Dòng chảy
Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn - Tư lệnh Binh chủng Đặc công

Bộ đội Đặc công không chỉ uy dũng mà còn mưu trí, sáng tạo

Thứ Tư, 03/04/2024 07:53

Tôi thật sự ngạc nhiên và thú vị lúc vào gặp Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Đặc công Hoàng Minh Sơn khi nhìn thấy nơi góc phòng khách gần ghế ngồi uống nước, một cây ghi ta gỗ dựa ngay ngắn vào tường với hàng dây và phím bóng vết tay người. Trong phòng của ông, một chiếc máy hát cũ hiệu AKAI giản dị gần bộ sa lông ngồi uống nước. Sở dĩ ngạc nhiên và thú vị là bởi, có lẽ không riêng gì tôi, rất nhiều người, gần như mặc định sự ngưỡng mộ người lính đặc công là rất giỏi võ, dũng cảm, can trường, ý chí sắt đá, làm những việc mà người bình thường khó làm nổi, chứ ít khi nghĩ đến sự mềm mại của họ, nhất là một Tư lệnh như ông. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc máy hát, ông cười: Là để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng thôi mà, rồi tiện tay, ông với lên ấn nhẹ nút play. Một bản nhạc không lời với âm lượng nhỏ vang lên nhè nhẹ… và hết sức tự nhiên, chúng tôi bắt đầu chuyện.

Nhiều người cứ nghĩ Bộ đội Đặc công chỉ giỏi võ, giỏi luồn rừng, leo dây, leo tường, thả trôi nhiều giờ trên sông, ngụy trang vô cùng khéo léo, sức chịu đựng ghê gớm trước những điều kiện thời tiết, hoàn cảnh xung quanh khắc nghiệt… nhưng cùng với những kĩ năng ấy, Bộ đội Đặc công cũng rất mềm mại, mưu trí, sáng tạo. Đặc thù chiến đấu của Bộ đội Đặc công là luồn sâu vào trong lòng địch để đánh, nên mỗi người lính phải luôn xác định độc lập tác chiến, tự mình xử lí một cách nhanh nhất, chính xác nhất những tình huống bất ngờ xảy ra - những tình huống thậm chí mang tính sinh tử. Mà trong thực tế chiến đấu thì có thiên hình vạn trạng những bất ngờ không lường trước được.

PV: Thế còn về cách đánh của đặc công thì thế nào, thưa Tư lệnh?

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Bộ đội Đặc công không đông nhưng tinh. Cách đánh đặc công được sinh ra từ nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam từ khi dựng nước và xuyên suốt lịch sử những cuộc chiến đấu vệ quốc chống kẻ thù xâm lược. Đó là lấy lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn. Chẳng hạn, những trận chiến “lai vô ảnh, khứ vô hình” ở đầm Dạ Trạch của Triệu Việt Vương mà sử sách ca ngợi là “Vua giữ đất hiểm dùng kì binh để dẹp giặc lớn”, Tiên phát chế nhân, Lý Thường Kiệt bí mật đem đội quân tinh nhuệ sang đất địch - đánh địch ngay trong lòng địch. Thời vua Trần đánh quân Mông Nguyên thì đục thuyền địch, đánh quấy phá theo kiểu “thoắt ẩn thoát hiện” làm cho giặc khiếp vía, ăn không ngon, ngủ không yên. Ông Ích Khiêm với kĩ thuật cởi trần bôi trát…

Cách đánh của đặc công là lấy ít, nhỏ để thắng nhiều, lớn nên phải rất tinh mới đánh được. Nghệ thuật chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là chiến tranh nhân dân, nghệ thuật biết tận dụng thiên thời, địa lợi nhân hòa, biết dùng thế dùng mưu để tạo lực đánh thắng địch và cách đánh đặc công là tinh túy của nghệ thuật ấy. Lực lượng đặc công là tinh túy của đội quân tài giỏi đánh theo cách đánh ấy, như trong buổi lễ thành lập Binh chủng Đặc công năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Có thể nói, do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao. Chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm. Bây giờ các chú cũng thế, cũng lấy ít đánh nhiều, nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều…” Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công thì khẳng định: “Tiến công với một số lượng rất ít nhưng chất lượng và hiệu suất chiến đấu thật cao, diệt được nhiều quân địch, giành thắng lợi lớn”.

