THE BOOKER PRIZES 2021 - TÁC PHẨM NÀO SẼ ĐƯỢC VINH DANH? - Bài 5

"Great Circle"- Vòng tròn vô tận

Thứ Năm, 21/10/2021 17:04

Kể từ mùa giải Booker 2019 với chiến thắng thuộc về Margaret Atwood và Bernardine Evaristo, thì đến nay danh sách rút gọn mới xuất thiện thêm một đề cử có độ dài phi thường. Được đánh giá như một saga (sử thi) về số phận con người trong bối cảnh biến loạn, với nghệ sĩ tính, quyền nữ, khát khao phiêu lưu, ham muốn tự do, bứt phá mọi giới hạn… Great Circle (tạm dịch: Vòng tròn vô tận) của nữ tác giả Maggie Shipstead đã tận dụng đúng lợi thế ở độ dài này để viết nên một tác phẩm phi thường, mà rất có thể sánh ngang với những tiểu thuyết lớn khác, như của A.S. Byatt.

Loạt bài trong chủ đề:

Bài 1: "The Promise" - Một bản sử thi về gia đình hiện đại

Bài 2: "Bewilderment" - Những nghi ngại về tương lai bất định

Bài 3: “A Passage North” - Sóng ngầm của những mất mát, đau thương

Bài 4: "The Fortune men" - Những ám ảnh sắc tộc

Việc sử dụng vòng tròn lặp là không hiếm thấy trong các tác phẩm văn chương đương đại. Nếu những năm trước đó Kate Atkinson từng khiến người đọc ngỡ ngàng về cấu trúc mới lạ của cuốn Chuỗi đời bất tận, khi cho nhân vật Ursula sống sót qua nhiều vòng thời gian thuộc những tình huống khác nhau; thì Maggie Shipstead cũng thế. Great Circle là một vòng tròn hoàn hảo, một sự lặp lại câu chuyện của hai người phụ nữ cách nhau hơn một thế kỉ, nhưng cùng chung những kìm kẹp, bức thiết và đời sống thì dường như vẫn muôn thủa thay phiên nhau vận động không ngừng.

Tác phẩm "Great Circle". 

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐƯƠNG THỜI

Mạch chính là câu chuyện hư cấu về Marian Graves - một nữ phi công phi thường, người có tính cách khác lạ và từng phục vụ cho phe Đồng minh trong Thế chiến thứ Hai. Cuộc đời của Marian là một trang sử dài, bắt nguồn từ mầm mống của con thuyền Josefina Eternal bị chìm ở một nơi nào đó ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương trong Thế chiến thứ nhất. Nhà Wallace, gồm người mẹ ủ dột, bố cô - thuyền trưởng, người đã nổ súng cảnh cáo các hành khách, nhảy xuống xuồng cứu hộ chỉ dành cho phụ nữ, trên tay mang theo cặp song sinh là hai anh em cô. Cũng chính vì hành động khó chấp nhận đó, ông bị giam vào tù và cặp song sinh được chuyển giao cho người chú họa sĩ, em trai ông.

Tại ngôi nhà ở Missoula bang Montana đó, Jamie và Marian đã phát huy những thiên tư của riêng mình. Cả hai đồng cảm sâu sắc với nhau, khi không chỉ bởi hoàn cảnh đã đưa đẩy họ thành con cái của một thuyền trưởng thỏ đế vang danh, mà còn bởi sợi dây huyết thống dẫu có mong manh một lần nào đó đã quấn quanh họ. Nếu Marian là người tìm kiếm cảm giác mạnh trong một cuộc sống đầy màu sắc và đa dạng, thì Jamie đầy nghệ sĩ tính, có phần nhút nhát, nhạy cảm và tài năng.

Trong một lần chạm trán bất ngờ với một cặp phi công đi ngang qua thị trấn, Marian đã bắt đầu gắn bó trọn đời mình với chiếc máy bay. Cô can đảm, dũng cảm như người bị mờ mắt vì khát khao được bay. Nhận thức được trình trạng bản thân và là một cô gái, cô bắt đầu cắt tóc và ân vận như một đứa con trai. Tại đây, cô bắt đầu đi giao hàng cho ông Stanley - chủ một cửa hiệu địa phương - với ước muốn dành dụm cho các bài học bay sau này. Số phận rong ruổi trong một lần vào nhà của bà Dolly - nơi có các cô gái phường vẫy hành nghề, Marian đã bị choáng ngợp trước vốn kiến thức mà một đứa trẻ thiếu vắng người mẹ, chỉ được nuôi dưỡng bởi đàn ông, bỗng dưng nhận ra. Cô lọt vào mắt xanh của Barclay Macqueen - một nhà tài phiệt đa lĩnh vực, nhận bảo trợ và tài trợ cho các bài học bay của cô.

