Dòng chảy

“Điện Biên vẫy gọi” tái hiện một tinh thần Điện Biên

Thứ Ba, 09/04/2024 16:27

Sau gần 2 tháng luyện tập miệt mài, say sưa, vừa qua, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã ra mắt vở diễn Điện Biên vẫy gọi. Vở diễn của tác giả Tất Thắng; Đạo diễn, NSND Lê Hùng; Chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc, Đại tá, NSƯT Mai Phương. Đây là công trình nghệ thuật đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo cùng tập thể đội ngũ diễn viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội chào mừng kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tác giả, PGS, TS Nguyễn Tất Thắng cho biết, qua kịch bản Điện Biên vẫy gọi, ông không chỉ nêu bật giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà còn khắc họa rõ nét ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta với những tấm gương sáng ngời của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng các tầng lớp nhân dân, các lực lượng phục vụ chiến dịch. Cùng tâm huyết ấy, đạo diễn, NSND Lê Hùng thấy chưa có chương trình nào ca ngợi trực diện lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên, nên ông đã dàn dựng vở diễn này để gửi gắm đến người xem thông điệp: bên cạnh sự hi sinh to lớn, oanh liệt của bộ đội, thì lực lượng dân công, đồng bào dân tộc, người dân các vùng miền cũng góp phần to lớn làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Vở diễn Điện Biên vẫy gọi xoay quanh câu chuyện chính là hành trình của cô gái tên là Nguyễn Thị Phong Lan (NS Kim Dung) băng rừng, vượt núi, qua sông để hòa vào những đoàn dân công tiến lên Điện Biên tìm Long (NS Lê Khả Sinh), người chồng chưa cưới, đồng thời góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng Điện Biên. Họ là người dân làng Tề (làng bị quân Pháp chiếm đóng và kiểm soát trước năm 1954), cùng nhau giúp đỡ, dẫn đường các đoàn bộ đội và dân công hướng lên Điện Biên đi qua để tránh sự truy đuổi của địch. Long đi theo cách mạng, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng lời hẹn ước với Lan sẽ gặp và cưới nhau trên mảnh đất Điện Biên sau ngày thắng trận. Lan trở thành nữ dân công khi tham gia đoàn vận tải, trở thành nữ cứu thương khi phục vụ công tác cứu thương trong các trạm quân y, hòa mình vào không khí cả nước như chung một dòng chảy hừng hực, cuồn cuộn hướng lên giải phóng Điện biên... Trên đường gập ghềnh hướng Điện Biên, Lan gặp, chứng kiến những con người đang ngày đêm góp sức lực, niềm tin của mình cho cuộc chiến tranh cứu nước tới ngày thắng lợi…

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dĩ bất biến ứng vạn biến" có nghĩa là lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến (cái thay đổi) đã hòa quyện máu thịt vào những hành động, quyết định của các nhân vật, từ nhân vật chính (cô dân công Lan) trên hành trình đầy khó khăn lên Điện Biên tới nhân vật phụ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong quyết định đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, cùng một lòng hướng lên Điện biên, vì Điện biên, tất cả làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 
Sau hơn 2 tháng luyện tập miệt mài, say sưa, từ hình hài một vở diễn hoành tráng huy động tới hàng vài chục người trên sân khấu tái hiện cuộc “kháng chiến toàn dân” theo bước chân của cô dân công Lan đi lên Điện Biên, tới máu thịt, linh hồn của vở kịch đầy cảm xúc, khiến khán giả lắng lòng cảm động trước những hi sinh thầm lặng của những con người làm nên lịch sử. Đó là cô gái trẻ người Thái dẫn đường cho dân công chở lương thực lên Điện Biên hi sinh khi mọi người còn chưa biết tên, đó là anh lái đò chở bộ đội qua sông đã mất từ lúc nào vì bom Pháp, trên chính con thuyền của mình, đó là Liên - cô gái trẻ sức yếu nhưng vẫn muốn góp sức chở gạo lên Điện Biên, vì yếu quá mà đi lạc đoàn… Và Lan, tưởng chừng những khát khao mong chờ sẽ đến nhưng trước giờ toàn thắng, cô đã bị thương nặng khi vác trên vai một thương binh băng qua làn đạn. Lan đã hi sinh trên tay người chồng chưa kịp làm đám cưới bên đồi A1 với lá cờ đỏ sao vàng. Đằng sau những ùng oàng đạn pháo, đằng sau những hào hùng chiến thắng là những giọt mồ hôi, là máu và nước mắt. Đằng sau những đại cảnh sân khấu tràn ngập người và xe thồ, là những khoảng lặng diễn viên diễn trong im lặng. Tiếng gào bên xác cô gái dân tộc (NSƯT Bích Thủy), tiếng khóc và độc thoại bên bạn đồng hành (NS Kim Dung)… rất tự nhiên đã khiến khán giả rơi nước mắt. Nhưng, cuộc hành trình vẫn cứ thế, vượt lên những hi sinh, vượt lên những nỗi đau để tiếp tục tới Điện Biên, tiếp tục tới ngày chiến thắng. Trong khó khăn, gian khổ, đoàn dân công, dẫn đầu là cụ trưởng trò (NS Văn Chung) vẫn cất cao giọng hát, câu hò, vững niềm tin hướng về phía trước... Như một điểm nhấn của vở diễn, mang tinh thần Điện Biên, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NSƯT Đới Anh Quân) được thể hiện rất tự nhiên, đúng phong cách của một vị Đại tướng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một con người tài hoa và cũng rất nghệ sĩ…

Theo Đại tá, NSƯT Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, đây là công trình nghệ thuật trọng điểm trong năm của Nhà hát chào mừng các ngày kỉ niệm lớn của đất nước nói chung, Quân đội nói riêng, nên với Điện Biên vẫy gọi, Nhà hát đã huy động gần như toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên vào cuộc. Mỗi người đều nỗ lực phát huy sáng tạo để hoàn thành tốt vai diễn của mình. Tuy thời lượng của mỗi nhân vật xuất hiện không nhiều, nhưng nhờ vào sự khắc họa sắc nét, không ít nhân vật đã để lại dấu ấn. Vở diễn rất đông diễn viên, nhưng các vai diễn chính - phụ, các thành phần trong ê kíp sáng tạo phối hợp với nhau rất ăn ý. Tiết tấu cảm xúc của vở diễn được phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt có những lớp diễn cả ánh sáng, âm thanh cũng tham gia diễn, tái hiện một Điện Biên Phủ “nóng như chảo lửa" rất ấn tượng. Ê kíp sáng tạo đã xây dựng được một vở diễn quy mô hoành tráng, giàu tính nhân văn và mang tính giáo dục cao, cho thấy Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự mà còn là chiến thắng ở sự nhân văn, tình người. Vở diễn đã toát lên được tinh thần đó.

Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, vở diễn Điện Biên vẫy gọi thực sự là một công trình nghệ thuật mang lại một góc nhìn riêng về Điện Biên, với những cảm xúc đẹp về lịch sử Việt nam, về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Một số hình ảnh vỡ diễn Điện Biên vẫy gọi:

VŨ HOÀNG HẠNH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)