Tuần vừa qua có nhiều sự kiện đáng chú ý, một trong số đó là việc tổ chức thành công Tuần lễ Tự do ngôn luận của Đức, hướng đến kỉ niệm 90 năm sự kiện đốt sách của Đức Quốc xã. Ngoài ra tiểu thuyết nổi danh của Mĩ Latin – Pedro Páramo cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh…
Phim chuyển thể Pedro Páramo về tay Netflix
Bộ phim nói tiếng Tây Ban Nha chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Pedro Páramo năm 1958 của Juan Rulfo vừa có những cảnh bấm máy đầu tiên.
Dự án lần này sẽ được đạo diễn bởi Rodrigo Prieto, và là tác phẩm đầu tay của ông. Nội dung kể về một chàng thanh niên hứa với mẹ mình đang trên giường bệnh rằng anh sẽ đến Comala để gặp người cha phóng đãng của mình, và rồi không ngờ tìm thấy cả một thị trấn chỉ toàn là ma.
Dự án lần này có sự tham gia của những diễn viên nổi tiếng như Manuel García-Rulfo – người từng gây sốt với màn thể hiện trong series phim Luật sư Lincoln cũng của Netflix. Ngoài ra thì Tenoch Huerta, người có kinh nghiệm diễn xuất trong Black Panther: Wakanda Forever cũng sẽ thủ vai con trai của Páramo, Juan Preciado.
Mặc dù chỉ bán được vài nghìn bản trong 4 năm đầu sau khi phát hành, thế nhưng Pedro Páramo sau đó cũng đã nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm văn học Mĩ Latin nổi tiếng nhất thế kỉ 20, cũng như có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn lớn khác. Gabriel García Márquez đã từng chia sẻ tác phẩm này đã “làm thay đổi cả cuộc đời” ông vào năm 1961 với việc giải phóng tâm trí, từ đó tạo nguồn cảm hứng để viết nên Trăm năm cô đơn. Jose Luis Borges thì cũng nhận định đây là một trong những tác phẩm hư cấu vĩ đại nhất được viết bằng bất kì ngôn ngữ nào.
Dù vậy Rulfo qua đời mà không xuất bản thêm cuốn tiểu thuyết nào khác, nhưng ông đã sống đủ lâu để thấy tác phẩm của mình được coi là một kiệt tác, bán được tận 1 triệu bản chỉ riêng ở Mĩ và rồi trở thành văn bản nền tảng của cả một phong trào văn học, dù trên thực tế Pedro Páramo có phải là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không thì cho đến hiện nay vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận.
Nói về việc sản xuất phim, Francisco Ramos, Phó chủ tịch Nội dung Mĩ Latinh tại Netflix cho biết: “Cam kết của chúng tôi đối với điện ảnh Mexico có một chiều hướng hoàn toàn khác biệt với việc bắt đầu sản xuất Pedro Páramo. Chúng tôi tự hào được đảm trách thử thách này, và cũng hi vọng mọi nơi trên khắp thế giới sẽ được nhìn thấy và đón nhận Mexico với Pedro Páramo”.
Không phải Taylor Swift, BTS mới là người đứng sau hiện tượng xuất bản tuần qua
Ảnh minh hoạ.
Mọi thứ đã được bắt đầu khi một cuốn sách bí ẩn dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 7 này với tiêu đề là: 4C Untitled Flatiron Nonfiction Summer 2023. Với những dữ kiện đã được đưa ra, nó nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy khi người hâm mộ của Taylor Swift bắt đầu sốt sắng suy đoán rằng đó là một cuốn hồi kí bất ngờ của cô.
Nó được mô tả trong phần chi tiết là thuộc thể loại tiểu sử hoặc tự truyện, nội dung gồm có 40 ảnh và số bản in lên đến 1 triệu. Với con số khủng về số lượng sách và thời gian giao hàng nhanh chóng, thì không khó hiểu khi nhiều người cho rằng đây là tác phẩm đến từ một người cực kì nổi tiếng nào đó.
Theo đó, cuốn sách bí ẩn của Flatiron, một chi nhánh của nhà xuất bản Macmillan, đã được đặt hàng với giá 45 USD (35 bảng Anh) và đã nằm ở vị trí thứ 2 trong top 10 của bảng xếp hạng doanh số bán sách của Amazon khi vừa mở bán. Hiện nó cũng đang đứng số 1 trên bảng xếp hạng đơn đặt hàng trước của nhà sách lâu đời Barnes & Noble.
Tuy vậy bí ẩn đã được vén màn, khi nhà xuất bản Flatiron Books đưa ra thông báo để tiết lộ rằng cuốn sách thực sự là của một nhóm nhạc khác, và đó chính là nhóm BTS đến từ Hàn Quốc, và ngày ra mắt hôm 9/7 cũng là kỉ niệm gần 1 thập kỉ đĩa đơn đầu tiên của họ được phát hành rộng rãi.
Anthony Anaxagorou đoạt giải Ondaatje cho tập thơ hậu thuộc địa
Nhà thơ người Anh gốc đảo Síp đã giành giải thưởng 10.000 bảng Anh với tập thơ thứ ba của mình, được các giám khảo mô tả là “thúc đẩy giới hạn của hình thức và ngôn ngữ, nhằm tạo ra thẩm mĩ mới để giải quyết các di sản của quá trình thuộc địa hóa”.
