Martin Amis qua đời ở tuổi 73

Thứ Ba, 23/05/2023 06:58

Qua những cuốn sách như Money (tựa Việt: Tiền - Thư tuyệt mệnh) và The Information (tạm dịch: Thông tin), Amis đã tạo ra “một phong cách viết thiên về sang trọng để mô tả những thứ thấp kém,” như cách mà ông mô tả về bản thân mình. Ông được biết đến nhiều hơn với tư cách một nhà phê bình. Ông vừa qua đời hôm 19/5 do ung thư thực quản.

Một đời xê dịch

Nhà văn Martin Amis (1949-2023).

Martin Louis Amis sinh ngày 25 tháng 8 năm 1949 tại Oxford, Anh. Ông có một người anh trai, Philip, và một em gái, Sally, mất năm 2000. Mẹ ông là Hilary A. Bardwell, con gái của một công chức trong Bộ Nông nghiệp Anh.

Amis đã theo học hơn một chục ngôi trường trong những năm 1950 và 1960 do cha của ông, Kingsley Amis - cũng là một tiểu thuyết gia, thường xuyên tham dự các chuyến booktour với cuốn tiểu thuyết Lucky Jim (tạm dịch: Jim may mắn) thành công của mình. Nói về điều này Amis cũng từng thừa nhận bởi nhu cầu được kết bạn mới một cách liên tục đã giúp cho ông trở nên hài hước. Gia đình Amis đã dành một năm ở Princeton, New Jersey, và chính nơi tạm trú này đã đưa Martin đến với nước Mĩ ở cuối đời mình.

Chịu nhiều tổn thương bởi cuộc li hôn của bố và mẹ diễn ra lúc ông 12 tuổi, vào giai đoạn đó, Amis chủ yếu đọc truyện tranh và “khá mù chữ”. Năm 17 tuổi, mẹ kế của ông - tiểu thuyết gia Elizabeth Jane Howard đã thúc giục ông đọc Jane Austen. Từ khởi đầu đó, ông cố gắng học để được vào Đại học Exeter ở Oxford, nơi ông tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc môn tiếng Anh vào năm 1971.

Sau khi rời Oxford, Amis đã đảm nhận một loạt công việc báo chí và văn học ở London. Ông trở thành trợ lí biên tập cho tờ The Times Literary Supplement vào năm 1972, và 2 năm sau đó là biên tập viên mảng thơ và tiểu thuyết của tờ báo này. Năm 1975, ông gia nhập ban biên tập của tạp chí The New Statesman và chỉ trong vòng một năm sau đó, thì ông đã là biên tập viên văn học ở tuổi 27.

Amis đã viết cuốn sách đầu tiên The Rachel Papers (tựa Việt: Hồ sơ Rachel) xuất bản ở Anh năm 1973, vào các buổi tối và dịp cuối tuần. Ông tự đặt ra hạn định một năm để hoàn thành nó. Ông nói nếu nó không thành công thì ông có nhiều khả năng sẽ cân nhắc thêm học viết sáng tạo.

Hồ sơ Rachel là một cuốn bán tự truyện và là một trong những cuốn truyền thống nhất của ông về mặt hình thức. Nó kể về một thanh niên thông minh, hay mỉa mai, bị ám ảnh bởi tình dục và bạn gái mình trong khi ôn thi đại học. Chính chất văn xuôi trong tác phẩm này đã giúp Amis trở thành một nhà văn trẻ người Anh quan trọng và đã giành được Giải thưởng Somerset Maugham dành cho các nhà văn dưới 30 tuổi. Tuy vậy nó kém thành công ở thị trường Mĩ.

Sau cuốn đầu tiên, Amis tiếp tục với cuốn Dead Babies (tạm dịch: Những đứa trẻ đã chết, 1976), một cuốn hài đen về việc sử dụng ma túy và tình dục giữa một nhóm thanh niên sống trong ngôi nhà nông thôn vào dịp cuối tuần, và Success (tạm dịch: Thành công) được xuất bản trên tạp chí Anh năm 1978, châm biếm về sự ganh đua giữa các anh chị em trong một gia đình với các xuất thân về mặt xã hội là trái ngược nhau.

Tiểu thuyết của Amis ngay lập tức tìm được độc giả ở Anh, trong khi ở Mĩ thì vẫn chậm hơn một nhịp. Success mãi đến năm 1987 mới tìm được nhà xuất bản ở đất nước này. Và có một thực tế là nhiều người Mĩ lần đầu tiên nghe đến cái tên Martin Amis lại là thông qua một vụ bê bối đạo văn.

Năm 1980, Amis cáo buộc Jacob Epstein - con trai của Barbara Epstein, người sáng lập tờ The New York Review of Books - đã lấy nhiều đoạn trong cuốn Hồ sơ Rachel và đưa chúng vào tiểu thuyết của mình. Amis đã phát biểu rằng: “Epstein không bị ảnh hưởng bởi sách của tôi, mà là để nó cạnh bên chiếc máy đánh chữ của mình.” Epstein sau đó đã thừa nhận rằng mình có sao chép cũng như xin lỗi Amis.

