Giá trị của văn chương

Chủ Nhật, 24/07/2022 06:06

Mario Vargas Llosa (1936 -) là nhà văn lớn người Peru. Ông được trao giải Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn chương năm 2010. Tiểu luận dưới đây ban đầu là một bài nói chuyện năm 1985, sau đó được đăng trên Prospect Magazine năm 1997.

Nghề nghiệp nhà văn của tôi bắt đầu từ quan niệm văn chương không tồn tại trong một không gian nghệ thuật khép kín mà bao trùm một vũ trụ đạo đức và dân sự lớn hơn. Đây chính là cái thúc đẩy mọi thứ mà tôi từng viết. Than ôi, nó cũng đang biến tôi thành một con khủng long mặc quần, vây quanh bởi những chiếc máy tính.

Thống kê cho chúng ta biết trước đây chưa từng có nhiều cuốn sách được xuất bản và bán như hiện nay. Vấn đề là gần như bất cứ ai mà tôi gặp đều không còn tin rằng văn chương phục vụ cho bất kì mục đích nào lớn hơn việc giảm bớt sự nhàm chán trên xe buýt hay tàu điện ngầm, hoặc có bất kì tham vọng nào lớn lao hơn việc được chuyển thể thành kịch bản truyền hình hoặc điện ảnh. Văn chương đã theo đuổi cái nhẹ. Đó là lí do tại sao các nhà phê bình như George Steiner đã bắt đầu tin rằng văn chương đã chết, và làm thế nào mà các nhà văn như V. S. Naipaul đã bắt đầu tuyên bố rằng họ sẽ không viết thêm một cuốn tiểu thuyết nào nữa bởi thể loại ấy giờ đây khiến họ ghê tởm…

Tôi có một cái nhìn cổ điển: Tôi tin văn chương phải gắn mình vào những vấn đề của thời đại. Một tác giả phải viết với niềm tin rằng những gì anh ta đang viết có thể giúp người khác trở nên tự do hơn, nhạy cảm hơn, sáng suốt hơn; mà không có ảo tưởng tự mãn của nhiều trí thức rằng tác phẩm của họ giúp kiềm chế bạo lực, giảm thiểu bất công hay thúc đẩy tự do. Bản thân tôi đã sai lầm quá nhiều, và tôi đã thấy nhiều nhà văn mà tôi ngưỡng mộ cũng sai lầm. Nhưng trong khi không ngừng giải trí, văn chương phải đắm mình vào cuộc sống của đường phố, vào quá trình khai mở của lịch sử, như trong những thời kì tươi sáng nhất. Đây là cách duy nhất mà một nhà văn có thể giúp những người cùng thời và cứu vớt văn chương khỏi trạng thái mong manh mà dường như đôi lúc nó phải chịu đựng.

Nếu mục đích duy nhất của văn chương là giải trí thì nó không thể cạnh tranh với những hư cấu tràn ra khỏi những màn hình lớn nhỏ của chúng ta. Một ảo ảnh tạo nên bằng từ ngữ đòi hỏi sự tham gia tích cực của người đọc, một nỗ lực của trí tưởng tượng và đôi lúc, trong văn chương hiện đại, của những kì công phức tạp của kí ức, liên tưởng, và sáng tạo. Khán giả của truyền hình và điện ảnh không cần đến những thứ ấy nhờ có hình ảnh. Điều này khiến họ lười biếng và ngày càng dị ứng với giải trí trí tuệ đầy thử thách.

Tôi nói điều này mà không hề thù địch với các phương tiện nghe nhìn; quả thật, tôi tự nhận mình là một người nghiện điện ảnh - tôi xem hai hoặc ba bộ phim một tuần - và cũng thích một chương trình truyền hình thú vị. Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân tôi có thể nói tất cả những bộ phim tuyệt vời mà tôi thích đều không giúp tôi hiểu được mê cung của tâm lí con người như tiểu thuyết của Dostoevsky, hay giúp bộc lộ những cơ chế của xã hội như tiểu thuyết của Tolstoy và Balzac, hay ghi lại những đỉnh cao và vực thẳm của trải nghiệm như Mann, Faulkner, Kafka, Joyce, hay Proust.