Cách đánh của Bộ đội Đặc công là kế thừa những đúc kết của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nó phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, từng đối tượng tác chiến, từng trận đánh. Khi chiến tranh xảy ra, nghệ thuật đánh đặc công luôn có sự phát triển mới. Nó là mưu lược của một đất nước luôn yếu hơn về tương quan lực lượng cả về vũ khí trang bị và vật chất so với kẻ thù.

PV: Vâng, trong chiến tranh những trận đánh theo kiểu đặc công luôn tạo nên tiếng vang, thu hút sự chú ý của mọi lực lượng bởi nó diễn ra rất bất ngờ, một lực lượng nhỏ nhưng làm thiệt hại rất lớn cho đối phương…

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Những trận đánh thành công của đặc công luôn tạo ra những tiếng vang ở cả hai phía: Ta và địch. Ta là sự cảm phục, khích lệ tinh thần quả cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân và dân lên cao. Địch là sự khiếp đảm, nhụt ý chí, không dám hung hăng.

Nói về sự bất ngờ, để làm được điều đó, người lính đặc công phải biết tạo thế. Tạo thế là thế nào? Thế chiến lược là luôn luôn nằm sát địch, rất gần địch. Thế chiến thuật, tức trong từng trận đánh, là luôn tìm mọi biện pháp luồn sâu, áp sát mục tiêu. Đó là cái giỏi của đặc công mà các lực lượng khác khó làm được. Yếu tố bất ngờ được tạo ra từ sự bí mật. Bên cạnh đó, người lính đặc công từ chỉ huy đến chiến đấu viên, có một khả năng đặc biệt, đó là biết chớp thời cơ thuận lợi của điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, hải văn, địa hình. Muốn vậy anh phải có kĩ năng quan sát thiên nhiên, thời tiết vận dụng sao cho phù hợp với cách đánh của mình. Riêng Bộ đội Đặc công chúng tôi, khi đặt chân đến bất cứ đâu, điều đầu tiên là quan sát xem chỗ nào mình có thể ẩn nấp được, chỗ nào có thể phát triển chiến đấu được. Trước khi đánh phải biết mai nắng hay mưa, mấy giờ hôm nay có sương mù... Ra ngoài biển phải biết xem hải văn để biết dòng chảy ra sao, rồi đá ngầm… Biết thiên thì mới có thời, tạo được thời. Người lính đặc công ngoài biết thiên văn, địa lí, còn phải biết địch. Họ chỉ đánh khi nắm chắc được địch. Địch ở đâu, bố trí thế nào, hỏa lực, dây thép gai, hầm hào ra sao, quy luật canh phòng... Thời kì chống Mĩ, địch đều biết đặc công ta đội lục bình, cỏ trôi trên sông ngụy trang để đánh chìm tàu, ngày nào ca nô địch cũng tuần tiễu bắn nát các chỗ mà chúng nghi ngờ nhưng cứ một thời gian lại có một chiếc tàu bị đánh, bị chìm. Đó là khả năng ngụy trang, chọn thời điểm, chớp thời cơ tuyệt vời để đánh khiến địch bất ngờ của Bộ đội Đặc công.

Khi biết địch rồi còn phải biết ta. Khả năng của mình như thế đánh được chưa, thắng được chưa. Huấn luyện, khổ luyện mười phần, chỉ cần dùng bảy phần. Người lính đặc công phải biết dùng mưu. Nghi binh lừa địch để bí mật áp sát vận dụng kĩ năng tiêu diệt địch. Mưu lược của người lính đặc công là lừa địch trên chiến trường.