Năm 1984, Amis xuất bản Tiền – Thư tuyệt mệnh và được tạp chí Time đưa vào danh sách “100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ ​​năm 1923 đến nay”. Tác phẩm hư cấu này được tường thuật lại bởi John Self - giám đốc của một công ti quảng cáo bị vướng vào một dự án phim. Bản thân là một kẻ say rượu và theo chủ nghĩa khoái lạc, anh là một người quan sát cuộc sống theo kiểu khắc nghiệt. Trong một khuynh hướng có tính tự thuật, Amis cũng đưa mình vào tác phẩm với tư cách là một trong những người bạn tâm giao của Self.

Hơn một thập kỉ sau đó là những tiểu thuyết liên tục thành công và được giới phê bình đánh giá khá cao. Có thể kể đến London Fields (tạm dịch: Những cánh đồng London) lấy bối cảnh những lo ngại về ngày tận thế liên quan đến khí hậu đang đến gần, hay Time's Arrow (tạm dịch: Mũi tên thời gian, 1991) kể về một vị bác sĩ người Mĩ làm việc trong bộ phận y tế của trại tập trung Auschwitz. Ngoài ra cũng phải kể đến The Information (1995), xoay quanh hai người bạn thân, đều là nhà văn, trở thành đối thủ sau khi một người trở nên nổi tiếng.

Đánh giá về tiểu thuyết này, Michiko Kakutani trên tờ The Times đã viết rằng tất cả các chủ đề và thử nghiệm phong cách trong tiểu thuyết trước đó của Amis đều được kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong tác phẩm này.” Trên tờ The Washington Post, Jonathan Yardley đã gọi Amis là “độc nhất vô nhị, đơn giản là không một ai giống với ông ấy.”

Bìa cuốn The Information

Trong các phê bình và bài tiểu luận của The War Against Cliché (tạm dịch: Cuộc chiến chống sáo rỗng, 2001), ông cũng cho thấy chính bản thân mình là một trong những nhà phê bình văn học thông minh và quyết liệt nhất trong thời đại mình. Các bài đánh giá của ông chính là một phần quan trọng tạo nên danh tiếng cho nam nhà văn.

Giai đoạn chìm nổi

Thời kì sau năm 2000 bên cạnh những cuốn tiểu thuyết không còn được đánh giá cao như trước đó, thì Amis cũng có những rất nhiều tác phẩm xoay quanh đề tài chính trị, xoáy sâu vào nhiều đế chế tàn bạo từ cổ chí kim, như Đệ tam đế chế, Khủng bố Hồi giáo và Liên Xô cũ…

Amis cùng người vợ thứ hai sau đó chuyển đến Brooklyn vào năm 2011. Tại đây, ông thấy rất vui khi thoát khỏi cái mà mình tự gọi là “sự thù địch trên đường” của báo chí Anh Quốc. Ông gần như trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Brooklyn, thường được nhìn thấy khi dắt các cháu đến trường. Không còn là người “mới nổi”, Amis trở thành nhân vật quan trọng đã truyền cảm hứng cho một thế hệ nhà văn trẻ hơn, bao gồm cả Zadie Smith cũng như Will Self.

Khi về già, ông ngừng chơi quần vợt, môn thể thao mà ông đã chơi hàng ngày cũng như viết lách về nó. Ông cũng gần như ngừng viết phê bình. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tớ The Independent: “Xúc phạm người khác ở trên báo chí là một tật xấu của thời tuổi trẻ. Xúc phạm những người đã ở độ tuổi trung niên là không đàng hoàng, và bạn sẽ trông như là mất trí khi mình già đi mà vẫn tiếp tục làm những chuyện đó.”

Tuy vậy ông chưa bao giờ giành được giải thưởng Booker, mặc dù nhiều tiểu thuyết gia chơi thân với ông gồm có Ian McEwan, Salman Rushdie và Julian Barnes - đã giành được nó. Có một thực tế là Amis đã lọt vào trong danh sách rút gọn của giải thưởng này vào năm 1991 cho Time’s Arrow và năm 2003 cho Yellow Dog; cũng như từng rất nhiều lần đã được đồn đoán sẽ là chủ nhân tiếp theo của giải Nobel Văn chương.

Cái chết từ lâu đã là một chủ điểm chính trong tác phẩm của Amis. Trong The Information, ông đã từng viết: “Mỗi buổi sáng, chúng ta để lại nhiều thứ hơn trên giường của mình: sự chắc chắn, sức sống và cả những mối tình đẹp ở trong quá khứ. Đó còn là tóc và da: những tế bào chết. Những mảnh vụn này dù sao cũng đi trước ta hơn hẳn một bước, tự sắp xếp mình một cách hài hước để tái gia nhập lại sự hồi sinh.”

Ông cũng có thể đã nói về mình trong cuốn sách đó khi viết về một trong những tác giả mâu thuẫn với người còn lại: “Anh ta không muốn đơn thuần là làm hài lòng độc giả. Anh ấy muốn kéo căng hết tất cả giới hạn, chỉ cho đến khi chúng đến cực đại.”

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo The New York Times.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)