chục hộp nhỏ thuốc viên, một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ chót, một mẩu xà phòng mòn vẹt đựng trong chiếc hộp màu vàng và vô số những đồ lặt vặt khác. Ở góc hòm có một tập giấy viết quăn góc, hai ba cuốn tạp chí “Huyện chúng ta”, trong đó có vài truyện ngắn và mấy bài báo của Makar Denisưch.

Cả huyện gọi anh là nhà văn, nhà thơ. Tất cả mọi người đều nhìn thấy ở anh có cái gì đó đặc biệt. Họ không thích Makar, cho rằng anh ăn nói, đi đứng không giống ai, cả hút thuốc cũng vậy, còn bản thân anh thì có lần, trên một cuộc họp hàng tỉnh mà anh được mời dự với tư cách quan sát viên, đã lỡ lời khoe mình viết văn. Lúc đó mặt anh đỏ gay đỏ gắt, cứ như thể vừa ăn trộm gà.

Kia là văn nhân của chúng ta, mình vận áo khoác xanh, đầu đội mũ nhung, tay cầm một chiếc gậy trúc, đang lặng lẽ đi trên đường, đi được khoảng dăm bước lại dừng, mắt ngước nhìn trời, rồi nhìn một con quạ già đang đậu trên cây thông.

Lão làm vườn đứng chống nạnh, gã thợ săn mặt mũi nghiêm trang, còn Makar lưng còng xuống, ngượng nghịu cất tiếng ho, nhăn nhó nhìn như thể đang bị mùa xuân đè dúi xuống, làm cho nghẹt thở bởi làn hơi nước, bởi vẻ đẹp của nó... Trong lòng Makar tràn ngập nỗi rụt rè, e sợ. Thay vì sự ngưỡng mộ, niềm vui sướng, mùa xuân gây cho anh những ước muốn không rõ rệt, những hi vọng mờ mịt, làm cho anh hoảng sợ, chân bước mà không hiểu mình cần cái gì. Mà thật ra anh cần cái gì nhỉ?

- A, xin chào Makar Denisưch! - Bỗng anh nghe thấy giọng ông tướng Stremoukhov. - Sao, nhân viên bưu điện còn chưa tới à?

- Dạ, thưa chưa ạ. - Makar Denisưch trả lời, nhìn lên chiếc xe ngựa mà vị tướng khoẻ mạnh, vui vẻ ngồi trên đó cùng với cô con gái nhỏ.

- Thời tiết dễ chịu quá nhỉ! Mùa xuân thật sự rồi! - Vị tướng nói. - Anh đi dạo đấy à? Uống trà để lấy hứng chứ?

Nhưng mắt lão lại nói: “Đồ bất tài, tầm thường!”

- Cha mẹ ơi! - vị tướng kêu lên, tay giữ dây cương - Hôm nay lúc uống cafe tôi đọc được một cái truyện ngắn hay quá! Truyện cỏn con có hai trang thôi, nhưng mới tuyệt làm sao! Tiếc thật, anh không biết tiếng Pháp, chứ không tôi đã đưa anh đọc...

Vị tướng kể qua loa cho anh nghe nội dung cái truyện ngắn, còn Makar Denisưch nghe mà phát ngượng, cứ như thể anh có lỗi trong việc mình không phải là nhà văn Pháp nọ để viết những cái truyện con con.

“Không hiểu lão ta thấy hay ở chỗ nào nhỉ? - Anh nghĩ, mắt nhìn theo chiếc xe đang mất hút. - Nội dung thì dối trá, nhàm tẻ... Những truyện của mình còn hay hơn nhiều.”

Và trong người Makar như có con sâu bắt đầu gặm nhấm. Sự tự ái của tác giả - đó là nỗi đau, là sự hành hạ tâm hồn; ai đau nỗi đau đó, kẻ ấy không nghe thấy tiếng chim hót, không nhìn thấy những tia nắng mặt trời, không cảm nhận được mùa xuân… Hễ có ai đó động chạm chút xíu tới nỗi đau đó, lập tức cả người Makar rúm lại, như bị trúng độc. Chàng đi tiếp, qua cửa vườn, ra tới con đường bẩn thỉu. Tại đây ngài Bubensov đang vội vã đi đâu đó, toàn thân nảy chồm chồm trên chiếc xe ngựa cao.

- A, chào ngài văn sĩ! - Lão hét lên. - Chúng tôi xin kính chào ngài!

Giá như Makar Denisưch chỉ là một gã cạo giấy hay một tay quản lí bình thường, thì đã chẳng có ai dám nói với anh bằng một giọng chớt nhả, giễu cợt như vậy, đằng này anh lại là “văn sĩ”, lại “tầm thường”, “bất tài”!

