Dòng chảy

Ồ ạt in tác phẩm kinh điển: Trở lại hay thụt lùi?

Thứ Tư, 27/10/2021 07:12

Thời gian gần đây, bên cạnh những tác phẩm đương đại được mua bản quyền, chuyển ngữ và giới thiệu mới; thì những tác phẩm kinh điển từ lâu đã có sức sống cũng trở lại, hoặc được thiết kế mới đẹp hơn, hoặc được dịch theo sát tinh thần hơn. Từ đó cho thấy sức sống trường tồn của thể loại này, cũng như sự nhạy bén của các nhà phát hành sách. Nhưng đó cũng còn là lựa chọn an toàn về đầu ra của các đơn vị làm sách, thay vì đầu tư giới thiệu đến độc giả những sản phẩm văn hóa đọc mới mẻ hay đương thời.

MUÔN KIỂU "QUAY ĐẦU"

Những ngày gần đây, tác phẩm Cuốn theo chiều gió kinh điển của nữ nhà văn Margaret Mitchell không chỉ xuất hiện trở lại một lần, mà bất ngờ thay có đến 3 nhà phát hành hướng vào tác phẩm này. Nếu Đinh Tị góp mặt với bản dịch mới của dịch giả Dạ Thảo, được giới thiệu là bản dịch công phu và đầy đủ; thì Đông A và Bestbook lại ưu tiên sử dụng bản dịch cũ, do dịch giả Vũ Kim Thư dịch từ rất lâu về trước. Xét về hình thức, thay vì trọn bộ từ 2 - 4 quyển như từ trước đến nay, với sự trở lại lần này, Đông A quyết định in chung một tập bìa cứng, khai thác nhiều hình vẽ minh họa hơn trong khi Bestbook thì làm boxset gồm 2 quyển bìa cứng, Đinh Tị thì đa dạng hơn, có cả phiên bản đặc biệt bìa cứng và bìa mềm phổ thông mỗi bộ 2 tập.

Bộ sách "Cuốn theo chiều gió" trong bản dịch mới của dịch giả Dạ Thảo do Đinh Tị giới thiệu.

Phúc Minh Books mới đây cũng tham gia vào con đường này, khi quyết định phát hành Những người phụ nữ bé nhỏ của nhà văn Louisa May Alcott, từng gây nhiều tiếng vang khi bộ phim chuyển thể được đề cử nhiều giải Oscar cho năm 2019. Được biết với lần phát hành này bên cạnh các bản bìa cứng phổ thông, phía phát hành cũng tung ra các bản đặc biệt bìa lụa, và 100 bản độc nhất sách vi quyển (miniature books) - một hình thức mới chưa nhiều phát triển ở thị trường Việt Nam, có nhiều giá trị sưu tầm.

Trường hợp dịch mới này không chỉ có ở Cuốn theo chiều gió, mà đó còn là Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett do Siu Phạm dịch, Oliver Twist của Charles Dickens, dịch giả Lan Young, còn Chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde với bản dịch của Nham Hoa và Bức tranh Dorian Gray của Oscar Wilde qua bản dịch của Thiên Lương.

Không chỉ ở mảng dịch thuật, các tác phẩm này cũng trở lại bằng diện mạo mới và có phần chỉnh chu, hút hồn hơn. Có thể kể đến bộ Truyện cổ Grimm gần đây được ra mắt bởi cả Nhã Nam và Đông A, đều được đầu tư chăm chút ở vẻ bề ngoài, hoặc bìa cứng, hoặc bìa da vô cùng giới hạn. Bản của Nhã Nam cũng được dịch mới hoàn toàn bởi dịch giả Lan Young, nếu không nói trước đó hầu như bộ truyện này đã được rất nhiều nhà phát hành làm.

Tác phẩm "Truyện cổ Grimm" được đầu tư bản dịch và hình thức mới hoàn toàn.