Giải Onddatje do Hiệp hội Văn học Hoàng gia tổ chức hàng năm, công nhận một tác phẩm xuất sắc thuộc thể loại hư cấu, phi hư cấu hoặc thơ ca gợi lên cảm giác về một nơi chốn thật là cụ thể. Anaxagorou đã được trao giải thưởng cho Heritage Aesthetics (tạm dịch: Di sản thẩm mĩ), một tập thơ nhìn vào thời gian cũng như địa điểm riêng biệt trong quá trình khám phá lịch sử của đế quốc Anh và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay.
Chủ tịch ban giám khảo, nhà báo Samira Ahmed, cho biết thơ của Anaxagorou “đẹp nhưng không chỉ ở bề mặt, mà trong đó độc tố của sự kiêu ngạo đế quốc trong lịch sử Anh cũng được tái khám phá lại. Tinh thần của tập thơ này đến từ sức mạnh, kiến thức, sự trưởng thành cũng như tình yêu đã được cảm nhận một cách sâu sắc.”
Theo đó Anaxagorou được truyền cảm hứng từ lịch sử di cư của gia đình mình, giữa đảo Síp và Vương quốc Anh. Nhà thơ Mary Jean Chan đã viết trong một bài đánh giá rằng “tính liên văn bản tràn ngập trong tuyển tập này,” với các đoạn trích từ sách và tạp chí được đan dệt một cách thử nghiệm qua các bài thơ.
Ahmed đã được đề cử bởi các nhà thơ Roger Robinson và Joelle Taylor. Robinson, người đã đoạt giải Ondaatje năm 2020, cho biết Anaxagorou “để câu chuyện của các bài thơ đứt đoạn như thể bằng cách nào đó đã xảy ra một sự kiện đau thương, và sự đứt gãy đó trở thành một hình thức giải cấu trúc các liên văn bản để cho thấy rằng không chỉ về mặt cấu trúc mà chính đảo Síp cũng được định hình bởi 2.000 năm dưới sự cai trị của thực dân”.
Các tựa sách khác cũng lọt vào danh sách rút gọn năm nay là Scary Monsters (tạm dịch: Quái thú sợ hãi) của Michelle de Kretser, The Seven Moons of Maali Almeida (tạm dịch: Bảy mặt trăng của Maali Almeida) – tác phẩm chiến thắng giải Booker 2022 của Shehan Karunatilaka, England's Green (tạm dịch: Màu xanh nước Anh) của Zaffar Kunial và Black Butterflies (tạm dịch: Những con bướm đen) của Priscilla Morris. Black Butterflies cũng vừa lọt vào danh sách rút gọn của giải Women’s Prize for Fiction 2023.
Tuần lễ tăng cường tự do ngôn luận tại Đức
Börsenverein des Deutschen Buchhandels, hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức, vừa mới tổ chức thành công Tuần lễ Tự do Ngôn luận lần thứ 3 của mình. Theo đó nó thường được tổ chức từ ngày 3 – 10/5 hàng năm. Chủ đề của chương trình năm nay là Cùng nhau vì hòa bình, dân chủ và đa dạng, cũng như kỉ niệm đúng 90 năm rất nhiều tác phẩm có giá trị đã bị thiêu hủy dưới nanh vuốt của Đệ tam Đế chế.
Sự kiện đã khai mạc chính thức vào ngày 3/5 cùng lúc đánh dấu kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Chương trình năm nay có nhiều nội dung, một trong số đó là buổi đọc sách Nơi sách bị đốt, cuối cùng con người cũng sẽ bị đốt tại nhà hát Maxim Gorki ở Berlin, với sự góp mặt của Herta Müller – nhà văn đoạt giải Nobel 2009, cũng như Maria Stepanova – tác giả có sách lọt vào chung khảo Booker Quốc tế 2020…
Theo đó vào năm 1933, “các nhóm sinh viên do Đức Quốc xã chỉ đạo” đã tiến hành đốt sách công khai ở 34 thành phố có trường đại học. Những cuốn sách bị Đức Quốc xã coi là “không phải tiếng Đức” và đã đốt bỏ có nhiều tác phẩm ngày nay được đánh giá là “tác phẩm của các nhà văn Do Thái, tự do và cánh tả lỗi lạc”. Trong đó bao gồm sách của Stefan Zweig, Bertolt Brecht, Erich Maria Remarque và Ernest Hemingway.
Trong một tuyên bố sâu sắc về việc tuân thủ khó khăn này vào thời điểm đen tối như vậy trong lịch sử, Karin Schmidt-Friderichs, người đứng đầu Börsenverein, nói, “Đốt sách 90 năm trước là một cuộc tấn công khủng khiếp vào tự do ngôn luận và dân chủ. Vì vậy điều quan trọng là phải lưu giữ kí ức về hành động này và những sự kiện vô nhân đạo xảy ra sau đó. Vì nó làm cho chúng ta ý thức được những giá trị của một xã hội tự do, dân chủ mong manh như thế nào”.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ nhiều nguồn
VNQD