Bộ đội Đặc công luyện tập dùng nội công quấn thép quanh cổ. Ảnh:TL

PV: Những ngày này, chúng ta đang có rất nhiều hoạt động kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời kì chống Pháp, Binh chủng Đặc công chưa thành lập, vậy có lực lượng đặc công không?

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Thời kì chống Pháp chưa thành lập Binh chủng Đặc công nhưng có các lực lượng, đơn vị đặc công trong toàn quân. Những lực lượng này đánh những trận theo cách đánh đặc công như: Tập kích sân bay Gia Lâm đêm ngày 4/3/1954 của bộ đội Hà Nội; Tập kích sân bay Cát Bi đêm ngày 7/3/1954 của bộ đội địa phương Kiến An (Hải Phòng)... Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng, đơn vị ấy đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập được nhiều chiến công, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

PV: Sự kiện Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, năm nay chúng ta kỉ niệm 49 năm và sang năm sẽ tròn 50 năm, nửa thế kỉ. Ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công là ngày 19/3/1967, tức là Binh chủng được thành lập trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, trước sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968…

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Như tôi đã nói ở trên, trước khi thành lập Binh chủng Đặc công thì đã có các đơn vị đặc công trong toàn quân từ thời chống Pháp. Đến thời kì chống Mĩ lực lượng ấy càng ngày càng phát triển và việc thành lập Binh chủng Đặc công năm 1967 là một điều tất yếu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ đội Đặc công đã đánh hơn 1.000 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 lính Mĩ, ngụy và chư hầu, phá huỷ 500 máy bay, 1.600 xe quân sự, hàng chục vạn tấn bom đạn, xăng dầu và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 khẳng định, ngay cả Trung tâm đầu não của Mĩ, ngụy còn đánh được huống hồ những nơi khác. Có thể nói, đó là một trong những bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, ngụy giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Nếu không có chiến dịch đó, sẽ không làm rúng động cả hai nghị viện, nhân dân Mĩ, gâp áp lực rất lớn cho chính quyền Mĩ lúc bấy giờ. Nó là tiền đề, cùng với chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, để buộc Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán kí hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975.

Chiến dịch Mậu Thân cũng cho ta thấy rõ hơn khả năng tác chiến của Bộ đội Đặc công mà trong hội nghị Tổng kết chiến dịch đã kết luận “Bộ đội Đặc công có khả năng đánh tất cả các loại mục tiêu trên bộ, dưới nước, trong đô thị... Đặc công không những đánh độc lập mà còn có khả năng đánh hiệp đồng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương’’.

Sau sự kiện Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công trên các chiến trường tiếp tục tổ chức đánh địch đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như trận tập kích căn cứ Đồng Dù, của Tiểu đoàn 3 Đặc công Miền, Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7. 156 chiến sĩ đặc công vào hơn một tiếng đồng hồ diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy rất nhiều xe quân sự, máy bay, pháo, các kho đạn và dụng cụ chiến tranh. Rồi trận tập kích căn cứ Técních của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn Đặc công 429 và Đại đội 48 Đặc công cơ giới.

Trong cuộc tiến công Chiến lược xuân hè năm 1972, Bộ đội Đặc công đã đánh hơn 100 trận, tiêu diệt nhiều sinh lực cao cấp, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch như trận tập kích bằng hỏa lực vào sân bay Biên Hòa; trận tập kích vào khu kho 53 (Tổng kho Long Bình) của Trung đoàn Đặc công 113; Trận đánh chìm tàu địch chở dầu ở cảng Nhà Bè của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Trận tập kích căn cứ Bù Bông của Trung đoàn Đặc công 429

