'Bệnh trắng': Liều thuốc nào cứu rỗi con người?

Thứ Hai, 18/04/2022 11:11

“Đây không phải viễn tưởng, mà là hiện thực”, lời tựa tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi đã như gói trọn trong đó, tư tưởng xuyên suốt cả bước đường văn nghiệp của Karel Čapek. Từ vở kịch R.U.R đến tiểu thuyết Nhà máy chế tạo siêu nhiên; từ những truyện ngắn trong tập Hoa cúc xanh đến vở kịch ba hồi Bệnh trắng đều như chứa đựng trong đó không chỉ tư tưởng thời đại mà còn cả sự nhạy cảm của một tác gia có thể “dự báo” tương lai qua những biến động lịch sử thăng trầm.

BỆNH DỊCH LẠ

“Chúng ta hãy giả thiết là trên thế giới bùng nổ một dịch bệnh mới lạ và nó đang lan truyền rất nhanh.” Và giả thiết xuất hiện trong ghi chép đấy của Karel Čapek, đã thực sự được ông hiện hình hóa vào vở kịch ba hồi có tên Bệnh trắng, tựa kịch cũng chính là tên đại dịch khiến cả thế giới chao đảo ở tác phẩm Karel Čapek viết vào năm 1937 này.

Không gian kịch mở ra, một bối cảnh giả tưởng, nơi cảnh thứ nhất, có ba bệnh nhân đối thoại với nhau, về căn bệnh họ cùng mắc phải: Bệnh Treng - Bệnh trắng. Thứ bệnh truyền nhiễm ban đầu chỉ là những vệt trắng xuất hiện trên cơ thể, rồi vệt trắng nhanh chóng lan khắp khiến người bệnh tróc từng mảng da thịt cho đến chết. Thứ bệnh được giới chuyên môn còn nhận định căn bệnh đấy còn đáng sợ hơn cả dịch hạch hay bệnh hủi. Bởi, người ta còn quá xa lạ về nó. Điều duy nhất họ biết chỉ là triệu chứng lẫn giả thuyết về độ tuổi mắc bệnh nhưng nguyên nhân, nguồn lây bệnh khởi phát từ đâu không ai rõ. Vì thế, chẳng ai có cách, làm thế nào để chữa trị căn bệnh này.

Và bệnh trắng cứ thế lây lan, trở thành bệnh dịch rồi đại dịch lan tràn khắp nơi chốn, khiến bất cứ ai mắc bệnh như cầm chắc cái chết. Cái chết đau đớn bởi bệnh tật trong địa ngục những phòng bệnh cách li nồng đượm mùi tử khí của da thịt tróc lở từ những con người đợi chờ tử thần.

Bệnh trắng do Tao Đàn ấn hành.

Bệnh trắng xuất hiện đột ngột, cướp đoạt sinh mạng, gây nên bao mối hoang mang đồng thời đẩy người ta tới bờ vực của sự bi quan, tuyệt vọng vì một kẻ thù vô hình. Và bởi, bệnh trắng có thể đến, đánh gục bất cứ ai trong độ tuổi trung niên, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, địa vị, sang hèn... Cơn bão bệnh tật càn quét, đánh trực diện vào sinh mệnh, khơi dậy hàng loạt mâu thuẫn, lẫn khát vọng mong manh nhất mà một người đối diện với tử sinh mới thật sự thấu hiểu.

Rằng đấy là sự đối chọi thế hệ giữa một bên là lớp người trẻ nhiệt huyết khao khát thể hiện song sự nhiệt huyết đó lại dễ hóa thành cuồng tín, mất lí trí giữa cuộn xoáy cuộc đời. Rằng trong bệnh dịch, sự nhỏ nhen, ti tiện, ích kỉ lại càng thể hiện rõ nét ở bóng hình những kẻ, thân mang trách nhiệm nhưng lại trục lợi danh trên thân xác các cá nhân đang rên xiết từng ngày chờ đợi bản án tử vô hình. Và rằng, con người quá sức yếu đuối dù người đó đứng ở vị trí nào trong tòa tháp địa vị xã hội. Nên đối diện sinh - tử, người ta vẫn chọn níu lấy sợi dây sinh mạng mỏng manh.