Hư cấu trên màn ảnh mãnh liệt trong trước mắt nhưng phù phiếm về tác động: nó chiếm lấy chúng ta rồi thả chúng ta ra gần như tức thì. Hư cấu văn chương giam cầm chúng ta suốt đời. Sẽ là xúc phạm nếu nói rằng tác phẩm của những tác giả mà tôi đề cập ở trên là giải trí. Bởi lẽ, trong khi thường được đọc trong trạng thái hưng phấn cao, tác động quan trọng nhất của một cuốn sách hay lại nằm ở sau đó, khả năng in sâu kí ức theo thời gian. Hào quang ấy vẫn sống trong tôi bởi nếu không có những cuốn sách mà tôi đã đọc, tôi đã không phải là tôi bây giờ, bất kể điều này xấu hơn hay tốt hơn, và tôi cũng đã không tin cái mình vẫn tin, với tất cả những sự nghi ngờ và chắc chắn đã duy trì tôi. Những cuốn sách ấy đã định hình tôi, thay đổi tôi, tạo nên tôi. Và chúng vẫn tiếp tục thay đổi tôi, cùng lúc với cuộc sống mà tôi so sánh với chúng. Từ những cuốn sách ấy tôi học được rằng thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ và nó sẽ luôn như thế - đó không phải lí do để chúng ta tránh làm bất cứ điều gì có thể để giữ cho nó khỏi trở nên tồi tệ hơn. Chúng dạy tôi rằng trong sự đa dạng về văn hóa, chủng tộc và tín ngưỡng của chúng ta, như những diễn viên trong vở kịch của con người, chúng ta xứng đáng được tôn trọng như nhau. Chúng cũng dạy tôi biết tại sao chúng ta hiếm khi nhận được điều đó. Không gì giúp chúng ta nhận ra được nguồn gốc của sự tàn ác mà con người có thể giải phóng như một nền văn chương tốt.

Nếu không có một nền văn chương dấn thân thì sẽ ngày càng khó kiềm chế sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh, diệt chủng, xung đột sắc tộc và tôn giáo, các cuộc tị nạn và hoạt động khủng bố vốn có nguy cơ trở nên ngày càng nhiều và đã đập tan những hi vọng lớn lao mà sự sụp đổ của bức tường Berlin mang lại. Cơn sững sờ mà Liên minh châu Âu chứng kiến thảm họa Balkan - 200.000 người chết và việc thanh tẩy sắc tộc giờ đây được hợp pháp hóa nhờ các cuộc bầu cử - cho thấy bằng chứng chứng minh sự cần thiết của việc đánh thức ý chí tập thể đờ đẫn khỏi cơn tự mãn vốn dìm nó xuống. Gỡ bỏ khăn bịt mắt, bày tỏ cơn phẫn nộ trước bất công, và chứng minh rằng vẫn còn chỗ cho hi vọng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, là tất cả những gì mà văn chương làm tốt, mặc dù đôi lúc nó bị nhầm lẫn trong mục tiêu và bảo vệ cái không thể bảo vệ.

Chữ viết có trách nhiệm đặc biệt trong việc làm những điều ấy bởi nó nói lên sự thật tốt hơn bất cứ phương tiện nghe nhìn nào. Về bản chất những phương tiện ấy chỉ lướt qua bề mặt của sự việc và hạn chế hơn nhiều trong tự do biểu đạt. Sự phức tạp phi thường mà nhờ đó các bản tin ngày nay có thể đưa chúng ta vào những sự kiện trên khắp năm châu đã biến tất cả chúng ta thành khán giả và biến thế giới thành một sân khấu lớn, hoặc đúng hơn là một bộ phim. Thông tin nghe nhìn - rất ngắn ngủi, rất nổi bật, và rất hời hợt - khiến chúng ta nhìn lịch sử như sự hư cấu, đẩy chúng ta ra xa bằng cách che giấu nguyên nhân và bối cảnh đằng sau một chuỗi các sự kiện được mô tả sống động. Điều này đẩy chúng ta vào trạng thái tiếp nhận thụ động, vô cảm về đạo đức và trì trệ về tâm lí, tương tự như trạng thái đem lại từ hư cấu trên truyền hình và các chương trình khác mà mục đích duy nhất chỉ là giải trí.

Đó là một trạng thái hoàn toàn chính đáng, tất cả chúng ta đều muốn thoát khỏi thực tại; trên thực tế, đó là một trong những chức năng của văn chương. Nhưng khiến thực tại trở nên không thực, biến lịch sử thực tế thành hư cấu lại là tác động của việc giải ngũ công dân, khiến anh ta cảm thấy được miễn trừ mọi trách nhiệm dân sự, khuyến khích niềm tin rằng việc can thiệp vào một lịch sử mà kịch bản đã được viết sẵn là nằm ngoài tầm tay của bất cứ ai. Dọc theo con đường này chúng ta có thể sẽ rơi vào một thế giới không có công dân, chỉ có khán giả, một thế giới mà dù nền dân chủ hình thức có thể được duy trì thì chúng ta vẫn chấp nhận tình trạng thờ ơ mà các nền độc tài hằng mong thiết lập.