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng đặc công tham gia gồm Lữ đoàn 316, 7 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 11 đại đội và nhiều tổ biệt động nội tuyến Sài Gòn, có nhiệm vụ đánh chiếm trước 14 cầu và một số căn cứ địch án ngữ trên các trục đường tiến vào Sài Gòn, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, vít chặt sông Lòng Tàu; Đặc công Biệt động đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong, phối hợp với các cánh quân chủ lực tiến công từ ngoài vào hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực trong nội đô Sài Gòn. Đánh chiếm cầu Ghềnh, cầu Sáng, cầu Rạch Chiếc, Trường sĩ quan Thiết giáp ngụy, căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, Trung tâm radar Phú Lâm, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát và khống chế sân bay Tân Sơn Nhất... tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân thần tốc tiến vào Sài Gòn.

PV: Trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ phát triển, các loại khí tài quan sát được rất xa nhưng vẫn vô cùng chính xác và rõ nét ở từng ngóc ngách sẽ rất khó cho việc tạo thế, tạo thời của Bộ đội Đặc công. Bên cạnh đó, khủng bố đang là vấn đề nhức nhối, mang tính toàn cầu…

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Đúng là hiện nay các khí tài quan sát rất phát triển. Có những loại kính nhìn đêm cách cả nghìn mét vẫn rõ như ban ngày, con nhái nhảy lên rõ cả sóng nước. Trường hợp này, Bộ đội Đặc công chúng tôi sẽ làm gì? Tất nhiên, chúng tôi nghỉ ngơi, tổ chức cho bộ đội cải thiện (cười). Bởi đó là khi trời quang mây tạnh, điều kiện thời tiết tốt. Còn khi trời mưa, mù, khói bụi, thì có kính giời cũng chịu, lúc ấy mới là thời cơ của Bộ đội Đặc công. Như nãy tôi nói, vấn đề là tài trí của anh như thế nào để tận dụng triệt để thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tài trí của người cán bộ và chiến đấu viên, kết hợp với vũ khí trang bị hiện đại. Cũng vũ khí trang bị hiện đại ấy, bên nào sử dụng giỏi hơn bên ấy thắng.

Sau sự kiện ngày 11/9/2001 tại Mĩ, hoạt động khủng bố xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa trực tiếp đến hoà bình và an ninh toàn cầu. Trước tình hình đó, Binh chủng Đặc công tiếp tục được Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng giao cho nhiệm vụ mới:

Tháng 9/2004, tất cả các đơn vị trong Binh chủng, các quân khu và Quân chủng Hải quân đã thành lập Đội chống khủng bố.

Ngày 29/6/2012, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 60 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Binh chủng Đặc công, trong đó giao Binh chủng Đặc công là đơn vị đầu ngành chống khủng bố toàn quân.

Năm 2014, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ quân sự quốc phòng chủ trương cho phép hiện đại hóa lực lượng chống khủng bố.

PV: Qua sự chia sẻ của Tư lệnh, độc giả Văn nghệ Quân đội đã có cái nhìn sâu sắc hơn đối với Bộ đội Đặc công. Để nói những gì khái quát nhất những giá trị của người lính đặc công hôm nay, thì đó sẽ là gì thưa Tư lệnh?

Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn: Như tôi đã nói ở trên, cách đánh đặc công được hình thành, phát triển từ nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là tinh hoa, tinh túy của nghệ thuật ấy. Trong quá trình hình thành phát triển, lực lượng đặc công đã đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kì hiện đại, Bộ đội Đặc công đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang:

Đặc biệt trung thành.

Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn.

Kỉ luật tự giác, đặc biệt nghiêm minh.

Đặc biệt tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Nội bộ đặc biệt đoàn kết keo sơn, gắn bó máu thịt với nhân dân và hiệp đồng chặt chẽ với các quân, binh chủng bạn.

Đặc biệt giữ vững phẩm chất cách mạng, có lối sống trong sạch lành mạnh, khiêm tốn, giản dị.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Tư lệnh

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)