Bệnh trắng, vở kịch ba hồi của Karel Čapek về một căn bệnh giả tưởng nhưng cũng là sự giải thiêng đặc sắc của riêng ông về hai tiếng “Chúa trời.” Khi đặt con người vào mối hoài nghi, rằng giữa đại dịch, diệt vong, Chúa ở đâu? Hay, chính Chúa tạo nên bệnh dịch để “trừng phạt”, thanh lọc tạo vật Chúa đã tạo ra như cơn Đại hồng thủy xưa kia? Hay, vốn chẳng có Chúa trời tồn tại, mà bản thân con người đang hủy diệt lẫn nhau bằng chiến tranh, bằng những thứ vũ khí hủy diệt ẩn mình dưới cái danh “Bệnh trắng.”

Và bệnh dịch, trên những trang viết của Karel Čapek, trở thành một chất xúc tác cho ông bóc trần mặt tăm tối trong xã hội lẫn nội tâm con người những năm 30 của thế kỉ XX. Khi tiếng súng của Thế chiến thứ Nhất lắng xuống chưa lâu, thế giới đã phải đối diện với sự bành trướng từ chủ nghĩa phát xít cùng mồi lửa Thế chiến thứ Hai đang châm ngòi.

GIẢI CỨU VÀ XUNG ĐỘT

Giữa bối cảnh Bệnh trắng hoành hành mà không ai biết cách thức điều trị ngoài việc cách li người bệnh với thế giới “ngoài kia”, thì xuất hiện một vị bác sĩ - bác sĩ Galén, người nắm trong tay công thức điều chế thuốc đặc trị Bệnh trắng.

Từ bác sĩ Galén, một loạt xung đột xung quanh ông đã đẩy nút thắt vở kịch lên đến cao trào. Khi con người ấy chỉ chấp nhận chữa bệnh cho người nghèo, từ chối công khai công thức thuốc điều trị đồng thời dùng “thuốc”, như một sự trao đổi đồng giá cho việc chấm dứt chạy đua vũ trang, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở đất nước ông nói riêng, trên thế giới nói chung. Con người này, bị gán cái danh “vô trách nhiệm”, “thằng điên”, “gã cuồng tín”, bị gán tội “phản quốc” và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe chủ chiến thân ngài Nguyên soái, kẻ điều hành, phát động chiến tranh, được tôn thờ như một tượng đài của sự bất khả chiến bại.

Nhưng trước bão táp lịch sử, chính bác sĩ Galén lại là người tỉnh táo hơn hết thảy giữa một xã hội chao đảo trong cơn men say cuồng chiến. Con người đó, có thể không hoàn toàn làm trọn bồn phận một người thầy thuốc bởi ông chỉ chấp nhận chữa bệnh cho một nhóm đối tượng cụ thể. Nhưng không thể nói, bác sĩ Galén thiếu y đức. Mà hẳn vì quá trân trọng sinh mệnh con người nên ông chấp nhận đánh cược, cho sự sống của loài người: “... và trở thành người chết. Ngài biết không, trong chiến tranh, tôi nhìn thấy người chết nhiều hơn.”

Bác sĩ Galén sáng suốt, giàu lòng nhân ái mà cũng yếu đuối và hết sức cô độc. Vũ khí duy nhất ông có, là liều thuốc chữa Bệnh trắng, nhưng giữa một thời đại chiến tranh cuốn trôi nhận thức, nhân tình lẫn lí tính người đời, một bác sĩ Galén bỗng trở nên đầy chơ vơ, lạc lõng. Và sự diệt vong đến với ông, tựa sự nhấn chìm, diệt vong của một phần “thiểu số” bị cách li trong xã hội.

