Juan Villoro: “Nên đọc sách như một lối sống”

Thứ Sáu, 23/05/2025 11:13

Nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mexico, tác phẩm Cuốn sách hoang dã của nhà văn Juan Villoro vừa được ra mắt. Đây là tác phẩm dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên đạt thành công vang dội trên toàn thế giới. Sách đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, được chuyển sang bản chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị và đang trong quá trình chuyển thể điện ảnh. Trong bài phỏng vấn sau, Villoro đã chia sẻ nhiều hơn về tình yêu sách, các tác động và nguồn cảm hứng đặc biệt của mình.

*

+ Cuốn sách hoang dã là một tác phẩm rất cá nhân của ông. Điều gì đã truyền cảm hứng để ông chấp bút nên nó?

- Trong lời đề tặng nổi tiếng của cuốn Hoàng tử bé, Saint-Exupéry đã từng viết rằng tất cả người lớn từng là trẻ em nhưng họ lại ít khi nhớ điều này. Bởi không dễ để ta trở lại những năm tháng đó, nên để đưa bản thân vào dòng thời gian của quá khứ, tôi đã lấy tên mình đặt cho nhân vật chính, và xây dựng quanh đó nhiều tình tiết giống như những gì bản thân đã trải qua. Nhưng cũng có nhiều sáng tạo thêm nữa. Tác phẩm này nói về tình yêu sách bởi tôi đã dành phần lớn cuộc đời với những trang sách, do đó tôi muốn truyền tải nỗi đam mê và sự bối rối với đối tượng này.

Juan Villoro được đánh giá là một trong những nhà văn lớn nhất Mexico hiện nay.

- Juan, nhân vật chính, đã trải qua những biến đổi trong suốt câu chuyện ở tuổi 13. Có lẽ đây là thời điểm mà tính cách được thể hiện rõ nét và tất nhiên, thói quen cũng thay đổi. Về việc đọc sách, ông có nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách không?

+ Tôi nghĩ lí tưởng nhất là nên bắt đầu từ thời thơ ấu. Nếu gia đình có mẹ hoặc cha thích đọc sách cho cả nhà nghe, thì sách rồi sẽ trở thành một hình thức thể hiện tình cảm. Tôi là con trai của các bậc tri thức, nhưng phải thừa nhận là cha mẹ chưa bao giờ đọc sách cho tôi nghe hay tặng cho tôi cuốn sách thiếu nhi nào. Có một sự thật thú vị là cha tôi đã từng tham gia vào một dự án có liên quan đến Hoàng tử bé, nhưng phải nhiều năm sau tôi mới biết về tác phẩm này. Cũng có thể nói tôi viết sách thiếu nhi và sách dành cho thanh thiếu niên là để tạo ra một tuổi thơ khác.

Với nhân vật chính trong Cuốn sách hoang dã, việc đọc bắt đầu bằng một tình huống bị ép buộc: Đó là khi bố mẹ cậu li hôn, từ đó cậu đã sống trong cảm giác cô đơn. Cũng từ đây sách đã mang đến cho cậu rất nhiều biến chuyển, nhưng quan trọng nhất là khám phá tình yêu và liên kết nó với việc đọc sách.

- Ông viết trong đây rằng sách cũng có linh hồn và đời sống riêng. Vì sao lại thế?

+ Ai trong chúng ta cũng từng để quên một cuốn sách ở đâu đó rồi lại vô tình tìm thấy nó, chẳng phải vậy sao? Điều này đã xảy ra với tôi ở nhà, ở hiệu sách, ở cả thư viện. Có thể nói sách đến gần hay rời xa ta tùy thuộc vào việc ta có coi chúng là quan trọng hay không. Điều này xảy ra trong suốt cuộc đời. Trong tác phẩm của tôi, Juan có lợi thế là đọc sâu hơn, còn chú Tito thì liên kết được phần đa những cuốn đã đọc với nhau. Nhưng quan trọng nhất là cả hai đều hiểu việc đọc là một hoạt động sống còn. Đọc và học đôi khi được nhắc đến như những điều đối lập, như thể chúng là những hoạt động loại trừ lẫn nhau. Thế nhưng cả hai đều bổ sung cho nhau, và tôi muốn thể hiện điều đó trong cuốn sách này.

+ Cuốn sách hoang dã chứa đầy ẩn dụ, cách chơi chữ và hình ảnh mô tả giá trị của sách. Thế nhưng thực tế nó lại không có quá nhiều người yêu thích. Ý kiến của ông thế nào?

