Dòng chảy

Tướng Hoàng Đan lẫm liệt, hào hoa trong mắt con trai út

Thứ Sáu, 19/04/2024 07:08

Không như nhiều danh tướng cùng thời khác, Hoàng Đan cho đến lúc nghỉ hưu chỉ mang hàm Thiếu tướng nhưng những câu chuyện, giai thoại về ông còn được kể mãi bởi những người đồng đội, những người lính các thế hệ khắp các chiến trường dọc dài đất nước. Những câu chuyện về cuộc đời của Thiếu tướng Hoàng Đan dưới góc nhìn của gia đình, người thân đã được báo chí khai thác, được kể lại nhiều lần, nhưng lần đầu tiên được gói gọn trong một cuốn sách do người con trai út của ông, anh Hoàng Nam Tiến kể lại với những đoạn trích tiêu biểu từ các bức thư ba mẹ gửi cho nhau suốt chiều dài 30 năm. Cuốn sách có tên Thư cho em do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành.

Cuốn sách Thư cho em.

Qua nội dung cuốn sách và phần giao lưu, trả lời báo chí, người ta dễ nhận ra tấm lòng thương yêu, thành kính tuyệt đối của người con trai út dành cho ba mẹ, nhất là sự ngưỡng mộ dành cho ba, không chỉ ở lĩnh vực quân sự ông đã được ghi nhận mà ở góc độ đời tư một người đàn ông đã đi qua chiến trận, bên cạnh sự nghiệp nhà binh, những cống hiến cho Quân đội, cho đất nước, Tướng Hoàng Đan đã kiến tạo một tổ ấm của riêng mình theo cách rất đặc biệt, với những cách thể hiện vừa yêu thương, hào hoa, vừa thấu hiểu và tận tụy để đồng hành với người phụ nữ của cuộc đời ông, mẹ của các con ông.

Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với khu tập thể 61 - 63, phố Cầu Gỗ, biết bao kỉ niệm của Hoàng Nam Tiến và gia đình đã gắn với con phố kề ngay Hồ Gươm này. Sau này, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cha được phong quân hàm tướng thì gia đình chuyển về Trần Phú. Là thế hệ em út trong “Quân khu Trần Phú”, một trong những khu vực quy tụ các gia đình cán bộ quân đội cấp cao ở Hà Nội giống như Quân khu Nam Đồng, Quân khu Lý Nam Đế, Quân khu Điện Biên… từ tuổi ấu thơ, Hoàng Nam Tiến đã theo cha đi khắp các đơn vị, ăn ở với bộ đội, gần gũi và thấu hiểu phần nào môi trường quân ngũ nên cho dù chưa một ngày chính thức làm người lính, anh vẫn khá am hiểu về đời sống quân ngũ. Với những trải nghiệm đã có, đặc biệt sau này, khi đã trưởng thành với những kiến thức, sự am hiểu, tầm nhìn và chiêm nghiệm cá nhân, Hoàng Nam Tiến đã “nội soi” cuộc sống tinh thần của cha mẹ, dựng lại thiên tình sử của họ qua những lá thư như những lát cắt trung thực phản ánh đời sống nội tâm của người lính và hậu phương trong chiến tranh.

Tướng Hoàng Đan và vợ, bà An Vinh trong dịp cưới nhau tại Lạng Sơn năm 1954. 

Để có nguồn tư liệu này, tác giả cho biết, khi cha anh đột ngột qua đời vào năm 2003, mẹ anh, bà An Vinh đã sai anh đưa toàn bộ nhật kí cùng thư từ ông bà viết cho nhau trong chiến tranh vào áo quan để ông mang theo, nhưng cảm nhận đó là tài sản tinh thần vô giá, anh Hoàng Nam Tiến đã không hoàn toàn nghe theo lời mẹ, chỉ để vào quan tài cuốn nhật kí của bố còn chiếc hộp đựng gần 400 bức thư anh đã giữ lại. Những bức thư đó được coi như nguồn di sản tinh thần vô giá của gia đình, đó cũng chính là nguồn tư liệu để sau này anh tập hợp, kể lại câu chuyện tình qua những cánh thư của bố mẹ suốt cuộc đời ông bà gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng của đất nước.

