Chúng ta thường được nghe về những giấc mơ đi đến một vùng đất tự do, giàu có. Đó là giấc mơ Mĩ. Vậy nhưng ở một trong những đất nước giàu có nhất trái đất này, lại tồn tại một vấn đề lớn và nhức nhối: gần 38 triệu người Mĩ sống trong cảnh nghèo đói (tính theo một nghiên cứu về tỉ lệ đói nghèo của các quốc gia OECD, vào năm 2021), ngay cả con số đó được tính bằng một thước đo lỗi thời có lẽ không tính hết số gia đình đang gặp khó khăn. Bài viết này tổng hợp 10 cuốn sách viết về đói nghèo thể hiện một sự thật nghiệt ngã về xã hội Mĩ không chỉ là vùng đất hứa mà người ta trông đợi.
1. The Other America: Poverty in the United States (tạm dịch: Một nước Mĩ khác: Đói nghèo ở nước Mĩ) của Michael Harrington
Cuốn sách của Michael Harrington.
Xuất bản lần đầu năm 1962, cuốn sách này đưa ra một cái nhìn bao quát, mang tính cấu trúc về tình trạng nghèo đói vẫn tồn tại ở Hoa Kì bất chấp những năm bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Harrington đã khám phá các nhà máy, trang trại và lều trại trên núi để phát hiện có bao nhiêu người bị bỏ lại phía sau. Trong vòng vài năm, Tổng thống Lyndon B Johnson sẽ bắt đầu triển khai chương trình nghị sự về xã hội vĩ đại của mình để chống lại tình trạng cơ cực mà Harrington đã viết.
2. Caste: The Origins of Our Discontents (tạm dịch: Đẳng cấp: Nguồn gốc của những bất mãn của chúng ta) của Isabel Wilkerson
Cuốn sách thể hiện sinh động và sâu sắc về sự phân tầng chủng tộc ở Hoa Kì và tình trạng nghèo đói của đất nước này. Sách giải thích cách Hoa Kì được thành lập một cách rõ ràng như một hệ thống phân biệt chủng tộc và những nô lệ cùng thế hệ tiếp nối tiếp tục bị phân tầng ở dưới cùng của hệ thống phân cấp kinh tế và xã hội cũng như cách mà hệ thống đẳng cấp này được duy trì.
3. Evicted: Poverty and Profit in the American City (Tạm dịch: Bị trục xuất: Đói nghèo và lợi nhuận ở thành phố nước Mĩ)
Sách Evicted: Poverty and Profit in the American City và tác giả Matthew Desmond.
Qua cuốn sách mà Matthew Desmond viết về những gia đình ở khu dân cư nghèo Milwaukee, người đọc sẽ có được cái nhìn thoáng qua về sự khó khăn, cực khổ của những gia đình có thu nhập thấp ở đất nước này phải vật lộn thế nào để giữ lấy mái nhà cho họ. Nhà là một nhu cầu cơ bản của con người. Nhiều gia đình ở Mĩ hiện nay không thể tin tưởng hoàn toàn về một hệ thống trao quyền cho chủ nhà và các gia đình thu nhập thấp luôn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn bị trục xuất. Với tư cách là một nhà xã hội học, cuốn sách của Desmond là đột phá. Cuốn sách mới nhất của ông Poverty, by America, đã đề cập tới những thế lực lớn hơn đã làm cho rất nhiều người ở Mĩ trở nên khốn khổ.
4. Dying of Whiteness: How the Politics of Racial Resentment Is Killing America's Heartland (tạm dịch: Cái chết trong trắng: Sự oán hận chủng tộc đang giết chết trái tim nước Mĩ như thế nào) của Jonathan M Metzl
Một bác sĩ tâm thần tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, Metzl giải thích cách thức và lí do tại sao nhiều người nghèo ủng hộ các chính trị gia hứa sẽ cắt giảm các chương trình có thể giúp ích họ trong khi vẫn kiên trì với những người làm tổn thương họ. Những vấn đề khác nhau, từ bạo lực súng đạn đến việc thiếu chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đó là câu chuyện có thật về những người bỏ phiếu chống lại lợi ích của chính họ.
Nhà báo Sander Vanocur phỏng vấn Floyd McKissick, lãnh đạo của Đại hội Bình đẳng chủng tộc, tại một khu dân cư da đen ở Baltimore, Maryland năm 1967. Ảnh: NBC/NBCU Photo Bank/Getty Images
5. The Sum of Us: What Racism Costs Everyone and How We Can Prosper Together (tạm dịch: Sự trả giá của phân biệt chủng tộc và cách con người cùng chung tay làm nên sự thịnh vượng) của Heather McGhee
Tương tự như vậy, câu chuyện của McGhee kể về cách các chính trị gia lợi dụng sự phân biệt chủng tộc ở Mĩ để giành quyền lực và điều đó gây nên những tổn hại cho con người như thế nào. Trong sách này, có dẫn một ví dụ nhỏ, đó là các thị trấn ở Mĩ hút cạn những bể bơi công cộng trong thời kì dân quyền. Vì sao người dân lại chọn triệt tiêu những lợi ích công cộng thay vì chia sẻ với nhau?