- Tôi có một người chú cũng tên Tito, và ông là một thợ săn chuyên nghiệp. Trong suốt nhiều năm, ông đã đặt bẫy chó sói đồng cỏ ở sa mạc San Luis Potosí, sau đó là cả báo đốm sâu trong rừng rậm. Không ngoa khi nói ông có thể giải quyết mọi thứ trong cuộc đời này bằng cách quan sát động vật. Đối với ông, động vật hoang dã chính là bộ bách khoa toàn thư hoàn chỉnh về vũ trụ này. Nếu ai đó gặp vấn đề, chú tôi có thể kể ngay câu chuyện gì đó về lợn rừng, vậy là người ta sẽ có giải pháp. Ông không cần thêm bất kỳ thông tin nào nữa vì đối với ông, động vật đã là một phần của vũ trụ. Tôi đã tưởng tượng thư viện của chú Tito theo cách tương tự: sách là những sinh vật sống, có thể giải thích mọi điều trên thế giới này. Chúng thất thường và phải được hiểu đúng như bản chất. Với tôi, thư viện là một vũ trụ hữu cơ.

Tiểu thuyết Cuốn sách hoang dã vừa ra mắt.

- Liệu tác phẩm này có chứa đựng những cuốn sách yêu thích của ông không?

+ Cuốn sách này tôn vinh việc đọc nhưng không quá thiên về sách vở - tức là tập trung hơn vào trải nghiệm đọc thay vì là sự uyên bác khi nhắc đến ai đó hay tác phẩm nào đó. Vì vậy mà nó có cả những cuốn có thật cũng như hư cấu. Có thể nói “nên đọc sách như một lối sống” là điều tôi muốn truyền tải.

- Ông nghĩ liệu việc tiếp cận quá nhiều thông tin hiện nay có ngăn cản trẻ em đến với việc đọc không?

+ Chúng ta đang sống trong thời đại tràn ngập thông tin và công nghệ, nhiều trong số đó diễn ra nhanh chóng và thậm chí là tức thời nữa. Trong tác phẩm này, tôi đã khắc họa việc đọc như một thú vui chậm rãi, giúp “cuộc phiêu lưu” trở nên sâu sắc theo nhịp điệu khác. Nhân vật chính của tôi thuộc thế hệ thích TV hơn sách, nhưng lại thấy tò mò khi có một cuốn sách đặc biệt – nó xấu xa và nổi loạn.

- Nhân vật Tito là điển hình cho người cuồng sách. Có phải có một số người vì quá khăng khăng mà trở nên nhàm chán không?

+ Có thể nói Cuốn sách hoang dã tuy tôn vinh việc đọc sách, nhưng cũng cho thấy cả những rủi ro trong quá trình đó. Chẳng bạn ông bác Tito được xây dựng như một người cô độc, tự mình co cụm trong đời sống riêng. Qua đó tôi muốn nói đọc hay sở hữu nhiều sách không làm cho cuộc sống trở nên tươi sáng hơn.

Ngoài ra, một mối nguy hiểm khác xuất hiện ngoài kia chính là những cuốn sách có hại. Suy cho cùng, chẳng phải Hitler là tác giả của một tác phẩm có sức ảnh hưởng to lớn đó sao? Cũng không phải không có những cuốn sở hữu nội dung độc hại, làm ảnh hưởng đến những cuốn khác. Đó là lí do tại sao cốt truyện của Cuốn sách hoang dã cũng bao gồm một tập sách ma quỷ phải được loại bỏ để câu chuyện có thể tiếp tục.

- Cuốn sách này của ông có phải chỉ dành cho độc giả trẻ?

+ Tôi viết sách cho trẻ em - những đối tượng có tầm nhìn rất khác so với người lớn. Và trong quá trình sáng tạo, có điều gì đó kì lạ xảy ra với Cuốn sách hoang dã. Tôi không coi đây là cuốn sách dành cho một độ tuổi cụ thể nào cả. Chẳng hạn như Đảo giấu vàng tuổi nào mà đọc chẳng được? Với tác phẩm của tôi, do độ tuổi của nhân vật chính, những thách thức mà cậu phải đối mặt và hành trình trưởng thành đòi hỏi trạng thái ngây thơ, nên nó đặc biệt nhắm đến độc giả trẻ tuổi. Nhưng với những người lớn hơn, việc phóng chiếu quá khứ cũng là trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

- Còn với riêng ông, một tác phẩm là “cuốn sách hoang dã” thì như thế nào?

+ Với mỗi nhà văn, mỗi một bản thảo đều là "cuốn sách hoang dã". Chinh phục một câu chuyện có nghĩa là thuần hóa nó, làm quen với nó, biến hóa nó thành của mình. Tôi muốn viết một cuốn sách mà trong đó thông điệp của cuộc phiêu lưu là kể câu chuyện về một cuốn sách không muốn được đọc mà ta phải tìm kiếm, thuần hóa và thuyết phục nó cho phép ta đọc. Nó có thể chứa đựng câu chuyện gì? Có thể nói để trở thành người thích đọc sách, ta phải trải qua chính quá trình này.

Chủ đề này, thẳng thắng mà nói, còn khá mới mẻ với trẻ em và thanh thiếu niên vì chúng đang trên đường trở thành độc giả, nhưng với người lớn thì họ có thể nhìn lại dưới nhãn quan hồi tưởng không chỉ sách vở mà còn là chính thế giới được ban tặng nữa.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài phỏng vấn của José A. Muñoz

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)