Nhưng không ngờ tới đây sẽ là nấm mồ chôn chặt phần lớn đời sống trưởng thành của Marian. Lớn lên trong một bối cảnh có nhiều đặc biệt, Maggie Shipstead cho người đọc thấy hành trình trưởng thành của một cô gái bơ vơ, tự khám phá mình. Khi tuổi xuân rực cháy, cô biết mình phải giải phóng chúng, và người được chọn chính là Caleb - cậu bạn thân của Jamie, người dành phần lớn thời gian ở trên núi, đôi khi một mình, thường là hướng dẫn những người đàn ông đi săn, để bắn những mục tiêu mà họ bỏ lỡ và vờ như là họ đã bắn trúng. Trong một lần nhờ cậu cắt tóc, mọi thứ đã xảy ra, và Marian lần đầu biết thế nào là những khát khao yêu đương của một người phụ nữ.

Nhà văn Maggie Shipstead. Nguồn: LA Times

Marian bị ám ảnh bởi Barclay Macqueen, khi đó không chỉ là người bảo trợ cho cô, mà còn theo kiểu Scarlett O’Hara, hai người càng khinh thường nhau thì lại càng gắn bó với nhau. Bacrclay tỏ ra vẻ ngoài không cần gì ở cô, nhưng thực ra ông khát khao cô đến vô độ. Khi người chú ngày càng sa đọa vào rượu chè và bán đi từng phần một gia sản của mình, cũng là khi Marian đồng ý cưới Barclay như cách trả nợ, cứu sống chú mình ở các trại cai nghiện, và tiếp tục khao khát được bay. Thế nhưng Barclay là một người đàn ông với suy nghĩ truyền thống không hơn không kém. Ông cấm cô bay, chỉ muốn cô tiếp tục ở lại dinh thự với tư cách một người vợ, người mẹ, ràng buộc cô vào chuyện có con cái. Và đó là sự khởi đầu cho những ẩn danh đầu tiên ở Alaska.

HOLLYWOOD HOÀNG KIM

100 năm sau, ở kinh đô của điện ảnh vang danh, một phụ nữ trẻ tên Hadley với sự nghiệp phim ảnh đầy biến động đã trần thuật lại đời mình với tư cách một ngôi sao điện ảnh. Cô đóng vai chính cho loạt phim Archangel cực kì nổi tiếng (đi theo motif của Năm mươi sắc thái). Tuy nổi tiếng, nhưng đáng xấu hổ thay, cái giá phải trả cũng thật sự đắt. Nắm bắt thời sự một cách tinh tế, Maggie Shipstead cũng khai thác những mặt trái của kinh đô tưởng phù hoa này, từ sau bê bối của Harvey Weinstein được đưa ra ánh sáng.

Mất cha mẹ từ nhỏ trong một vụ đánh rơi máy bay, vòng tròn đầu tiên được nối lại sau hơn một thế kỉ, giữa Hadley và Marian, đều cùng điểm chung là chiếc máy bay. Điều thứ hai, là những ham thích tự do. Chủ nghĩa nam quyền thống trị trong cả hai thời đại luôn luôn hiện diện, một bên khiến Marian lao đầu vào những nghĩa vụ thiêng liêng, một bên nhốt chặt Hadley vào chiếc lồng của sự nổi tiếng, với việc xu nịnh, những đêm say sưa ăn chơi, những lời thóa mạ trên mạng xã hội và tất cả những thứ gì có thể hạ gục một cô gái từ phía bên trong.