6. The Grapes of Wrath (Chùm nho uất hận) của John Steinbeck
Bối cảnh hiện thực và nguyên nhân sáng tác Chùm nho uất hận bắt nguồn từ cuối thập niên 20 đến thập niên 30 khi nền kinh tế Mĩ lâm vào khủng hoảng cùng với sự thất nghiệp hàng loạt của công nhân thành thị, công nhân đồn điền và sự khó khăn trong cuộc sống của họ. Mùa thu 1937, John Steinbeck theo bước chân di cư của những người nông dân bang Oklahoma lưu lạc đến California, tận mắt chứng kiến nỗi gian nan khốn khổ của người dân khi bị ép buộc phải rời bỏ quê hương, đã đồng cảm và xúc động sâu xa sáng tác nên thiên truyện nổi tiếng Chùm nho uất hận mà ngay từ khi ra đời đã thu hút một lượng độc giả đông đảo. Với tác phẩm này, Steinbeck đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940. Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel Văn học, mà Chùm nho uất hận là sáng tác chính của Steinbeck được Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra như một trong những lí do trao giải: sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội, ở mức độ lớn là gắn với tác phẩm này.
7. A Tree Grows in Brooklyn (Một cây mọc ở Brooklyn) của Betty Smith
Bìa cuốn sách của Betty Smith.
Cao vút và đẹp đẽ, tác phẩm kinh điển của Smith kể về thời thơ ấu của người Mĩ vào đầu thế kỉ 20 đã không mất đi tính liên quan của nó. Câu chuyện tập trung vào Francie Nolan, đứa con của những người Ireland nhập cư, với những miêu tả sống động về trải nghiệm nhập cư của gia đình cô: đói nghèo, nghiện rượu và những thực tế tàn bạo khác của cuộc sống dân nhập cư vào New York.
8. Random Family: Love, Drugs, Trouble, and Coming of Age (tạm dịch: Gia đình ngẫu nhiên: Tình yêu, Ma túy, Rắc rối và Tuổi trưởng thành) của Adrian Nicole LeBlanc
Trong cuốn sách bán chạy phi thường của mình, Adrian Nicole LeBlanc khiến độc giả đắm chìm trong những điều phức tạp của khu ổ chuột, tiết lộ những câu chuyện cổ tích thực sự ẩn giấu đằng sau những tiêu đề về sự hào nhoáng của dân giang hồ, những kẻ buôn bán ma túy ngập trong vàng và gốc phố xã hội. Tập trung vào hai mối tình lãng mạn, sự mê đắm của Jessica với một tay buôn ma túy trẻ tuổi thành công, Boy George, và mối tình đầu của Coco với em trai của Jessica, Cesar. Đây là câu chuyện về những người trẻ cố gắng vượt qua số phận của họ. Jessica và Boy George thực hiện cuộc phiêu lưu hoang dã giữa giàu có và nghèo khó, trong khi Coco và Cesar bám vào đời sống đô thị, cả bốn người bị cuốn vào một vũ điệu bấp bênh giữa sự sống còn và cái chết, sự truy lùng của pháp luật, đối chọi với tình trạng vô gia cư, sự phản bội, sự chia cắt đau lòng, nghèo đói cùng cực…
9. There There của Tommy Orange
Bìa cuốn sách của Tommy Orange.
There There, sát nghĩa gốc, là "đây, đó". Nhưng trong một bài phỏng vấn trên Thời báo New York, Tommy Orange đã chia sẻ, anh lấy cảm hứng từ câu "There is no there there" của nhà văn Gertrude Stein khi nói về vùng đất Oakland thuộc California, Mĩ. "There is no there there" - có thể hiểu là "vùng đất đó ở khắp mọi nơi và cũng không ở nơi nào". Tại Việt Nam, sách được chuyển ngữ bởi Thu Hà và mang tựa Không nhà. Một cuộc tha hương ngay trên quê mẹ của những người con Indians. Lịch sử bi tráng của người Indians, vẻ đẹp của người Indians, nỗi buồn người Indians... quả đúng như đánh giá trên Thời báo New York, cuốn tiểu thuyết là "... Áng sử thi của người Mĩ bản địa thế hệ mới".
10. The Boy Kings of Texas của Domingo Martinez
Cuốn hồi kí của Domingo Martinez Martinez kể về gia đình người Mĩ gốc Mexico của ông tại một thành phố biên giới Texas vào những năm 1980 thật đẹp và buồn. Đó là một câu chuyện cá nhân về những thách thức cụ thể mà trẻ em sống trong cảnh nghèo khó phải đối mặt, cách các gia đình nhập cư ở các bang miền nam đấu tranh để trở thành người Mĩ và điều đó đôi khi có thể mang ý nghĩa gì.
BÌNH NGUYÊN dịch
VNQD