Một vấn đề lớn khác của phương tiện nghe nhìn là chi phí sản xuất rất cao. Không thể tránh khỏi, điều này ám ảnh mọi lựa chọn chủ đề của nhà sản xuất và cách kể lại câu chuyện. Mong mỏi thành công không phải biểu hiện của sự phù phiếm của nhà làm phim, mà là điều kiện tiên quyết đối với bất kì cơ hội nào để làm ra một bộ phim (hoặc bộ phim tiếp theo). Sự phù hợp của phương tiện nghe nhìn không chỉ phát sinh từ nhu cầu tiếp cận đối tượng rộng nhất có thể, mà còn xuất phát từ thực tế là do phương tiện truyền thông đại chúng có tác động trực tiếp vào các khu vực rất lớn của dư luận, nhà nước kiểm soát truyền hình và điện ảnh nhiều hơn bất kì phương tiện truyền thông nào khác, ngay cả trong đất nước tự do nhất. Không phải bị kiểm duyệt một cách công khai, dù điều đó có thể xảy ra; mà bị giám sát, điều chỉnh, và chỉ dẫn. Chúng được khuyên tránh đề cập đến một số vấn đề nhất định và được khuyến khích chỉ mang tính giải trí đơn thuần.

Đây là nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm của văn chương. Tự do rất quý, nhưng không đất nước nào có thể bảo đảm nó sẽ tồn tại trừ khi nó được thực thi và bảo vệ. Văn chương, nợ đời mình từ tự do, giúp chúng ta hiểu rằng tự do không sinh ra từ một bầu trời trong xanh; nó là một lựa chọn, một niềm tin, một con tàu tư tưởng cần được liên tục bổ sung và thử thách. Văn chương cũng có thể giúp chúng ta hiểu rằng dân chủ là phương tiện tốt nhất mà chúng ta đã tìm ra để ngăn chặn chiến tranh...

Một nhà văn dấn thân thì không cần từ bỏ những cuộc phiêu lưu với trí tưởng tượng hay những thử nghiệm với ngôn ngữ; anh ta không cần từ bỏ rủi ro; cũng không cần từ bỏ tiếng cười hay vui chơi, bởi nhiệm vụ giải trí của anh ta không cần mâu thuẫn với trách nhiệm xã hội. Giải trí, lôi cuốn, mê hoặc - đó là cái mà những bài thơ lớn, những bi kịch lớn, những tiểu thuyết và tiểu luận lớn luôn luôn làm. Không ý tưởng hay nhân vật trong văn chương nào có thể tồn tại nếu không mê hoặc chúng ta, như con thỏ từ chiếc mũ của nhà ảo thuật.

Trong những năm sống lưu vong ở Pháp, trong khi châu Âu bị đe dọa bởi sự phát triển của chủ nghĩa quốc xã, Walter Benjamin dành thời gian của mình cho thơ của Charles Baudelaire. Ông đã viết một cuốn sách về Baudelaire mà không hoàn thành nó, nhưng những đoạn viết rời rạc vẫn được đọc một cách say mê. Sao lại là Baudelaire? Sao lại chọn chủ đề ấy trong một thời gian như vậy? Khi đọc Benjamin, chúng ta phát hiện ra Les Fleurs du Mal chứa đựng câu trả lời cho những câu hỏi như đô thị văn minh sẽ phát triển như thế nào và cảnh ngộ của cá nhân trong các xã hội đại chúng sẽ ra sao. Hình ảnh Benjamin nghiền ngẫm Baudelaire, trong khi những vòng tròn áp bức sau này đã lấy đi cuộc đời ông đang siết lên người ông, là một hình ảnh cảm động. Đồng thời, nhà triết học Karl Popper, đang lưu vong ở phía bên kia thế giới, ở New Zealand, đã bắt đầu học tiếng Hy Lạp cổ đại và đắm mình trong Plato để cống hiến phần đóng góp của mình. Một cuốn sách quan trọng xuất hiện: Xã hội mở và những kẻ thù của nó. Benjamin và Popper, một nhà marxist và một nhà tự do chủ nghĩa, hai nhân vật dấn thân và đặc sắc trong những dòng tư tưởng lớn mà họ đã làm mới lại, đã chứng tỏ rằng thông qua văn bản, chống lại nghịch cảnh là có thể. Họ cho thấy khủng long có thể đối mặt với những giai đoạn khó khăn - và vẫn hữu dụng

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)