Tại buổi ra mắt cuốn sách trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tác giả Hoàng Nam Tiến say sưa nói về mối tình của ba mẹ. Những giai thoại đã được kể với báo chí trước đó cũng đã xuất hiện trong cuốn sách gây ngạc nhiên, bất ngờ và thích thú cho các bạn trẻ dự khán. Giọng nói truyền cảm, sự dí dỏm chân tình và cả những giọt nước mắt dành cho hai bậc sinh thành của người con trai út là một doanh nhân thành đạt, có tầm ảnh hưởng đã lay động trái tim độc giả.

Tác giả Hoàng Nam Tiến cùng Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cùng chia sẻ những câu chuyện về Tướng Hoàng Đan dưới sự dẫn dắt của BTV Nhã Nam.

Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, một người đồng hương Nghi Lộc, Nghệ An với Tướng Hoàng Đan cũng đã xuất hiện cùng người con trai út Hoàng Nam Tiến để nói về vị tướng của những chiến dịch, của những trận đánh có ý nghĩa giải quyết chiến trường cùng những câu nói “bất hủ” của Tướng Hoàng Đan bên chiến địa. Nguyên là Cục trưởng Cục Chính sách, làm việc cùng trong cơ quan Bộ Quốc phòng một thời gian, có điều kiện tiếp xúc gần với vị tướng đồng hương, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cũng đã chia sẻ những câu chuyện thể hiện cá tính, cốt cách của vị tướng trận mạc, bổ trợ cho những câu chuyện ở góc độ gia đình.

Thiếu tướng Hoàng Đan, bên cạnh sự nghiệp quân sự thì với đời sống cá nhân ông cũng đã làm được những việc phi thường. Từ chuyện đạp xe 1300 cây số từ Điện Biên Phủ về Nghệ An, ra Thái Nguyên, rồi lại tiếp tục lên Lạng Sơn, theo dấu chân người con gái mà ông đã tự xác định với lòng mình rằng sẽ yêu và cưới cô Vinh theo cách rất nhà binh như ông viết trong thư: “Thế là anh quyết định anh đã yêu cô Vinh rồi”. Tự tin trong đánh trận, cầm quân, Tướng Hoang Đan cũng tự tin trong tình yêu: “Anh vẫn tin nhất định chinh phục được trái tim em, vì anh biết em chưa yêu ai… Em chưa yêu ai thì làm sao em lại không yêu anh?”. Nghĩ và tin vào lí luận chắc chắn của mình, ông đã tấn công sát sạt, chiếm bằng được tình cảm của người mình yêu bằng cách làm cho đối phương phải yêu lại mình chứ không hề áp đặt từ một phía. Thế rồi họ đã thành vợ chồng, bên cạnh sự nghiệp riêng của mỗi người, họ đã cùng xây đắp một gia đình chung. Chia sẻ với vợ khát vọng phấn đấu, tạo lập sự nghiệp, ba năm sau họ mới có con đầu Hoàng An, rồi tiếp con thứ hai Hoàng Thu Hồng.

Tướng Hoàng Đan và vợ trong một lần ông về phép. 

