Dòng chảy  Văn nghệ

Hồn xiêu phách lạc

Thứ Sáu, 13/12/2019 15:27

Chiều tối ngày 12/12/2019, tại 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), Viện Văn hoá - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tiến hành khai mạc Triển lãm HỒN XIÊU PHÁCH LẠC.

Triển lãm giới thiệu 33 tác phẩm mới nhất gồm tranh và tượng của hai nghệ sĩ 7x là Lã Bá Quân (sinh năm 1976) và Nguyễn Thành (sinh năm 1979).

Các nghệ sĩ (từ trái qua) Lã Bá Quân, Bùi Quang Thắng và Nguyễn Thành tại sự kiện

Phát biểu khai mạc Triển lãm, nghệ sĩ Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio - chia sẻ về cái tên của Triển lãm mà Ban tổ chức chọn đặt. Theo đó, trong thành ngữ tiếng Việt có câu “Hồn xiêu phách lạc” diễn tả trạng thái mà con người bị mất hết tinh thần và sinh lực do sợ hãi. Trong dân gian có câu mắng “Liệu cái thần hồn!” hay phong tục “gọi hồn” (“ba hồn bảy/chín vía”)... Có nghĩa là dân gian quan niệm, con người là một thực thể phức hợp thống nhất biện chứng bao gồm phần xác và phần hồn; khi người ta chết thì hồn vía mới tách khỏi thân thể; phần hồn là phần tinh thần, quyết định nhân cách con người. Những tưởng ở xã hội ngày nay, khi khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn đã phát triển thì con người được giải phẫu/mã ở mọi phương diện, nhưng trên thực tế lại không phải vậy, thậm chí ngược lại, càng ngày người ta càng nhận thấy con người - đặc biệt ở phương diện tâm linh - là một thực thể bất khả tri, bất khả giải.

Người Việt, ai cũng lớn lên với cái “vô thức tập thể” trong mình về ý niệm hồn và xác nói trên. Là hoạ sĩ, dĩ nhiên Lã Bá Quân có năng lực thể hiện những trải nghiệm, chiêm nghiệm của mình thông qua những tác phẩm hội họa. Phần hồn vốn vô hình, họa sĩ chỉ có thể “nhìn” và hữu hình hoá nó thông qua thân xác: những khuôn mặt, những thân thể ứng với những trạng thái hồn vía tích cực hay tiêu cực khác nhau. Đó có thể là những khuôn mặt bị bôi nhòe, bị “băm nát”, vô nhân xưng bằng các vệt màu lớn, biểu hiện trạng thái “thất thần”, “thần hồn nát thần tính” hay “hồn xiêu phách lạc”; có những cơ thể đang ở trạng thái giống như tan chảy thể hiện trạng thái hồn vía đang từ từ lìa khỏi xác; lại có những tác phẩm diễn tả những năng lượng xấu giống như những linh hồn quỷ dữ để biểu hiện sự xâm chiếm của những linh hồn xấu hoặc sự trỗi dậy của những phần hồn xấu, tiêu cực trong phần hồn của một con người (những phần hồn bị tha hóa bởi dục vọng, bởi ma túy…); hay ngược lại, có những tác phẩm biểu hiện những năng lượng tích cực trong linh hồn của con người.

Tranh của Lã Bá Quân tại Triển lãm cho thấy sự chuyển biến mạnh về tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật của anh. Thứ nhất, chuyển từ hội họa biểu hình (những hình người ở các dạng bị bóp méo, biến dạng nhưng vẫn phản ánh một tính cách nào đó của con người trong hiện thực) sang gần với hội họa phi biểu hình để trừu tượng hóa những trạng thái của hồn vía. Thứ hai, vẫn tiếp tục bút pháp quen thuộc (như nhanh, mạnh với những mảng màu lớn, dày) nhưng cực đoan hơn. Thứ ba, kiệm màu, tăng sắc, giảm các màu nóng sáng, tăng màu lạnh tối… so với trước.

