Dòng chảy  Quốc phòng

Triển lãm “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến”

Thứ Sáu, 21/12/2018 14:01

Triển lãm được khai mạc chiều ngày 20/12/2018, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

Đây là sự kiện do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỉ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, 74 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2018), 29 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2018). Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.

Dự khai mạc Triển lãm còn có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Phó Tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng Vũ Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; đồng chí Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… Ngoài ra là đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kĩ thuật, Tổng cục Công nghệ Quốc phòng, Tổng cục II; các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thủ trưởng các học viện, nhà trường Quân đội; đại biểu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông; Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Mĩ thuật Việt Nam, đại biểu Ban Quản lí các di tích khu vực Hà Nội; đại biểu các bảo tàng trong và ngoài Quân đội; Viện Lịch sử - Bộ Công an; đại biểu Ban Liên lạc cựu chiến binh Bảo tàng; các đơn vị, trường học kết nghĩa…

Đặc biệt, lễ khai mạc Triển lãm có sự hiện diện của đại diện gia đình các tướng lĩnh: gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái; gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn; gia đình Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; gia đình Trung tướng Lê Quang Đạo; gia đình Trung tướng Trần Quý Hai…

 Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm “Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, được chia làm ba phần:

Phần thứ nhất: Giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước, Quân đội với các tướng lĩnh; tiêu biểu như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng lĩnh trong QĐND Việt Nam; hình ảnh buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Lục Rã (Thái Nguyên); một số quyết định phong quân hàm tướng cho các cán bộ quân đội năm 1948…

Phần thứ 2: Tướng lĩnh qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Phần trưng bày này giới thiệu một số hình ảnh hiện vật gắn với các tướng lĩnh đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch như:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Chỉ huy trưởng chiến dịch Việt Bắc, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ (với các hình ảnh tiêu biểu như đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phương án tác chiến trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947; hiện vật Bộ bàn ghế, Đại tướng cùng Bộ Chính trị sử dụng trong cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954; một số lá thư của Đại tướng động viên cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân công tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ...).

- Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng chiến dịch Biên giới (với hình ảnh Thiếu tướng Hoàng Văn Thái chủ trì Hội nghị quân sự chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới năm 1950; Chứng minh thư, Bộ Quốc phòng cấp cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái năm 1949, đồng chí sử dụng trong quá trình công tác...).

Phần thứ 3: Tướng lĩnh qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Mĩ. Nội dung trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật của các tướng lĩnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu như: Bản báo cáo “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mĩ ngụy thua to trong mùa khô 1965-1966”, trên tài liệu có bút tích của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tháng 5/1966; hay Tấm bản đồ miền Nam Việt Nam Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng nghiên cứu trong thời gian công tác ở chiến trường miền Nam từ năm 1965-1967; Mệnh lệnh tác chiến Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch gửi Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 về nhiệm vụ tác chiến tại khu vực Tây Đường 9, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971; Áo Blu dông Thiếu tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 sử dụng tại chiến trường, từ năm 1965-1970; Máy điện thoại để bàn CZ-2A, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Chính ủy Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào sử dụng chỉ đạo trong chiến dịch, từ ngày 30/1/1971 - 23/3/1971; Chiếc Mũ cứng Trung tướng Trần Văn Trà sử dụng khi đồng chí là Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1973; Máy vô tuyến điện Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 dưới sự chỉ huy của Trung tướng Hoàng Minh Thảo đã dùng trong trận đánh chiếm Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975; Que chỉ bản đồ, kính lúp Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng, tháng 4/1975; Ống nhòm Trung tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng trong chiến dịch, tháng 4/1975…

Không gian trưng bày về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phát biểu khai mạc triển lãm, Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Triển lãm là sự tri ân và tôn vinh những công lao của các tướng lĩnh, giúp công chúng có được cái nhìn cụ thể hơn về những chiến thắng tiêu biểu của QĐND Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc”.

Đại diện các gia đình tướng lĩnh, bà Hoàng Minh Châu (con gái Đại tướng Hoàng Văn Thái) đã gửi lời cảm ơn đến Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã lưu giữ các kỉ vật, hình ảnh, tư liệu về các vị tướng lĩnh để tuyên truyền đến các thế hệ hôm nay.

 Bà Hoàng Minh Châu (con gái của Đại tướng Hoàng Văn Thái) phát biểu tại Triển lãm

Hoan nghênh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức cuộc triển lãm ý nghĩa này, Đại tướng Phùng Quang Thanh ghi sổ cảm tưởng: “Mãi mãi biết ơn các vị tướng lĩnh tài ba, mẫu mực, thực sự Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Các đồng chí là những tấm gương sáng của Quân đội ta, đã làm rạng rỡ Quân đội ta, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Triển lãm “Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” có ý nghĩa góp phần giáo dục, khơi dậy cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin, tạo động lực, sức mạnh để phấn đấu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Các đại biểu tham quan phần trưng bày "Tướng lĩnh QĐND Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp"

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 20/12/2018.

NGUYỄN ĐỨC THUẬN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)