Ngay cái tên Hoàng Nam Tiến của tác giả cũng là một câu chuyện, một kết nối với lịch sử dân tộc khi Thiếu tướng Hoàng Đan, cha anh trong bức thư viết ngày 11 tháng 12 năm 1969 gửi cho vợ từ chiến trường Khe Sanh ông đã dặn vợ: Con sắp sinh đặt tên là gì, anh chưa nghĩ kỹ nhưng theo anh nếu đẻ con trai thì đặt tên là Hoàng Nam Tiến, kỷ niệm nó sinh lúc bố nó Nam Tiến, nếu đẻ con gái thì đặt là Hoàng Hạnh Phúc. Hoàng Nam Tiến đã sinh năm 1969, sau chuyến về phép 5 ngày của ba Đan khi kết thúc chiến dịch Khe Sanh tại Quảng Trị. Cái thai ngoài ý muốn ấy đã suýt bị bỏ, nhưng rồi Tướng Đan đã khéo léo thuyết phục vợ giữ lại để rồi đã có một doanh nhân Hoàng Nam Tiến của hôm nay, người đàn ông kế thừa những nét tài hoa của ba, người có cái tên gắn liền với lịch sử chiến tranh giải phóng đất nước mà ba anh đã dự phần bằng cả cuộc đời.

Là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng, sau này có nhiều dịp đi nước ngoài, đặc biệt là đến Mỹ, có lần Hoàng Nam Tiến đã kể lại cho một cựu binh Mỹ về bức thư của người anh trai Hoàng An, khi đó mới 10 tuổi gửi cho mẹ là bà An Vinh. Năm 1967, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các con của ông Hoàng Đan và bà An Vinh phải đi sơ tán về Ninh Bình. Từ Ninh Bình, Hoàng An đã viết thư cho mẹ:

Mẹ kính mến,

Cho mẹ một tin mừng, con được đi thi huyện cả văn lẫn toán. Em Hồng cũng được đi thi mẹ ạ.

Mẹ có khỏe không, con và em vẫn khỏe.

Máy bay Mỹ nó còn ném bom vào nhà mình không? Nếu nó ném bom bi thì mẹ lấy cho con hai quả để con chơi nhé!

Hoàng Nam Tiến rất tâm đắc với lá thư này của anh trai. “Một đứa trẻ 10 tuổi nhìn việc Mỹ ném bom miền Bắc chỉ như việc có thêm đồ chơi cho mình! Với tinh thần lạc quan đến vậy, không kẻ thù nào đánh thắng được quân dân ta!”, con trai út Tướng Hoàng Đan cảm thán. Anh Tiến cho biết, khi anh kể câu chuyện này với một cựu binh Mỹ trong một dịp đến nước này, dường như chưa thực sự tin, cựu binh ấy đã đề nghị anh chụp bức thư cho ông ta xem. Nếu biết thêm về ý nghĩa cái tên Hoàng Nam Tiến của người đối diện vốn là con trai một danh tướng từng chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng trên chiến trường chống Mỹ thì có lẽ người cựu binh nọ còn bất ngờ gấp bội.

Chiếc xe đạp, biểu trưng cho tình yêu người lính khi đạp xe 1300 cây số tìm bằng được đến nơi người yêu để thuyết phục làm lễ cưđược trưng bày tại sự kiện giới thiệu sách và triển lãm một số trích đoạn các bức thư của Tướng Hoàng Đan tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Điều gì khiến anh quyết định kể lại câu chuyện tình của ba mẹ? Trả lời câu hỏi này, Hoàng Nam Tiến kể: Khi một bạn trẻ Gen Z nhắn tin cho tôi nói rằng, bác ơi, con đã thức cả đêm qua để đọc cuốn sách này, và con tin tình yêu là có thật. Chỉ bấy nhiêu thôi là quá đủ để anh không giữ chuyện tình của ba mẹ như chuyện riêng của gia đình. Trong rất nhiều bức “thư cho em”, người đọc có thể nhận thấy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm cá nhân của thế hệ thanh niên cách mạng, họ luôn coi tình yêu song hành cùng lý tưởng, đặt hạnh phúc riêng trong những nhiệm vụ chung, phấn đấu vì sự nghiệp và cống hiến cho đất nước, tình yêu, tình đồng chí đã hòa quyện trong sự hiến dâng tự nguyện và cao đẹp.

