Dòng chảy

Xuất bản sách phục vụ việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài

Chủ Nhật, 21/08/2022 00:43

Bộ sách Chào Tiếng Việt dự kiến gồm 6 cuốn, hiện đã xuất bản 2 cuốn cấp độ 1 và cấp độ 2 có chủ đề “Ra khơi” và “Khám phá”. 4 cuốn còn lại với các chủ đề "Thử thách”, “Kết nối”, “Cống hiến”, “Trưởng thành” sẽ tiếp tục được tác giả - TS Nguyễn Thụy Anh thực hiện và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành trong thời gian tới.

Buổi giới thiệu về bộ sách đã diễn ra trong khuôn khổ Toạ đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” chiều 20/8/2022 tại trụ sở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Như Ý, người cố vấn bộ sách đã nói về việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài từ trước đến nay. Ông cho rằng việc này diễn ra chưa có hệ thống. Theo ông, cần đặt ra tính mục đích học tiếng Việt để làm gì. Không chỉ là để nói chuyện giao tiếp với ông bà, cha mẹ, với quê hương, giữ gìn nền văn hóa truyền thống Việt Nam mà cần coi việc này như một chiến lược của bản thân người học. Tiếp đó là câu hỏi, ai sẽ dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Từ trước đến nay thường là bố mẹ dạy cho con theo nhu cầu của gia đình, cần phải xem đây như một chủ trương. Ở phía trong nước thì đã rõ với các chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhưng còn tại các nước thì các Đại sứ quán Việt Nam tại cần vào cuộc mạnh mẽ với các chương trình cụ thể, rõ rệt. Nói về tài liệu dùng cho việc dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài, GS.TS Nguyễn Như Ý cũng cho rằng, từ trước đến nay chưa có một tài liệu chính thức nào cho việc này.

GS.TS Nguyễn Như Ý phát biểu tham luận tại toạ đàm. 

Tuy vậy, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng xuất bản, phát hành một số bộ sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài như: Tiếng Việt vui, Quê Việt và lần này lại đang bắt tay vào in và giới thiệu bộ sách 6 tập Chào Tiếng Việt. Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục trong phần phát biểu cho rằng, đây sẽ là nguồn học liệu quý đối với việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, một tín hiệu vui cho những vấn đề GS.TS Nguyễn Như Ý đặt ra chính là sự kiện tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ của khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 do Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp tổ chức. Theo Ban tổ chức, với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao, đã có 80 giáo viên dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước tham gia khóa tập huấn này. Điều đó cho thấy đã có những động thái tích cực cùng các hoạt động thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài từ phía các bộ ngành liên quan.

Một sự kiện đáng kể khác, đó là ngày 3/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã kí Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”. Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là hàng năm sẽ tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt để từ đó có những hoạt động khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...

Hai cuốn đầu của bộ sách Chào Tiếng Việt được trưng bày và giới thiệu. 

Bộ sách Chào Tiếng Việt của TS Nguyễn Thuỵ Anh đã có cách tiếp cận từ khía cạnh tâm lí của người dạy và người học tiếng Việt ở những không gian địa lí, văn hóa khác nhau. Với lợi thế là một TS giáo dục nhưng đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, một dịch giả nên Nguyễn Thụy Anh đã "tích hợp" những vai trò này khi thực hiện bộ sách, giúp các em có thể làm quen với tiếng Việt một cách vui vẻ, thoải mái và tự nguyện nhất. Bộ ba nhân vật dẫn chuyện Dế, Bé và Miu Nguyễn sẽ giúp người đọc, người học làm quen từng bước với tiếng Việt một cách nhẹ nhàng qua những câu chuyện tình huống rất gần với văn học ở những cấp độ khác nhau, nâng cao dần theo từng tập sách.

Theo quan điểm của những người làm công tác giáo dục, có thể nói, trong quá trình học tiếng Việt, giai đoạn đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất đối với người học ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở những cấp độ đầu tiên, nếu người dạy quá chú trọng việc nhận mặt chữ, luyện âm, vần, ghép từ, tô chữ,… mà không quan tâm tổ chức hoạt động sư phạm sẽ tạo tâm lí buồn chán cho người học ở lứa tuổi này. Coi đây là điểm mấu chốt nên toạ đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” cũng hướng tới việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thú vị giữa giáo viên dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước cùng tác giả biên soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.

Trong Lời nói đầu của hai tập sách, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, chị coi bộ sách như một món quà trân trọng gửi tặng các bậc phụ huynh quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho con em mình, là sự chia sẻ và đồng hành cùng các thầy cô giáo tâm huyết với nhiệm vụ giữ gìn tiếng nước mình ở nơi xa xứ. Thông qua bộ sách, chị cũng kì vọng có thể chia sẻ được những điểm thú vị trong văn hóa Việt, con người và phong cảnh đất nước trong mối tương quan với văn hóa nước bản địa và văn hóa thế giới.

TS Nguyễn Thuỵ Anh, tác giả của bộ sách Chào Tiếng Việt giới thiệu về công trình của mình. 

PGS.TS Natalia Kraevskaia, hiện đang làm việc tại Trường Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Nhân văn Nga tại Moscow đã có thư tham luận gửi đến tọa đàm. Bà cho rằng, bộ sách Chào Tiếng Việt đã kết hợp được các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới. “Đáng lưu ý là các chủ đề, tình huống được lựa chọn cho các bài học đầu tiên đều rất quen thuộc với người học, nội dung chủ yếu liên quan đến môi trường sống, các hoạt động sống thường nhật của trẻ. Từng bước một, khi ở người học đã hình thành được vốn từ cần thiết, ngữ liệu liên quan đến đất nước học mới bắt đầu được đưa vào. Một điều thú vị là, tác giả không những so sánh thực tế cuộc sống Việt Nam và phương Tây mà còn chỉ ra một số điểm khác biệt ở khía cạnh đất nước học và từ vựng giữa hai miền Nam Bắc…”, tham luận của PGS.TS Natalia Kraevskaia viết. Một điểm nữa mà bà ghi nhận, đó là bộ sách đã đưa ra nhiều bài tập ngữ âm được thiết kế đa dạng về nguyên tắc tiếp cận: phân biệt âm giống và khác nhau, các bài tập luyện thanh điệu trong tiếng Việt bằng thơ và âm nhạc.

Được biết, trong tương lai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động về việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài như tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước,…

Bộ sách Chào Tiếng Việt do tác giả Nguyễn Thuỵ Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Bộ sách sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể, từ đó khơi dậy trong các em sự thích thú trong sử dụng tiếng Việt để giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt.

Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lí Việt Nam. Đồng thời, bộ sách Chào Tiếng Việt cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng có thể hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường Quốc tế ở Việt Nam.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)