Bởi thế, xung đột trong vở kịch Bệnh trắng, đâu chỉ là chiến tranh trên trang viết, chiến tranh của một “thế giới của trang bị vũ khí ráo riết, một thế giới bấp bênh giữa chiến tranh và hòa bình, bị đe dọa bằng chất nổ của những nước muốn đạt thành công, muốn bành trướng và thống trị các nước khác.” Mà hơn cả, đấy còn là những xung đột mang tính cá nhân, hệ tư tưởng, rộng hơn là xung đột giữa quốc gia, dân tộc với sự tồn vong thế giới.

Vì vậy, “xung đột” ở Bệnh trắng nên được hiểu theo nghĩa rộng. Cả chiến tranh ngoại biên lẫn cuộc nội chiến vẫn tồn tại tựa đốm lửa trong lòng xã hội. Và cuộc chiến thuộc về nội tâm, bản ngã con người giữa một thời đại chứa đựng tầng tầng mâu thuẫn mà chỉ cần một tàn lửa, cũng đủ cháy bùng lên thiêu rụi hai tiếng “hòa bình” cũng mong manh, như sinh mệnh con người đối diện với Bệnh trắng vậy.

LIỀU THUỐC NÀO CỨU RỖI?

Bằng ngôn ngữ kịch vừa sắc lạnh vừa thống thiết cùng nhiều câu thoại đã tiến gần tới thể loại kịch phi lí, Bệnh trắng thực sự là lời cảnh tỉnh của Karel Čapek tới nhân loại, không chỉ trong những năm 30 của thế kỉ XX, mà còn là cả tiếng đồng vọng về thời hiện đại. Người ta đối thoại mà như độc thoại vì không thể tìm được tiếng nói chung giữa những con người khác biệt quan điểm, tư tưởng, tín ngưỡng; hay lời đối thoại lại chỉ là tiếng vọng vào hư vô của cá nhân bất lực.

Nhà văn Kerel Karel Čapek.

Khi thế giới hôm nay, đã hứng chịu những đại dịch kinh hoàng để rồi bệnh dịch qua đi, cũng là lúc bao sự thật bị bóc trần khiến người ta, càng thêm hoài nghi vào con người, cuộc đời cùng sự đổ vỡ niềm tin như tín ngưỡng họ đã gửi trao. Và một thế giới hôm nay, từ sau năm 1937 vở kịch Bệnh trắng được công diễn, vẫn chưa ngơi tiếng bom rơi, đạn lạc, người ta vẫn không ngừng “giết nhau”. Hai chữ “hòa bình” bác sĩ Galén hướng đến, sao vẫn quá đỗi xa vời.

Vậy, giữa một thực tại có phần u buồn tựa hồi kết Bệnh trắng nhuốm màu bi quan chủ nghĩa của Karel Čapek, thì đâu là liều thuốc cứu rỗi con người? Trong khi chính bản thân tác giả, đã phải thốt lên: “Hãy coi chừng những kẻ mà lòng nhân đạo đã muốn cứu vớt! Hãy coi chừng cái đám đông mà ý chí giành quyền lực muốn dẫn dắt lên đài quang vinh. [...] Cho dù cuộc chiến tranh - sự kiện khép lại Bệnh trắng trong tiếng gầm thét - kết thúc thế nào, có một điều chắc chắn là trong nỗi đau khổ của mình, Con Người đã không cứu vớt.”

Có lẽ, vẫn chỉ là lòng nhân đạo và sự hi vọng, tin tưởng vào chữ nhân mà thôi. Như cách, bác sĩ Galén đã kiên định với niềm tin có phần ngây thơ của ông về con người cùng một nền “hòa bình” cho đến tận lúc ông từ giã cõi đời. Và vẫn còn người tin tưởng hành động, thì “nhân ái” sẽ còn mãi, trở thành liều thuốc cứu rỗi con người khỏi đau thương thể xác lẫn tinh thần, sau tất thảy nhất thời cuồng hoan đời người.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)