Sau tất cả, nhìn về thiên tình sử của ba mẹ, tiêu biểu cho thế hệ những người lính chiến và những người phụ nữ ở hậu phương một thời hoa lửa, Hoàng Nam Tiến viết: “Ba mẹ cưới nhau năm 1954, nhưng phải đến tận năm 1976, khi ba về lãnh đạo Học viện Quân sự cao cấp, họ mới được về sống bên nhau thường xuyên. Hồi cưới nhau, mẹ 21 còn ba 26. Suốt ba mươi năm chiến tranh họ đã sống xa nhau. Khi hòa bình, họ đã là một đôi vợ chồng già, mẹ 51 và ba 56”. Còn lại giữa những khoảng thời gian ấy là những lần tranh thủ vội vã, chẳng mấy khi gia đình được đoàn tụ, dù là dịp tết. Để được sum họp, có năm cả gia đình anh Tiến đã theo ba lên Lạng Sơn là nơi ông nhận nhiệm vụ mới, nơi đang có chiến sự trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới để ăn tết tại Lạng Sơn, là nơi gắn bó với ba mẹ anh nhiều kỉ niệm thuở ban đầu. Chuyến đi xa đầu tiên của gia đình là sau khi giải phóng miền Nam, họ đã có một chuyến “Nam Tiến” cùng nhau trong niềm vui chung của đất nước khi Bắc Nam sum họp một nhà, chỉ thiếu mỗi cậu bé Hoàng Nam Tiến khi ấy còn nhỏ không đi được. Suốt ba mươi năm sống trong xa cách, khoảng cách ấy được lấp đầy bằng những cánh thư, cũng là cách để họ cùng nhìn nhận, chiêm nghiệm, nghĩ về nhau, sống cho nhau nhiều hơn. Sức mạnh từ hậu phương ấy đã khiến vị chỉ huy nơi chiến trận lạc quan, dù luôn phải đối mặt với bom đạn, đã có lúc tưởng hi sinh nhưng ông vẫn lành lặn trở về. Trong những bức thư gửi vợ Tướng Hoàng Đan chưa bao giờ nhắc đến cái chết hay những khó khăn vất vả. Điều gì đã khiến ông bình an, tự tại như vậy? Trả lời thắc mắc của con về việc bom đạn luôn chừa mình ra, Tướng Hoàng Đan đã nói với người con trai út: “Ông bà thì nhân hậu, mẹ cậu thì bao dung nên cả đời ba đi chiến trường không một vết sẹo”.

Một bạn trẻ chăm chú đọc các bức thư của Tướng Hoàng Đan trưng bày tại buổi giới thiệu cuốn sách.

Mối tình ấy, sự gắn bó ấy không chỉ đẹp và sâu sắc khi còn trẻ, ngay cả những năm có tuổi thì trong mắt người con trai đó vẫn là sự mẫu mực để học hỏi: “Chung sống với nhau khi về già, khi cả hai xa nhau đã lâu, khi cả hai đều có địa vị và cái tôi cao không đơn giản. Nhưng ba mẹ tôi học cách chung sống lại bằng việc nhìn vào những điểm tích cực của nhau. Ba mẹ sống với nhau “tương kính như tân”, yêu nhau đến ngày cuối đời. Họ là thế hệ nếu thấy cái gì hỏng cũng cố gắng sửa chữa chứ không vứt đi”. Bằng cách kể lại câu chuyện về ba mẹ mình, Hoàng Nam Tiến với vai trò là một người con, một nhân chứng, đưa câu chuyện đến với công chúng, như một món quà từ quá khứ gửi tặng những bạn trẻ của thế hệ hôm nay, anh đã là cây cầu nối để lưu giữ và tiếp lửa một góc tâm hồn đẹp đẽ của những đôi lứa tài hoa và tận hiến, với những triết lí thấm thía, đáng để suy ngẫm về những giá trị sống của hôm nay.

NGUYỄN XUÂN THỦY

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)