Các giải thưởng lớn chấp nhận điều chỉnh để giữ vị thế

Thứ Ba, 19/04/2022 16:01

Đêm trao giải Oscar và Grammy diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua đã để lại những kết quả ít nhiều bất ngờ. Theo đó, việc tôn vinh sự đa dạng trong ngành công nghiệp điện ảnh cũng như âm nhạc đã được Viện Hàn lâm Mĩ lắng nghe và khắc phục, thông qua các chiến thắng có phần xứng đáng. Có thể thấy đây là những tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm tồn tại những bất cập, cho thấy các "ông lớn" trong ngành giải trí đã lắng nghe, điều chỉnh để duy trì vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của mình.

NHỮNG LÀN SÓNG CHỈ TRÍCH

Grammy và Oscar đều là những giải thưởng danh giá mà bất cứ nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nào cũng ao ước, thế nhưng con đường chạm tay đến tượng vàng hay máy quay đĩa vàng chưa khi nào là dễ. Là giải thưởng uy tín và có truyền thống lâu đời, cả hai giải thưởng đều không tránh khỏi những tranh cãi nhất định trong việc trao giải cũng như quá trình bình bầu hàng năm. Thế nhưng đôi khi nó không nằm ở việc gout của mỗi thành viên bình chọn, mà rộng lớn hơn, nằm ở cách Viện Hàn lâm hoạt động cũng như đưa ra tiêu chí.

Theo đó, ở Grammy năm 2020, cựu CEO Deborah Dugan đã công bố đơn khiếu nại gồm 44 trang của mình trước thềm buổi trao giải. Trong tài liệu này, bà cho rằng Viện Hàn lâm Ghi Âm Mỹ là một tổ chức đầy rẫy tham nhũng và mô tả nơi này như “câu lạc bộ của những gã trai già”, với việc phân biệt giới tính cũng như tình trạng quan liêu, giúp nâng đỡ những nghệ sĩ mà họ có các quan hệ mật thiết. Tố cáo này cũng được thể hiện thông qua danh sách đề cử một năm sau đó, khi nam ca sĩ The Weeknd chỉ trích Grammy “thối nát” và cho rằng giải thưởng danh giá này “nợ người hâm mộ cũng như ngành công nghiệp âm nhạc sự minh bạch”.

The Weeknd trong dự án After Hours bị Grammy ngó lơ hoàn toàn.

Lí do cho những bức xúc kể trên là bởi tại Grammy 2021, The Weeknd hoàn toàn không có được đề cử nào, mặc cho album After Hours cũng như các đĩa đơn của anh không chỉ thành công về mặt thương mại, mà cũng đồng thời được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Không chỉ The Weeknd, ZAYN - cựu thành viên của nhóm One Direction cũng như Halsey đã lên tiếng chỉ trích Viện Hàn lâm quan liêu và thiếu minh bạch. Tuy nguyên nhân khiến nam nghệ sĩ bị mất hết đề cử không được công bố, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng nó xuất phát từ những bất đồng trong khâu trình diễn, khi một tuần sau đó, The Weeknd cũng sẽ đảm nhận sân khấu Halftime Show của sự kiện thể thao SuperBowl thường niên.

Chiến thắng ở các hạng mục quan trọng như Album của năm trong nhiều lần tổ chức cũng bị giới phê bình đặt ra nghi vấn trong các vấn đề về phân biệt sắc tộc cũng như kì thị phụ nữ. Theo đó, các album có nhiều chất lượng nghệ thuật, kể được câu chuyện xuyên suốt như Lemonade của Beyoncé hay To Pimp A Butterfly của Kendrick Lamar… đều ngậm ngùi thất bại trước những album có phần đơn giản; tuy chất lượng vẫn được đảm bảm, nhưng khi đặt trên bàn cân thì vẫn ít nhiều kém cạnh như 25 của Adele hay 1989 của Taylor Swift.

Grammy cũng không thoát khỏi việc bị chỉ trích bởi ưu tiên “người nhà” trong rất nhiều lần trao giải. Theo đó các dự án gần đây của H.E.R, Justin Bieber hay Coldplay dù không có chất lượng nổi trội nhưng vẫn ung dung có những đề cử ở các hạng mục lớn. Chiến thắng năm 2017 của Bruno Mars với 24K Magic cũng được đánh giá là không xứng đáng, và cho đến nay anh cũng là người đầu tiên chưa khi nào trượt Grammy mỗi khi được đề cử trong suốt lịch sử của giải thưởng này.