Những người như Bubensov không hiểu tí gì về nghệ thuật và cũng chẳng mấy quan tâm tới nó, song mỗi khi có dịp gặp những người sáng tác tầm tầm, bất tài, là họ lập tức trở nên nhẫn tâm, không thương xót. Họ có thể tha thứ cho ai cũng được, nhưng không phải là Makar, một kẻ không may - lập dị có một cái hòm đựng tập bản thảo. Lão làm vườn làm gãy cả một cây si, làm chết biết bao loại thảo mộc, ông tướng chẳng làm gì, độc ăn bám người khác, ngài Bubensov, khi còn làm chánh án tại pháp viện, giải quyết công việc tháng có một lần và khi giải quyết việc thì nói năng lắp bắp, lẫn lộn các luật và đưa ra những phán quyết vớ vẩn, song tất cả những cái đó đều được thể tất, không một ai để ý. Nhưng không để ý và im lặng đi ngang qua kẻ bất tài Makar, người đã viết những bài thơ, những truyện ngắn không được hay, mà lại không nói một điều gì xúc phạm - là tuyệt đối không thể được. Chị vợ ông tướng tát con hầu, chửi bậy trên chiếu bạc như một mụ thợ giặt và không bao giờ trả tiền thua bạc, lão địa chủ Pliugin ăn cắp của lão địa chủ Sibobrazov con chó, thì chẳng một ai để ý, còn việc tờ “Huyện chúng ta” vừa rồi trả lại Makar một truyện ngắn tồi, thì cả tổng đều biết, làm đầu đề cho những lời gièm pha chế giễu, những chuyện ngồi lê đôi mách, thái độ công phẫn, và thậm chí người ta đã gọi Makar là cô Makarka.

Nếu ai đó viết không đạt, thì họ cũng chẳng thèm giải thích tại sao lại “không đạt”, mà chỉ nói một cách đơn giản:

- Đồ chó con ấy lại ói ra một truyện nhảm nhí!

Ý nghĩ mọi người không hiểu mình, không muốn và không thể hiểu, đã cản trở Makar tận hưởng mùa xuân. Không hiểu sao anh có cảm tưởng rằng nếu mọi người hiểu mình, thì mọi sự sẽ rất tuyệt vời. Nhưng làm sao họ có thể hiểu được anh có tài hay không, khi cả huyện chẳng ai đọc một cái gì, hoặc nếu có đọc, thì chẳng thà đừng đọc cho xong. Làm sao giải thích được cho ông tướng rằng cái truyện ngắn Pháp cỏn con ấy nào có ra gì, nó hời hợt, ấu trĩ, nhàm tẻ. Làm sao để lão hiểu rằng, ngoài mấy thứ vớ vẩn đó, chưa bao giờ lão chịu đọc một cái gì khác?

Cả đám phụ nữ cũng khiến Makar bực mình.

- Ôi, Makar Denisưch! - Họ nói với anh cứ như không. - Tiếc quá, hôm nay anh không có mặt ở chợ! Giá anh nhìn thấy hai gã đàn ông choảng nhau buồn cười như thế nào, nhất định anh sẽ tả lại được!

Tất nhiên, tất cả những cái đó thật nhỏ nhặt. Nếu là nhà triết học, hẳn ông ta đã coi thường, chẳng thèm để ý, nhưng Makar lại cảm thấy như ngồi trên đống lửa. Tâm hồn anh tràn ngập sự đơn độc, cô quả, một nỗi buồn khó tả, nỗi buồn chỉ những người thật cô đơn và những tội đồ thật lớn mới trải nghiệm được. Chưa bao giờ trong cả cuộc đời mình anh dám đứng chống nạnh như lão làm vườn lấy một lần. Chỉ có một lần, lâu lắm rồi, ước chừng năm năm trước đây, và không nhớ được là ở trong rừng, trên đường hay trong một toa tàu, anh có gặp một kẻ cũng không may mắn và lập dị như mình. Nhìn vào mắt kẻ đó bỗng nhiên anh thấy phấn chấn hẳn lên, và kẻ kia cũng vậy. Họ nói rất lâu, tranh luận với nhau, ngạc nhiên, thán phục, cười nói ha hả tới mức nhìn từ ngoài vào cứ tưởng họ là những thằng điên.

Nhưng thông thường, ngay cả những giây phút hiếm hoi đó cũng không tránh khỏi những điều tệ hại. Cứ như chuyện đùa, cả hai, Makar và kẻ không may mà anh gặp ấy, phủ nhận tài năng của nhau, không công nhận nhau, ghen tức, căm thù, cáu bẳn và chia tay nhau như những kẻ thù. Cứ như vậy tuổi thanh xuân của họ mòn mỏi, tan biến dần, chẳng có niềm vui, chẳng có tình yêu và tình bạn, chẳng có sự yên ổn tâm hồn và thiếu đi những thứ mà mỗi buổi chiều Makar rầu rĩ thường thích miêu tả trong những giây phút hứng khởi.

Mà cùng với tuổi trẻ là mùa xuân.

Đào Tuấn Ảnh dịch từ nguyên bản tiếng Nga

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)