Việc xuất hiện trở lại nhằm mục đích giới thiệu các tác phẩm đã lâu, hoặc thay mới để hình thức tương xứng với nội dung cũng là cách các nhà làm sách hiệu chỉnh những bản dịch cũ, có phần thiếu chính xác trong điều kiện xuất bản thời kì trước. Đơn cử tác phẩm Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck - nhà văn đoạt giải Nobel, gần đây được dịch mới bởi dịch giả Phạm Văn, cũng như được đối chiếu – bổ sung với bản dịch lâu năm trước đây của dịch giả Phạm Thủy Ba; mang đến độ chính xác và trải nghiệm được tối đa cho người đọc. Hay trong những lần in trước đó, nếu các dịch giả chưa dịch được hết hồn cốt tác phẩm hoặc khả năng còn nhiều hạn chế; thì nhờ việc này, các tác phẩm cũng được trả lại nguyên hình hài của nó, mà đơn cử có thể kế đến như cuốn Người tình của phu nhân Chatterley trong bản dịch mới của dịch giả Nguyễn Nguyện Nguyên.

ĐỌC HAY TRƯNG BÀY?

Tuy đây là việc làm vô cùng cần thiết, thế nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến giới xuất bản rủ nhau... lùi vào quá khứ. Nhìn kĩ, các tác phẩm được các nhà sách thay nhau làm mới này đều là những tác phẩm thuộc hàng kinh điển quen thuộc, đã được dịch rất lâu và rất nhiều ở Việt Nam như Nghìn lẻ một đêm, Anh em nhà Karamazov, Bá tước Monte Cristo, Bức chân dung Dorian Gray… chứ không phải là những tác phẩm lần đầu tiên dịch và được giới thiệu, như các tập còn lại của bộ Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust) hay các bộ sử thi dân gian…, những tác phẩm mà độc giả đã chờ đợi một thời gian dài, nhưng vẫn chưa được triển khai lại.

Các tác phẩm của Dostoyevski cũng được giới thiệu trở lại. 

Lí giải cho điều này, có thể thấy các công ty sách cũng như các nhà xuất bản đang chọn phương án an toàn. Họ chỉ dùng lại những tác phẩm có sức nặng, đã được kiểm chứng độ yêu thích qua từng thế hệ; để từ đó đảm bảo một nguồn ra có tiềm năng. Trong khi đó những tác phẩm phủ bóng còn lại lại hiếm khi được chú ý hay đầu tư dịch mới. Thiết nghĩ, đây là một điều vô cùng đáng tiếc cho độc giả, bởi như tiểu thuyết gia Haruki Murakami nói, “Nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc, bạn chỉ có thể nghĩ tới điều tất cả mọi người đều nghĩ tới”. Và rõ ràng đây là một bước lùi mà chúng ta không thể không thấy.

Ngoài ra, với việc đầu tư xuất bản lại, những tác phẩm này có giá bán cũng tăng phi mã so với những năm trước. Lấy Nghìn lẻ một đêm của Đông A làm một ví dụ. Họ từng tung ra tác phẩm này dưới dạng bìa cứng những năm trước đây, với giá bìa 225.000 VNĐ; nhưng với lần trở lại mới này, giá bán (dự kiến) được tăng gần 4 lần, thành 990.000 VNĐ trong khi nội dung vẫn lấy từ bản dịch của dịch giả Phan Quang không có gì mới, ngoài mặt hình thức. Giá sách mới ra có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng, nhất là thời điểm sau dịch bệnh căng thẳng khiến cả xã hội mệt nhoài và nhiều mọt sách cũng lâm vào cảnh rỗng túi. Nó còn nói lên một điều nữa: rõ ràng rằng đến đây sách kinh điển đã trở thành vật thể trưng bày hơn công dụng chính là để đọc.

KẾT

Dể thấy việc in trở lại những tác phẩm kinh điển mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp làm sách và độc giả. Doanh nghiệp thì không cần mua lại bản quyền (vì đa số đã hết thời hạn 50 năm), không cần dịch mới (ngoại trừ một số ít đầu tư thêm hay hiệu chỉnh so với bản cũ), có sẵn thông tin về khả năng tiêu thụ của thị trường từ trước; từ đó giúp họ an tâm hơn trong quá trình sản xuất. Độc giả thì được tiếp cận dễ dàng hơn, với những tác phẩm được hiệu chỉnh hoặc đã “biệt tích” quá lâu. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào việc làm lại những tựa sách cũ vẫn được in qua in lại hàng năm mà cải tiến duy nhất chỉ là hình thức thì những tác phẩm mới, đương thời, cần được giới thiệu nhiều hơn nữa sẽ khó có cơ hội trở lại và không thể cạnh tranh khi người người, nhà nhà đổ xô làm sách kinh điển.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)