Ngoài ra, Viện Hàn lâm cũng bị cáo buộc giới hạn khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, khi không cho họ lựa chọn các màn trình diễn, mà bị ép vào khuôn các đề cử có trong giải thưởng. Ariana Grande trước đó cũng đã có trận “khẩu chiến” với Ban tổ chức về việc không được hát single 7 Rings do mình chọn, mà thay vào đó là bị bắt buộc trình diễn God is a women có trong đề cử Trình diễn nhạc Pop xuất sắc nhất của năm 2019. Không chỉ Ariana Grande, vào năm 2018, Lorde - người có đề cử ở hạng mục Album xuất sắc nhất của năm, cũng không được trình diễn độc lập, mà thay vào đó là màn trình diễn tri ân cùng các nghệ sĩ khác, một điều không thể chấp nhận với hạng mục quan trọng nhất của lễ trao giải.

Về phía Oscar, giải thưởng này cũng không ít lần gây nhiều tranh cãi ở hạng mục Phim hay nhất. Theo đó vào năm 2006, Crash đã vượt qua Brokeback Moutain của Lý An để chiến thắng, dù cho nhiều nhà phê bình cho đánh giá nội dung của Crash là hời hợt và thiếu chiều sâu, khiến cho Viện Hàn lâm dính vào cáo buộc kì thị cộng đồng LGBTQ+. Việc góp mặt của rất nhiều phim tiểu sử hàng năm cũng cho thấy rằng các thành viên của Viện dường như vẫn thích các vai xuất phát từ người thật hơn là các sáng tạo mới. Chiến thắng của Rami Malek với phim Bohemian Rhapsody vào năm 2019 hay Will Smith với King Richard mới đây ngày càng cho thấy điều này, khi vai của Benedict Cumberbatch trong The Power of the Dog được đánh giá là thuyết phục hơn, và cũng phức tạp hơn.

Jane Campion trở thành người phụ nữ thứ ba chiến thắng Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.

Trong suốt hơn một trăm năm của giải thưởng này, tính đến nay, chỉ mới có 3 phụ nữ chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, và nếu không tính từ khi làn sóng #Metoo bắt đầu lan ra sâu rộng, thì con số này chỉ là một. Thực trạng phân biệt giới tính chưa khi nào thể hiện rõ ràng hơn thế, nhất là ở Oscar cũng như Hollywood. Ở Liên hoan phim Cannes 2014, nữ đạo diễn Jane Campion - người chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, và cũng là người thứ hai liên tiếp sau Chloé Zhao chiến thắng Oscar, cho rằng: “Ngành công nghiệp điện ảnh như một miếng bánh mà phần lớn nam giới là người ăn hết”. Trước đó, các nữ diễn viên như Kristen Stewart, Emma Stone… cũng đã lên tiếng trước thực trạng thù lao của các nữ diễn viên đang cực kì thấp so với cánh nam giới, dẫu cho họ có cùng vai trò như nhau trong các bộ phim.

NỖ LỰC CẢI THIỆN

Tranh cãi chồng chất tranh cãi, cứ lần giải thưởng được trao, người ta lại có thứ để nói về những thiếu sót cũng như “chiếc hộp Pandora” không được công khai bởi các thành viên nội bộ của Viện Hàn lâm. Trước mức rating cũng như lượt xem trực tuyến thấp kĩ lục, Ban Tổ Chức Grammy và Oscar mới đây đã thực sự nhìn nhận, lắng nghe và sửa đổi cơ cấu, để ít nhiều giải thưởng và sự công tâm được quay trở lại.

Theo đó Grammy 2022 mới đây đã loại bỏ hoàn toàn Uỷ ban bí mật nhằm tăng cường thêm tính minh bạch. Theo đó trước đây Uỷ ban này bao gồm từ 15 cho đến 30 chuyên gia âm nhạc giấu tên tiến hành chọn ra những đề cử. Và với cải tiến lần này, hơn 11.000 thành viên được thay thế mỗi năm là người đưa ra bình chọn, ít nhiều khắc phục được tính quan liêu. Số lượng đề cử theo đó cũng được tăng lên ở các hạng mục quan trọng, từ 8 lên 10, phần nào ghi nhận những đóng góp đầy sáng tạo của các nghệ sĩ.

Jazmine Sullivan chiến thắng thuyết phục tại Grammy.

Bằng việc cải thiện này, nhiều chiến thắng xứng đáng đã được công bố, mà một trong số đó là hạng mục Trình diễn R’n’B xuất sắc nhất. Theo đó hạng mục này nhận được kết quả hòa, giữa Pick up your feelings của Jazmin Sullivan và Leave the door open của Silk Sonic. Thực tế là một chiến thắng trọn vẹn cho Silk Sonic là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi đó là sự góp mặt của Bruno Mars - “nghệ sĩ yêu thích” của Grammy; cũng như đĩa đơn này đã được xướng tên chiến thắng hai hạng mục quan trọng khác là Bài hát của năm và Ghi âm của năm; thế nhưng việc ghi nhận Jazmin Sullivan là một minh chứng rõ nét, khi album của cô suốt năm qua được các chuyên trang phê bình đánh giá rất cao, dù không có mặt trong hạng mục Album của năm.