Tự hoạ, tranh sơn dầu của Lã Bá Quân

Giám tuyển Bùi Quang Thắng nhận định: “Tôi cho rằng đây là một sự đột phá mạo hiểm, có tính chất dấn thân của người nghệ sĩ và thật may, nó đã thành công và thực sự làm nên một Lã Bá Quân khác trước, mới mẻ hơn, có thể đi xa hơn. Với loạt tranh mới này, Lã Bá Quân đã tạo được thêm một giọng điệu độc đáo cho hội họa đương đại Việt Nam, nó đã tạo được ấn tượng thị giác phức hợp, đó là sự hài hòa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa những năng lượng tích cực và những năng lượng tiêu cực, giữa lí trí và trực giác, giữa trạng thái hưng phấn và sợ hãi...”.

Linh hồn mỏi mệt, tranh sơn dầu của Lã Bá Quân

Chia sẻ về tranh của mình, hoạ sĩ Lã Bá Quân nói: “Thực ra loạt tranh tham gia triển lãm lần này với cái tiêu đề HỒN XIÊU PHÁCH LẠC chỉ là cái cớ thể thông qua đó tôi có thể thể hiện cái nhìn, cái cảm... của mình về con người và xã hội. Cái bề mặt - cái xác - trong các bức tranh của tôi là một sự hỗn độn, méo mó, dị dạng... có thể mang đến những cú shock thẩm mĩ, vượt ngưỡng tiếp nhận của người xem. Nhưng nếu bình tâm, thì bạn sẽ thấy không hẳn là tiêu cực. Tôi muốn dùng/ mượn cái có vẻ như là tiêu cực để góp phần giúp người xem tự phản tỉnh mà đi đến điều chỉnh để cho phần hồn trở nên tích cực”.

Con Rồng cháu Tiên (1), điêu khắc bằng composite của Nguyễn Thành

Cũng nói về phần hồn nhưng những tác phẩm tượng của họa sĩ Nguyễn Thành lại không thể hiện hồn, vía của các cá nhân mà là của xã hội, chính xác hơn là những trạng thái “vô thức tập thể” mà người Việt hiện nay đang đeo mang. Lần triển lãm này, anh không vẽ mà làm điêu khắc: những tượng bán thân với khuôn mặt vô nhân xưng, vô hồn và gắn ở trên đầu là những đồ vật (những khẩu súng như biểu tượng của chiến tranh, những con rồng, con phượng hay xà gồ ở đình chùa miếu mạo như những biểu tượng bền vững của truyền thống...). Người xem không khó để có thể cảm nhận những tác phẩm này nói về nỗi ám ảnh chiến tranh của một dân tộc đã từng chịu nhiều đau thương ở nhiều cuộc chiến, hoặc cảm nhận thấy sự trĩu nặng của truyền thống.

Con Rồng cháu Tiên (2), điêu khắc bằng composite của Nguyễn Thành

Giám tuyển Bùi Quang Thắng phát biểu: “Tôi cho rằng, điều mà họa sĩ Nguyễn Thành muốn nói ở từng tác phẩm không phải chỉ là những ẩn dụ, những nét mới mẻ trong tạo hình hay những kĩ thuật làm bề mặt cho các bức tượng, mà là những câu hỏi hay sự đối thoại với khán giả sau khi xem tác phẩm: Có hay không những trạng thái tinh thần xã hội như ‘thất hồn’, ‘hồn xiêu phách lạc’? Tại sao, khi chiến tranh đã lùi xa vài chục năm, mà những trạng thái tinh thần ấy vẫn ám ảnh trong tâm thức của người Việt?”.

Triển lãm HỒN XIÊU PHÁCH LẠC mở cửa tự do đến hết ngày 29/12/2019, tại VICAS Art Studio (32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội).

YÊN THẾ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)