Và trong những thời khắc tận cùng khi một bê bối mới vừa nổ ra khi đoạn phim nhạy cảm bị rò rỉ, Hadley lại một lần nữa nối đuôi vào vòng tròn lớn của Marian khi nhận được kịch bản của bộ phim Peregrine, tái hiện lại cuộc đời của Marian, bắt đầu từ khi còn nhỏ, đến khi phục vụ cho quân Đồng minh và cuối cùng là biến mất ở một nơi nào đó gần bờ biển New Zealand, nơi cuốn tự truyện được tìm thấy trong một túi thu thập mẫu vật trên tảng băng trôi gần Nam Cực. Hadley không chỉ bị cuốn hút bởi mẫu số chung về chiếc máy bay xấu số, mà đó còn là những niềm tự do, việc bị bóp chặt trong một xã hội giả dối. Cách nhau hơn 100 năm nhưng dường như những gì xảy đến với Marian cũng đang lặp lại cho Haley. Như một lúc nào đó, cô nói Tôi muốn biến mất như Marian; Tôi muốn mình nổi tiếng hơn bao giờ hết; tôi muốn nói một điều gì đó quan trọng về nỗ lực và tự do; Tôi muốn có nỗ lực và tự do, nhưng tôi không biết nó nghĩa là gì – Tôi chỉ biết rằng mình đang giả vờ rằng mình biết, tôi đoán là mình đang diễn.

NHỮNG CUỘC NÁU MÌNH

Vượt thoát khỏi sự kềm kẹp của Barclay lần đầu, khi thế giới bắt đầu xoay trục vào Thế chiến thứ Hai, Marian đã quyết định tham gia vào tầng lớp những nữ phi công phục vụ chiến tranh. Cô đến những trại huấn luyện tại London, thăng dần từng cấp huấn luyện để được lái những chiếc máy bay quy mô nhất mà nữ giới có thể lái thời bấy giờ. Ngay cả trong một cuộc chiến yêu nước, cho việc đấu tranh giải phóng con người, thì sự hoài nghi của các nam phi công cũng như ánh mắt cho những người phụ nữ vẫn luôn dè chừng và e ngại.

Tại đây, với một đời sống hết mình mà chỉ còn một vài khoảnh khắc trước khi số mệnh định đoạt, Marian làm quen Ruth - một cô bạn gái cũng giống như cô. Họ đến những quán bar với các chàng trai và những cô gái. Marian đột nhiên cảm thấy trong mình một khao khát nào đó, với Ruth, và với những người phụ nữ. Từng một lần được tiếp xúc bằng những động chạm rất nhỏ bởi một phụ nữ trong khách sạn đóng kín ở Cordova, sợi dây gắn kết với Ruth khiến Marian đâm ra hoài nghi, e sợ, nhưng rồi cuối cùng cô cũng hiểu rằng đó là một tình yêu thuần khiết, chân thành, của những nỗi niềm vốn từ lâu chôn giấu, nay gặp đất và phát tán lên.

Hai người họ kình chống, đấu tranh rồi cuối cùng cũng lao vào nhau. Khi chiến tranh đang dần đi đến ngày tàn, Ruth chết trong một trận đánh, Jamie chịu cảnh chìm tàu khi đang làm họa sĩ trong quân đội; tất cả đã ảnh hưởng lên Marian, khiến cô không còn có thể gượng dậy sau những mất mát. Dẫn đến chuyến bay cuối cùng được tài trợ bởi nhà Feiffer - gia tộc đã gây nên cuộc chìm tàu khi xưa, vào năm 1950 theo chiều dọc qua hai cực Bắc - Nam của địa cầu với hoa tiêu Eddie – chồng hợp pháp của Ruth - người cũng không còn lại gì sau cái chết của vợ, dẫu cho anh cũng đam mê những người đàn ông khác, và bị một thời đại mới ghê tởm. Cuối cùng cả hai đã dừng lại ngoài khơi New Zealand, khi Eddie đã từ bỏ, còn Marian tiếp tục cuộc náu mình thứ hai, dài nhất, và là cuối cùng của mình.

KẾT

Có thể thấy một cách rõ ràng, bằng việc khai thác độ dài tiểu thuyết một cách hợp lí, Maggie Shipstead đã viết nên một tiểu thuyết đầy biến động của số phận con người, của số mệnh và lịch sử để lại. Từ miền Tây nước Mỹ thời kì cấm rượu cho đến Alaska băng giá; từ hai cuộc Thế chiến đến phim trường Hollywood còn nhiều mặt trái; cuốn tiểu thuyết này lớn và có những xung động vô cùng nặng dấu ấn về tính nữ, sự tự do, khát khao yêu đương cũng như một thời đại của nhiều niềm đau. Maggie Shipstead vừa sâu và nông, biến Great Circle thành một cuốn sách dễ dàng để lại dư vị cho mỗi người đọc.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)