Ngoài ra, việc ghi nhận các nghệ sĩ gốc Á như Olivia Rodrigo trong các đề cử quan trọng cũng cho thấy các ràng buộc về sắc tộc đã được Grammy cải thiện. Chiến thắng bất ngờ nhất của đêm trao giải thuộc về Jon Batiste với We Are, chiến thắng album của năm. Thành công của anh khiến anh trở thành người da màu thứ hai chiến thắng hạng mục quan trọng này sau 14 năm kể từ nghệ sĩ đàn dương cầm lừng danh Herbie Hancock. We are là một đĩa nhạc tôn vinh cộng đồng da màu, những người đã làm nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Chiến thắng của Jon như việc nhìn nhận lại những Beyoncé hay Kendrick Lamar trước đó không được ghi nhận.

We Are chiến thắng cũng đồng thời là minh chứng cho việc Grammy không tôn vinh thành công thương mại, vì trước đó, hai album của Olivia Rodrigo cũng như Billie Eilish mới là phương án được các chuyên gia đánh giá cao. Trước đó vào năm 2019, album nhạc country Golden Hours của Kacey Musgrave cũng được vinh danh, dù cô là đề cử có ít khả năng chiến thắng nhất, bởi theo truyền thống của Grammy, các hạng mục quan trọng đều có sự xuất hiện của các “hiện tượng” đặc biệt, được bất ngờ đề cử nhưng chưa bao giờ chiến thắng. Hai chiến thắng gần đây nhất cũng đặt ra một nghi vấn đặc biệt, liệu đây là cách Grammy đánh bóng tên tuổi, thu hút rating; hay đúng là họ trân trọng những giá trị đặc biệt. Điều này khó được kiểm chứng khi hầu như người chiến thắng hàng năm không theo một motif chung, ít nhiều tạo ra những sự tranh cãi.

Ở phía Oscar, chiến thắng phim hay nhất dành cho CODA cũng là một bất ngờ lớn, khi trước đó The Power of The Dog với 12 đề cử mới là tác phẩm có nhiều khả năng dành chiến thắng. Ngay từ những ngày đầu tiên, bộ phim do Netflix đầu tư này chiếm trọn sự chú ý của giới truyền thông, bởi cốt truyện thu hút, hơn nữa được sản xuất dưới bàn tay của đạo diễn lừng danh Jane Campion; thế nhưng càng dần vào cuối mùa giải, cán cân lại nghiêng về CODA, một bộ phim có nội dung bình thường cũng như không là duy nhất nếu so với các đề cử khác. Chiến thắng của CODA được nhiều nhà quan sát cho rằng có ảnh hưởng từ những diễn biến tình hình thế giới, với căng thẳng Nga - Ukraine từ đó những gì người xem mong muốn là một bộ phim xoa dịu tâm hồn, thắp lên hi vọng; và CODA có đủ những yếu tố đó.

Will Smith có tượng Oscar đầu tiên sau 40 năm làm nghề.

Ở các hạng mục khác, Oscar cũng khiến người xem đồng thuận với việc trao giải cho các màn trình tốt nhất. Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thuộc về Troy Kotsur, khiến ông trở thành người khiếm thính thứ hai chiến thắng Oscar, sau nữ diễn viên Marlee Matlin - người cũng thủ vai trong phim CODA. Trong khi đó, Nữ diên viên phụ xuất sắc nhất thuộc về Ariana DeBose với phim nhạc kịch West Side Story. Với chiến thắng này cô trở thành người da màu đầu tiên chiến thắng ở hạng mục Nữ diên viên phụ, đồng thời cô cũng là một mảnh ghép của cộng đồng LGBTQ+.

*

Từ những điều trên có thể thấy rằng Viện Hàn Lâm Mĩ vẫn đang lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía khán giả, với kì vọng đưa Oscar cũng như Grammy quay về thời kì vàng son. Tuy mới chỉ là bước đầu với các cải cách tiền đề, thế nhưng ít nhiều đây cũng là những phản ứng cần thiết và đáng ghi nhận. Trong những năm tới, việc bám theo xu hướng tiên phong tôn vinh sự đa dạng, hay một lần nữa, trở nên thủ cựu và đầy già cỗi sẽ quyết định cách khán giả cũng như nghệ sĩ nhìn nhận về các giải thưởng này.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)